Người ta hay rủ nhau về Mù Cang Chải ngắm mùa lúa chính nhưng mấy ai biết rằng cũng có một Hoàng Su Phì (Hà Giang) những ngày tháng 9 đẹp hút hồn đến thế.
“Mùa vàng” tại Hoàng Su Phì mỗi năm chỉ có một lần, đến độ ấy cảnh sắc nơi đây như đổi màu áo mới bởi hình ảnh những ruộng bậc thang phủ vàng cả nương đồi bên những dòng suối quanh co uốn lượn.
Nội Dung Chính
Hoàng Su Phì ở đâu Hà Giang?
Hà Giang 4 mùa – mùa nào cũng đẹp: Mùa xuân hoa đào, hoa mận điểm xuyết núi đồi – tháng 3 mùa cải, hoa ban, hoa gạo nở rực rỡ từng cánh rừng – đón đông về trong cái lạnh vùng cao là sắc hồng tím của tam giác mạch và người ta càng ngỡ ngàng vì sắc vàng của lúa chín những ngày tháng 9 tại Hoàng Su Phì.
Hoàng Su Phì là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây Hà Giang, thuộc địa bàn 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên.
Trong 12 dân tộc sinh sống lâu đời tại đây chiếm phần lớn là người Nùng, Dao, Tày, Mông, La Chí. Địa hình của Hoàng Su Phì nằm trên địa hình sông Chảy nên chủ yếu là đồi núi và có độ dốc lớn, tuy cung đường khó đi nhưng cảnh sắc lại khiến những ai đã từng đặt chân đến vô cùng ngỡ ngàng.
Hiện nay Hoàng Su Phì có 1 thị trấn và 24 xã, trong đó có 4 xã biên giới với tổng chiều dài đường biên hơn 40km.
Hướng dẫn đi tới Hoàng Su Phì
Khoảng cách từ Hà Nội đến Hà Giang là 300km còn tính từ trung tâm thành phố Hà Giang tới Hoàng Su Phi khoảng 80km. Tùy vào thể trạng sức khỏe và kinh nghiệm đi xe bạn có thể lựa chọn phương tiện phù hợp nhất cho mình.
Di chuyển bằng xe khách
Để đảm bảo sức khỏe và độ an toàn bạn có thể đi xe khách giường nằm từ bến Mỹ Đình – Hà Nội lên thành phố Hà Giang, thời gian mất khoảng 5-6 tiếng. Sau đó nghỉ ngơi, thuê xe máy rồi di chuyển ngược lại QL2 đi đến Tân Quang thì rẽ vào đường DT177 đi Hoàng Su Phì. Ngoài ra có thể chạy xe lên phía cửa khẩu Thanh Thủy rồi vượt Tây Côn Lĩnh để sang Hoàng Su Phì.
Di chuyển bằng xe máy
Từ Hà Nội bạn đi lên thị xa Hà Giang rồi theo hướng QL2 đi Hoàng Su Phì bình thường, sau khi đến Hoàng Su Phì chơi thì rẽ qua Xín Mần, Bắc Hà rồi về lại Hà Nội theo đường Yên Bái. Cung đường này ban có thể khám phá được những địa điểm mới và không phải quay lại đường cũ.
Thời điểm thích hợp nhất để du lịch Hoàng Su Phì
Bạn không cần phải quá đắn đo xem mùa nào sẽ lên đường chinh phục huyện lỵ vùng cao này đâu nhé! Vì gắn với mỗi mùa Hoàng Su Phì đều mang một vẻ đẹp rất riêng khiến cho mỗi lần ghé thăm của bạn đều trở nên đặc biệt.
Hãy đến với nơi đây vào mùa xuân để hòa mình vào không khí vui tươi độc đáo của các lễ hội truyền thống. Ngày xuân vùng cao mang đến một khung cảnh tươi mới cùng hoa đào, hoa lê.
Đến Hoàng Su Phì mới biết nơi ấy đâu chỉ đẹp khi lúa vào mùa, vào khoảng từ giữa tháng 4 đến tháng 6 sẽ là dịp bạn có cơ hội chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang trong mùa nước đổ.
