Chùa Phổ Minh cùng cổ Tháp Phổ Minh tọa lạc giữa khoảng mênh mông đồng nội của tỉnh Nam Định cho đến nay đã tồn tại được 700 năm.
Nơi đây là một trong những dấu tích quan trọng còn lại của một thời “Hào khí Đông A” nhà Trần và đã từng xuất hiện trên mặt sau của tờ tiền 100 đồng Việt Nam.
Nội Dung Chính
Chùa Phổ Minh – ngôi chùa cổ mang dáng hình lịch sử
Ngôi chùa 700 năm tuổi này còn có tên gọi là chùa Tháp, nằm ở địa phận phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định.
Cách trung tâm thành phố Nam Định 5 km về phía tây bắc, khi đi trên quốc lộ 10 theo hướng Nam Định – Thái Bình, hình ảnh tháp chùa Phổ Minh hiên ngang lúc ẩn lúc hiện qua từng miền đất xanh ngát.
Theo lịch sử ghi chép lại, chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời nhà Lý và được tu bổ lại với quy mô lớn hơn vào năm 1262 bởi thượng hoàng Trần Thái Tông. Bảo tháp cổ tháp Phổ Minh thì được xây dựng sau vào năm 1308.
Ngôi chùa này cũng từng là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông – vị vua hiền có công trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 và 3 và là vị tổ đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm lựa chọn làm địa điểm tu hành khi mới xuất gia.
Những dấu tích kiến trúc thời Trần còn sót lại tại chùa Phổ Minh
Dù đã đi qua biết bao năm tháng lịch sử hào hùng và những bước chuyển mình mạnh mẽ của thời gian nhưng nơi đây vẫn còn ghi bóng những vàng son mà kiến trúc ngày trước để lại.
Lối vào chùa có 2 hồ nước hình tròn nuôi trồng sen nằm đăng đối với nhau. Cụm kiến trúc chính của chùa Phổ Minh bao gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương và tòa thượng điền rộng lớn với 3 gian.
Bộ cửa gian giữa của nhà tiền đường được sử dụng chất liệu gỗ lim chạm khắc rồng, sóng nước và hoa văn.
Ngoài ra, những công trình kiến trúc đặc sắc khác như: 3 gian tam quan khung gỗ, tường gạch, mái ngói cổ kính với bức hoành phong đề “Đại hùng bảo điện” và đôi sấu chạm ở bậc thềm chính giữa lối đi cũng là những nét kiến trúc đặc trưng và nổi bật ở chùa.
Chùa Phổ Minh là nơi thờ Chư Phật và các vị Bồ Tát, đồng thời các vị tổ tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bao gồm Tổ Trần Nhân Tông, Tổ Pháp Loa, tượng Tổ Huyền Quang cũng được thờ cúng tại hậu điện.
Tháp Phổ Minh – bảo vật cổ của kiến trúc thời nhà Trần
Tháp Phổ Minh được dựng năm 1305 tại quần thể chùa Phổ Minh có thể được xem là công trình kiến trúc lâu đời còn lưu giữ được tương đối toàn vẹn.
Chiều cao của bảo tháp khoảng 19,5m bao gồm 14 tầng mà theo tính toán của các nhà khoa học, tòa tháp này đã đứng hiên ngang và vững vàng qua 7 thế kỷ dù nặng tới 700 tấn.
Nền và tầng thứ nhất của tháp được xây dựng bằng đá trong khi những tầng còn lại phía trên sử dụng gạch làm chất liệu chính. Mỗi đầu viên gạch đều được chạm dòng chữ “Hưng – Long thập tam niên” và hình con rồng nổi.
Tất cả các tầng đều trổ 4 cửa vòm cuốn, phân cách giữa các tầng là gờ mái. Cũng giống như lối kiến trúc của chùa Phổ Minh, bệ và tầng thứ nhất của tháp Phổ Minh được chạm hoa lá, sóng nước, mây cuốn trên đá, mặt ngoài những viên gạch của các tầng được trang trí họa tiết hình rồng.
Đây cũng là tòa bảo tháp được xuất hiện trong tờ tiền 100 đồng phát hành năm 1991 và được lưu hành vài năm về trước, một hình ảnh rất đặc biệt và đáng ghi nhớ.
Vì những nét đẹp cổ kính và lâu đời sẵn có và còn hiện hữu cho tới tận ngày hôm nay, nêm vào 2012 chùa Phổ Minh cùng quần thể di tích đền Trần đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Quần thể di tích lịch sử chùa Phổ Minh thu hút rất đông người dân hành hương từ các vùng miền khác nhau, đặc biệt là vào dịp lễ Tết. Người đến chiêm bái vừa nhân dịp đầu xuân năm mới có thể chiêm ngưỡng kiến trúc cổ xưa của chùa và tháp, đồng thời mang lòng hướng thiện của mình tới cầu an, sức khỏe cho năm mới.
Nếu có dịp tới Nam Định, bạn nhớ ghé thăm ngôi chùa và tòa bảo tháp thiêng liêng nơi đây nhé!