Chùa Dạm là ngôi chùa cổ với ngàn năm tuổi nằm ven sườn phía Nam núi Đại Lãm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh). Dù đã trải qua bao biến cố thời gian, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được những vết tích gợi nhắc về một công trình kiến trúc từng được mệnh danh là đại danh lam thắng cảnh thời nhà Lý.
“Ai về thăm đất quê em
Mà lên núi Dạm xem tiên đánh cờ”.
Nội Dung Chính
Kiến trúc chùa Dạm
Chùa Dạm có diện tích khoảng 7.200m2, với bốn cấp cao dần kéo một trục dài 120m bám theo triền dốc của núi Dạm, chiều rộng mặt nền 70m.
Các cấp nền chùa đều có xếp đá chống xói lở, chân hơi choãi, chếch khoảng 70 độ và cao 5 – 6 m, đường xuống mỗi cấp của chùa gồm 25 bậc đá. Đá xếp đẽo gọt vuông vắn như viên gạch dài rộng chừng 50cm – 60cm.
Nối các tầng nền với nhau là các bậc thềm lát đá. Trên các tầng nền có gạch ngói thời Lý, hoa văn hình rồng, phượng, sen dây, cúc dây. Những chân cột bằng đá 0,75m x 0,75m chạm nổi những cánh sen rất nghệ thuật.
Lên cấp nền đầu tiên mà dân địa phương gọi là Bãi Hội, khách đi bằng một lối cửa, tầng bậc cao, cả khoang bậc rộng 16m.
Lên lớp nền thứ hai có ba lối hẹp hơn, tầng bậc thấp hơn. Lên lớp nền thứ ba và thứ tư đều chỉ có hai lối hẹp. Kè đá ở cấp nền thứ hai là nền chùa chính. Trên đá xây có chạm hoa văn sóng nước, nét hoa văn to nổi khối do chạm sâu.
Trên nền tầng này, ở khoảng giữa ba lối cửa, bên phải chùa có khu đất vuông được dựng một tấm bia trên lưng rùa.
Đối diện với khu đất vuông này qua lối cửa giữa, bên trái cũng có một khu đất nổi, nhưng hình tròn đường kính khoảng 4,5 m, cao 1 m, cũng kè đá chạm hoa văn sóng nước Lý.
Phần trên khu đất tròn này, dựng một cột đá lớn nguyên khối, không kể phần chôn sâu chìm, tất cả cao gần 5m.
Cột đá – Nét đặc sắc của chùa Dạm
Cột đá chùa Dạm là một tuyệt tác của thời Lý, đây còn là tuyệt tác của lịch sử nền mỹ thuật Việt, trong suốt nhiều năm qua, vấn đề giải mã ý nghĩa cột đá này đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau.
Nằm trên cấp nền thứ hai bên trái của chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), cột đá chùa Dạm được xây dựng vào thế kỉ thứ 11, được coi là hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất của nhà Lý còn tồn tại đến nay.
Cột có chiều cao hơn 5m (chưa tính phần chìm dưới lòng đất), nặng trên 40 tấn, gồm hai phần: phần cột và phần bệ đá.
Phần bệ đá
Phần bệ đá gồm hai cấp cao 0,80m, đường kính chân bệ khoảng 4,5 m, được chạm hoa văn sóng nước thời Lý.
Phần cột
Phần cột được chia thành 3 phần. Phần dưới là khối hộp vuông 1,35m x 1,60m có những vết đục nhám thô phác. Trụ tròn phía trên có đường kính 1,35m.
Phần trụ tròn là nơi tập trung tinh hoa mỹ thuật của cột đá, được chạm nổi đôi rồng theo đồ án “lưỡng long hiến châu”. Đây chính là điểm nhấn của phần thân cột đá, và cũng là nét đặc trưng mỹ thuật thời Lý.
Đầu rồng nhô cao chầu nhau, miệng ngậm ngọc, được chạm khắc với những hoa văn vô cùng tinh xảo. Chân trước cặp rồng chụm lại dâng một viên ngọc cùng cỡ với viên ngọc ngậm ở miệng.
Toàn thân rồng có vẩy khép, uốn lượn nhịp nhàng, mềm mại. Chân rồng có 5 móng, cong và nhọn sắc như móng chi. Đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau, uốn quanh thân cột.
Ở những khe trống, người thợ xưa còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để “trám” vào những chỗ trống cho thêm phần hài hòa, sinh động. Phần trên cùng trụ tròn có những lỗ mộng, có thể là kết cấu đảm bảo cho vấn đề chịu lực của hệ thống dầm cho hệ thống công trình phía trên đỉnh cột mà nay đã mất đi.
Lễ hội chùa Dạm
Lễ hội chùa Dạm được tổ chức hàng năm cứ vào ngày 7 tháng 9 (âm lịch). Lễ hội đã trở thành hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh ăn sâu trong tiềm thức của người dân địa phương. Trong 3 ngày, rất nhiều người dân và du khách thập phương nô nức về trẩy hội, thành tâm lễ Phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp của ngôi chùa cổ.
Vào ngày chính hội mùng 8 tháng 9, các thôn quanh núi Dạm như: Sơn Nam, Môn Tự, Sơn Trung, Triều Thôn và Tự Thôn đều có phong tục rước kiệu Thành Hoàng làng lên đền “Bà Tấm” (tức đền Vua Bà thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan) để yết kiến “Vua Bà”. Kiệu Thần của các thôn được rước lên chùa tập trung tế lễ theo nghi lễ truyền thống.
Lễ vật dâng lên “Vua Bà” bao giờ cũng phải có bánh chưng, bánh dày. Sau khi tế lễ ở chùa xong, kiệu của làng nào được rước về đình của làng đấy, sau đó tiếp tục tế lễ và mở hội. Sau phần lễ được diễn ra trang nghiêm, phần hội được tổ chức sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, cà kheo, thi dệt vải, thi cỗ, đập niêu, chọi gà… và thưởng thức những làn điệu quan họ đối đáp ngọt ngào, mượt mà của các liền anh, liền chị.
Chùa Dạm là trung tâm Phật giáo lớn và cũng là một trung tâm của thần thoại, cổ tích, dân ca và lễ nghi tín ngưỡng.