Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế – Chốn Phật giữa lòng hồ Truồi

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế là một không gian Phật Giáo hoàn hảo ở miền Trung nước ta. Tọa lạc dưới chân dãy Bạch Mã, bao quanh là núi rừng và giữa lòng hồ Truồi. Chính vì vậy, thiền viện càng thêm nổi bật hơn nhờ màu sắc thiên nhiên sẵn có.
Hành trình tìm đến thiền viện là cả một trải nghiệm tuyệt vời giữa núi rừng bao la. Và bây giờ, hãy cùng theo chân Nếm TV khám phá một vùng trời non nước hiếm có ở xứ Huế nhé.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ở đâu ?

Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã nhìn từ trên cao

Tọa lạc tại núi Bạch Mã, nằm giữa lòng hồ Truồi. Thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Không chỉ là một danh lam thắng cảnh của Huế. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện đầu tiên ở miền Trung có gốc gác từ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tôn sư Thượng Thanh Hạ Từ là người đầu tiên sáng lập và gây dựng lên Thiền viện.

Ở độ cao 1450m, nhiệt độ thường từ 19 – 21 độ C. Với khí hậu mát mẻ lại nằm giữa lòng hồ Truồi thơ mộng. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là nơi du lịch tâm linh lý tưởng khi đến Huế.

Đến Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thế nào ?

Con đường xuyên rừng dẫn đến Thiền Viện

Cách thành phố Huế khoảng 30 km về phía Nam. Từ Huế bạn tìm đường về Phú Lộc theo quốc lộ 1. Đến cầu Truồi rẽ phải đi thêm 10km sẽ tới Đập Truồi.

Nếu không biết đường , bạn có thể di chuyển theo chỉ dẫn của Google Map nhé.

Bến thuyền Thiền Viện nhìn từ trên cao

Tất cả mọi du khách đến đây đều phải gửi xe lại. Sau khi mua vé thì đi xe trung chuyển về bến thuyền. Nhưng xe chỉ đưa bạn đi 300m đến Đập Truồi và bạn sẽ vẫn phải tiếp tục đi bộ vào bến thuyền. Mình không hề thích và cảm thấy không xứng đáng với việc bỏ tiền ra đi xe trung chuyển rồi vẫn phải đi bộ 1 đoạn đường dài.

Cách chân đập Truồi khoảng 500m, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm yên bình giữa lòng hồ nước. Sau 5 phút đi đò bạn sẽ sang đến Thiền viện.

Chi phí khi tham quan Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Những con thuyền neo đậu bên hồ chờ du khách
  • Gửi xe : 20k ô tô và 5-10k xe đạp, xe máy
  • Vé thuyền bao gồm cả xe trung chuyển
    Theo lượt ghép thuyền: 30k/lượt + 5k/người bảo hiểm.
    Bao trọn thuyền : 150k/thuyền + 5k/người bảo hiểm.
    Mỗi thuyền chở tối đa 12 người.
  • Nếu có như cầu bạn có thể thuế thuyền đi du lịch hồ Truồi với giá 500k-600k/1 thuyền. Thuyền chở tối đa 20 người/1 chuyến.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã có gì ??

Thiền Viện nằm ẩn hiện giữa lòng hồ Truồi thơ mộng

Theo thông tin người dân cung cấp,thiền viện khởi công xây dựng vào ngày 30/3/2006. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được chia thành 3 khu vực chính.

  • Ngoại viện : Nơi điện thờ chính, thờ đức Phật tổ đang ngồi dưới gốc cây bồ đề. Phía sau chính điện là khu vực thờ Tổ sư Đạt Ma của dòng thiền phái Trúc Lâm.
  • Tăng viện : Là nơi tu hành của tu sĩ nam và phật tử nam giới.
  • Ni viện Là khu vực chuyên tu của tu sĩ nữ và phật tử nữ giới.

Con đường thủy duy nhất đến với Thiền viện

Con đường duy nhất để đến với thiền viện đó chính là bằng những chiếc ghe nhỏ vượt qua lòng hồ Truồi xanh mát . Cho dù vào những ngày nắng gắt nhất, việc di chuyển trên hồ vẫn cảm thấy dễ chịu. Vì những làn gió thoảng thổi từ trong khu bảo tồn Bạch Mã trở ra phà vào mặt du khách.

Quãng đường tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ giúp chúng ta sáng khoái trước khi đặt chân lên vùng đất yên bình.

Cổng Tam Quan

Con đường lên Thiền Viện

Từ bến thuyền lên đến Thiền Viện có 2 lối. Một lối dẫn lên chùa và một lối ra Phật Đài. Team Nếm chọn lối lên chùa trước rồi khi về sẽ ghé Phật Đài sau.

Để lên tới cổng tam quan của Thiền viện. Các bạn sẽ phải trải qua hơn 170 bậc tam cấp mới có thể đến được với khuôn viên chính. Thử thách này sẽ giúp các bạn hiểu thêm về sự gian khổ tu luyện của những vị hòa thượng nếu như muốn đắc đạo.

Du khách phải trải qua hơn 170 bậc tam cấp để đến với Cổng Tam Quan

Gồm 1 cổng chính, 2 lối đi phụ. Cổng tam quan cao vút, với bánh xe Phật pháp uy nghi trong nền trời xanh.

Vượt qua cổng tam quan là khoảng sân chính nhỏ bé trước cửa điện Đại Hùng. Hai bên là tháp chuông và tháp trống. Nếu ở lại một ngày tại đây, du khách sẽ được tận hưởng những tiếng âm chuông vang vọng một bầu trời núi rừng hòa lẫn với tiếng chim muông.

