Cho tôi xin một vé tới Tam Cốc Bích Động Ninh Bình – “Nam thiên đệ nhị động”

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình ảnh đẹp

Gắn liền với những cái tên mĩ miều như “vịnh Hạ Long trên cạn” hay “Nam thiên đệ nhị động”, Tam Cốc Bích Động Ninh Bình không còn là một địa danh mới lạ đối với các bạn trẻ. Thế nhưng dù cho đã không còn lại một cái tên mới mẻ nhưng sức hút của nơi đây vẫn chưa từng giảm sút.

Hãy cùng NếmTV khám phá xem điều gì làm nên nét hấp dẫn của Tam Cốc Bích Động Ninh Bình nhé!

Một vài nét về Tam Cốc Bích Động Ninh Bình

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình là một khu du lịch nằm cách quốc lộ 1A 2 km, cách trung tập thành phố Ninh Bình 7km và thành phố Tam Điệp 9 km. Phần lớn diện tích 350,3 ha của khu du lịch này nằm trên địa phận xã Ninh Hải.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình đi đò
Thăm quan Tam Cốc Bích Động Ninh Bình trên những con đò

Quần thể danh lam thắng cảnh này bao gồm nhiều địa danh khác nhau như Tam Cốc, Cố Viên Lầu, thung Nắng, thung Nham, chùa Bích Động, hang Múa.

Khu du lịch có tổ chức dịch vụ các tuyến tham quan quần thể danh lam bằng du thuyền, xe đạp hoặc đi bộ qua gần 20 điểm du lịch khác nhau. Khi đến tham quan nơi đây bạn có thể chọn hai cách sau đây để có thể thăm thú được khắp nơi

Khi chọn tham quan bằng du thuyền bạn có thể chọn giữa 3 lịch trình như sau:

  • Tuyến bến Văn Lâm – sông Ngô Đồng – Tam Cốc
  • Tuyến Xuyên thủy động (xuyên dưới Bích Động)
  • Tuyến Thạch Bích – thung Nắng

Nếu không đi du thuyền, các bạn có thể thăm quan những điểm du lịch sau bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc leo núi: Núi và chùa Bích Động; động Tiên; hang Múa; khu nhà cổ Cố Viên Lầu; đền Thái Vi – động Thiên Hương…

Thời gian thích hợp nhất để đến với Tam Cốc Bích Động Ninh Bình

Tùy vào thời gian cá nhân mà bạn có thể sắp xếp để đến du lịch tại Tam Cốc Bích Động Ninh Bình một cách hợp lí nhất. Tuy nhiên NếmTV xin đưa ra gợi ý một vài thời điểm lí tưởng trong năm để có một chuyến đi thăm quan nơi đây tuyệt vời nhất nhé!

Tháng 1 – 3 Âm lịch: Đây là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội như lễ hội chùa Bái Đính hay lễ hội Trường Yên ở Cố đô Hoa Lư vào ngày 8 – 10 tháng 3 Âm lịch. Đây chắc chắn là thời điểm lí tưởng nhất nếu bạn muốn đi du lịch vãn cảnh kết

Tháng 4: Thời tiết vào khoảng thời gian này tương đối khô ráo, có nắng vàng nhưng không quá nóng và khó chịu lại không hay mưa. Khi đi tham quan Tam Cốc Bích Động bạn sẽ phải ngồi trên thuyền 2 tiếng đồng hồ nên đây chắc chắn sẽ là thời điểm có thời tiết thích hợp nhất.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình mùa lúa chín
Tam Cốc Bích Động Ninh Bình mùa lúa chín vàng ươm

Cuối tháng 5 – Đầu tháng 6: Đây là mùa lúa chín ở Tam Cốc Bích Động.

Đến du lịch nơi đây vào mùa này bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh những ruộng lúa chín vàng ươm trải dài tới tận chân trời, một cảnh tượng mà dường như bạn chỉ có thể mong đợi được nhìn thấy trên phim ảnh.

Khám phá ngay những địa điểm đáng đến tại Tam Cốc Bích Động Ninh Bình

Như đã nói ở trên, quần thể danh thắng Tam Cốc Bích Động Ninh Bình bao gồm hai tuyến tham quan chính là đường thủy và đường bộ. Vậy nên NếmTV cũng sẽ giới thiệu các địa danh theo hai con đường này để các bạn có thể dễ hình dung hơn và tự mình lên được một kế hoạch thăm quan hợp lí nhé!

