Chênh vênh trên miệng núi lửa Bromo!
Mình luôn tâm niệm rằng ngày hôm nay là một món quà mà thượng đế ban tặng, tuổi trẻ chỉ đến một lần và mình đã đi núi lửa các bạn ạ. Ngẫu hứng chả có một kế hoạch gì nhưng giờ mình ngồi đây viết cho các bạn về cảm nghĩ và kinh nghiệm của chính bản thân mình rút ra nhé
Sau chuyến tàu đêm dài từ Yogjakatar đến Surabaya, chúng mình tiếp tục nhảy lên tàu đi Probolinggo – Nhà ga thần thánh đưa mọi tín đồ du lịch bụi muốn đặt chân đến Bromo
Ngôi làng Bromo hẻo lánh nằm cách ga Probolinggo tầm 4 tiếng đống hồ chạy xe đường đèo từ đồng bằng lên núi. Nhưng nhờ có nó mà khu vực này ngày một trở nên nhộn nhịp vì đơn giản đây là một trong những ngọn núi lửa còn hoạt đông vẫn mở cho du khách tham quan thám hiểm.Ngay khi bước chân xuống ga Probolinggo, các bạn hãy ra ngay Tourist Information Counter nhé, đây là quyền lợi của mình khi đi du lịch nên đừng bỏ qua nó nhé tránh bị lừa đảo như một số bài review( đùa chút thôi, không bị lừa đâu nếu mình là người tinh khôn). Có 2 cách để đi từ ga Probolinggo lên Bromo nhé: tự đi thì đi bộ mất khoảng 2 km đến chỗ bắt xe hoặc đi một chiếc xe màu vàng đưa đến một văn phòng tour du lịch địa phương và mua tour nhưng vẫn phải di chuyển tiếp ra chỗ bắt xe nhé. Vì chỉ có duy nhật 1 xe van 14 chỗ lên Bromo Crater cho dân du lịch bụi thôi. Giá 550.000 rupiah cho cả xe đợi đủ khách thì đi hoặc bạn có điều kiện thì thuê nguyên chuyến thôi. Đường lên Bromo quanh co lắm, mất tầm 3-4 tiếng xe chạy và hàng ngày chỉ có 1 xe đi lên từ trưa và về ga Probolinggo lúc 10h30 sáng thôi
Sự nỗ lực đặt tour rẻ nhất có thể là đây các bạn ạ. Anh giai bán tour gạ bọn mình mua tour Bromo – Ijen với giá 1.400.000 rupiah cho 1 người bao gồm(khách sạn 2 đêm+ ăn uống+ đi Jeep leo núi+ xe đưa đón + vé vào cửa các khu thăm quan leo trèo). Và thật thần thánh mình đã mặc cả xuống còn 1.400.000 rupiah cho 2 người với điều khiện không ở khách sạn Bromo và không đi jeep vì mình còn trẻ mà, mình leo được mình làm được. Cung cấp thêm cho anh em là vé vào Bromo là 250.000 rupiah và vé vào Ijen là 100.000 rupiah nhé còn lại là ăn uống ở đi lại để anh em thấy mình mặc cả siêu như nào.
Người ta nói, sáng sớm trên đỉnh Bromo lạnh kinh khủng, dù là núi lửa nhưng cái lạnh của vùng núi cao, cái lạnh của sương mai như thấm vào cơ thể nhưng tuổi trẻ vẫn cứ là đam mê và liều lĩnh. 2 giờ sáng chả ai bảo ai, chúng mình lao ra ngoài trong đêm tối, men theo con đường mòn từ chỗ Cafe Lava cứ thế đi lên điểm đầu tiên ngắm bình minh. Đoạn đường dốc có chỗ lên đến 60 độ vừa leo vừa thở vừa mơ về những tia nắng đầu tiên trên đất nước vạn đảo. Trên quãng đường đi, có vài chiếc xe Jeep đi qua mang những con người có tuổi và ngại leo trèo cùng niêm tin về buổi bình minh diệu kỳ trên núi lửa. Gần 4 giờ sáng, chúng mình là những người đầu tiên có mặt ở View Point cũng với mấy tay săn ảnh người bản địa. Cái khoanh khắc mặt trời nhe nhóm lên, một là sương mờ ảo dần tan đi để lại khung cảnh chia đôi giữa những ngôi làng yên bình nằm dưới chân núi lửa. Mình bỗng bồn chồn, trên con đường ngao du của bản thân, có lẽ đây là khoảnh khắc tựa trẻ con khi đạt được giấy mơ nhìn thấy mặt trời bay ra từ núi trong những câu chuyện kể của bố ngày xưa.