Và đặc biệt nhất của mảnh đất này ấy chính là mùa vàng những ngày tháng 9. Khi làn gió thu se sắt thổi tới từng ngõ ngách của phố xá cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang với bông lúa nương vàng ươm mùi nắng chín vàng trên các sườn đồi.
Còn những ngày tiết trời sang đông, trong cái lạnh khắc nghiệt của miền Bắc bạn có thể lên Hoàng Su Phì khám phá Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi để săn mây, săn tuyết.
Khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Sau khi vượt qua cổng trời Km17 tuyến đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì, thu hút ánh nhìn của du khách là không gian mênh mang mở ra trước mắt với những dãy núi trùng điệp của dãy Tây Côn Lĩnh ẩn mình trong sương.
Đây là đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam và là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam với độ cao 2419m.
Để chiêm ngưỡng được toàn bộ vẻ đẹp mùa lúa chín tại Hoàng Su Phí, bạn có thể dừng chân tại các bản như: Bản Luốc, Bản Phùng, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ.
Tại các bản kể trên tập trung nhiều ruộng bậc thang nhất và cũng là những nơi lý tưởng nhất để ngắm lúa.
Những ngày mùa về, hàng nghìn thửa ruộng bậc thang trải đều tít tắp, uốn lượn quanh những sườn đồi, lưng núi. Khung cảnh có thể nói là đẹp như một giấc mơ, có màu sắc của cuộc sống, có mùi hương của lúa mới.
Thấp thoáng trên những cánh đồng là hình ảnh những người dân bản gặt lúa tay nhanh thoăn thoắt, dù mỏi mệt mà vẫn nở nụ cười rạng rỡ và tươi vui như cái nắng ngày thu.
Và nếu có dịp hãy ghé lại và thưởng thức 1 sớm vùng cao, khi trước mặt là áng mây bảng lảng, nắng gió ru tình và nhìn những cánh đồng lúa chín vàng vẫn còn đọng giọt sương sớm.
Khi ghé đây vào dịp tháng 9, tháng 10, bạn hãy cảm nhận và lưu giữ những bức hình tuyệt vời giữa thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng ấy cùng những người bạn nữa nhé!
Những điểm khám phá khác khi du lịch Hoàng Su Phì
Chiêu Lầu Thi
Bên cạnh chuyến hành trình săn lúa, bạn cũng có thể săn mây trên đỉnh Chiêu Lầu Thi hay còn gọi là đỉnh “9 tầng thang” nằm cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì 42km. Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi là một trong những núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Vào những đợt rét đậm hàng năm, cơ hội đón tuyết tại đây cũng rất cao vì thế đây cũng là điểm đến ưa thích của những ai đam mê xê dịch và muốn khám phá mạo hiểm.
Chợ phiên Hoàng Su Phì
Chợ phiên là bức tranh nhiều màu sắc về văn hóa của người dân tại vùng cao. Cứ mỗi chủ nhật hàng tuần người ta lại họp chợ và buôn bán những món đồ thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Chợ miền ngược thấm đẫm cái tình của người miền núi, không rộn ràng, đông đúc như chợ miền xuôi vì người ta đến chợ không đơn thuần là để mua hay để bán, mà còn là để gặp gỡ hay khoe nhau đôi ba câu chuyện cùng bộ trang phục mới.
Nhu cầu giữa kẻ mua – người bán thì ít mà vui chơi, hò hẹn thì nhiều. Hãy chọn dịp để đi và hòa mình vào phiên chợ với màu sắc váy áo sặc sỡ của cô gái bản Dao hay bản Nùng nhé.
Ngoài ra cũng có một số địa điểm thú vị bạn có thể tham quan như: Đồn Pố Lũng, đền Suối Thầu,…
Những món ăn đặc sản khi du lịch Hoàng Su Phì
Thịt chuột của người La Chí
Điều đặc biệt đầu tiên trong văn hóa của người La Chí – Hoàng Su Phì là thịt chuột khô. Nếu người Kinh có thể ăn thịt lợn hàng ngày thì người La Chí họ cũng ăn được thịt chuột quanh năm suốt tháng.
