Không chỉ là nơi đất tổ của các vị vua Hùng mà mảnh đất Phú Thọ – nguồn cội của dân tộc còn là nơi chứa đựng biết bao nhiêu món đặc sản hấp dẫn, độc đáo khó có thể tìm thấy ở nơi nào trên cả nước, khiến ai đã có cơ hội thử một lần sẽ bâng khuâng nhớ mãi.
Hôm nay, hãy để NếmTV giới thiệu cho bạn những món ăn đặc sản Phú Thọ nổi tiếng nhất để bạn không bị bỏ lỡ khi ghé thăm nơi này nhé!
Nội Dung Chính
Thịt chua Thanh Sơn
Khi nói về đặc sản Phú Thọ, đầu tiên phải kể đến thịt chua. Đây là một món ăn đặc sản của người dân tộc Mường tại vùng Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Nguyên liệu chính để làm nên món ăn này là thịt lớn mán được nuôi chăn thả tự nhiên và thính rang.

Phần thịt để làm món thịt chua này phải là thịt ba chỉ và thịt nạc vai, được lên men theo công thức đặc biệt của người Mường. Thịt chua là một món ăn độc đáo, lạ miệng nhưng lại rất dễ ăn, có thể dễ dàng kết hợp với nhiều món khác nhau.
Thịt chua thường được ăn kèm với một số loại rau sống như lá ổi, lá đinh lăng, lá sung,… Đây là một món ăn vô cùng trên bàn nhậu cùng với một vài chai bia lạnh.
Bánh tai
Bánh tai là một món ăn đặc sản mà hầu như làng quê nào tại tỉnh Phú Thọ cũng có. Loại bánh này còn có tên gọi khác là bánh hòn, bánh có hình dáng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn và một số nguyên liệu khác. Gạo tẻ sau khi ngâm kĩ sẽ được giã hoặc xay làm bột.

Còn phần nhân thịt lợn bên trong sau khi tẩm ướp cho ngấm đủ gia vị sẽ được đi hấp chín. Khi ăn bánh tai, người ta thường chấm cùng nước mắm chua ngọt, phải thưởng thức một cách chậm rãi thì mới cảm nhận được sự hòa quyện của tất cả các hương vị.
Cơm nắm lá cọ
Với người Phú Thọ, món cơm nắm lá cọ chứa đựng tất cả nét văn hóa, cả phong tục tập quán của miền đất xanh này và cả hồn quê này.
Tuy là món ăn dân dã, giản dị nhưng cơm nắm lá cọ thể hiện sự khéo léo của bàn tay người dân Phú Thọ. Để làm nên món ăn này thì gạo sau khi được nấu chín sẽ được lăn tròn, nắm chặt lại.

Sau đó, cơm được lăn qua tàu lá cọ, nhưng đặc biệt phải là những cây cọ non, mới cao tầm ngang người, lấy những lá bánh bẻ, nhỏ như miệng nón, còn e ấp chưa xòe hết. Cơm nắm lá cọ thường được ăn cùng muối vừng hoặc thịt lợn rang khô. Đây là món không cầu kì, hoa mĩ nhưng lại chứa tất cả hồn quê và tinh túy của đất trời

Cá kho trám om
Cá kho trám om là một trong những món có mùi vị rất riêng của Phú Thọ mà du khách không nên bỏ qua khi có cơ hội đến nơi đây. Trám có hai loại là trám đen và trám chua.
Trám đen quả to như ngón tay cái, khi chín có màu đen óng, hình thoi dài, vị béo ngậy, khi ăn thường chấm với muối vừng hoặc muối lạc. Còn trám chua đem om kho cá lại tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn.

Khi kho, vị chua của trám ngấm vào làm cá có vị giôn giốt chua, còn vị ngọt của tương, chất đạm của cá ngấm vào trám làm mất vị chát, giảm vị chua của miếng trám, mang lại hương vị chua nhẹ, bùi bùi.

Cọ ỏm
Cọ ỏm – một thứ quà quê dân dã đã trở thành món ăn đặc sản Phú Thọ níu chân khách du lịch khi ghé thăm nơi này.
Có hai loại cọ nếp và cọ tẻ mặc dù hương vị giống nhau nhưng khác nhau ở độ mềm dẻo, béo ngậy, chỉ những người có con mắt tinh tường mới phân biệt được.
Cọ được chọn đem xóc trộn để cạo bỏ lớp vỏ ngoài, rồi đem rửa sạch, luộc chín. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng công đoạn luộc cọ cũng cần sự tỉ mỉ và khéo léo rất cao để cọ không bị chả và quá cứng, khó ăn.

Cọ chín vớt ra, để nguội là có thể ăn được ngay. Cọ ỏm mềm, phần vỏ bên ngoài đen óng nhưng bên trong lại vàng ươm, cùi dày và thơm. Khi ăn món ăn này, du khách sẽ cảm thấy vô cùng thích thú với hương vị độc đáo, béo ngậy, ngọt bùi hấp dẫn.

Rêu đá
Rêu đá là một món ăn truyền thống của người dân tộc Mường và dân tộc Dao ở Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
“RÊU ĐÁ – ĐẶC SẢN PHÚ THỌ MÀ KHÔNG MẤY AI BIẾT ^^”
Theo người dân ở đây, rêu đá chỉ có ở suối Thân, nơi có dòng nước trong veo, chảy từ ra dãy núi mẹ Lìu hùng vĩ bao quanh làng.
Khi lấy rêu, phải lựa xuôi chiều nước chảy để rêu không bị nát, khi hái chỉ được hái phần tơ non chứ không được hái cả gốc rêu.

Sau khi đã nhặt và làm sạch rêu, người ta cho thêm một chút nước mắm, muối, tỏi, hạt dổi, hạt mắc khén, ớt, gừng, lá chanh, một chút lá đu đủ bánh tẻ băm nhỏ rồi gói gọn trong chiếc lá chuối tươi, sau đó đem xào hoặc nướng trên than nóng.

Rêu đá không chỉ là một món ăn thơm ngon mà còn là phương thuốc chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc và giải nhiệt.
Bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng là một giống bưởi nổi tiếng không chỉ ở Phú Thọ, mà còn được biết đến ở nhiều nơi khác.
Đây là một loại cây trồng lâu năm, quả hình cầu dẹt, có trọng lượng trung bình khoảng 1kg, khi chín có màu vàng sáng, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, khi ăn có vị ngọt mát và hương thơm đặc trưng.

Bưởi Đoan Hùng có 2 giống bưởi ngon nhất, đó là bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu Chí Đám. Bười Bằng Luân có quả to, vỏ vàng xanh còn bưởi Sửu Chí Đám thì lại có quả tròn vừa, vỏ vàng rộm và da hơi nhăn.
Giống bưởi ở Phú Thọ đặc biệt ở chỗ là để được rất lâu, có thể bảo quản được từ vài tháng đến nửa năm mà vẫn có hương thơm ngào ngạt, khi bổ ra ăn vẫn có hương vị ngọt lịm, tan nơi đầy lưỡi.

Qua bài viết này, NếmTV muốn giới thiệu cho bạn những món ăn đặc sản Phú Thọ được lòng khách du lịch nhất. Nếu có thời gian ghé thăm vùng đất tổ vua Hùng này thì đừng quên nếm thử những món ăn hấp dẫn, độc đáo chỉ có ở Phú Thọ này nhé!
| Đọc thêm: Kinh nghiệm du lịch Phú Thọ đầy đủ và mới nhất 2019!