Những bước đi chênh vênh trên miệng núi lửa như thể ước mơ đã đạt được và tuổi trẻ đi qua không còn gì hối tiếc nữa các bạn ạ. Mải mê với khung cảnh hùng vĩ thì các bạn nhớ xuối núi trước 10 giờ nhé. Không thì không còn xe nào đưa đi trung tâm đâu. Nếu các bạn yêu Bromo quá thì cứ tung tẩy thôi. Mình thì đã đặt xe đi Ijen nên phải nhanh chóng xuống núi và đi ra Ijen vì thời gian chuyển khá dài đó ạ
Săn lửa ma trơi giữa đêm Ijen!
Ijen là tên hồ Axit nằm trên núi lửa cao so với mực nước biển nhưng mình thích gọi Ijen là vực thiên đường, vì leo núi mà cảm giác như đi xuống vực vậy
Đường lên Ijen cũng ảo diệu không kém, quanh co khúc khuỷu, bởi vậy người ta mới nói đường lên thiên đường đôi khi phải trải qua địa ngục. Hồ Kawah Ijen nằm ở độ cao trên mặt nước biển 2.300m. Mặt hồ có bán kính rộng khoảng 361m, sâu 200m. Trong hồ chứa tới 36 triệu m3 nước axit. Tuy mặt hồ có màu xanh nhưng lúc nào cũng được bao phủ bởi một làn khói trắng đậm đặc, tạo cảm giác ngột ngạt. Không khí tại khu vực này cũng khắc nghiệt không kém bởi axit bốc mùi trứng thối (mùi của hợp chất lưu huỳnh – H2S). Sở dĩ nồng độ axit tại đây cao là vì ngay cạnh đó có một mỏ lưu huỳnh khổng lồ.
1 giờ sáng, bác tài lùa cả bọn tây ta tàu lẫn lộn dậy với câu nói đầy khiêu khích:”Guys, let’s start to see the Ijen sunrise”. Húp vội tách cafe nóng và lát bánh mì mỏng tang, chúng mình lao lên xe lao vun vút trong đêm tối với cơn mơ chạm vực thiên đường.
Đường đi dốc đứng, có đoạn mình cảm giác phải 70,80 độ mất, chúng mình cứ lao đi và đi cố gắng không để cơn buồn ngủ hạ gục và cái lạnh của màn sương đêm ngấm vào da thịt tê tái. Anh guide vốn là một thợ mỏ, với vốn tiếng anh đủ dùng nên kiêm thêm nghề dẫn khách đi ngắm cái nơi anh làm việc, vừa đi vừa động viên 2 con bé Việt Nam bé bỏng cố lên, cả đoạn đường cứ chắc mẩm câu nói của anh để lê lết bước chân chạm vực thiên đường:
“Have you trekked Bromo? Trust me, Ijen is more unbelievable.”
Đến nơi, không gian tối tăm bao chùm, thi thoảng lóe lên những tia lửa xanh mà được gọi là milkyway(không biết nên dịch là gì) sản phẩm của việc đốt lưu huỳnh. Hơn tất cả là mùi lưu huỳnh vô cùng khó thở phà vào mặt đám khách du lịch đã đeo mặt nạ nhưng chả hề hấn gì với những người thợ mỏ đang ngày ngày mưu sinh. Những con người nhỏ bé cứ cặm cụi khai thác, khuân vác hàng chục cân đất đá mỗi ngày chỉ nhận về chưa đến một USD tiền công, màu khói lưu huỳnh như nhuộm xạm cả làn da màu cát cháy và cái lạnh thấu của sương sớm như bao chùm lên họ nỗi lo toan nhọc nhằn về một tương lai sáng sủa hơn trên mảnh đất này.
Khi bình minh lên, làn khói trắng và mây mù huyền ảo cứ mờ dần và hiện lên một Kawah Ijen xanh ngọc bích đẹp lung linh tựa thiên đường trong lòng núi lửa. Cả quãng đường vất vả leo lên ,hơi thở dốc kèm theo mùi lưu huỳnh đặc quánh có mặt nạ cũng không thể chịu nổi như dần tan biến để lại khoảnh khắc chiêm nghiệm chẳng thể nào quên trong cuộc đời.
Ngạn ngữ Anh có câu mà mình tâm đắc cho đến tận bây giờ. Mình còn trẻ mình phải sống trọn đam mê:
“Yesterday is a history. Tomorror is a mystery. But today is a gift. That why its called the present. Present is a present.”
Vâng, hiện tại là một món quà!