Cứ mỗi dịp tết đến xuân về lại là lúc người dân nô nức trẩy hội bốn phương để cầu tài lộc, vận may cho một năm mới tốt lành. Đền Bà Chúa Thác Bờ được xem là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất ở Hòa Bình.
Đền mở từ mùng 2 tháng giêng để đón những du khách tới đây, các con dân Phật tử nô nức tới tham quan, dâng lễ thắp nhang để tưởng nhớ về công ơn của Bà Chúa Thác Bờ. Như một nét đẹp thơ mộng giữa đất trời, đền được tụ hội bởi non nước hữu tình, cảnh sắc khiến mê hoặc lòng người.
Nội Dung Chính
ĐỀN BÀ CHÚA THÁC BỜ Ở ĐÂU?
Được biết đến như một chốn linh thiêng có tiếng ở tỉnh Hòa Bình, đền bà Chúa Thác Bờ không lộng lẫy, cũng chẳng đồ sộ như những đền chùa nổi tiếng khác trong nước, nơi đây với sự thanh tịnh của non nước, cảnh sắc như hòa vào không gian thêm phần tô điểm cho vẻ đẹp tuyệt mỹ.
Nơi có những ngọn núi hùng vĩ, có hồ thơ mộng với nước xanh bốn mùa và là nơi của những con người yêu dân tộc, luôn giữ gìn và bảo tồn truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt.
Hòa Bình nổi danh với Hồ thủy điện lung linh mỗi mùa mưa về, thung nai thơ mộng như trong chuyện cổ tích với dòng nước xanh ngát nhẹ nhàng, thư thái như chính cuộc sống nơi đây.
Chẳng những là một điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan ở khắp nơi trên cả nước, mà Hòa Bình còn được biết đến như một nơi chốn linh thiêng bậc nhất với đền Bà Chúa Thác Bờ được tọa lạc ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Với một địa danh cách trung tâm thành phố Hà Nội 110km, du khách gần xa khi tới nơi đây có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau.
SỰ TÍCH VỀ BÀ CHÚA THÁC BỜ
Theo truyền thuyết, Đền Bờ là nơi thờ hai bà chúa Thác Bờ, một bà tên thật là Đinh Thị Vân người dân tộc Mường và người còn lại là bà người dân tộc Dao ở Vầy Nưa.
Vào mùa xuân năm 1431, khi đoàn quân của vua Lê Lợi tiến đến Thác Bờ, hai bà đã kêu gọi sự ủng hộ của toàn bộ nhân dân trong vùng hỗ trợ lương thực, thực phẩm nuôi đoàn quân ăn uống, chèo lái thuyền đưa đoàn quân đi đánh giặc, giành lại độc lập hòa bình.
Khi đánh thắng giặc, hai bà tổ chức lễ hội ăn mừng cho đoàn quân cùng với nhân dân trong vùng. Để tiễn quân của vua Lê, hai bà cùng nhân dân chèo thuyền, đóng bè giúp đoàn quân di chuyển tới nơi khác để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Sau khi mất, nhân dân trong vùng tương truyền rằng 2 bà vẫn thường hiển linh để giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hòa nên nhân dân ở đây đã phong hai bà làm thánh và lập đền thờ phụng.
Cho tới ngày nay, lễ hội đền bà Chúa Thác Bờ được tổ chức từ mùng 2 tết đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm, nhân dân khắp muôn nơi lại nô nức chuẩn bị những tiết mục đặc sắc, dâng hương hoa để tưởng nhớ về công ơn của hai bà.
ĐỀN CHÚA THÁC BỜ
Quần thể đền Chúa Thác Bờ gồm: Đền Trình, đền Chúa Thác Bờ và Động Tiên. Nằm giữa núi non sông nước, du khách tới lễ bái còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp hữu tình của nơi đây.
Do mỗi ngôi đền đều nằm trên một hòn đảo riêng biệt, cách nhau khoảng 20 phút đi thuyền, nên mỗi dịp đầu năm những chiếc thuyền ngược xuôi lại được tập trung đông đúc tại bến cảng.
Như một “vịnh Hạ Long trên cao” ngoài những mong ước về cuộc sống an bình, thuận lợi, hạnh phúc trong một năm mới, du khách tới đây còn hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, về vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có nơi đây.
Thông thường những người đi lễ chùa sẽ cầu nguyện ở đền Trình trước rồi lên đến đền Chúa. Ở đây, ngoài thờ bà Chúa Thác Bờ, đền hiện nay còn thờ các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt như: Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu; Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Tứ phủ Chầu bà; Tam toà Đức Thánh Mẫu…
Vừa đi lễ, vừa thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vô vàn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước, bỗng thấy lòng mình bình yên đến lạ, đền chùa nơi chốn thanh tịnh vẫn luôn là một điểm đến cho mỗi dịp xuân về.
Tiếp đến là đền Chúa Thác Bờ phía tả ngạn thuộc huyện Đà Bắc nằm trên đỉnh đồi Hang Thần ở xóm Phố Bờ. Từ dưới bến thuyền du khách phải leo hơn 100 bậc, sau đó theo một triền dốc thoải mới mới đến nơi.
Đền gồm 3 gian, mái đền được thiết kế theo kiểu vòm cuốn và kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh gồm: nhà Đại bái và nhà Hậu cung, phía trước đền gồm 5 cửa (ngũ quan). Hiện nay tại di tích này còn lưu giữ được một quả chuông đồng được đúc vào tháng 2, năm Thành Thái thứ 6.
Cuối cùng là Động Tiên một trong những di tích thắng cảnh quốc gia, nằm giữa dòng sông Đà cuộn sóng.
Với cửa động lớn, nhiều tầng bên trong động lung linh và huyền bí của vẻ đẹp do các thạch nhũ tạo nên, cây vàng, cây bạc, ô trời, lọng trời,… Vẻ đẹp hoàn mỹ mà chẳng thể phai nhạt theo năm tháng, nơi đây được xem như điểm tham quan của đông đảo du khách khi tới Hòa Bình.
Vốn là một nét đẹp truyền thống của mỗi người dân Việt mỗi dịp tết đến xuân về, đền Bà Chúa Thác Bờ luôn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng linh thiêng, trang nghiêm mà được nhiều người trên cả nước ghé thăm.