Tuyến tham quan bằng đường thủy

Tam Cốc

Tam Cốc có nghĩa là “ba hang”. Nơi đây bao gồm ba hang động: Hang Cả, hang Hai và hang Ba. Hệ thống động này được hình thành nhờ vào dòng chảy của sông Ngô Đồng xuyên qua núi.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình bến Tam Cốc
Bến đò Tam Cốc – Nơi khởi đầu cho chuyến đi khám phá nơi đây

Hang Cả là hang động dài nhất của Tam Cốc với độ dài 127m. Cửa hang rộng lớn, đón được nhiều ánh sáng nên khách tham quan có thể chiêm ngưỡng rõ ràng được rất nhiều nhũ đá long lanh nhỏ từ trên trần hang xuống tạo thành nhiều hình thù kì thú.

Cách hang Cả gần 1 km là hang Hai. Hang dài 60m và khi chèo thuyền ở trong hang bạn sẽ bắt gặp nhiều khối nhũ đá nhỏ từ trần xuống.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình
Ảnh chụp tại hang Cả
Tam Cốc Bích Động Ninh Bình hang Cả
Ảnh chụp tại hang Cả

Đi thêm một đoạn nữa từ hang Hai là bạn đã đến với hang Ba rồi. Đây là hang động ngắn nhất chỉ dài 50 m và cũng thấp nhất.

Khí hậu trong hang động mát mẻ, có chút hơi lạnh nên khi đi tham quan bạn nên mang theo một chiếc áo gió đề phòng bị lạnh nhé!

 | Bạn đã đến “Khu du lịch Tràng An Ninh Bình” hay chưa?

Đền Thái Vi

Trên hành trình đi thuyền thăm quan Tam Cốc bạn sẽ đi qua ngôi đền Thái Vi.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình đền Thái Vi
Đền Thái Vi nằm trong khuôn viên của khu du lịch Tam Cốc Bích Động

Đây là nơi thờ vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và cả hoàng hậu Trần Thị Dung. Sở dĩ nơi đây thờ các vị vua và tướng nhà Trần bởi theo tương truyền thì vùng núi Tam Cốc chính là nơi nhà Trần dựng hành cung Vũ Lâm trong thời kì kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Nếu không đi du thuyền thì bạn vẫn có thể tới đền Thái Vi bằng cách xuôi theo đường bộ từ bến thuyền Tam Cốc một đoạn 2 km.

Động Thiên Hương

Nằm trên con đường từ sông Ngô Đồng vào đền Thái Vi, động Thiên Hương là một động trên cạn nằm ở lưng chừng núi.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình động Thiên Hương
Động Thiên Hương

Động cách mặt đất khoảng 15 m, cao 60 m và sâu tới 40 m. Miệng động khá rộng, khoảng 20 m và có đỉnh rỗng nên trong động rất sáng. Bởi vậy mà động còn có tên gọi khác là Động Trời.

Khi vào thăm quan động, bạn sẽ bắt gặp miếu thờ hoàng hậu Trần Thị Dung, vợ của vua Lý Huệ Tông. Tương truyền bà chính là bà tổ nghề thêu ren của xã Ninh Hải.

Bích Động

Nằm cách bến Tam Cốc khoảng 2 km, Bích Động bao gồm hai hang động, một hang khô nằm trên lưng chừng núi (Đây là nơi đặt chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên núi (dân gian gọi đây là Xuyên Thủy Động).

Bích Động có nghĩa là “hang động màu xanh ngọc bích”. Cái tên này được đặt vào năm 1773 bởi tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Danh xưng “Nam thiên đệ nhị động” cũng được ra đời vào khoảng thời gian đó. (Hang động xếp đầu tiên là động Hương Tích ở Hương Sơn hiện thuộc quần thể di tích chùa Hương và xếp thứ ba là động Địch Lộng ở Kẽm Trống)

Khi thăm Bích Động bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc hữu tình nơi đây với nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn theo sườn núi và những cánh đồng lúa trải dài cánh cò bay. Vậy nên khi đến đây đừng quên bỏ ra vài phút để ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng như trong thơ ca này nhé!

Động Tiên

Lại là một hang động khô đẹp khác nằm trong quần thể danh thắng Tam Cốc Bích Động Ninh Bình, Động Tiên nằm cách chùa Bích Động gần 1 km.

Động bao gồm ba hang động lớn nối với nhau. Động rất rộng và có trần cao với nhiều vân đá và nhũ đá nhỏ xuống tuyệt đẹp như những thân cây cổ thụ lấp lánh. Vì trần động cao nên nơi đây là nơi cư trú của nhiều loài dơi và chim.

