Ghé thăm cầu Mỹ Thuận – Cây cầu đẹp nhất của tỉnh Vĩnh Long

Cầu Mỹ Thuận - ảnh bìa

Vùng sông nước miền Tây có rất nhiều địa điểm để cho du khách tìm hiểu, khám phá. Trong đó, việc thăm quan các cây cầu nổi tiếng ở miền Tây cũng không phải là ngoại lệ. Nếu như Bến Tre được biết đến với cây cầu Rạch Miễu, Cần Thơ có cây cầu Cầu Thơ thì không thể không kể đến cầu Mỹ Thuận tại tỉnh Vĩnh Long.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, cầu Mỹ Thuận còn là một trong những địa điểm được rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến thăm quan, khám quá khi đặt chân đến Vĩnh Long.

Vị trí địa lý

Nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam, trên tuyến quốc lộ 1A – trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cầu Mỹ Thuận nối liền hai bờ của sông Tiền, từ tỉnh Tiền Giang qua tới tỉnh Vĩnh Long.

Cầu Mỹ Thuận - hai bờ
Cầu Mỹ Thuận nối liền hai bờ của sông Tiền
Cầu Mỹ Thuận - sông tiền
Cầu Mỹ Thuận bắc qua dòng sông Tiền, trên tuyến quốc lộ 1A

Thông tin chung về cầu Mỹ Thuận

Thời gian xây dựng

Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam, được khởi công xây dựng vào 06/07/1997 và hoàn thành vào 21/05/2000.

Trước khi có cầu Mỹ Thuận, những ai muốn đi qua đây đều phải sử dụng phà. Việc di chuyển bằng phà vừa tốn thời gian, lại không đảm bảo an toàn, dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt vào giờ cao điểm dễ xảy ra ùn tắc.

Cầu Mỹ Thuận - phà
Trước khi có cầu Mỹ Thuận, muốn qua sông Tiền người ta phải di chuyển bằng phà

Sau khi chính thức được đưa vào hoạt động, cầu Mỹ Thuận đã nối liền tuyến giao thông đường bộ từ thành phố Hồ Chi Minh đến Vĩnh Long, giúp kết nối tỉnh Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tạo điều kiện phát triển kinh tế và ngoại giao cho nơi đây.

Cầu Mỹ Thuận - khánh thành
Quang cảnh ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận

Thông số kỹ thuật

Sơ đồ bố trí dây văng cầu Mỹ Thuận được thiết kế theo hình rẻ quạt với hai mặt phẳng dây cách nhau 18,6m. Toàn cầu có 128 dây văng chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm có 16 dây.

Tổng chiều dài của cây cầu là 1535m với hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi bên gồm 9 nhịp 40m, 1 nhịp 38,8m và 1 nhịp 43,8m đều dạng dầm bê tông dự ứng lực, được lắp ghép đơn giản theo kiểu “Super Tee” (có hình hộp hở).

Chiều dài phần cầu chính là 660m, chia thành 3 nhịp: hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150 mét, nhịp giữa dài 350m Độ cao thông thuyền là 37,5m. Mặt cầu Mỹ Thuận rộng 23,6m chia thành bốn làn xe cơ giới ở giữa và hai làn cho người đi bộ và xe thô sơ hai bên.

Cầu Mỹ Thuận - hai làn
Cầu được chìa làm bốn làn xe cơ giới ở giữa và hai làn cho người đi bộ và xe thô sơ ở hai bên

Dầm cầu được cấu tạo bằng bê tông dự ứng lực grade 50, gồm 2 dầm biên, các dầm ngang, bản mặt cầu thi công theo phương pháp đúc hẫng. Dầm biên cao 1760mm rộng 1200-1400mm, bản mặt cầu dày 250mm.

Tháp cầu hình chữ H cũng được làm từ bê tông cốt thép grade 50, có chiều cao 123,5m tính từ đỉnh bệ cọc. Ngoài ra, còn có hai trụ neo được đặt tại hai đầu cầu chính để chống dịch chuyển tháp. Thân trụ neo gồm hai cột bê tông cốt thép ứng suất trước bê tông mác 400, kích thước 1500x3500mm. Trụ neo không có xà mũ, thân cột liên kết trực tiếp với kết cấu nhịp.

Cầu Mỹ Thuận - tháp cầu
Tháp cầu có dạng hình chữ H

Công trình phụ

Hơn nữa, cầu Mỹ Thuận còn có rất nhiều các công trình phụ như hệ thống ống thoát nước từ mặt cầu cách nhau 5,2m, được bố trí trên mặt cầu sát gờ lề bộ hành, cầu chính nước thoát trực tiếp xuống lòng sông; Dải phân cách bằng bê tông được đổ ngay tại chỗ, lan can hai bên làn xe cơ giới bằng bê tông và thép, lan can cho người đi bộ bằng thép mạ kẽm; hệ thống cấp điện với hai trạm biến thế 560 KVA được đặt tại hai bờ sông với trạm điều khiển chính tại mỗi máy; hệ thống chữa cháy và đèn chiếu sáng an toàn gồm cột điện đặt tại giải phân cách giữa, đèn báo hiệu đường sông, đèn báo máy bay đặt trên đỉnh tháp, đèn trang trí đặt trên mặt phẳng dây cáp, đèn báo sương mù đặt tại đài cọc,…

Cầu Mỹ Thuận - về đêm
Cầu Mỹ Thuận về đêm lung linh với những ánh đèn rực rỡ

Nguồn vốn xây dựng

Cầu Mỹ Thuận là công trình hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của các công ty Baulderstone Hornibrook của Úc và Cienco 6 của Bộ Giao thông Vận tải thiết kế và thi công. Xoay quanh việc cung cấp vốn đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Vào năm 1950, Hoa Kỳ đã từng có ý định cung cấp vốn cho chính quyền Việt Nam để xây cầu nhưng đã thất bại. Giữa những năm thập niên 1960, công ty Nippon Koei của Nhật Bản đã hoàn thành thiết kế đồ án và được lựa chọn nhưng dự án bị hủy do khó khăn về tài chính.

Sau nhiều lần trì hoãn, nhờ có chương trình AusAid của Chính phủ Australia, dự án cầu Mỹ Thuận có tổng nguồn vốn đầu tư là 90,86 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng), trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34% đã thành công.

Việt Nam đang chuẩn bị nguồn vốn tiếp tục xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 có đường dành riêng cho tuyến metro với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỷ đồng.

Cầu Mỹ Thuận - bao quát
Đừng từ cầu Mỹ Thuận, du khách có thể bao quát được hết khung cảnh xung quanh

Đứng trên cây cầu này, phóng tầm nhìn ra xa, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh những mái nhà san sát, sông núi, chùa chiền đến ruộng đồng mênh mông.

Không chỉ mang lại những giá trị thiết yếu về mặt giao thông và kinh tế, cầu Mỹ Thuận còn là một công trình kiến trúc nổi bật, có tính thẩm mỹ cao.

Có thể nói, cầu Mỹ Thuận là một công trình giao thông có kiểu dáng kiến trúc theo phong cách Châu Âu hiện đại, mang lại vẻ đẹp cho miền Tây Nam Bộ.

Cầu Mỹ Thuận - kiến trúc
Không chỉ mang lại những giá trị về mặt kinh tế, cầu Mỹ Thuận còn là một công trình kiến trúc độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao

Nếu như có cơ hội đến du lịch tại miền Tây sông nước Tiền Giang – Vĩnh Giang, hãy danh chút thời gian để thăm quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của CẦU MỸ THUẬN nhé!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here