Hàng Buồm thuộc khu phố cổ trong 36 phố phường xưa tại Thủ đô. Con phố dài chừng 300m mang trong mình biết bao dấu ấn, những điều thú vị và hấp dẫn của nét văn hóa nguyên sơ mang đặc trưng của phố cổ thời xưa.
Chúng ta cùng tìm hiểu về con phố này nhé!
“Rủ nhau chơi khắp Long thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,…”
(Hà Nội 36 phố Phường)
Thời Pháp thuộc, phố hàng Buồm có tên là Rue des Voiles, sau năm 1954 được chính thức đổi thành tên tiếng Việt như ngày nay.
Nội Dung Chính
Phố Hàng Buồm nằm ở đâu?
Phố Hàng Buồm, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
Phố Hàng Buồm có chiều dài 300m, rộng 7m. Từ phố Đào Duy Từ đến ngã tư phố Hàng Ngang – Hàng Đường – Lãn Ông, cắt ngang qua phố Hàng Giày.
Phố Hàng Buồm xưa
Hàng Buồm – Chuyên buôn bán các loại buồm
Tại khu phố cổ Hà Nội, tên gọi của các con phố thường gắn liền với các sản phẩm buôn bán. Và phố hàng Buồm cũng không ngoại lệ.
Phố hàng Buồm vốn là điểm trấn cửa Đông kinh thành Thăng Long xưa, Hàng Buồm nằm ở nơi cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng – một vị trí đắc địa, rất thuận tiện cho các hoạt động kinh doanh thương mại.
Thuyền chở hàng hóa xuôi theo dòng nước, đậu nơi cửa phố, tập kết hàng hóa rồi tiếp tục đổ về cho các mối ở các địa phương.
Mặt hàng kinh doanh chủ yếu của các tiểu thương trên phố là các loại buồm được may bằng vải dùng cho thuyền bè, các loại túi, bị, buồm đan bằng cói.
Hàng Buồm – Nơi người Hoa đã từng sinh sống
Từ khi người Hoa chuyển dần dần từ Hàng Ngang sang chiếm lĩnh phố thì các loại mặt hàng buồm dần biến mất. Với vị trí thuận lợi trên bến dưới thuyền, tiện cho việc trao đổi hàng hóa với các địa phương nên con phố nhanh chóng trở thành nơi buôn bán và cư trú chính của người Hoa Quảng Đông.
Từ đó, Hội quán Quảng Đông được xây dựng ngay trên phố mà ngày nay là địa điểm của ngôi trường mẫu giáo Tuổi Thơ.
Nằm khuất sau cổng trường là tấm bia đá in song ngữ Hoa – Việt ghi lại dấu ấn quan trọng “Cụ Tôn Trung Sơn , người lãnh đạo cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc năm 1904 đã từng tới đây”.
Hàng Buồm ngày nay
Buôn bán tấp nập, nhộn nhịp
Trước nổi tiếng với nghề làm buồm, sau này phố Hàng Buồm trở thành nơi có hệ thống nhà hàng, quán ăn, cửa hàng chuyên doanh bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát lớn của Hà Nội. Con phố vẫn sầm uất, buôn bán tấp nập cho đến ngày nay.
Hàng Buồm nổi tiếng với món thịt quay
Người Hoa ở Hàng Buồm đến ngày nay không còn nhiều, nhưng họ đã để lại những dấu ấn đặc sắc, trong đó có món thịt quay nổi tiếng cả nước.
Trước khi có rất nhiều cửa hàng thịt quay như Phú Điền (số nhà 103), Đông Phú (số nhà 117), Trung Ký (số nhà 109) và đối diện là cửa hàng Vạn Thành (số 108)… Trong số đó, chỉ còn cửa hàng Vạn Thành là còn hoạt động. Và hiện tại, đây là cửa hàng thịt quay ngon nhất ở Hà Nội.
Hàng Buồm – có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng
Đền Bạch Mã
Ngôi đền Bạch Mã là 1 trong trấn thành Thăng Long xưa, ngày nay nằm ở số nhà 76. Ngôi đền thờ thần Long Đỗ là công trình kiến trúc khá đồ sộ, kéo dài từ hè phố Hàng Buồm đến phố Ngõ Gạch, xây dựng theo hướng Đông Nam.
Tương truyền, đền có từ thế kỷ thứ IX. Đền thờ Long Đỗ thần quân Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Bạch Mã được coi là vị thần đặc biệt quan trọng thuộc thần điện của Quốc đô Thăng Long, là một trong “Thăng Long tứ trấn”.
Đền Quan Đế
Đền Quan Đế nằm ở số nhà 28, giờ được người dân sử dụng làm Trung tâm thông tin phố cổ.
Vào thứ 7 và Chủ Nhật, ở đền Quan Đế thường có các tiết mục hát ca trù và có bán vé. Bạn sẽ được thưởng thức những nét văn hóa của người Hà Nội xưa kia tại khu phố cổ này.
Đình Dương Tử
Trên phố Hàng Buồm có ngôi đình Tử Dương nằm ở nhà số 8, do dân làng Kim Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ra Thăng Long hành nghề lập nên.
Ngoài ra, ở những khu vực gần con phố này có rất nhiều các địa danh nổi tiếng mà các bạn nên tham quan như chùa Cầu Đông, đền Cô Lương, đền Hương Tượng, Đình Hương Nghĩa, Đình Thanh Hà và Ô Quan Chưởng…
HÀNG BUỒM đang là con phố thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm. Các bạn hãy đến đây để tìm hiểu thêm về con phố cổ này và đừng quên chia sẻ với NếmTV nhé!