Đền Cửa Ông là một trong những khu du lịch tâm linh nổi tiếng trong hệ thống đền chùa linh thiêng của vùng đất mỏ Quảng Ninh.
Với địa thế và cảnh quan đẹp mắt, nơi đây không chỉ là điểm tham quan thu hút khách du lịch mà còn là địa điểm tâm linh để bạn tìm thấy những phút giây thư giãn trong lòng mình.
Nội Dung Chính
Vị trí đền Cửa Ông
Là một ngôi đền tọa lạc trên một ngọn núi không quá cao với mặt trước hướng biển, đền Cửa Ông tọa lạc tại phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Ngôi đền này cách thành phố du lịch Hạ Long hơn 40km về phía Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội 180 Km theo đường quốc lộ 18A.
Lịch sử hình thành đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông thờ ai?
Biết đến đền Cửa Ông như một danh thắng tâm linh nổi tiếng của vùng đất Quảng Ninh, vậy bạn có biết nơi đây thờ ai hay chưa? Đền Cửa Ông được xây dựng để thờ cúng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng – người con thứ 3 của Trần Hưng Ðạo.
Vị tướng Trần Quốc Tảng vốn là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Nguyên Mông của nước ta. Trong những năm tháng chiến đấu với giặc ngoài, ông cùng các binh sĩ nhà Trần đã đóng quân tại vùng biên ải Cửa Ông để bảo vệ vùng biên giới và lãnh hải Đông Bắc. Cuộc sống người dân khi ấy được bảo vệ trong sự an toàn và bình yên.
Lịch sử đền Cửa Ông
Ngôi đền Cửa Ông có sự tích khá đặc biệt, trước kia nơi đây có tên gọi là Miếu Hoàng tiết chế, thờ Hoàng Cần. Ông là một người dân địa phương đã có nhiều công trạng trong việc đánh phá giặc cướp vì thế được các triều vua phong cho danh hiệu “”Khâm sai Đông Đạo Tiết chế”.
Vào năm 1313 tướng Trần Quốc Tảng mất nhân dân truyền lại thấy ông hiển thánh nên biểu tâu lên vua Trần Anh Tông về việc lập miếu tế lễ và được chấp thuận. Từ đó tên gọi đền Cửa Ông tồn tại cho tới ngày nay.
Kiến trúc độc đáo của ngôi đền linh thiêng
Đền Cửa Ông không chỉ mang ý nghĩa lịch sử dân tộc mà còn mang những giá trị nghệ thuật và truyền thống sâu sắc. Toàn bộ khuôn viên khu đền được thiết kế trên một ngọn đồi có cảnh sắc vừa cổ kính lại hùng tráng, hoa mỹ. Phía trước ngôi đền hướng ra vịnh Bái Tử Long mở ra một không gian thoáng đạt, có hương sắc của đất trời, sơn thủy hội tụ.
Cũng chính vì thế mà người xưa đã ca tụng:
“Nghìn trùng nước biếc buông tay áo. Bốn phía non xanh tạc hoạ đồ”
Vì tuổi đời cũng khá lâu nên nơi đây thấp thoáng bóng dáng những cây cổ thụ hàng vài trăm năm tuổi. Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng những nét đẹp cổ xưa của đền vẫn được gìn giữ và bảo tồn.
Vật liệu xây dựng các công trình tại đền Cửa Ông chủ yếu được xây bằng các loại chất liệu như đá đúc, gạch Bát Tràng, gạch lát nền bằng đất sét nung, ngói mũi đất nung… và áp dụng triệt để các họa tiết long, ly, quy, phượng.
Nội thất bên trong ngôi đền chủ yếu sử dụng các loại gỗ bền, đẹp như gỗ đinh, gỗ lim,… và khung nhà được dựng theo lối kèo, cầu, dường, trụ… Nét kiến trúc vô cùng độc đáo và nổi bật cùng những bức phù điêu, câu đối.
Khu di tích đền Cửa Ông chia làm 3 khu vực chính bao gồm đền Hạ, đền Trung và đền Thượng được phân bố ở ba vị trí khác nhau và lên cao dần.
Đền Hạ là nơi có điện thờ mẫu, nằm phía dưới và bên trái tính từ quảng trường khu di tích.
Khu đền thượng có đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh. Đây là nơi duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông. Nếu có dịp đến tham quan bạn sẽ được chiêm ngưỡng 34 pho tượng lớn nhỏ còn lưu giữ được trạm trổ vô cùng tinh xảo và mang giá trị nghệ thuật cao.
Những bức tượng mang giá trị nghệ thuật cao bao bao gồm tượng Trần Hưng Đạo, tượng Thánh Mẫu – phu nhân Trần Hưng Đạo, hai công chúa – con gái Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tảng, Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Khắc Chung…
Và theo thông tin mới đây thành phố Cẩm Phả đã quy hoạch lại toàn diện không gian kiến trúc của ngôi đền. Đáng chú ý nhất là bức tượng toàn thân Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng nặng trên 10 tấn đã được đưa lên mỏm đồi cao 62m cách 400m so với vị trí cũ.
Mang trên mình một bộ mặt mới, khang trang nhưng vẫn là vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc, vào dịp Tết Kỷ Hợi, bình quân mỗi ngày đền Cửa Ông đón 12.000 lượt du khách thập phương.
Lễ hội đền Cửa Ông
Theo thông lệ, lễ hội đền Cửa Ông diễn ra từ mùng 2 tháng 1 năm âm lịch đến hết xuân. Ngày hội chính năm 2019 diễn ra vào mùng 3 và 4 tháng 2 âm lịch vừa qua.
Vào những ngày này thu hút đông đảo sự tham gia của du khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước. Người ta đến để cầu tài lộc, bình an và tham quan, vãn cảnh chùa.
Trong lễ tế, bài văn khấn đền Cửa Ông sẽ được đọc và kiệu bài vị Trần Quốc Tảng sẽ được rước từ đền ra miếu ở xã Trác Chân, tên tục là Vườn Nhãn – nơi gắn liền với truyền thuyết Đức Ông hóa trôi dạt vào. Sau đó kiệu bài vị được rước trở lại đền và tiếp đến là tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian.