Hồ Thang Hen Cao Bằng theo nghĩa tiếng Tày là “đuôi ong”. Sở dĩ vậy bởi vì từ trên cao nhìn xuống thì hồ có hình tựa như đuôi con ong. Nơi đây là một trong những “tuyệt tình cốc” tuyệt đẹp ở Việt Nam.
Nội Dung Chính
Huyền thoại Hồ Thang Hen trong truyền thuyết
Truyền thuyết nơi đây được người dân kể rằng: ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên là Sung rất thông minh, khôi ngô và tuấn tú.
Sau này, chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng 7 ngày để về vinh quy bái tổ. Trong chuyến về quê, chàng kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp.
Vì mải mê quyến luyến bên người vợ xinh đẹp mới cưới của mình mà chàng quên mất ngày trở về kinh.
Đến đêm thứ bảy thì chàng mới sực nhớ ra là phải về kinh. Giữa đêm đen tối trong rừng hoang vắng, chàng chạy được đúng 36 bước chân thì chẳng may ngã đầu đập vào núi rồi chết.
Người ta nói, 36 bước chân của chàng ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ của tiếng địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh. Và nơi chàng Sung nằm xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay.
Độc đáo chỉ có ở Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen là một hồ nước ngọt nằm ở Quốc Toản, Trà Lĩnh Cao Bằng.
Quần thể hồ bao gồm 36 hồ nước ngọt, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét. Mặc dù các hồ có bờ ngăn riêng nhưng đều có hang động ngầm dưới lòng đất.
Những tên hồ được đặt theo tiếng địa phương có từ lâu đời, như: Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng, Thang Hoi,…Nhưng trong đó, hồ Thang Hen có diện tích lớn và đẹp nhất.
Hồ có dáng hình thoi rất độc đáo. Và điều đặc biệt của nơi đây là nước trong hồ quanh năm không bao giờ cạn.
Bao quanh hồ là những tán rừng già gồm trám trắng, trám đen, xen lẫn những mỏm đá tai mèo tạo nên môi trường sinh thái vô cùng đa dạng.
Bạn biết không? Hàng ngày mực nước hồ Thang Hen có 2 đợt dâng lên và hạ xuống như thủy triều đấy.
Thậm chí vào mùa lũ, khi các hồ khác chuyển màu đỏ của đất thì nước hồ Thang Hen vẫn xanh biếc và trong như màu ngọc bích.
10 năm một lần, vào khoảng tháng 9, tháng 10, ở hồ có những đêm nước bị rút cạn chỉ trong vài giờ đồng hồ không rõ lý do, rồi đầy lại ngay sau đó.
Khi hồ cạn đi, bạn có thể trông thấy trên mặt bùn có các miệng hố, xung quanh là những thân cây xếp xoay như được xoắn hút xuống, đó chính là những cửa hang, suối ngầm bí ẩn.
Nét đẹp mưu sinh trên hồ Thang Hen
Những khi mặt trời lên cao, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp. Đó là hình ảnh của những tia nắng vàng rót mật xuống mặt hồ lấp lánh, chúng phản chiếu những bóng cây vươn mình trên vách đá cheo leo.
Tất cả cùng tô điểm bóng thuyền neo đậu yên bình trên mặt nước và hình ảnh của nét đẹp lao động trên hồ Thang Hen.
Vào mùa khô, nước của hồ Thang Hen rút xuống nhanh nên việc đánh cá cũng khá dễ dàng đối với những người dân sinh sống bên hồ.
Một số người dân xã Quốc Toản ở xung quanh hồ vẫn tranh thủ trong thời gian mỗi buổi chiều câu tôm cá để mang ra chợ phiên bán kiếm thêm thu nhập.
Chẳng biết từ bao giờ, những thuyền bè đánh cá ở hồ Thang hen trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Những mẻ tôm cá tuy ít ỏi nhưng thấm đẫm những giọt mồ hôi của người dân lao động.
Nhiều năm kéo lưới bên hồ, bàn tay của họ đã có phần chai sạn, những vết xước trên tay chằng chịt lẫn vào đường chỉ tay.
Sống ở lòng hồ kiếm kế mưu sinh muôn phần nguy hiểm, đặc biệt mỗi khi xảy ra mưa bão, nước của hồ lớn khiến cho không chỉ tài sản đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm mà còn đe doạ tới tính mạng của con người.
Biết khó khăn, vất vả nhưng vì miếng cơm manh áo không còn lựa chọn nào khác cho những người sinh sống bằng nghề này
Hồ Thang Hen Cao Bằng thực sự là nơi thiên nhiên ưu đãi những con người từ phương xa về đây để xây dựng kinh tế mới từ năm xưa và phát triển đời sống đến tận ngày hôm nay.
Khám phá địa điểm xung quanh Hồ Thang Hen Cao Bằng
Kỳ vĩ đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục cũng nằm ranh giới xã Nguyễn Huệ huyện Hòa An với xã Quốc Toản huyện Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.
Đây có thể là địa điểm du lịch đi từ Hồ Thang Hen đấy!
Nơi đây hài hòa với cảnh đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ mà vô cùng bình dị với những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp.
Pha giữa đó là những thửa ruộng bậc thang xanh tốt nhuộm vàng trong ánh nắng chiều.
Một bên đèo là vách núi cheo leo, một bên lại là vực sâu thăm thẳm.
Lạc vào quá khứ ở ngôi nhà cổ ở Lũng Táo cách Hồ Thang Hen 2km
Làng Lũng Táo nằm cách hồ Thang Hen khoảng 2 km.
Làng gồm toàn nhà sàn, lợp ngói máng và làm toàn bằng gỗ nghiến. Bản trù phú và đông dân nhất ở cùng trong một triền thung lũng với hồ Thang Hen và cách hồ khoảng 2–3 km.
Ngôi nhà này được xem là bản gốc của kiến trúc giao thoa giữa dân tộc Mông và Hoa Nam.
Nó được chia làm 3 khu vực gồm 3 ngôi nhà sàn gỗ riêng ghép lại có lối đi thống nhất và chỉnh thể theo hình thế đại bàng tung cánh.
Vẫn còn nguyên sơ đó cái bồn tắm sữa dê đục bằng đá nguyên khối. Các cột nhà lót chân đá đẽo theo hình của hoa anh túc. Hình ảnh này có khắp nơi trong các chi tiết cột kèo cửa bằng đá và bằng gỗ thông đỏ.
Một vài hình ảnh về Hồ Thang Hen
Đến với hồ Thang Hen, thác bản Giốc và những địa điểm quanh đây thôi các bạn ơi!