Cao Bằng không chỉ thu hút khách du lịch bởi thác Bản Giốc nổi tiếng, phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những cung đường quyến rũ mà còn nhờ những địa danh mang đậm tính lịch sử như hang Pác Pó hay suối Lê-nin.
1. Thác Bản Giốc
Bản Giốc là một thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Ngay từ xa du khách đã nghe thấy tiếng thác nước réo ào ào. Từ độ cao trên 30 m những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi. Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng nước thành 3 luồng như ba dải lụa trắng.
Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn. Vào những ngày nắng, làn hơi nước còn tạo thành cầu vồng lung linh huyền ảo. Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt.
2. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt, gồm các hạng mục: Cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, Nam Việt Triệu Tổ Hùng Vương các đời, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc có tầm quan trọng trong việc phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.
3. Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao là một động lớn được hình thành từ sự phong hoá lâu đời của đá vôi. Ngườm Ngao (tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp hay còn gọi “hang giữa thung lũng đá”) do người dân địa phương phát hiện năm 1921. Động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.
Vòm động khép lại rồi lại mở ra, tạo cho người xem một sự thích thú bất ngờ. Nhũ đá mọc từ dưới lên, thả từ trên xuống, nhũ thẳng đứng, nhũ to, nhũ nhỏ… tất cả đan xen tạo thành một mê cung kỳ diệu.
4. Hồ Thang Hen
Thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt biển, hồ Thang Hen là một hồ đẹp trong số 36 hồ nằm ở trên núi của nước ta. Nằm ở giữa một vùng núi non và màu xanh của cây vươn mình trên các vách đá cheo leo soi bóng xuống mặt nước trong, uốn lượn theo dòng mũng mấp mô những mỏ đá ngầm. Hồ Thang Hen có hình thoi, rộng khoảng 300m, dài hơn 1.000m, giữa rừng trám trắng, trám đen nhô lên những khối đá tai mèo. Phía đầu nguồn là một cái hang rộng, từ trong hang nguồn nước chảy ra suốt ngày đêm.
Đặc biệt nước hồ Thang Hen hàng ngày lại có hai đợt “thủy triều” lên và xuống. Vào mùa lũ, trong khi các hồ khác nước đỏ lựng thì nước hồ Thang Hen vẫn luôn trong xanh. Mùa cạn nước sâu chừng 10m. Gần hồ Thang Hen còn có hồ Thăng Luông, giữa hồ nhô lên một quả núi phong cảnh rất ngoạn mục.
5. Khu di tích Pác Pó
Khu di tích Pác Bó là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia – đặc biệt của Việt Nam, thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 55 km về phía Bắc. Khu di tích bao gồm: nhà tưởng niệm Bác Hồ, hang Cốc Pó (tên địa phương có nghĩa là “đầu nguồn”), hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, suối Lê nin, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc, nền nhà ông Lý Quốc Súng, nền nhà ông La Thành…