Ghé thăm bảo tàng mang đậm hơi thở phương Tây tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - 1234

Khi đến Sài Gòn, bên cạnh Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, … thì Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa điểm du lịch thú vị, thu hút được một lượng lớn khách đến thăm quan.

Và hôm nay, hãy cùng NếmTV đi vào khám phá địa điểm du lịch đầy hấp dẫn này nhé!

Giới thiệu về Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Vị trí

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 65 Lý Tự Trọng, thuộc quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trên một khu đất rộng gần 2 ha, giới hạn bởi các con đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Nam Kì Khởi Nghĩa.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - toàn cảnh
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Lịch sử hình thành

Mục đích ban đầu của nơi này là Bảo tàng Thương mại trưng bày những sản vật trong nước. Nhưng khi xây xong, bảo tàng lại trở thành tư dinh Thống đốc Nam kỳ Henri Eloi Danel.

Chỉ trong năm 1945, tòa nhà đã qua 5 lần thay đổi chủ nhân. Sau khi chiếm lại Sài Gòn, từ ngày 23/5/1947, Pháp giao dinh này cho Lê Văn Hoạch làm trụ sở chính phủ Nam kỳ tự trị và sau đó chuyển cho Trần Văn Hữu làm dinh Tổng trấn.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, vào năm 1966, dinh Độc Lập xây lại xong, bảo tàng được làm trụ sở của Tối cao Pháp viện. Vào tháng 8/1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết định sử dụng nơi đây này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng ngày 12/1999, nơi này chính thức được đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.

Hướng dẫn đường đi tới Bảo tàng

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh thuộc trung tâm thành phố nên bạn có thể lựa chọn di chuyển đến bảo tàng bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Nếu chọn phương tiện là xe bus bạn chọn xe số 04, 18, 36 xuất phát từ chợ Bến Thành, Hàm Nghi, xuống tại trạm Pasteur – Lý Tự Trọng (cách bảo tàng 50m).

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - bản đồ
Bản đồ hướng dẫn đường đi tới bảo tàng

Kiến trúc bên trong Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp – Foulhoux và được xây dựng năm 1890 theo kiểu cổ điển phục hưng: mặt tiền của tầng lầu mang đường nét của phương Tây, nhưng phần mái lại mang dáng dấp phong cách Á Đông.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - thiết kế
Bảo tàng được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Foulhoux

Do mục đích ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại trưng bày những sản vật trong nước, vì thế ở hai bên cửa chính có 2 cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp.

Tuy nhiên năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ lại cho phá bỏ hai tượng nữ thần tại cửa chính của dinh để xây dựng một mái hiên.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - cửa chính
Phần cửa chính đi vào bảo tàng

Ngay phần chóp trên mái tam giác ở mặt phía trước được trang trí bằng một tượng đầu người nghiêm trang. Hai bên trang trí bằng các họa tiết đắp nổi như cành dương liễu, tràng hoa lá bao xung quanh, rắn khoanh tròn, hình tượng con gà tượng trưng cho ban ngày và chim cú tượng trưng cho ban đêm ở hai góc, một vòng hào quang phía sau đầu tượng.

Nhiều họa tiết khác đắp nổi trên mái là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hi Lạp và hình tượng cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - chóp mái
Phần chóp mái của bảo tàng
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - họa tiết
Những họa tiết vô cùng tinh xảo và có tính thẩm mỹ cao

Nơi đây mang đậm không khí văn hoá, kiến trúc của châu Âu. Từng chi tiết của bảo tàng đều rất tinh xảo và mang tính thẩm mỹ cao. Chưa hết, vì đã được đưa vào hoạt động trên dưới 30 năm nên nơi đây còn có một nét hoài cổ rất riêng.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - hành lang
Hành lang bên trong bảo tàng
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - chụp
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều góc chụp hình đẹp, nơi các bạn trẻ có thể cho ra đời những bộ ảnh đẹp như được chụp bên trời Tây

Nội dung trưng bày bên trong Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - sảnh
Sảnh trong bảo tàng từ cổng chính đi vào
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - cầu thang
Khu vực cầu thang – điểm nhấn đẹp nhất của tòa nhà

Nội dung trưng bày gồm 9 phần cố định như sau:

Phòng “Thiên nhiên – khảo cổ”

Đây là nơi giới thiệu về vị trí địa lý, địa chất, khoáng sản, địa hình, khí hậu, động, thực vật, hệ thống sông ngòi, đời sống của cư dân cách đây 3000 – 2000 năm với những công cụ lao động cổ như rìu đá, cuốc đá, trang sức, đồ minh khí,… được ở các di tích khảo cổ Bến Đò, Gò Sao, Rỏng Bàng, Gò Cát, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Am và một số di tích khác trong nội thành của thành phố Hồ Chí Minh.

