Bến Bạch Đằng – Một trong những điểm du lịch “vàng” ở Sài Gòn

Bến Bạch Đằng - toàn cảnh

Là thành phố đông dân nhất tại Việt Nam, Sài Gòn không chỉ có những địa điểm vui chơi, tụ tập đông đúc mà nơi đây còn có những công trình kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn lịch sử, một trong số đó là bến Bạch Đằng.

Vậy hôm nay hãy cùng NếmTV dẫn bạn đến thăm quan bến “vàng” Bạch Đằng – một trong những địa điểm thăm quan ở Sài Gòn có sức hấp dẫn với người dân thành phố và khách du lịch khi đến thăm nơi này nhé!

Đôi nét về Bến Bạch Đằng

Tọa lạc tại số 2 đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, bến Bạch Đằng được xem là có một vị trí khá đẹp tại khu vực trung tâm thành phố. 

Bến Bạch Đằng đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và gắn liền với đời sống của bao thế hệ tuổi trẻ Sài Gòn.

Bến Bạch Đằng - trên cao
Toàn cảnh bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao

Dù sở hữu một vị trí đẹp, nhưng trong suốt nhiều năm bến Bạch Đằng gần như bị lãng quên. Thế nhưng, trong những năm gần đây, bến Bạch Đằng đang dần được “thay da đổi thịt” với những công trình, dự án phát triển du lịch, khác hẳn với khu vực bờ sông vắng vẻ trước đây, khiến cho nơi này trở thành một trong những địa điểm thăm quan thu hút rất đông khách du lịch ở Sài Gòn.

Bến Bạch Đằng - lịch sử
Hình ảnh bến Bạch Đằng trong lịch sử

Bến Bạch Đằng gồm bến cảng và công viên Bạch Đằng nằm bên bờ sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1,3km với diện tích khoảng 23.400m2, là một mảng không gian xanh của thành phố. Bên kia đường là bức tượng đài Trần Hưng Đạo, đứng sừng sững, uy nghiêm, chỉ tay về phía bến Bạch Đằng.

Hiện nay, quanh bến Bạch Đằng đang phát triển rất nhiều các dịch vụ đường thủy như nhà hàng, tàu du lịch trên sông, tạo nên một khu tổ hợp hiện đại và mở ra một “bộ mặt mới” của Sài Gòn.

Bến Bạch Đằng - tượng
Bức tượng Trần Hưng Đạo ở bên kia đường nhìn từ bến Bạch Đằng

Bến cảng và công viên Bạch Đằng

Bến cảng Bạch Đằng

Bến Bạch Đằng - cảng
Toàn cảnh bến cảng Bạch Đằng

Khu bến cảng kết hợp với các dịch vụ nhà hàng nổi, du lịch đường sông cùng với nhiều dịch vụ tiện ích công cộng khác đã trở thành một điểm đến vui chơi giải trí, tham quan cho khách du lịch cũng như người dân nơi đây.

Bến phà Thủ Thiêm trước kia nay đã tràn ngập sắc vàng chủ đạo của những tuyến xe bus trên sông hiện đại nhất tại Việt Nam.

Bến Bạch Đằng - cổng
Cổng vào khu vực bến cảng Bạch Đằng

Những tuyến bus trên sông đã góp phần làm giảm mật độ xe cộ qua lại giữa quận 1 và các quận ven sông Sài Gòn cũng như sẽ giảm lượng khí thải ô nhiễm ra môi trường từ các phương tiện cá nhân.

Hơn thế nữa, những tuyến xe bus trên sông còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch sông nước cũng như thay đổi bộ mặt của một Sài Gòn văn minh, hiện đại nhưng vẫn có chút gì đó gần gũi, thân thuộc với thiên nhiên.

Bến Bạch Đằng - xe bus
Xe bus trên sông Bạch Đằng

Ngoài ra, hệ thống sông nước mênh mông tại bến Bạch Đằng cũng rất thích hợp để phát triển loại hình dịch vụ nhà hàng nổi. Nếu như muốn thay đổi không khí, tìm đến cảm giác thư giãn cho tầm hồn thì bạn lên những nhà hàng nổi trên sông với thiết kế cực kì bắt mắt.

