Ghé thăm ngôi đền thiêng tồn tại hơn 7 thế kỷ – Đền Trần Thương

Đền Trần Thương - ngôi đền tâm linh nổi tiếng tại Hà Nam

Hà Nam là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật, tâm linh trong đó không thể không kể đến đền Trần Thương. Ngôi đền này sau hàng thế kỷ nhưng vẫn tồn tại và giữ được những nét cổ xưa riêng biệt như thuở đầu được xây dựng.

Vị trí và nguồn gốc ngôi đền thiêng – Đền Trần Thương

Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc

Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Cổng Đền Trần Thương
Cổng Đền Trần Thương

Đây là nơi được Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm sinh phần sau khi đánh thắng quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ 2 (năm 1285).

Vì thế nơi đây thờ cúng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Nơi đây còn được Chính Phủ xếp hạng di tích Quốc gia Đặc biệt.

Đền Trần Thương di tích lịch sử cấp quốc gia
Bằng xếp hạng di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Trần Thương của Thủ tướng Chính phủ.

Giá trị lịch sử – văn hóa đền Trần Thương

Không biết bạn đã từng ghé thăm ngôi đền này hay chưa? Tại đây có câu thơ khắc ghi trên bức châm: “Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân” (đất Trần Thương lắm phúc, hoa quả bốn mùa xuân). Đây vốn là một mảnh đất khí thiêng hội tụ như câu nói dân gian vẫn hay vọng truyền: “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương”.

Đền Trần Thương mảnh đất linh thiêng
Đền Trần Thương – mảnh đất địa linh, trù phú

Tương truyền, trước kia nơi đây là một bãi sậy um tùm, dân cư thưa thớt, có 6 gò đất cao nổi trên mặt nước, cũng là trung tâm “lục đầu khê” có thể thuận tiện cho việc vận chuyển, cung ứng quân lương.

Từ đây có thể ngược sông Hồng đi Thăng Long rồi ra biển, qua sông Hồng về phía Đông khoảng 3km là khu Tam Đường nơi đặt lăng mộ của nhà Trần tại Hưng Hà, Thái Bình, về phía Nam khoảng 20 km là đền Trần – chùa Tháp thuộc tỉnh Nam Định.

Đền Trần Thương được xây dựng theo hình chữ Quốc trên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng” – như hình ảnh một người con gái tài sắc song toàn, nằm bái phục và nghiêng về phía Tây.

Toàn bộ cảnh quan Đền Trần Thương
Toàn bộ cảnh quan Đền Trần Thương

Ngoài giá trị lịch sử thì giá trị văn hóa của đền Trần Thương thể hiện ở lối kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên.

Điểm nhấn kiến trúc độc đáo của ngôi đền

Đền Trần Thương được xem là một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước mang đậm mang đậm nét kiến trúc đời Lý – Trần.

Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng…

Chất liệu chủ yếu xây dựng lên các cung là các cột lim to khỏe, vững chắc. Lối kiến trúc có những bức chạm đầu xà, đầu bẩy thể hiện “cúc hóa long” (hoa cúc hóa rồng) cực tinh xảo. Ngoài ra còn có các họa tiết như lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời…

Kiến trúc Đền Trần Thương
Họa tiết “Cúc hóa Long” (hoa cúc hóa rồng) và những họa tiết hình sóng nước, mây trời…

Giếng nước Hồ Khẩu nằm giữa cung đệ nhị và cung đệ tam, tai trạch của giếng nước này là nơi tiếp thu tinh túy của trời đất, giữ linh khí và linh vật thiêng của ngôi đền. Dưới giếng có nuôi các cụ rùa với mục đích “ngụ bái thần tướng” với ý nghĩa là thần kim quy gìn giữ đền giống như thần kim quy ngày xưa bảo vệ Cổ Loa thành.

Không chỉ có kiến trúc độc đáo, đồ thờ, cổ thư của ngôi đền cũng rất quý hiếm và đa dạng. Đặc biệt là pho tượng Đức Thánh Trần trong ban thờ hậu cung với vẻ mặt uy nghiêm của một vị “Thánh nhân” nhưng vẫn hiền hậu và thánh thiện. Tổng thể kiến trúc, cảnh quan đền Trần Thương gợi lên hình ảnh phủ đệ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

pho tượng Đức Thánh Trần Đền Trần Thương
Pho tượng Đức Thánh Trần

Lễ hội đền Trần Thương và lễ phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần

Lễ hội đền Trần Thương

Theo tục lệ, lễ hội đền Trần Thương hàng năm kéo dài trong 2 ngày từ 18 đến 20 tháng 8 âm lịch.

Vào ngày hội này tại đây thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương ghé thăm. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo và thu hút nhất là lễ rước nước và thi bơi chải trên sông.

“Diễn sướng Thanh đồng” – một lễ nghi đặc sắc có từ lâu đời của đền Trần Thương cũng diễn ra với sự góp mặt đông đảo của các đại diện đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Lễ hội đền Trần Thương
Lễ hội đền Trần Thương diễn ra vào tháng 8 âm lịch hàng năm

Lễ phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần

Vào đêm 18/2/2019 vừa qua, nghi lễ tái hiện lịch sử “phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba đã diễn ra với đông đảo người dân.

Lễ hội này được tổ chức duy nhất vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hàng năm.

Lễ phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần
Lễ phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.

Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đền Trần Thương quả là một địa điểm tâm linh kết hợp giữa kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên. Chắc hẳn khi du khách tới đây sẽ được cảm nhận không gian văn hóa linh thiêng và có những phút giây thanh tịnh nhất trong lòng mình!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here