Hãy tạm gác lại những bộn bề cuộc sống, vất vả mà lo toan mỗi ngày để dừng chân ghé thăm ngôi chùa Hương Tích lừng danh vùng quê Hà Tĩnh.
Mỗi dịp đầu năm mới vẫn luôn dành cho những lễ hội lớn, ngày mà du khách thập phương khắp nơi trên cả nước về lại nơi đây để trẩy hội, gửi chút lòng thành cầu mong cho một năm mới bình an và hạnh phúc.
Chẳng những là nơi chốn tâm linh mà chùa Hương Tích còn được ghi danh vào một trong 21 danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất Việt Nam.
Nội Dung Chính
CHÙA HƯƠNG TÍCH HÀ TĨNH
Đường về ngôi chùa lừng danh này chẳng mấy khó khăn, nằm trên con đường tới núi Hồng Lĩnh, du khách có thể đi theo con đường quốc lộ 1 chừng 7 km là tới.
Chùa tọa lạc ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Một trong 2 ngôi chùa Hương nổi tiếng nhất cả nước và được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” hàng năm đón cả vài nghìn du khách tới thăm quan, thắng cảnh.
Đặc biệt vào những ngày hội chính, chùa trở nên đông vui náo nhiệt hơn bao giờ hết. Hàng loạt những đoàn người qua lại, dâng hương lễ cầu mong cho bản thân một năm đầy may mắn, tài lộc.
Một trong văn hóa tâm linh của người Việt, ngôi chùa càng trở nên thiêng liêng hơn trong lòng mỗi người dân Hà Tĩnh bởi truyền thống lâu đời, và những người đã có công ơn với vùng đất này được thờ phụng trong chùa.
SỰ TÍCH VỀ CHÙA HƯƠNG TÍCH
Chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, gắn liền với sự tích công chúa Diệu Thiện hay còn được gọi là Bà Chúa Ba – con gái của vua Trang Vương nước Sở tới đây để tu hành và đắc đạo thành Phật.
Tương truyền rằng, khi xưa vua Trang Vương nước Sở sinh được 3 cô con gái là công chúa Diệu Ân, Diệu Duyên và Diệu Thiện.
Khi lớn lên và tới tuổi trưởng thành, 2 cô công chúa là Diệu Ân và Diệu Duyên nghe theo lời vua cha kết hôn với vị quan trong triều đình. Sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vua nước Sở rất hài lòng về cả 2 cô con gái này, ấy vậy nhưng khi Diệu Thiện – cô công chúa thứ 3 của ngài lại một mực không nghe lời vua cha.
Nàng lớn lên và cũng như sắp đặt giống như 2 người chị trước của mình, vua Trang Vương muốn gả cô cho một vị tướng quân trong triều để lấy chỗ nương tựa khi về già.
Nhưng Diệu Thiện một mực không nghe lời cha, bởi nàng biết rõ vị tướng quân đó là một người có bản tính độc ác và hung bạo. Đã từng nhiều lần thưa với vua cha về việc này, nhưng nhà vua nhất quyết không tin lời công chúa.
Buồn lòng vì chẳng thể chấp nhận mối lương duyên với một người như vậy, công chúa bèn bỏ đi nương nhờ nơi cửa Phật tại ngôi chùa Hương Tích.
Nhà vua biết việc đó rất tức giận đã bỏ mặc cho cô con gái út sống cực khổ vì đã không nghe theo lời cha. Nhưng nào ngờ, tên tướng quân kia một mực chẳng chịu từ bỏ, cố quyết tâm phải lấy cho bằng được công chúa Diệu Thiện.
Hắn đã thưa với nhà vua rằng sẽ lên chùa đón nàng về. Lên tới nơi, hắn dùng đủ mọi lý lẽ thuyết phục mà công chúa vẫn không chịu ra, vốn bản tính đã độc ác nên hắn đã châm lửa đốt chùa buộc công chúa phải chạy ra.
Nào ngờ đâu, công chúa và những vị ni cô trong chùa được đức Phật chở che cho thoát kiếp nạn. Phật sai Bạch Hổ đưa công chúa trốn sang nước Việt Thường Thị để thu hành trên ngọn núi Hồng Lĩnh (ngày này là chùa Hương Tích).