Tại đây, bạn có thể vừa thưởng thức những món ăn Âu – Á do những đầu bếp chuyên nghiệp chế biến, vừa tận hưởng làn gió mát mẻ lênh đênh trên những con sóng, ngắm nhìn vẻ đẹp hoàng hôn của thành phố.

Bến Bạch Đằng - nhà hàng nổi
Nhà hàng nổi trên sông Bạch Đằng

Công viên bến Bạch Đằng

Kế bên bến Bạch Đằng là công viên Bạch Đằng có diện tích là 23.400 m2, với tổng chiều dài là 1325m, chạy dọc ven sông Sài Gòn. Công viên này trước đây là bãi giữ xe và một phần của bến phà Thủ Thiêm, nối giữa quận 1 và quận 2.

Sau hơn 2 năm bị bỏ trống, công viên Bạch Đằng đã được cải tạo để làm thành chợ phiên được tổ chức vào mỗi cuối tuần từ năm 2017.

Bến Bạch Đằng - chợ phiên
Chợ phiên trong khu vực công viên Bạch Đằng

Khu chợ phiên cuối tuần mang tên “Saigon Central Market”, có diện tích hơn 3200 m2, gồm 120 gian hàng, với bốn khu vực chính gồm khu biểu diễn nghệ thuật, khu giới thiệu sản phẩm Việt Nam, khu ẩm thực và khu trò chơi dân gian, giải trí.

Khi chợ phiên đi vào hoạt động đã kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, góp phần quảng bá thương hiệu Việt và xây dựng nên một tụ điểm vui chơi, chuỗi điểm đến cho người dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước.

Bến Bạch Đằng - công viên
Khu chợ mang tên “Saigon Central Market”

Bến Bạch Đằng về đêm

Có thể nói, bến Bạch Đằng đẹp nhất là khi về đêm. Nơi đây sở hữu một gian đẹp với phong cảnh sông nước hữu tình, nên khi thành phố lên đèn, bến Bạch Đằng trở nên rực rỡ bởi những ánh điện, khiến cho khung cảnh trở nên lãng mạn và thơ mộng hơn bao giờ hết.

Người dân Sài Gòn, đặc biệt là những cặp tình nhân, thường lựa chọn lui tới đây vào buổi tối để tận hưởng không gian trong lành, thoáng mát từ bến sông thổi vào. Nhìn từ phía bờ sông, bạn có thể thu trọn vào tâm mắt những tòa nhà cao tầng chọc trời, nơi tỏa ra những ánh đèn lấp loáng, rực rỡ.

Bến Bạch Đằng - về đêm
Khung cảnh bến Bạch Đằng về đêm

Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đi lên những chiếc du thuyền để khám phá hành trình về phía Thủ Thiêm, sau đó xuôi dòng Sài Gòn qua bến Nhà Rồng, dọc theo các bến cảng Sài Gòn để ngắm nhìn quang cảnh thành phố tuyệt đẹp về đêm.

Những chiếc thuyền lớn nhiều tầng và đủ loại màu sắc, hình dáng và ca nô luôn sẵn sàng rẽ sóng đưa khách du ngoạn trên sông để ngắm phố thị về đêm với vẻ đẹp huyền ảo, lung linh.

Bến Bạch Đằng - du thuyền
Những chiếc du thuyền lung linh, rực rỡ ánh đèn

Hiện nay, bến Bạch Đằng đã và đang dần nổi mới, từ một bến đò xưa trở thành một trạm xe bus trên sông hiện đại nhất giữa trung tâm Sài Gòn. Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bến Bạch Đằng đã, đang và sẽ luôn là biểu tượng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu có cơ hội đến đây du lịch, đừng quên dành một chút thời gian để ghé thăm bến Bạch Đằng và trải nghiệm hành trình khám phá thành phố Sài Gòn về đêm đầy thú vị nhé!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here