Chùa Linh Cốc

Chùa Linh Cốc nằm ngay ở chân núi chùa Móc. Mặt chùa quay về hướng Tây nhìn ra một cách đồng nước. Theo như ghi chép trên văn bia thì chùa đã có từ thời vua Trần Thánh Tông.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình chùa Linh Cốc
Chùa Linh Cốc

Kết cấu chùa Linh Cốc được dựng theo kiểu chữ “Tam” giống với đa phần các ngôi chùa được xây vào cùng thời điểm. Chùa có hai nhà thờ Tổ ba gian, nhà trai năm gian và Điện Mẫu nằm ở phía sau tựa vào chân núi.

Chùa thờ đức A Nam Đà và đức tổ tây người Ấn Độ ở gian nhà tổ và Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh) ở hậu cung.

Tuyến thăm quan bằng đường bộ

Chùa Bích Động

Từ năm 1428, đầu thời Hậu Lê đã có ngôi chùa nhỏ trên đỉnh núi mang tên Bích Động rồi.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình chùa Bích Động
Chùa Bích Động

Tuy nhiên đến năm 1705, có hai vị hòa thượng tên Trí Kiên và Trí Thể với tấm lòng mộ đạo và hướng Phật của mình đã quyết định tới đây sửa sang lại ngôi chùa nhỏ. Cùng với sự giúp đỡ của người dân, từ ngôi chùa nhỏ trên đỉnh núi, Bích Động biến thành một quần thể ba ngôi chùa Hạ, Trung, Thượng.

Năm 1707, sau khi xây dựng xong chùa, hai nhà sư còn cho đúc một quả chuông lớn mà cho tới hiện nay vẫn đang được treo trong Động Tối.

Chùa Hạ
Tam Cốc Bích Động Ninh Bình chùa Hạ
Lối vào để thăm quan quần thể 3 chùa Hạ, Trung, Thượng

Là một trong ba ngôi chùa nằm trong quần thể chùa Bích Động, chùa Hạ được xây trên một nền cao bằng phẳng ngay sát chân núi. Chùa có 5 gian và được xây theo kiểu chữ Đinh. Chùa được xây bằng những khối đá lớn, không hề có chắp nối, phần kèo được làm bằng gỗ lim cùng với mái nhà được lợp cong theo đúng đặc trưng kiến trúc của thời đó.

Chùa Trung

Leo khoảng hơn 100 bậc đá là bạn đã tới được chùa Trung. Nằm ở lưng chùng dãy Ngũ Nhạc, ngay trước cửa chùa bạn sẽ thây hai chữ Bích Động được tạc ngay vào vách núi.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình chùa Trung
Chùa Trung nằm ở lưng chừng núi

Trong suốt thời gian tồn tại, chùa Trung được gọi với nhiều cái tên khác nhau.

  • Khi chùa mới được xây dựng vào năm 1428 thì người dân vẫn thường gọi nơi đây là chùa Động.
  • Đến năm 1740, vua Lê Hiển Tông cho xây dựng và mở rộng quy mô của chùa thì nơi này được gọi là Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng.
  • Vào thế kỉ XIX, vua Tự Đức đặt lại tên thành chùa Bích Động.

Chùa Trung chính là trái tim của cả quần thể chùa Bích Động. Chùa có cấu trúc độc đáo khó tìm, một nửa ẩn khuất trong động một nửa lộ thiên. Từ chùa bạn chỉ cần đi thêm 21 bậc đá là lên tới Động Tối, động chính của Bích Động.

Động Tối

Động Tối cao tới 8m trên trần phía gần cửa động có treo chiếc chuông đồng lớn được hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thế đúc trong khoảng thời gian xây dựng chùa. Đường đi lên động gần như thẳng đứng do cửa động có dáng như cầu vồng.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình động tối
Quả chuông được treo trên trần động từ lúc chùa mới được xây

Lòng động Tối rộng và được thắp sáng bởi hệ thống đèn điện. Gần cửa động có đặt tượng Đức Phật Di Đà và tượng Văn Thù Bồ Tát. Nhìn sang phía bên trái bạn có thấy bức tượng Quan Âm Bồ Tát.

Bước vào trong động bạn sẽ phải trầm trồ trước khung cảnh như một thế giới cổ tích thu nhỏ. Nhiều người còn gọi động Tối là một ngôi chùa Thiên tạo bởi cấu trúc dường như được đặc biệt tạo ra để dựng chùa.