Một thời gian sau, cô đắc đạo và nổi danh khắp vùng là vị sư cô từ bi, bác ái và lương thiện.
Thời gian sau đó, từ khi công chúa Diệu Thiện bỏ đi, nhà vua vì quá thương nhớ cô con gái nhỏ bé này, thương con chịu cực khổ mà sinh bệnh nặng. Thần y khắp chốn chẳng thể chữa trị nổi.
Rồi một tin đồn trong dân gian rằng chỉ cần xin mắt và tay của vị ni cô đắc đạo nổi tiếng nước Việt Thường Thị là bệnh nhà vua sẽ trị khỏi. Biết tin người vua cha đang bệnh nặng, công chúa chẳng chút chần chừ mà hi sinh để chữa khỏi bệnh cho cha.
Và rồi, bệnh nhà vua được chữa khỏi nhanh chóng, ngài bèn sai người đi cảm tạ vị ni cô nhưng cũng chính lúc đó, ngài biết đó là cô con gái út của mình đã bỏ đi bấy lâu nay.
Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của công chúa Diệu Thiện, Đức Phật đã ban cho cô tay và mắt sau đó hóa thành Phật Quan Âm trên đỉnh núi Hồng Lĩnh.
THAM QUAN CHÙA HƯƠNG TÍCH
Chùa Hương Tích là cả một quần thể văn hóa tâm linh cổ của người Việt, nơi lưu giữ của nhiều bức tượng Phật hàng nghìn năm tuổi.
Cung Tam Bảo – nơi quy tụ của 50 bức tượng Phật mà chẳng thể xác định chính xác được độ tuổi của những bức tượng. Chỉ biết rằng, tượng đã có từ rất lâu đời, trải qua cả nghìn năm lịch sử cùng bao sự đổi thay của đất nước.
Đặc biệt hơn cả, khi tới đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ kính tại chùa từ những viên gạch lát thờ Trần, chuông chùa từ thời nhà Lê,…. Tất cả như khoác lên vẻ cổ kính và trang nghiêm của ngôi chùa.
Chùa bao gồm nơi thờ Phật, điện thờ Thần và cung mẫu được chia làm 3 nơi chính là: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu.
Xung quanh quần thể chùa được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ lâu đời, rợp bóng mát quanh một khoảng trời xanh. Càng leo lên cao, chùa càng trở nên tuyệt sắc trước cảnh đẹp hùng vĩ nơi ngọn núi Hồng Lĩnh.
Từ những pho tượng phật, mái ngói, viên gạch,… đều như chẳng bị thay đổi hay cũ kỉ qua thời gian, sau những lần chiến tranh tàn phá. Người dân ở nơi đây vẫn thường bảo, chùa là nơi được Đức Phật chở che nên trải qua bao giông tố vẫn trầm tư mà huyền ảo đến lạ thường.
LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG TÍCH
Hàng năm, cứ vào dịp mùa xuân du khách khắp nơi đã nô nức tới tham quan, trẩy hội. Mùng 6 tháng giêng, chùa đã khai hội với nhiều hoạt động mang đậm nét truyền thống dân gian như chọi gà, kéo co, đấu vật,..
Nhiều đoàn người ngược xuôi trên chiếc thuyền để về hội chùa Hương, nô nức mà đông vui trong tiếng cười nói của du khách gần xa.
Mọi người thường chọn đi cáp treo lên đỉnh núi, vừa được tham quan ngắm cảnh đẹp mà còn tiện lợi.
Nhiều bạn trẻ chuẩn bị lễ vật, hương hoa để dâng lên chùa, chỉ mong cầu một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Đâu đó còn bắt gặp hình ảnh dòng người nghỉ chân ven đường, những giọt mồ hôi còn đọng lại trên gò má mà nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt.
Lễ hội chùa sẽ kéo dài tới hết ngày 19 tháng 2 âm lịch, như một nét văn hóa truyền thống của người Việt, chùa Hương Tích Hà Tĩnh bấy lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách tham quan mỗi năm.