Có các món như chuột nướng, chuột xào, chuột treo gác bếp… và những món ăn chế biến từ chuột có mặt trong bất kỳ lễ hội hoặc các lễ cúng của người La Chí.
Thắng cố
Thắng cố không chỉ là “đặc sản” riêng của Hoàng Su Phì mà còn là món ăn độc đáo của Hà Giang và những mảnh đất khu vực phía Tây bắc và Đông Bắc Việt Nam.
Hâu hết các phiên chợ vùng cao đều có món này và nó được chế biến chủ yếu từ nội tạng bò và ngựa. Một tô thắng cố nóng nhâm nhi cùng chén rượu ngô giữa chút lạnh nơi miền núi quả là không gì tuyệt vời hơn.
Rượu thóc nàng Đôn
Đây là thứ rượu đặc trưng mang nét truyền thống của người Nùng tại xã Nàng Đôn, Hoàng Su Phì.
Những chai rượu thơm ngon mà hương vị không thể lẫn vào đâu được xứng đáng là một thức quà bạn có thể mua biếu tặng bạn bè sau chuyến đi.
Trà shan tuyết Fìn Hò
Loại chè shan tuyết Fìn Hò được chế biến từ búp chè 1 tôm và 2 lá non hái ở những cây chè Shan tuyết cổ thụ trên 200 tuổi tại vùng núi cao thôn Fìn Hồ – xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì.
Mận đỏ Hoàng Su Phì
Nếu ghé thăm Hoàng Su Phì vào mùa nước đổ tháng 6, bạn sẽ được đón mùa mận đỏ về trên bản. Mận Chiến Phố nổi danh Hoàng Su Phì không chỉ đẹp mắt mà còn thơm ngon và có hương vị riêng biệt.
Các thức quà khác bạn cũng nên thưởng thức là cơm lam, thịt trâu gác bếp, cơm nếp, cá chép ruộng,.. Bạn có thể xin người dân ở cùng nếu thiện ý và có nhiều kinh nghiệm sinh sống ở miền núi để hiểu thêm về văn hóa và lối sống của họ. Chắc chắn những ngày tháng vi vu trên Hoàng Su Phì sẽ cực kỳ ý nghĩa đấy!
Địa chỉ nghỉ ngơi tại Hoàng Su Phì
Tại thị trấn Vinh Quang bạn có thể tìm thấy nhiều nhà nghỉ và khách sạn. Nhưng khi đến với mảnh đất này, homestay là một lựa chọn không thể nào tuyệt vời hơn.
Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
Mr Quyên Homestay
Địa chỉ: Thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên , Hoàng Su Phì, Hà Giang
Điện thoại: 0948 052 889
Phùng Sùn Phấu Homestay
Địa chỉ: Thôn Khoà Thượng, Nậm Khòa, Hoàng Su Phì, Hà Giang
Điện thoại: 0946 761 005
Nậm Soong homestay
Địa chỉ: Nam Sơn, Hoàng Su Phì, Hà Giang
Điện thoại: 091 503 09 04
Hoang Su Phi Lodge
Địa chỉ: Thôn Nậm Hồng, Thông Nguyên, Hoàng Su Phì, Hà Giang
Điện thoại: 0866 196 878
Đồ đạc thiết yếu khi du lịch Hoàng Su Phì
- Dù di chuyển bằng phương tiện nào thì bạn cũng cần mang theo đầy đủ các giấy tờ: bằng lái xe, chứng minh thư,…
- Bạn nên mang quần áo ấm vì thời tiết vùng cao dễ trở lạnh
- Nên mang đồ bảo hộ khi chạy xe, khăn rằn,… và quần áo chống nước để đảm bảo an toàn vì đường khá khó đi
- Và hãy nhớ, ở đây rất đông dân tộc miền núi nên bạn hãy tìm hiểu về văn hóa của họ trước khi lên đường, tránh việc thể hiện sự quá tò mò khi tới đây nhé
Hãy một lần đặt chân và trải nghiệm vẻ đẹp mộc mạc mà mê đắm nơi đây nhé! Rồi khi trở về ắt hẳn bạn sẽ nhớ thương mảnh đất ấy rất nhiều. Tuổi trẻ mà, đi thôi các bạn ơi 😉