Chùa Bích Động – Ngôi chùa độc đáo có một không hai tại Ninh Bình

Chùa Bích Động lối vào

Chùa Bích Động nằm trong lòng của khu du lịch Tam Cốc Bích Động. Hàng năm nơi đây thu hút hàng vạn lượt người tới thăm quan bởi vẻ đẹp cuốn hút và cấu trúc có độc đáo có một không hai.

Hãy cùng mình đến khám phá ngôi chùa nằm trong lòng hang động được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động” này nhé!

Chùa Bích Động ở đâu?

Chùa Bích Động nằm trong khu du lịch Tam Cốc Bích Động. Khu danh thắng này nằm trên địa phận xã Ninh Hải, Ninh Bình. Tam Cốc Bích Động chỉ cách quốc lộ 1A 2 km, trung tâm thành phố 7 km và cách thành phố Tam Điệp 9 km.

Chùa Bích Động ở đâu?

Ngoài chùa Bích Động nơi đây có tọa lạc rất nhiều địa danh lý thú khác nhau như Tam Cốc, Cố Viên Lầu, thung Nắng, thung Nham, hang Múa.

Đường tới chùa Bích Động

Vì Ninh Bình nằm ngay tại trục quốc lộ 1A nên bạn rất thuận tiện trong việc di chuyển. Bạn có thể chọn phương tiện cá nhân hay công cộng cho chuyến đi tùy vào khả năng của bản thân.

Đối với phương tiện cá nhân bạn chỉ cần đi đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình (đối với ô tô) và đường quốc lộ 1A cũ (đối với xe máy) là có thể tới được trung tâm thành phố Ninh Bình rồi.

Từ trung tâm thành phố bạn có thể bắt taxi hoặc xe ôm tới khu du lịch Tam Cốc Bích Động hoặc đi theo biển chỉ dẫn là tới nơi rồi.

Chùa Bích Động

Chùa Bích Động đã xuất hiện từ thời Hậu Lê năm 1428 với quy mô là một ngôi chùa nhỏ nằm trên đỉnh núi.

Đến năm 1705, có hai vị huynh đệ hòa thượng kết nghĩa tên Trí Kiên và Trí Thể quê ở huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định tới đây giảng đạo. Thích thú với cảnh sắc nơi đây cùng với tấm lòng mộ đạo muốn truyền giáo mà hai nhà sư đã quyết định ở lại nơi đây để tu hành.

Nhờ có sự giúp đỡ của nhân dân trong vùng, hai vị đã sửa sang lại ngôi chùa nhỏ trên đỉnh núi sau đó xây thêm hai ngôi chùa nữa. Bích Động trở thành một quần thể ba ngôi chùa Hạ, Trung, Thượng nằm dọc theo sườn núi.

Vào năm 1707, hai nhà sư còn cho đúc một quả chuông lớn để treo lên trần Động Tối ngay ở miệng hang.

Chùa Hạ

Chùa Bích Động chùa Hạ
Chùa Hạ

Chùa Hạ được xây dựng trên một nền cao bằng phẳng ngay tại chân núi. Đấy cũng chính là nguyên do chùa được gọi là Chùa Hạ.

Chùa Bích Động Chùa Hạ 1
Chùa Hạ ở một góc chụp khác

Chùa có 5 gian và được xây theo kiểu chữ Đinh đặc trưng của thời kì đó. Toàn bộ chùa được xây dựng bằng những khối đá lớn xếp lên nhau chứ không có chắp nối gì. Phần kèo đỡ của chùa đều dùng gỗ lim. Chùa có 2 tầng và 8 lớp mái, phần góc được lợp lên cong vút – một kiểu mái thường được bắt gặp tại các ngôi chùa cổ Bắc Bộ.

Chùa Trung

Từ chùa Hạ leo lên hơn 100 bậc đá là bạn đã đặt chân được tới chùa Trung rồi. Chùa nằm ngang hông dãy Ngũ Nhạc. Khi đặt chân tới đây điều đầu tiên bạn nhìn thấy sẽ là hai chữ Bích Động được tạch ngay vào vách núi trước mặt.

Chùa Bích Động chùa Trung
Chùa Trung

Chùa Trung trải qua ba giai đoạn với những cái tên khác nhau trong suốt thời gian tồn tại.

Giai đoạn đầu tiên là từ năm 1428. Khi ấy chùa mới được xây dựng và với cấu trúc động đáo một phần ẩn trong động nên người dân vẫn thường gọi đây là chùa Động

Giai đoạn thứ hai là từ năm 1740. Vua Lê Hiển Tông đã ra lệnh cho người xây dựng và mở mang diện tích chùa. Nhà vua cũng ban luôn cho nơi đây một cái tên mới là Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng.

