Nếu bạn có dịp đến Hà thành, việc đặt chân đến phố cổ Hà Nội là việc không thể bỏ lỡ. Lưu giữ không chỉ những nét đẹp văn hóa xưa, phố cổ Hà Nội còn ấn tượng bởi sự phồn hoa và sầm uất.
“Hà Nội 36 phố phường” là chỉ những con phố cổ ở Hà Nội. Với những đặc trưng chỉ phố cổ mới có – nơi đây được coi là khu phố buôn bán bậc nhất hà thành với đủ các ngành và làng nghề.
Nội Dung Chính
Phố cổ Hà Nội ở đâu?
Phố cổ Hà Nội ở đâu? – Nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, phía Bắc là phố Hàng Đậu, phía Nam là phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Nhật Duật, phía Tây là phố Phùng Hưng.
Điều đặc biệt trong các con phố ở đây đều được đặt tên theo một mặt hàng được làm và bày bán trên phố của ngày trước như: phố Hàng Đường chuyên làm và bán đường, phố Hàng Thiếc chuyên về các sản phẩm từ thiếc hay phố Hàng Bạc với các nghề thủ công liên quan đến bạc.
Bên trong khu phố cổ, ngoài những mặt hàng mang tên con phố, du khách khi rảo bước trên những con phố mang chữ “Hàng” còn có những con phố khác như phố Mã Mây, Phúc Kiến, Phố Mới…
Trải qua nhiều thời gian gắn liền với kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội, khu phố cổ vẫn luôn tấp nập người mua kẻ bán dù đã thay đổi cùng với sự chuyển động của thời gian.
Ngược dòng thời gian về với Phố cổ Hà Nội “XƯA”
36 phố phường còn có tên gọi là “Kẻ Chợ” – cách gọi những nơi tập trung buôn bán ở thời kỳ phong kiến. Đến những năm 1990, cách gọi “Phố cổ Hà Nội” mới dần phổ biến trong nhân dân. và kể từ đó đến nay, người ta quen dần gọi bằng cái tên thân thương: Phố Cổ!
Phố cổ Hà Nội được bắt nguồn từ thời Lý, nằm ở khu vực phía đông của Kinh Thành Thăng Long chạy dài ra sông Hồng. Vào thời điểm này, dân cư từ các khu vực xung quanh kinh thành đã tìm về khu phố này để xây nhà, sinh sống và ngày một đông đúc hẳn lên.
Do dân cư tập trung về phố cổ sinh sống ở nhiều khu vực khác nhau nên cũng hình thành những phố nghề khác nhau theo từng khu vực.
Những người buôn hàng sẽ vào giữa phố cổ để mua bán, trao đổi hàng hóa và những khu phố làng nghề này ngày một phát triển thịnh vượng, nổi tiếng.
Đến giai đoạn đời Lê lên thống trị, những người Hoa dần dần đến đây buôn bán, trao đổi hàng hóa và nhanh chóng hình thành nên khu phố người Hoa.
Thời kỳ Pháp thống trị nước ta, phố cổ được mở rộng, người Pháp cùng 1 số người nước ngoài đến từ Ấn Độ cũng đến phố cổ để buôn bán, trao đổi hàng hóa, hình thành nên sự đa dạng về văn hóa lẫn sắc tộc giữa các nước.
Phố cổ còn đi vào trong những tác phẩm hội họa để đời, đến bây giờ người ta vẫn còn nhắc lại. Đó là tranh “Hà Nội 36 phố phường” của họa sỹ Bùi Xuân Phái và cũng để tưởng nhớ đến ông, người ta cũng đặt tên 1 con đường trong phố cổ có tên là “Phố Phái”,…
Phố cổ Hà Nội cũng đi vào văn chương như tác phẩm: “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam,…
| Nếu bạn muốn trải nghiệm hết Hà Nội thì bạn có thể tham khảo bài viết “Kinh nghiệm du lịch Hà Nội từ A-Z“!
Ngắm nhìn Phố cổ Hà Nội “NAY”
Bước đi trên những con phố cổ, chỉ cần đọc tên phố có chữ “Hàng” là có thể biết phố đó có nghề gì, ví như: ở phố Hàng vải vẫn giữ nghề bán vải, phố Hàng Đồng có nghề đúc đồng, Phố Lò rèn vẫn có tiếng rèn ngày đêm sớm tối,…
Dạo bước trên những con phố nhỏ, nhiều du khách đôi khi còn bất ngờ bắt gặp những công trình kiến trúc cổ là những ngôi đình, chùa, đền, miếu, những di tích làng nghề.
Xem thêm: Ga Hà Nội…
Ngày nay nhiều phố “Hàng” đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng mới. Đổi thay là tất yếu, song trong nhịp điệu, nếp sống của người dân khu phố cổ vẫn cho du khách cảm nhận về cái hồn cốt phố nghề xưa.
Khu phố cổ không chỉ mang giá trị lịch sử nghệ thuật kiến trúc, ở đó còn lưu giữ nhiều ký ức về cuộc sống của kinh thành Thăng Long xưa.
Ẩm thực nơi phố cổ Hà Nội – Dư vị ngọt ngào ngàn năm khó đổi
Bên cạnh những địa điểm tham quan hấp dẫn, Phố Cổ Hà Nội còn được mệnh danh là thiên đường ăn uống.
Bạn có thể ghé qua các ngõ ăn vặt như: ngõ chợ Đồng Xuân, bún chả Hàng Buồm, Trà chanh chợ Gạo, ô mai Hồng Lam, phố bia Tạ Hiện, bánh mỳ Hàng Cá, Ốc luộc Đinh Liệt, lòng xào Nguyễn Siêu,…
| Tham khảo thêm bài viết: Ăn gì ở Hà Nội để làm ấm bụng nhé ^^!
Mỗi địa điểm sẽ có những món ăn dân dã khác nhau. Qua từng năm tháng, tùy vào khẩu vị người thưởng thức nên các món ăn có du nhập thêm nhiều món mới nhưng hương vị đặc trưng, bí quyết gia truyền trong từng gánh hàng là không bao giờ thay đổi. Và đó, chính là thứ mời gọi du khách quay trở lại.
Phố cổ Hà Nội cũng có phần khác xưa, dư vị ngọt ngào của thời ấy vẫn còn đó. Chỉ mong rằng, Phố cổ vẫn mãi là phố cổ. Năm tháng qua đi, guồng quay hối hả của thời gian, sự vần xoay của tạo hóa cũng không làm mất đi cái hồn cốt của phố cổ ngày nào!