Dinh thự vua Mèo trong chuyến đi Hà Giang những ngày tháng 11 vừa qua là nơi để lại trong tâm trí một đứa cuồng xê dịch như tôi một cảm giác đầy ma mị và khắc khoải.
Đó là một chiều trời đang sẩm tối, tôi chạy xe giữa những con đường ngập tràn tam giác mạch tại Sà Phìn rồi dừng chân tại dinh nhà Vương. Cái cảm giác lạc ở nơi đây cũng như lạc vào tòa lâu đài đã bạc màu theo năm tháng cùng những mảng màu sáng tối và huyền bí.
Nội Dung Chính
Tôi đã biết đến dinh thự vua Mèo như thế nào?
Nghe ông nội kể về dinh vua Mèo, về Hà Giang khi tôi mới chỉ 13 tuổi nhưng mảnh đất ấy đã luôn thao thức trong tâm trí tôi từ ngày ấy đến giờ. Có những ngày tôi mơ một ngày thức dậy tại vùng đất đầy mơ ước kia, để cảm nhận cái se lạnh của núi rừng, ngắm trọn vẹn những ngày tam giác mạch bung nở đẹp nhất.
Và giấc mơ ấy trở thành hiện thực khi tôi tròn 21 tuổi, lặng lẽ từng bước chân tham quan dinh thự vua Mèo, tôi nhớ về những câu chuyện ông kể – ông kể về lịch sử, kể về tòa “lâu đài cổ” to nhất Hà Giang nơi toàn bộ dòng họ Vương từng sống.
Vị trí dinh nhà Vương
Dinh thự vua Mèo hay còn gọi là Dinh họ Vương thuộc địa phận xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Sau khi ngang qua các điểm Cổng trời Quản Bạ, rừng thông Yên Minh, Dốc Thẩm Mã, nhà của Pao ở thị trấn Phó Bảng, dù trời đã xế chiều nhưng chúng tôi vẫn quyết định men theo con đường đến với thung lũng Sà Phìn.
Đoạn đường vào với dinh nhà Vương là một con dốc nhỏ, khác hẳn với khung cảnh hùng vĩ của núi đồi vừa mở ra trước mắt. Cuộc sống ở đây bình yên với những ngôi nhà nhỏ xinh và thu hút chúng tôi ngay bởi vẻ tráng lệ, bề thế của tòa dinh thự.
Lịch sử của dinh thự vua Mèo
Câu chuyện lịch sử về tòa “lâu đài” của vua Mèo Vương Chính Đức tôi đã được nghe từ ông nội và tham khảo một số kiến thức trên mạng. Tương truyền rằng cách đây một thế kỷ trước, dòng họ Vương đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng Vương. Đồng bào dân tộc Mông thường gọi là “vua Mèo”. Để khẳng định quyền uy của mình, vua Mèo đã tới Trung Quốc tìm thầy phong thủy sang Việt Nam để chọn địa thế đất cai quản. Và thôn Sà Phìn nằm giữa thung lũng Sà Phìn đã được lựa chọn. Ở nơi đây có một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần kim quy và là một địa thế rất tốt nên dinh họ Vương đã được xây dựng.
Khám phá cảnh quan và kiến trúc “tòa lâu đài” bí ẩn
Phía cổng vào dinh
Phía trước cổng dẫn vào “tòa lâu đài cổ” là một khu vực rộng lớn với những hàng quán với lời mời chào đon đả những món “đặc sản Hà Giang” của người buôn. Có cả hình ảnh những em bé cầm chiếc vòng hoa được tết từ các loài hoa sặc sỡ và nhiều màu sắc với giá 10.000 đồng.
Khi ngước mắt lên tôi thấy mình đang đứng giữa một thung lũng 4 bề là những ngọn núi xanh thẳm bao quanh.
Lối vào cổng nhà vua là những bậc thang làm bằng đá, phía 2 bên là những hàng cây sa mộc cao vút đứng sừng sững che bóng cho cả con đường. Ngay đầu những bậc cầu thang đầu tiên khi hướng mắt về bên trái, tôi đoán đó là một ngôi nhà cổ nơi lưu giữ những cổ vật ngày xưa.