Giai đoạn cuối cùng là từ thế kỉ XIX, trong một lần tới đây và cảm thán trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, vua Tự Đức đặt lại tên thành cho chùa thành Bích Động.

Chùa Bích Động chùa Trung 1
Chùa Trung thu hút nhiều du khách tới vãn cảnh

Chùa Trung chính là trung tâm, là linh hồn của cả quần thể chùa Bích Động bởi kiến trúc độc đáo có một không hai. Một nửa chùa ẩn giấu trong động còn nửa còn lại thì lộ thiên đón ánh sáng. Từ đây bạn chỉ cần đi thêm 21 bậc đá nữa là tới cửa Động Tối, động chính của Bích Động.

Chùa Thượng

Là ngôi chùa cao nhất trong quần thể chùa Bích Động, từ chùa Trung bạn còn phải làm thêm 40 bậc đá nữa mới tới được chùa Thượng. Ngoài cái tên chùa Thượng thì chùa còn được gọi bằng cái tên khác là chùa Đông.

Chùa Bích Động chùa Thượng
Chùa Thượng – Ngôi chùa Bích Động nguyên bản

Bởi vì chùa nằm trên đỉnh núi nên từ đây bạn có thể phóng tầm nhìn đi khắp một miền rừng núi và đồng lúa của Ninh Bình. Quay một vòng bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn cái đẹp của không gian nơi đây. Xung quanh núi Bích Động còn được bao bọc bởi 5 ngọn núi như một đài sen 5 cánh được dân gian gọi là Ngũ Nhạc Sơn (bao gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa)

Đây là một ngôi chùa được coi là độc đáo nhất nhì tại Việt Nam. Chùa Thượng thờ phật Quan Thế Âm. Hai bên có ngôi miếu nhỏ bên trái thờ Thổ Địa bên phải thờ Đức Sơn Thần. Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có đặt một bể nước. Người dân lưu truyền đây chính là “bể nước Cam Lộ” của Quan Âm Bồ Tát.

Bích Động

Nằm cách bến đò Tam Cốc khoảng 2 km, Bích Động bao gồm Động Tối nằm ở lưng chừng núi và Xuyên Thủy Động là một hang động nước đâm xuyên núi

Bích Động có nghĩa là “hang động màu xanh ngọc bích”. Cái tên này được đặt vào năm 1773 bởi tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Danh xưng “Nam thiên đệ nhị động” cũng được ra đời vào khoảng thời gian đó. (Hang động xếp đầu tiên là động Hương Tích ở Hương Sơn hiện thuộc quần thể di tích chùa Hương và xếp thứ ba là động Địch Lộng ở Kẽm Trống)

Động Tối

Động Tối là hang động chính của Bích Động. Động cao tới 8m, nằm ở lưng chừng núi và đây cũng là nơi đặt chùa Trung.

Chùa Bích Động chuông động Tối
Chiếc chuông treo trên trần động Tối

Trên trần phía gần cửa động có treo chiếc chuông đồng lớn được hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thế đúc trong khoảng thời gian xây dựng chùa. Đường đi lên động gần như thẳng đứng do cửa động có dáng như cầu vồng.

Chùa Bích Động ban thờ động Tối
Ban thờ đặt trong Động Tối

Lòng động Tối rộng và được thắp sáng bởi hệ thống đèn điện. Gần cửa động có đặt tượng Đức Phật Di Đà và tượng Văn Thù Bồ Tát. Nhìn sang phía bên trái bạn có thấy bức tượng Quan Âm Bồ Tát.

Bước vào trong động bạn sẽ phải trầm trồ trước khung cảnh như một thế giới cổ tích thu nhỏ. Nhiều người còn gọi động Tối là một ngôi chùa Thiên tạo bởi cấu trúc dường như được đặc biệt tạo ra để dựng chùa.

Xuyên Thủy Động

Xuyên Thủy động là hang động còn lại trong Bích Động. Động tối và ngập nước trải dài quãng đường dài khoảng 350m xuyên qua núi Bích Động. Trung bình bề rộng của Xuyên Thủy Động là 6m, nơi rộng nhất lên tới 15 m.

Trần động cao và có vách bằng phẳng tạo thành một vòm cung hoàn hoàn với nhiều nhũ đá lấp lánh rủ xuống lòng sông.

Chùa Bích Động Xuyên Thủy Động
Lối vào Xuyên thủy động

Lối vào động nằm ở sau núi đối diện đường vào chùa Bích Động và đi lên Động Tối phía trên nên sau khi thăm thú Xuyên Thủy Động bạn có thể ghé vào bờ để tiện thăm quan chùa luôn nhé.

Khi thăm Bích Động bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc hữu tình nơi đây với nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn theo sườn núi và những cánh đồng lúa trải dài cánh cò bay. Vậy nên khi đến đây bạn đừng quên bỏ ra vài phút để ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng như trong thơ ca này!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here