Ước mơ đặt chân tới Hà Giang đã được tôi thực hiện khoảng 1 tháng sau ngày sinh nhật 21 tuổi đó là chuyến hành trình về miền Cao nguyên đá Đồng Văn đầy ý nghĩa và kỷ niệm.
Vào những ngày tháng rực rỡ nhất của tuổi trẻ tôi đã không cho phép trái tim mình ngủ yên và cứ thế tôi đi, sống và vẽ lên giấc mơ đời mình.
Nội Dung Chính
Cao nguyên đá Đồng Văn – điểm đến của những giấc mơ
Hà Giang – cái tên mà chỉ khi nghe tới người ta đã hình dung về những cung đường đầy nắng và gió, những trong veo thổn thức kích thích tâm hồn không thể nào ngủ yên.
Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang là mảnh đất địa đầu của Tổ Quốc mang những vẻ đẹp đặc biệt của vùng núi Đông Bắc. Chúng tôi cũng như rất nhiều người trẻ, xách ba lô lên và bắt đầu hành trình checkin cực Bắc để rồi khi trở về những cảm xúc khác lạ và nhung nhớ vẫn hiện hữu trong đầu.
Cao nguyên đá Đồng Văn ở đâu?
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở vùng núi cực bắc của Việt Nam với diện tích 2356,8 km² và độ cao trung bình là khoảng 1.400 – 1.600m. Đây là cao nguyên trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang – nơi có nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những núi đá hiểm trở và hùng vĩ.
Phương tiện di chuyển tới Hà Giang
Xe khách
Lên lịch trình khoảng 2 tuần trước chuyến đi, chúng tôi quyết định lựa chọn ô tô làm phương tiện di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Hà Giang.
Bạn có thể đặt ghế ngồi qua nhà xe Ngọc Cường theo số điện thoại: 0904 366 279. Tuyến xe sẽ bắt đầu chạy vào 22:00 và khoảng 6 tiếng là tới thành phố Hà Giang (Giá vé: 200.000đ/1 chiều/ 1 người)
Xe khách là phương tiện di chuyển lý tưởng để giúp bạn đủ sức khỏe cho những ngày vi vu tiếp theo ở Hà Giang hoặc bạn cũng có thể gửi xe máy kèm theo nếu không muốn thuê xe trên Hà Giang nhé!
Xe máy
Nếu bạn muốn chạy xe máy từ Hà Nội lên Hà Giang thì để đảm bảo an toàn, bạn có thể xuất phát từ trung tâm Hà Nội vào khoảng 4-5h sáng. Quãng đường từ Hà Nội tới Hà Giang khoảng 300km và theo tuyến Hà Nội – Cầu Nhật Tân – Quốc lộ 2 – Thị xã Phúc Yên – Tp Vĩnh Yên – Quốc lộ 2C – Tp Tuyên Quang – Thị trấn Việt Quang – Hà Giang.
Bạn nên chuẩn bị đầy đủ áo mưa, đồ bảo hộ, giấy tờ, quần áo ấm,… để thuận lợi di chuyển bằng xe máy tới Hà Giang.
Đi cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang mùa nào đẹp nhất?
Câu trả lời có lẽ là Hà Giang mùa nào cũng đẹp, cũng có những điều đặc biêt rất riêng và trong chuyến hành trình của mình, chúng tôi đã chọn Hà Giang mùa tam giác mạch giữa tháng 11 để lên đường.
Hành trình 3 ngày 2 đêm khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang
Day 1: Cột mốc 0km – Quản Bạ – Yên Minh – Dốc Thẩm Mã – Nhà của Pao – dinh thự vua Mèo – Thị trấn Đồng Văn
Sau 6 tiếng ngồi trên xe khách, khoảng tầm 5h chúng tôi đặt chân đến thành phố Hà Giang. Vì đã đặt trước chỗ nghỉ ngơi và thuê xe, nên xe dừng ngay tại Nhà nghỉ Giang Sơn – tại đó chị chủ nhà nghỉ đã đợi sẵn để đón chúng tôi.
Nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân khoảng 1 tiếng, chúng tôi thuê 4 chiếc xe (vì đoàn có 8 người) để chuẩn bị lên đường. Chất lượng xe cộ tại đây rất tốt, chị chủ thân thiện và nhiệt tình có cho đoàn bản đồ lịch trình di chuyển sao cho hợp lý nhất.
Số điện thoại nhà nghỉ và cho thuê xe Giang Sơn: 0988470863.
Cột mốc 0km
Cột mốc 0km nằm ngay phía bên phải gần quảng trường, sau khi ăn sáng bạn có thể checkin tại đó.
Cổng trời Quản Bạ
Trên đường tới Quản Bạn rất dễ gặp những biển mây ấn tượng như thế này đấy 😀
Cổng trời Quản Bạ và núi đôi cô Tiên cách trung tâm thị xã khoảng 40km, thuộc địa phận thị trấn Tam Sơn,huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Đây cũng chính là hành trình bắt đầu đến với trung tâm cao nguyên đá Đồng Văn.
Tiếp tục chặng đường tới Yên Minh chúng tôi đi qua một cánh đồng lúa chín thật sự rất ấn tượng, cánh đồng rộng và phủ một màu vàng của lúa đã trổ bông, đẹp đến nao lòng.
Rừng thông Yên Minh
Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Yên Minh với những rừng thông bạt ngàn trong biển mây. Cảm nhận đầu tiên khi ngang qua Yên Minh là vẻ đẹp mộng mơ tựa như cao nguyên Lâm Viên Đà Lạt thứ 2.
Tới Yên Minh thì cũng tầm trưa vì thế chúng tôi ăn uống, nghỉ ngơi tại thị trấn rồi 13h30 lại tiếp tục lên đường. Tại thị trấn có rất nhiều các quán ăn với giá cả bình dân, ăn theo đoàn sẽ khá là tiết kiệm và còn có chỗ cho khách nghỉ trưa nữa đó.
Dốc Thẩm Mã
Trên con đường đèo uốn lượn nằm trên quốc lộ 4C chạy từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc, Dốc Thẩm Mã là một đoạn đèo uốn lượn rất nổi tiếng ở Hà Giang. Tại đây tôi bị ấn tượng mạnh vì những khúc cua dẻo và mềm mại. Cùng với đó là hình ảnh những em bé đeo những giỏ hoa sau lưng với nụ cười rạng rỡ, các em thoải mái nô đùa trong cái nắng hanh hao của ngày đông.
Nhà của Pao
Khi đi qua dốc Chín Khoanh một lúc là bạn có thể ghé thăm phim trường “Nhà của Pao” thuộc xã Sủng Là. Vẻ đẹp của cao nguyên đá Đồng Văn trên quãng đường này được lột tả một cách chân thực và chi tiết nhất. Cảnh sắc hùng vĩ, nhìn đâu cũng thấy những khối đá tai mèo xám xịt đan xen với màu xanh của cây cối, núi đồi và màu hồng tím của hoa tam giác mạch.
Dinh thự vua Mèo
Chúng tôi ghé dinh nhà Vương khi trời đã xế chiều. Dinh thự này tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Khung cảnh tại đây thật sự huyền bí với những nét cổ xưa và cũ kĩ kích thích trí tò mò.
Thị trấn Đồng Văn
Vì trời đã ngả bóng nên từ dinh nhà Vương chúng tôi phải di chuyển nhanh để kịp về thì trấn Đồng Văn. Cảnh sắc từ thôn Sà Phìn đến thị trấn mở ra trong màn đêm cũng hùng vĩ không kém quãng đường di chuyển trong ngày. Có những đoạn một bên là đá, một bên là vách núi nhìn thấy thung lũng với những nhà nhỏ xinh thấp thoáng, cuộc sống tại đây bình yên và lặng lẽ, không rộn ràng nhưng gần gũi và đáng yêu.
