Làng gốm Phù Lãng – Top làng gốm nổi tiếng tỉnh Bắc Ninh

Làng gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh

Cách Hà Nội khoảng 60km về phía Bắc, nằm ven quốc lộ 18. Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng gốm nổi tiếng miền Bắc thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Vẻ đẹp tự nhiên, dân giã của làng gốm Phù Lãng

Làng Phù Lãng là một làng điển hình của nông thôn Bắc Bộ, với nhiều điểm du lịch văn hóa nổi bật.

Đến làng gốm Phù Lãng, dọc hai bên con đường làng bê tông quanh co, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra nét đặc trưng của làng nghề gốm vùng nông thôn Bắc Bộ với những đống củi, ngôi nhà gạch trần với những mái ngói nhấp nhô.

Làng gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh
Đường vào Làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng là làng nghề truyền thống

Ở trên sân nhà, bờ ruộng dọc các lối đi, toàn là sản phẩm của nghề gốm với những tiểu, quách, chậu cảnh, bình gốm, chum, vại được xếp hàng tầng tầng lớp lớp. Cái còn ướt đỏ màu đất, cái đã phơi màu bạc phếch, cái đã qua lò nung lên nước bóng loáng.

 Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng gốm nổi tiếng miền Bắc
Những chiếc chum được xếp thành từng tầng
Vẻ đẹp tự nhiên, dân giã của làng gốm Phù Lãng
Lạc vào mê cung gốm khi đến Phù Lãng

Cách đi đến làng gốm Phù Lãng

Để đến thăm làng gốm Phù Lãng bạn có thể mua tour có người hướng dẫn từ đại lý du lịch hoặc có thể tự mình khám phá theo cách riêng.

Từ Hà Nội có thể đi xe máy theo quốc lộ 5 rồi rẽ lên đường 1A mới. Tới cầu vượt ở Bắc Ninh thì rẽ phải theo đường đi Phả Lại. Khi thấy một cột cây số ghi “Phả Lại – 6km” vài trăm mét thì rẽ phải xuống một con đường làng nhỏ qua chợ Châu Cầu chừng 5 – 10 phút là tới.

Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn đi xe bus số 54 từ Long Biên về thành phố Bắc Ninh. Sau đó, bắt xe “Bắc Ninh – Sao Đỏ” sẽ chạy qua làng gốm Phù Lãng.

Kỹ thuật làm gốm Phù Lãng

Chọn đất và xử lý đất sét

Ðất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc màu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm” nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi.

Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.

Kỹ thuật làm gốm Phù Lãng
Người dân đang xử lí đất sét

Dưới bàn tay của người thợ thủ công, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.

Tạo hình

Tạo hình của gốm Phù Lãng được sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng, với những hình khối đa dạng. Nhưng nhìn chung có thể quy vào hai phương pháp cơ bản:

  • Phương pháp thứ nhất tạo hình trên bàn xoay (làm trong gốm gia dụng và trên gốm trang trí).
  • Phương pháp thứ hai là in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại. Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại hàng đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng, tất cả đều nhằm đạt được hiệu quả tối đa về hai phương diện kinh tế và thẩm mỹ.
Kĩ thuật làm gốm Phù Lãng
Đất sét được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.

Phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay. Hoạt động xung quanh bàn xoay tay cần phải có hai người, trong đó một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay.

Người vần bàn xoay đồng thời làm nhiệm vụ lăn đất thành đòn để chuốt (còn gọi là xe đòn). Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay vào không thấy dính, lúc bấy giờ người thợ tiến hành chúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi lại để cho ráo. Lúc này nếu thấy sản phẩm có vết rạn nứt thì được vá lại bằng đất mịn và nát.

Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành bạc hàng (chuyển màu trắng). Ve, nạo xong sản phẩm được tráng một lớp men lên, tạo màu sắc.

Tráng men

Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc.

Ngày nay nghệ nhân Phù Lãng thường dùng tứ thiết là lim, sến, táu, nghiến, thứ 2 là vôi sống, ba là sỏi ống nghiền nát và cuối cùng là bùn phù sa trắng. Bốn chất liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, có màu vàng như mật ong.

Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục.

Kỹ thuật làm gốm Phù Lãng

Nung

Sau công đoạn vào men và tạo màu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ đến 1.000 độ C, để đảm bảo gốm sành nâu có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bóng và chắc.

Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn vàng óng hay màu cánh gián, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen.

Kỹ thuật làm gốm Phù Lãng
Người dân nơi đây vẫn sử dụng phương pháp nung truyền thống
Làng gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh
Sản phẩm hoàn thiện sau khi nung

Làng gốm Phù Lãng là một làng nghề truyền thống lâu đời, sản xuất gốm với các sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng cao và có những nét đặc sắc riêng. Làng gốm hiện nay đang là một làng gốm nổi tiếng và là một địa danh du lịch hấp dẫn.

Hy vọng với bài viết này, các bạn sẽ yêu thích và tìm đến Làng gốm Phù Lãng để tham quan, trải nghiệm. Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ, ý nghĩa nhé!

 

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here