Bạn đã đến thăm Văn miếu Mao Điền – Ngôi trường cổ nhất nhì vịnh Bắc Bộ chưa?

Văn miếu Mao Điền ảnh

Văn miếu Mao Điền với trên 500 năm tồn tại và thờ trên 600 vị tiến sĩ đã trở thành niềm tự hào về truyền thống hiếu học của xứ Đông và cả nước Việt.

Bạn đã đến thăm ngôi trường cổ nhất nhì vịnh Bắc Bộ này chưa?

Văn miếu Mao Điền ở đâu?

Văn miếu Mao Điền thuộc làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu nằm sát với con đường quốc lộ số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, nằm cách thành phố Hải Dương khoảng 15km về phía Tây.

Văn miếu Mao Điền từ ngoài
Ảnh Văn miếu Mao Điền

Nơi đây được biết đến như là một công trình kiến trúc cổ kính, có lịch sử mấy trăm năm, thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc Đại khoa nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của trấn Hải Dương xưa.

Lịch sử Văn miếu Mao Điền

Triều đình nhà Hậu Lê rất coi trọng việc mở mang học hành và đào tạo nho sĩ. Đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông, nhà vua ra lệnh cho mở thêm một số trường học nữa ngoài Quốc Tử Giám ở kinh thành để đẩy mạnh phát triển Nho giáo.

Văn miếu Mao Điền khung cảnh
Khung cảnh Văn miếu Mao Điền

Vậy nên Văn miếu Mao Điền đã được xây dựng vừa nơi thờ các bậc tiên hiền Nho học vừa trường thi của xứ Đông (khu vực tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, huyện Đông Triều của Quảng Ninh).

  • Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV cho tới khoa thi cuối cùng của nhà Nguyễn, nơi đây là nơi tổ chức kì thi hương của vùng trấn Hải Dương. Đặc biệt trong thời Mạc (1527-1593) đã bốn lần tổ chức thi đại khoa ở Mao Điền.
  • Năm 1948 thực dân Pháp đánh chiếm vào Mao Điền. Chúng biến nơi đây thành khu căn cứ chiếm đóng, phá nhà, xây lô cốt, tường rào kẽm gai xung quanh. Văn miếu quan những năm tháng chiến tranh đã bị tàn phá nặng nề. Từ một di tích lịch sử có thắng cảnh đẹp, nơi đây trở thành một nơi hoang phế.
  • Được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương và các cấp Đảng bộ chính quyền tỉnh Hải Dương, Văn miếu đã được khở công tu bổ và sửa chữa lại năm vào 2002. Sau hơn hai năm nỗ lực thi công, công trình đã khánh thành.

Kiến trúc Văn miếu Mao Điền

Phần chính của Văn miếu Mao Điền bao gồm hai toà nhà lớn 7 gian, mái lợp cong vút chạm trổ hình rồng phượng áp sát vào nhau. Kiến trúc của Văn miếu xây theo kiểu chữ Nhị, các gian nhà được dựng song song nhau. Khuôn viên văn miếu rộng 3,6 ha.

Khu nhà ngoài

Đây là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ có 5 gian đối mặt nhau. Do nằm ở hai dãy nhà này nằm ở hướng Đông và Tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu. Hai bên vách nhà treo danh sách 637 vị tiến sĩ quê Hải Dương đỗ đạt trong các thời kỳ khoa cử Việt Nam.

Văn miếu Mao Điền lư hương
Hiện vật cổ nhất của Văn miếu là chiếc lư hương làm bằng đá và khánh đá có từ thời Tây Sơn

Hai di vật cổ nhất của văn miếu Mao Điền là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ công đồng và khánh đá từ thời Tây Sơn được đặt ở sân gạch phía trước nhà ngoài. Chiếc khánh đá dù đã bị vỡ mất một bên tai nhưng vẫn có âm thanh trong trẻo thể hiện trình độ rất cao của người thợ chế tác đá Việt Nam đầu thế kỷ 19.

Nhà ngoài là nơi các bậc quan trưởng học giả tập hợp lại đẻ bái lễ. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng Đông và Tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu.

Hai dãy nhà này có tác dụng khác nhau. Đông vu được sử dụng làm nhà truyền thống còn Tây vu là nơi để tiếp khách. Đi qua hai dãy nhà này là bạn có thể thấy được hai gác chuông được xây cất rất hoành tráng.

Văn miếu Mao Điền lễ hội
Khung cảnh Văn miếu Mao Điền vào dịp lễ hội

Phía trước Văn miếu là hai hồ nước trong xanh. Mặt nước in bóng cây gạo già hàng trăm năm tuổi. Xung quanh di tích có rất nhiều các loại cây cảnh, cây ăn quả khác nhau được trồng.

Khu vực sảnh chính

Khu vực sảnh chính của văn miếu bao gồm gian nhà giữa và gác chuông, gác trống hai bên. Ở sân gạch còn có cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Văn miếu Mao Điền kiến trúc
Họa tiết trang trí trên một cây cột của Văn miếu Mao Điền

Ngoài ra còn có những công trình như đài nghiên, tháp Bút, Nghi Môn, Thiên Quang Tinh, Khái Thánh là nơi thờ thân Phụ và thân Mẫu của Khổng Tử. Tiếp đến là gác Chuông, gác Trống đối xứng với nhau và nằm ở phía hai đầu hồi dãy nhà giải vũ..

Văn miếu Mao Điền tháp chuông
Tháp chuông

Khu vực hậu cung

Hậu cung của văn miếu thờ cả thảy chín bài vị.Bài vị lớn nhất nằm ở chính giữa là để thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Còn những bài vị nhỏ hơn nằm 2 bên lần lượt thờ các vị Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ.

Trong cách bài trí thờ tự cũng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khổng Tử là ông tổ đạo nên được thờ ở chính giữa, bên trái là Chu Văn An, một người thầy mẫu mực trong truyền thống đạo Nho nước ta. Những người còn lại đều là những người con xuất chúng của trấn Hải Dương.

Đặc biệt trong đó phải kể đến trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ, nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt.

Hội Văn Miếu Mao Điền

Trước kia hàng năm vào ngày “Đinh” đầu tháng hai và tháng tám, trấn Hải Dương tổ chức lễ tế Khổng Tử. Các quan đầu trấn, đầu phủ cùng cử nhân, tiến sỹ đều phải về làm lễ trọng thể nhằm nêu cao truyền thống “Hiếu học và tôn sư, trọng đạo” của người tỉnh Đông. Việc tế lễ diễn ra hết sức trang nghiêm, long trọng và rất đông vui.

Văn miếu Mao Điền vào hội
Văn miếu Mao Điền trong mùa lễ hội

Cứ mỗi tháng 2 âm lịch hàng năm, tỉnh Hải Dương sẽ lại mở hội Văn Miếu. Người dân Hải Dương học tập làm ăn ở khắp nơi lại tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương để cùng tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.

Nếu đã đến Văn Miếu Quốc Tử Giám rồi thì bạn cũng đừng bỏ qua ngôi trường cổ thứ hai ở Bắc Bộ này nhé!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here