Đến khoảng 6h hơn là đến thị trấn Đồng Văn. Nơi đây chào đón chúng tôi bằng những con đường nhấp nhô, là những ngôi nhà sáng điện mà tôi yêu và gọi bằng cái tên thân thương là “phố núi”. Cuộc sống ở đây có phần tấp nập và đầy đủ hơn vì có nhiều người Kinh sinh sống.
Việc đầu tiên sau khi đặt chân đến phố cổ là chúng tôi thuê phòng tại nhà nghỉ Gia Bảo (Số điện thoại: 0974344110). Chất lượng phòng ở đây khá tốt có chỗ phơi đồ và nhìn ra được cảnh sắc bên ngoài, chúng tôi thuê 2 phòng sau đó ăn tối, vệ sinh cá nhân rồi đi thăm quan chợ phố cổ Đồng Văn về đêm.
Chợ phố cổ là điểm thu hút rất đông khách du lịch, sau khi ăn tối thì chúng tôi đi tham quan một vòng khu chợ đêm. Tại đây bày bán đồ ăn, đồ lưu niệm cùng rất nhiều quán cà phê.
Nhưng kể đến “đặc sản” ngon nhất “phố núi” này có lẽ là đồ nướng, những gian hàng đồ nướng bày ra hương khói vẫn nghi ngút và vị ngon đến mê mẩn. Dù đã no căng bụng sau khi thưởng thức khá nhiều từ nền ẩm thực phong phú và đa dạng tại đây nhưng vẫn quyết định ăn đêm tại một gian hàng đồ nướng. Vì quá ngon và chi phí bình ổn nên bạn có thể ăn không biết chán các món thịt cuộn rau cải, thịt cuốn nấm,… luôn đó! 😛
Day 2: Cột cờ Lũng Cú – Mã Pí Lèng – Mèo Vạc – Mậu Duệ
Cuộc sống tại thị trấn Đồng Văn bắt đầu từ rất sớm. Một buổi sáng ngày thứ 2 tại Đồng Văn của cả đoàn chúng tôi diễn ra bằng việc đi tham quan những ngôi nhà cổ tại Hà Giang và ghé qua phiên chợ sáng. Đây là khu phố cổ với nhiều kiến trúc xưa và rất ấn tượng.
Chúng tôi thấy ở chợ đa dạng những đồ ăn thích mắt như xôi 7 màu, bánh cuốn, bánh rán… còn gặp cả cảnh người ta dắt trâu dắt bò đến trao đổi. Thấm thía cái mùi rừng núi qua phiên chợ sáng, chuyến đi lại bắt đầu cùng những cung đường khó mà vui.
Cột cờ Lũng Cú
Đường lên Cột cờ Lũng Cú khá gần và dễ di chuyển, nhìn từ phía đằng xa cột cờ mang sắc đỏ của lá cờ Tổ Quốc hiện lên uy nghiêm và đầy tự hào.
Bạn có thể gửi xe tại chân cột cờ và leo lên đỉnh tham quan và chiêm ngưỡng.
Cảm xúc được bước chân lên cột cờ và chạm tay vào cột mốc có lẽ sẽ không bao giờ tôi có thể quên được – thiêng liêng, tự hào, cả Việt Nam khi ấy trọn vẹn trong trái tim chúng tôi.
Mã Pí Lèng
Bạn chắc hẳn đã từng nghe về sông Nho Quế, con đường Hạnh Phúc rồi chứ? Đèo Mã Pí Lèng là phần nối dài của con đường Hạnh Phúc khi nó được mở ra đến huyện lỵ Đồng Văn bây giờ, nó như một nét vẽ ngoạn mục trên những vách núi xếp liền kề với nhau.