Khoảng sân chính nhỏ bé trước cửa điện Đại Hùng

Bạn có thể đi dạo bộ tham quan khung cảnh và các công trình kiến trúc đậm nét phật giáo nơi đây. Nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Bạch Mã. Nên không khó để bắt gặp những chú sóc hay những chú rắn nhỏ trên tán cây trong khuôn viên chùa.

Ngoại Viện

Ngoại viện là nơi trang nghiêm, linh thiêng nhất Thiền Viện.

Điện Đại Hùng được thiết kế với không gian thoáng đãng bằng chất liệu gỗ. Với nhiều cửa gỗ bên trên có chắn song con tiện. Cửa bức bàn cao chừng nửa mét ngăn giữa bên ngoài hành lang và bên trong nhà. Đây là một nét kiến trúc vô cùng tinh tế dễ bắt gặp của người Việt xưa.

Bên Trong Điện Đại Hùng

Trong điện đặt một bức tượng Phật tổ lớn được điêu khắc từ đá nguyên khối. Bao xung quanh bốn bức tường là những phức tranh kể về cuộc đời của Phật tổ. Từ lúc lọt lòng cho tới lúc quy y và nhập niết bàn. Cuộc đời của Đức Phật như được tái hiện rõ nét những gian truân mà ngài gặp phải giẫu chỉ vì cứu độ chúng sinh.

Phía sau Điện Đại Hùng

Phía đằng sau chính điện là Nhà Thờ Tổ. Uy nghiêm chính giữa là Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma với hình ảnh chân dung dễ nhận thấy của ngài.

Nhà Thờ Tổ uy nghiêm thờ Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma

Ngoài ra chúng ta còn thấy 3 pho tượng tĩnh tâm thiền định đó chính là Tam tổ Trúc Lâm. Pho tượng cuối cùng chính là hòa thượng Thích Thanh Từ. Người có công lớn trong việc nghiên cứu và khôi phục thiền phái Trúc Lâm vào những năm 60 của thế kỉ trước.

Tăng viện và Ni viện

Bất kỳ ai đến với Thiền viện đều có thể thử tu tập sống trong cõi thiền. Bằng cách tham gia các khóa tu tại Thiền Viện.

Tăng viện và Ni viện chính là nơi phật tử lưu trú khi tham gia khóa tu.

Để tu tập mọi người sẽ được các thầy tận tình chỉ bảo hướng dẫn. Mọi sinh hoạt đều theo khung giờ, lịch trình tại chùa.

Phật Đài

Phật Đài với bức tượng Phật Thích Ca kì vĩ

Sau khi tham quan xong, team Nếm quay trở về con đường thứ 2 để đến với Phật Đài.

Khi lênh đênh trên thuyền đến với Thiền Viện,chắc chắn bạn sẽ không khỏi rời mắt với bức tượng ở Phật Đài. Để đến với Phật Đài các bạn phải di chuyển 500m đường rừng. Con đường được che phủ bởi rừng cây nguyên sinh nên khá mát mẻ và thú vị.

Cây cầu đá dẫn ra Phật Đài

Đến nơi bạn sẽ thấy choáng ngợp với khung cảnh nơi đây như Nếm. Bức tượng Phật Thích Ca kì vĩ, cao lớn với dáng ngồi thiền. Tọa trên ngọn đồi phía trước chùa và ở giữa hồ. Tượng cao 24m, nặng 1.500 tấn được tạc bằng đá.

Toàn cảnh hồ Truồi thơ mộng khi nhìn từ Phật Đài

Từ nơi đây phóng tầm mắt ra xa bạn sẽ thấy được toàn cảnh hồ Truồi thơ mộng. Đắm chìm vào không gian yên bình của thiên nhiên nơi đây, sẽ làm bạn quên đi mọi muộn phiền của cuộc sống ngay thôi.

Lưu ý nhỏ khi du lịch Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

  • Trong khuôn viên Thiền viện không có quầy bán thức ăn. Nên nếu đi cả ngày, bạn nên mang theo đồ ăn và thức uống.
  • Con đường đi bộ đến bến thuyền và đường lên chùa tuy có nhiều cây cối. Nhưng với cái nắng nóng gay gắt của Huế. Bạn vẫn nên mang theo ô, mũ nón, áo chống nắng để bảo vệ sức khỏe.
  • Nên đi giày thể thao hoặc giày đế bệt nếu bạn không muốn đôi chân sưng tấy khi đến đây.

Một số hình ảnh của Nếm khi khám phá Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế

Cây cầu đá dẫn ra Phật Đài từ trên cao

Gương mặt hiền từ của Phật Thích Ca

Nhà điều hành Đập hồ Truồi

Một góc chụp ảnh đẹp tại Nhà điều hành Đập hồ Truồi

Ngồi trên mũi thuyền bạn sẽ ngắm được toàn cảnh Hồ Truồi đẹp nao lòng

Một góc chụp ảnh siêu đẹp khác khi đi thuyền trên hồ Truồi

Xem thêm video Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế của Nếm 

Sẽ thật tiếc nếu đến Huế mà bỏ qua Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã. Phảng phất mùi hương, nghe tiếng chuông chùa sẽ làm tâm tư bạn trở nên thanh tịnh, yên bình hơn đấy. Với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, núi non hùng vĩ, cảnh sắc tuyệt đẹp. Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã xứng đáng là điểm đến không thể bỏ qua cho du khách yêu thiên nhiên, mê khám phá.

Hi vọng qua trải nghiệm của Nếm, các bạn sẽ có thêm một địa điểm khi du lịch Huế nhé !

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here