Chợ tình Khâu Vai từ rất lâu rồi đã trở thành thứ “đặc sản” riêng của Hà Giang, là điểm hẹn tình yêu đôi lứa khiến người ta nhớ nhung, mong chờ.
Hà Giang đi rồi mới biết là mảnh đất người ở thì yêu, khách thăm thì mến, nhớ từ dãy núi cung đường cho tới phiên chợ mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần.
Nội Dung Chính
Chợ tình Khâu Vai ở đâu?
Phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ diễn ra một lần này họp thường niên vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại Xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Phiên chợ này có từ năm 1919 tới nay đã duy trì và tồn tại hơn 100 năm; thường diễn ra tại một quả đồi tại thôn Khau Vai cách thành phố khoảng 200m.

Trở về với chợ tình cũng là trở về với “bến đợi yêu thương” và tìm kiếm những trải nghiệm và cảm xúc khác biệt nơi vùng cao. Ngày diễn ra phiên chợ bầu không khí trên mảnh đất cao nguyên đá trở nên tấp nập và vui tươi đến lạ.
Giữa những ngày nắng đầu hạ tháng 5, phiên chợ đặc biệt như nốt nhạc kéo con người đến gần nhau hơn, hòa vào cảnh vật và những nét văn hóa truyền thống riêng biệt của Mèo Vạc.
Huyền thoại chợ tình
Chợ tình Khâu Vai còn có tên gọi khác là chợ tình Phong Lưu – được bắt nguồn từ một câu chuyện tình đẹp mà buồn giữa chàng Ba và nàng Út. Mối tình ấy dang dở bởi sự ngăn cấm của gia đình và tục lệ của dân tộc. Khi chia tay nhau, họ đã cắt máu thề hứa hẹn vào ngày 27/3 sẽ tìm về và bên nhau một ngày rồi sáng hôm sau lại trở về với cuộc sống thường nhật.
Hai con người đã cùng lời thề ước năm xưa bên nhau vào ngày cuối cùng của cuộc đời, 27/3 âm lịch cũng chính là ngày họ nắm chặt tay nhau đi về cõi vĩnh hằng. Chuyện tình đẹp mà đẫm nước mắt ấy đến nay được hình dung lại mỗi khi nhớ đến hình ảnh “Miếu Ông” – “Miếu Bà” và người ta vẫn kể lại cho nhau nghe về đôi trai tài gái sắc ngày nào.

Nét đặc sắc của phiên chợ tình
Đã gần một thế kỷ qua đi, ít nhiều thì chợ tình Khâu Vai đã có những sự đổi thay nhưng những nét riêng đầy tính độc đáo và đặc sắc vẫn chưa hề mai một. Những ngày mới bắt đầu phiên chợ truyền thống của người Mông chủ yếu là điểm hẹn cho những mối tình còn dang dở. Những đôi nam nữ về đây kể cho nhau nghe về cuộc sống riêng của mỗi người và ôn lại tình cảm thuở nào.
Đây là cơ hội duy nhất trong một năm để những người yêu nhau trong xa cách tương phùng và trao nhau những cảm xúc chưa trọn vẹn; rồi chợ tan – tình tan họ chia tay nhau để trở về với đúng vị trí và cuộc sống của mình.

Ngày nay nơi đây còn là điểm giao lưu văn hóa giữa người trong vùng với nhau hay với khách du lịch và đồng thời cũng mở ra các mặt hàng để buôn bán.

Vì chợ mỗi năm chỉ diễn ra một lần nên người ta thêm nâng niu, trân trọng từng phút giây. Vào chiều ngày 26/3 âm lịch, dòng người đã bắt đầu rộn ràng kéo nhau xuống chợ dù bao xa, bao lâu cũng vẫn tìm về. Trước khung cảnh xám xịt của đá tai mèo đan chút nắng hạ là hình ảnh cả khu chợ hiện lên với bao nhiêu sắc màu.
Những thiếu nữ Mông má ửng hồng xúng xính trong trang phục váy áo thổ cẩm truyền thống nét mặt rạng rỡ. Những chàng trai với anh mắt mải miết kiếm tìm ngân lên tiếng khèn da diết gọi người con gái vi vu giữa núi rừng.

Đôi khi người ta tìm đến chợ tình chẳng phải để mua hay để bán mà chỉ muốn trao nhau một cái nắm tay rất vội, một ánh nhìn hay bày tỏ sự nhớ nhung sau bao ngày tháng xa cách.

Phiên chợ chỉ trở nên đặc biệt hơn khi đêm xuống, hòa quyện với không gian màn đêm nơi núi đồi là âm thanh của tiếng hát, tiếng khèn. Người ta không í ới gọi nhau mà tìm kiếm qua thanh âm của một điệu khèn người Mông, nhẹ nhàng mà da diết.
Đâu phải người trẻ mới tìm về với nhau, có những gương mặt đã “quá độ xuân thì” cũng về đây mong gặp lại người cũ, để mà hàn huyên đến tận sáng ngày sau, để hỏi xem người ấy giờ có đang hạnh phúc không!

Dù là phiên chợ tình nhưng là phiên chợ tình văn minh với những giá trị nhân văn sâu sắc. Khoảnh khắc “ngoài vợ-ngoài chồng” chỉ được phép diễn ra duy nhất trong ngày 27/3 này, chợ tạn tức là tình cũng phải tạm dứt. Đoàn tụ rồi lại chia ly, thương nhau rồi để đó, họ vẫn lựa chọn đi hết con đường với người vợ, người chồng hiện tại của mình.

Đây cũng là điểm hẹn cho những tâm hồn đang tìm kiếm hạnh phúc, một không gian hò hẹn lý tưởng của tình yêu mang lại những cảm xúc đặc biệt.
Lễ hội chợ tình Khâu Vai
Lễ hội chợ tình thường diễn ra trong 3 ngày (từ 25 – 27/3 âm lịch) với nhiều hoạt động thu hút sự thích thú của khách du lịch.
Cũng giống như các lễ hội truyền thống khác, sẽ có 2 phần trong nghĩ lễ tại hội chợ tình. Trong phần lễ sẽ có nghi thức dân hương tại Miếu Ông – Miếu Bà.

Cùng với đó là phần hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa thú vị và các trò chơi dân gian truyền thống.

Cùng với việc tham dự lễ hội chợ tình, bạn còn có dịp trải nghiệm nền văn hóa cũng như các món ăn truyền thống của địa phương quanh khu chợ và các khu vực lân cận.

Khâu Vai từng mùa lại dệt tiếp nên những chuyện tình năm cũ, để trong lòng mỗi người luôn ấp ủ đến ngày phiên chợ Khâu Vai.
Bạn hãy một lần trải nghiệm tại chợ tình Khâu Vai để hòa mình vào dư vị của tình yêu, lắng đọng cảm xúc qua những câu chuyện tình dù đẹp mà buồn nơi mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc nhé!