Trên đường đi cái chúng tôi gặp nhiều nhất là nụ cười và tiếng chào to của các em bé. Cung đường này có vẻ đặc biệt và ấn tượng hơn so với ngày đầu tiên vì mọi thứ đều rất đỗi nhẹ nhàng và mộc mạc.
Từ Mã Pí Lèng sẽ nhìn thấy dòng Nho Quế xanh như ngọc bích và mảnh mai như sợi chỉ vắt ngang hẻm Tu Sản.
Sau khi rời Mã Pí Lèng, chúng tôi lên đường về trung tâm thị trấn Mèo Vạc để ăn trưa và theo hướng Mậu Duệ chạy xe về thị xã Hà Giang.
Ngang qua Mậu Duệ
Mậu Duệ không phải mảnh đất được chúng tôi lựa chọn để dừng chân nhưng trên đường đi nơi đây mang lại cho tôi nhiều sự đặc biệt.
Những ngôi nhà phía xa xa nằm thu mình trong không gian tĩnh lặng của thiên nhiên. Thỉnh thoảng trên tuyến đường chúng tôi còn gặp cả gia đình bố – mẹ – con cái bon bon trên một chiếc xe máy. Ở đây bình yên, không lo mất trộm, ngay cả khi bạn để xe máy trên quốc lộ qua ngày, qua đêm thì vẫn có thể an tâm.
Quay trở lại thành phố vào 6h tối, chúng tôi ăn tối tại quán cơm rang HongKong ngay tại giữa thị xã và về nhà nghỉ Giang Sơn làm thủ tục trả xe cũng như đợi xe tuyến xe lúc 22:00 di chuyển về Hà Nội.
Chi phí – đồ đạc thiết yếu cho chuyến đi
Chi phí
Tổng chi phí cho chuyến đi Hà Giang của tôi là 1triệu2 / 1 người.
Bao gồm tiền xe khứ hồi Hà Nội – Hà Giang, mua đồ ăn vặt và kẹo bánh cho các em nhỏ, thuê xe máy 2 ngày, xăng xe, ăn uống, nhà nghỉ và các chi phí vé vào cửa cũng như phát sinh.
Đồ đạc thiết yếu cho chuyến đi
Thời tiết vùng cao rất khó để đoán trước vì thế các bạn nên mang đầy đủ quần áo ấm và áo mưa để di chuyển. Một số thứ vật dụng và giấy tờ thiết yếu liệt kê dưới đây là chút kinh nghiệm chuẩn bị đồ đạc để chuyến đi an toàn và đầy đủ nhất:
- Giấy tờ tùy thân: Chứng minh thư, bằng lái xe, thẻ sinh viên,…
- Quần áo ấm và chống nước thì càng tốt
- Khăn rằn, găng tay
- Đồ bảo hộ đầu gối
- Một đôi giày chắc chắn và chống trơn trượt
- Áo mưa bộ, áo mưa rời để bọc balo
- Đồ dùng vệ sinh cá nhân: Khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng,…
Chuyến đi của tôi và những người bạn có thể chưa trọn vẹn nhưng để lại trong mỗi người những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Vì đã đặt chân tới đây nên tôi luôn muốn trở lại Hà Giang lần 2, lần 3 hay rất nhiều lần nữa trong cuộc đời.
Đến cao nguyên đá Đồng Văn, tôi nhận ra mình đã sống những ngày trẻ đầy màu sắc và ý nghĩa. Được gặp gỡ, làm quen với những con người nơi không bao giờ tắt đi nụ cười, được hòa mình vào thiên nhiên cảnh sắc, cái dịu dàng nhưng cũng bình yên, có khi dữ dội của mảnh đất, khí hậu vùng núi.
Hi vọng nhật ký Hà Giang qua bài viết trên sẽ giúp các bạn thêm yêu và đủ quyết tâm để lên đường chinh phục mảnh đất này nhé!