Sau khi đi một đoạn thì chiếc cổng đá bề thế của dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức hiện ra trên đỉnh đồi.
Có một điều đặc biệt rất nhiều người mong chờ khi đến dinh nhà Vương đó là gặp được Vương Thị Sinh – hotgirl bán lê sốt rần rần trên cộng đồng Phượt Việt Nam. Cô bé thường ngồi cùng gian hàng tại cổng dinh nhà Vương nhưng trong chuyến đi chúng tôi chưa may mắn gặp được em.
Phía trong dinh nhà Vương
Trời tối dần, tôi cùng vài người bạn tham quan ở đây tầm 30 phút để kịp chạy xe về thị trấn Đồng Văn cho chuyến hành trình ngày hôm sau.
Được biết rằng dinh thự này có tuổi đời đã 1 thế kỷ, chi phí tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 150 tỷ đồng hiện nay. Trong 9 năm ròng rã ngôi nhà vua nổi tiếng đã được hoàn thiện bởi những thợ giỏi tay nghề và hàng vạn nhân công (từ 1919 đến 1928).
Toàn bộ Dinh vua Mèo có diện tích gần 3.000m vuông, là sự kết hợp của 3 nền kiến trúc văn hóa khác nhau: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Ngôi nhà bao gồm 4 nhà ngang, 6 nhà dọc với khu tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung.
Khu Tiền cung ngày trước là nơi ở của lính bảo vệ và gia nhân. Trung và hậu dinh là nơi ở, làm việc của con cháu dòng họ Vương.
Ngày trước toàn bộ gỗ của dinh thự đều được làm từ gỗ thông đá nhưng nay đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến.
Tôi bị thu hút nhất khi ngắm nhìn những bức tường được cấu tạo bằng các phiến đá nhỏ được kè chặt khít với nhau không cần chất kết dính, dày khoảng 50cm và xếp thành vòng tròn.
Từ tầng 1 đến tầng 2 của mỗi gian đều có cầu thang bắc sang gian còn lại và có mùi cổ kính đặc trưng. Tại gian thờ cúng hương khói nghi ngút và còn lưu giữ rất nhiều bức ảnh của gia tộc họ Vương.
Trong bức ảnh gia tộc họ Vương có hình ảnh cụ Vương Chính Đức cùng bà cả và bà ba, vì bà hai không sinh được con trai nên không có mặt trong ảnh. Cái tên Vương Chí Sình cũng là người được nhiều người biết tới nhất vì là con trai thứ của cụ Vương Chính Đức. Ông cũng là người thay cha đón tiếp cụ Hồ vào năm 1945, sau khi tham gia cách mạng ông Vương Chí Sình đã trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II của nước ta.
Tại đây cũng còn lưu giữ lại tất cả những cổ vật, kho vũ khí thời bấy giờ được sử dụng tại dinh nhà Vương.
Năm 1993, toàn bộ khu dinh thự vua Mèo được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Dù thời gian có đi qua và đối mặt với khí hậu khắc nghiệt, di tích lịch sử nhà Vương vẫn luôn giữ được hình dáng xưa cũ cùng với những giá trị lịch sử một thời.
Một số hình ảnh tại dinh nhà Vương
Và có lẽ khi tới đây sẽ có rất nhiều vị trí cho các bạn checkin mang đậm nét vintage, tiếc là trời khá tối nên đoàn mình cũng chưa kịp checkin tại đây, nên mình thu thập một số góc ảnh cho các bạn tham khảo nhé!
Trời tối dần và chúng tôi phải di chuyển khỏi ngôi nhà có nhiều điều cần khám phá này để kịp về thị trấn Đồng Văn. Thật sự đây là một nơi để lại rất nhiều cảm xúc mà tôi muốn khi trở lại, tôi sẽ khám phá nơi này lâu hơn, từng chút từng chút một, để mỗi bước chân qua có thêm thật nhiều kiến thức và kỷ niệm.
Nếu có dịp tới Hà Giang, các bạn đừng bỏ qua tòa “lâu đài” dinh thự vua Mèo cổ và huyền bí này nhé!