Chùa Thượng

Đây là ngôi chùa cao nhất, nằm trên đỉnh núi Bích Động. Để lên được đến Chùa Thượng, bạn cần leo khoảng 40 bậc đá lên tính từ chùa Trung. Chùa còn được gọi bằng cái tên khác là chùa Đông.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình chùa Thượng
Chùa Thượng nằm trên đỉnh núi

Từ chùa Thượng, bạn sẽ có một tầm nhìn toàn diện trải khắp 5 ngọi núi bao quanh núi Bích Động như một đài sen 5 cánh được gọi là Ngũ Nhạc Sơn (bao gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa).

Đây được coi như một ngôi chùa độc đáo chỉ có một ở Việt Nam. Chùa Thượng thờ phật Quan Thế Âm và có hai miếu nhỏ để thờ Thổ Địa cùng Đức Sơn Thần. Ngoài ra cạnh chùa còn có đặt một bể nước được gọi là “bể nước Cam Lộ” của Quan Âm Bồ Tát.

Làng cổ – Cố Viên Lâu

Cố Viên Lâu là một quần thể gồm nhiều ngôi nhà cổ ở Ninh Bình và khu vực đồng bằng sông Hồng được di chuyển tới để trưng bày và bảo tồn. Khu làng cổ nằm ngay cạnh bến thuyền Tam Cốc và trên đường đi đền Thái Vi nên bạn có thể tới đây thăm quan trước khi lên thuyền đi Tam Cốc.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình Cố Viên Lâu
Một công trình trong Cố Viên Lâu

Toàn bộ khu làng cổ rộng tới 20.000 m2. Đây là nơi trưng bày của 22 ngôi nhà cổ đại diện cho nhiều làng quê của đồng bàng Bắc Bộ. Tại đây bạn có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh bài trí với những vật dụng sập gụ, tủ chè, … vốn là những thứ khó có thể nhìn thấy được ở thời buổi hiện tại.

Đa phần những ngôi nhà ở đây được xây dựng vào thời nhà Nguyễn nhưng vẫn bộc lộ rõ được nét đặc trưng trong kiến trúc và lối sinh hoạt của người dân Bắc Bộ truyền thống.

Thạch Bích – Thung Nắng

Để tới được Thung Nắng, thay vì đi thuyền từ bến Đình Các (Tam Cốc), bạn cần đi thêm khoảng hơn 500m đường bộ đến đi thuyền từ bến Thạch Bích. Lênh đênh giữa sóng nước và hai bên bờ vàng ươm đồng lúa rì rào và những vách núi trùng điệp khoảng 3 km là bạn đến được với hang Thung Nắng rồi.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình thung Nắng
Vẻ đẹp hoang sơ của Thung Nắng

Hang Thung Nắng dài khoảng 100m. Sau khi đi hết hang là bạn có thể đặt chân tới đền Thung Nắng rồi. Dựng lưng vào núi, giữa một không gian núi rừng rộng lớn, đền Thung Nắng đem lại cho bạn một cảm giác thật tĩnh lặng và bình yên.

Trên đường quay trở về bến Thạch Bích bạn nhớ ghé thăm đền Vối nhé. Ngôi đền có tuổi thọ hàng trăm năm này được xây dựng từ thời nhà Lê. Đền được xây dựng hoàn toàn bằng đá và được trang trí bằng những đồ vật đá chạm khắc tỉ mỉ công phu.

Hang Múa

Nổi tiếng qua những bức ảnh check-in gây sôi sục cộng đồng mạng những ngày gần đây, hang Múa nằm trên địa bàn thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân. Bất kể ai đi du lịch Tam Cốc Bích Động Ninh Bình trong khoảng thời gian này không thể bỏ qua được hang Múa.

Tam Cốc Bích Động Ninh Bình hang Múa
Ảnh chụp tại Hang Múa

Nơi đây được tương truyền chính là địa điểm mà các cung nữ thời nhà Trần đến biểu diễn văn nghệ, múa ca.

Từ trên đỉnh hang Múa bạn có thể nhìn toàn cảnh những dãy núi trùng điệp, những cánh đồng xanh mướt như trải dài bất tận. Vậy nên nếu có dịp đến với Tam Cốc Bích Động Ninh Bình thì bạn đừng bỏ lỡ một lần tới hang Múa trải nghiệm một lần được ngồi vắt vẻo giữa trời mây rộng lớn nhé!

Bài giới thiệu trên của NếmTV đã khiến bạn phải kiếm ngay một vé tới Tam Cốc Bích Động Ninh Bình chưa? Đừng ngần ngại vác ba lô lên mà đi và chia sẻ trải nghiệm của mình cùng NếmTV nhé!

 | Khám phá Vườn quốc gia cúc phương Ninh Bình

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here