Phòng Địa lý – hành chính Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh”

Với sưu tập bản đồ được lập nên từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVII, biểu đồ, hình ảnh, hiện vật, phòng trưng bày khái quát quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh về mặt địa lý, hành chính, từ một đô thị được quy hoạch cho 50.000 dân đến hiện nay thành phố có trên 6 triệu dân.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - địa lý
Phòng “Địa lý – hành chính Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh”

Phòng “Thương cảng, Thương mại – dịch vụ”

Với  hơn 527 hiện vật, 36 ảnh và 10 bản đồ, bảng trích, nơi đây giới thiệu khái quát về vai trò trung tâm kinh tế của Sài Gòn đối với khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung qua các vấn đề: Hệ thống cảng Sài Gòn, các khu chợ, các hiện vật đo lường xưa nay, hệ thống giao thông với các bến xe, ga tàu hỏa và sân bay.

Phòng “Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”

Với gần 300 hiện vật, hình ảnh trưng bày về các nghề gốm, nghề đúc đồng, nghề kim hoàn, nghề dệt, nghề chạm khắc gỗ, khu trưng bày này đã giới thiệu một số nghề thủ công truyền thống và đôi nét về công nghiệp tại Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - công nghiệp
Phòng “Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - gốm
Mô hình nghề gốm

Phòng “Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh”

Tại đây, du khách được tìm hiểu thêm về các phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật và giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng trưng bày mô tả đám cưới truyền thống của bốn nhóm dân tộc Việt, Chăm, Hoa và Khmer; tục ăn trầu; tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, thờ Thổ Địa – thần Tài; sưu tập nhạc cụ, đạo cụ và trang phục.

Đặc biệt, nơi đây còn giới thiệu các tư liệu về nền giáo dục ở Sài Gòn – nơi truyền bá chữ quốc ngữ và báo chí được xuất bản đầu tiên tại Việt Nam.Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - văn hóa

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Hình ảnh các diễn viên xưa tại phòng “Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh”

Phòng “Đấu tranh cách mạng 1930 – 1954”

Nơi đây nêu bậc các phong trào đấu tranh chính trị từ khi có Đảng, ca ngợi những tấm gương hết mình hi sinh cho Tổ quốc.

Phòng trưng bày còn tái hiện phần nào quang cảnh ngày độc lập tại quảng trường Norodom – Sài Gòn vào ngày 2/9/1945 và cuộc kháng chiến 9 năm sau ngày độc lập ấy dẫn đến sự kiện vang dội hoàn cầu – chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phòng “Đấu tranh cách mạng 1954 – 1975”

Khu vực này trưng bày về các vấn đề: hội nghị Genève, phong trào Đồng Khởi, địa đạo Củ Chi, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,  Hội nghị Paris, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và phong trào đấu tranh của các nước trên thế ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - cách mạng
Bảo tàng trưng bày rất nhiều hình ảnh về cách mạng

Phòng “Kỷ vật kháng chiến”

Tại khu vực này, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những hiện vật, di vật đồng hành với cuộc sống chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong 30 năm kháng chiến vì độc lập dân tộc, bao gồm các nhóm hiện vật: Di vật của liệt sĩ trinh sát Trung đoàn Gia Định; hiện vật của văn công tiền tuyến; trang bị cá nhân của các chiến sĩ Trường Sơn; máy ảnh, máy quay phim của phóng viên chiến trường; kỷ vật trong tù của các chiến sĩ cách mạng; mô hình bếp Hoàng Cầm; ký họa kháng chiến;…

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - kỉ vật
Phòng “Kỷ vật kháng chiến”

Phòng “Tiền Việt Nam”

Nơi này giới thiệu 1086 hiện vật, bao gồm sưu tập tiền kim loại, tiền giấy, tiền thưởng qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam như tiền ở thời phong kiến, tiền Đàng Trong, tiền thưởng, tiền kim loại và giấy bạc Đông Dương, giấy bạc Việt Nam từ năm 1945 đến nay, vĩ đếm tiền, khối tiền xưa, hình ảnh các công đoạn đúc tiền thời phong kiến và một số văn tự liên quan đến tiền.

Qua bài biết này, NếmTV mong rằng bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu có thời gian, đừng quên ghé thăm một bảo tàng phảng phất không khí của một châu Âu giữa lòng Sài Gòn này nhé!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here