Đảo Cồn Cỏ – Huyện đảo nhỏ nhất Việt Nam được thành lập vào năm 2002 với diện tích 2,2km2 cách đất liền 28km đường biển.
Do là huyện đảo còn khá trẻ, lại là đảo quân sự, đóng vai trò quan trọng trong vấn đề chủ quyền biển đảo nên việc xin cấp phép ra Đảo Cồn Cỏ còn vướng phải nhiều trở ngại. Hiện nay có 3 cách chính đi ra Cồn Cỏ và tất cả đều phải xin giấy phép tại Đồn Biên Phòng cửa Việt.
Cách thứ nhất là đi tàu của Huyện đảo, cách này chi phí không quá đắt nhưng lại không chủ động về thời gian. Một tuần nếu không có phát sinh gì thì cán bộ Huyện đảo chỉ ra đảo 1 lần. Tàu Huyện đảo tên là Cồn cỏ 1 là tàu mình đã có cơ hội được đi
Cách thứ 2 là đi bằng tàu du lịch, tàu luôn luôn có nhưng vì mới khai thác nên giá hơi cao.
Cách thứ 3 là đi bằng tàu đánh cá của Ngư dân, cách này phù hợp cho đoàn đi đông và muốn trải nghiệm cảm giá mạnh. Vì đi cách này khá là nguy hiểm, tàu chòng chành, dễ say sóng. Chi phí thì bạn mặc cả trực tiếp với chủ tàu đánh cá.
Tổng chiều dài từ đất liền ra đảo là 28km nhưng sóng rất lớn kể cả những ngày biển yên nên thời gian di chuyển ra đến đảo là khoảng 2,5 giờ và kể cả những ai khỏe nhất cũng nên uống thuốc say sóng vì sóng Cồn Cỏ tưởng nhỏ mà có võ lắm luôn.
Tàu cập bến trên đảo cũng vừa là giờ trưa, chúng tôi được các anh bộ đội đưa đến nhà khách huyện đảo để nghỉ ngơi và chiều đi thăm quan. Các bạn đi thăm quan Cồn Cỏ nên liên hệ trước vì trên đảo có 2 nhà khách nhỏ thôi
Đi một vòng đảo Cồn cỏ có 5km thôi nên nếu bạn là người ưa thưởng ngoại hãy đi bộ hoặc mượn xe đạp của người dân hay bộ đội để đạp xe nhé. Nhớ ra tham quan Hải Đăng Cồn Cỏ. Không hiểu sao mình luôn có cảm giác kích thích khi được đặt chân lên những ngọn đèn biển kỳ vĩ ấy.
Trền đường đi dạo quanh đảo bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khu bờ kè lội nhẹ nhàng xuống bắt hoặc câu hải sản hoặc leo lên mấy cái khu đất mà được các anh bộ đội trên đảo giới thiệu là Hầm trú ẩn. Nơi đây vẫn có một vài di tích nhà nhiều cửa sổ thời chiến vừa là nơi trú ngụ lúc đạn bom vừa dễ dàng tháo chạy khi có tập kích. Các anh bảo khu bờ kè trước đây đẹp lắm nhưng giờ nước biển xâm thực khá nhiều trơ ra toàn sỏi đá thôi
Các bạn có thể theo các anh bộ đội đi lặn ngắm san hô. Bãi biển nhân tạo thôi nhưng san hô cũng nhiều mà đẹp lắm. Cũng có đầy đủ dịch vụ áo phao với kính lặn nhé, các bạn cứ yên tâm mà tận hưởng.
Dù là huyện đảo nhỏ nhất nhưng các cơ quan ban ngành ở đây cũng rất đầy đủ từ cục thuế, trạm y tế, nhà khách, đồn biên phòng, nhà thi đấu đa năng, rồi cả trường mầm non mang tên loài hoa nổi tiếng nơi đây – Hoa Phong Ba. Đồ ăn thì có hải sản tươi sống nhưng được chế biến kỹ càng, ngon mà rẻ lắm. Các bạn yên tâm không lo thiếu dịch vụ nhé.
Đảo Cồn Cỏ có khoảng 300-400 người thì trong đó có khoảng hơn 60 người dân còn lại là bộ đội. Mãi đến cuối năm 2017, điện mới được nối đến toàn đảo, trước đó dân và quân đều phải dùng máy phát điện theo giờ thôi.
Càng ngày nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân tình nguyện ra đảo sinh sống, trồng trọt chăn nuôi làm đẹp hơn cho hòn đảo quân sự này.
Tuy nhiên, có những trận bão lớn như năm vừa rồi càn quét hết cả đảo. Bao nhiêu công sức của quân dân đổ cả ra biển nhưng họ vẫn quyết tâm bám đảo vì một tinh thần yêu nước luôn rực cháy
Chia tay Cồn Cỏ trở về đất liền, lòng đầy lưu luyền vì phong cảnh hoang sơ. Hơn tất cả, tình cảm quân dân Việt thấm đượm chảy dài trong tâm hồn những người trẻ như chúng tôi. Hẹn gặp lại Đảo Cồn cỏ một ngày không xa!