Lào – Dấu ấn đầu tiên trên cuốn hộ chiếu Việt

“Lào buồn lắm, mày qua đó làm gì?” – Đó là câu nói đầu tiên anh bạn nói với tôi khi tôi chia sẻ về việc muốn được đóng dấu đầu tiên trên hộ chiếu là nước Lào. “Ừ, tao lại thích buồn!”

Lào là đất nước duy nhất ở Đông Nam Á không hề có đường bờ biển, nghe đến đây thôi cũng đủ để cô gái biển đảo như tôi hơi có chút chùn chân. Nhưng tôi vẫn quyết đi và tôi phát hiện ra nếu không đi Lào hồi ấy thì đó là một trong những việc tôi tiếc nhất trong quãng đời thanh xuân của mình

Cửa Khẩu Nậm Cắn – Lần đầu vượt biên của cô gái Việt

Đa phần mấy đứa đi Lào như tôi máu thì phi xe máy qua, không thì đi ô tô, Lào là nước có đường biên giới chung dài nhất với Việt Nam, thật chả khó khăn gì để đi qua Lào mà không cần bay như chim. Chuyến đi thẳng từ Hà Nội đến Luang Phra Bang qua cửa khẩu Nậm Căn kéo dài 30 tiếng ám ảnh và thử sức khỏe của tuổi trẻ ghê gớm. Đó là hỏng xe, ôi hỏng xe là chuyện muôn thuở dành cho các vị khách du lịch bụi từ Việt Nam sang Lào. Vì không muốn lỡ thêm thời gian chờ đợi, toàn bộ tabalo cũng như Tây ba lô quyết định nhảy xuống giữa đèo trên con đường từ Xiêng Khoảng đến Luang Pra Bang và bắt xe khác chạy vào thành phố. Lúc đó là 7 giờ tối, trời tối mịt mù, mà mấy con đèo ở Lào có khác chi ở Tây Bắc, loằng ngoằng và vô định, may là bắt được xe và bằng giá nào cũng đi. Nhưng người Lào hiền lành hay tôi may mắn mà ngay khi chưa đến nơi chúng tôi đã gặp một bác lái xe ô tô nho nhỏ cho đi nhờ với mức tiền không quá cao cho quãng đường 200km để đến miền đất cô đô. 1h30 sáng tinh mơ, tôi và cô bạn chính thức đặt chân đến Luang Pra Bang và công cuộc tìm guesthouse bắt đầu cùng với bốn cô gái ngoại quốc khác. Chuyến đi không có kế hoạch gì đôi khi không phải là thử thách mà lại là cơ hội cho bạn làm quen với vô số những người bạn mới và những con người thật đặc biệt. Đó là ông chú người Lào đã từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ dắt chúng tôi gõ cửa từng nhà người dân ở Lào để hỏi hộ chỗ nghỉ đêm cho chúng tôi bằng tiếng Lào  thân thương và chả hiểu gì. Đêm đó sương xuống Lào lạnh nhưng ấm cúng tình người, tình bằng hữu của người dân nước láng giềng.

Luang PraBang – Sống thật chậm như người Lào

Người ta nói thủ đô là trung tâm kinh tế chính trị thì cô đô là trung tâm văn hóa tinh thần của một đất nước quả không sai khi nói về Luang PraBang ở Lào. Cố đô chào đón chúng tôi bằng một làn sương mà ảo, se se lạnh, bao trùm mây phủ khắp các đỉnh tháp chùa của xứ sở Chăm Pa

Lễ Khất Thực nổi tiếng của các vị sư ở Luang PraBang

Sáng sớm tinh mơ, khi bình minh còn chưa sáng tỏ, chúng tôi lang thang ra khu vực gần chùa Wat Xieng Thong ngắm nghía lễ khất thực diễn ra vào 6h sáng hàng ngày ở Lào.

Khi các nhà sư đi khất thực, người dân quỳ bên đường chờ sẵn hoặc đặt lễ vật lên một chiếc bàn nhỏ trước mỗi nhà để dâng lễ vật. Họ cũng khoắc lên mình một tầm vải mang chéo qua người, thêu hoa văn đẹp và không mang giày dép để thể hiện sự lòng kính của mình. Lễ vật dâng lên cho các vị sư gồm có xôi, bánh các loại, nước lọc và các loại thức ăn chín, để các vị sư ăn hàng ngày. Khất thực là một trong nhiều hình thức tu tập của người theo đạo Phật có từ khi Phật Thích Ca Khai khai sáng và là một nét văn hóa vô cùng đặc biệt ở Lào

 

 

 

9h sáng, khi lớp sương mù tan hẳn, năng vàng rực rỡ khắp miền Cố đô nhưng không hề gắt gỏng, chúng tôi bắt xe đi thăm quan Kuang Si Waterfall. Tôi đọc là Cuồng Si vì đúng như tên gọi Thác Cuồng Si đẹp nhưng một chốn bồng lai tiên cảnh

Thác Kuang Si, thỉnh thoảng được đánh vần Kuang Xi hay được biết đến là Tat Kuang Si, là thác nước ba tầng nằm cách 30km về phía nam Luang Prabang .Thác bắt đầu ở các bể nông trên đỉnh sườn đồi. Chúng dẫn đến thác chính với một thác cách 60 mét. Để đến được Trung tâm thác ta phải đi qua đường mòn bên trái thác. Nước trong hồ đổ xuống thác có màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp

Rồi chiều đến lại trở về trung tâm lang thang dọc theo những con đường cố đô rồi len lỏi theo con đường ven sông mà dạo, hết ghé cafe để thưởng thức cà phê Lào thơm ngon tôi lại ghé quán xiên nướng mà hít hà mùi thơm nức mũi của thịt nướng, cá nướng đậm vị Lào chấm với món nước chấm thần thánh pha ngon kinh khủng cùng chai bia Lào ngon tuyệt. Người Lào hiền chân chất thật thà đến khó tả, Lào có lẽ là đất nước duy nhất mà nhiều người biết tiếng Việt đến vậy, cứ cảm giác đang đứng ở quê hương mình vậy. Ở Luang PraBang, nếu bạn to tiếng ồn ào, dường như bạn sẽ bị lạc lõng trên miền đất này. Chợ sáng sớm thì yên bình như lớp học, đêm đến Bar cũng nhạc nhẹ nhàng du dương như một quán cafe nhẹ nhàng. Nếu cần một nơi thư thái để an yên sau những bộn bề cuộc sống, Luang PraBang là sự lựa chọn sáng suốt cho những vị khách lữ hành trên con đường du lich của mình. Còn nếu muốn sôi động thì các đó không xa là chính là…..

Vang Viêng – Khu ổ chuột tiệc tùng của Lào

Có một thời gian Vang Viêng được khách Tây Balo đặt với biệt danh “Party Island” – “Đảo Tiệc Tùng”. Nghe thực chả đúng với khung cảnh Vang Viêng yên mình lãng mạn cuối buổi chiều tà qua sách báo tranh ảnh. Nằm giữa hang động, núi đồi đẹp như mớ, bên dòng Nam Song thơ mộng, Vang Viêng lẽ ra là khu nghỉ dưỡng thư thái cho khách du lịch. Dòng Nam Song vốn quen thuộc với người lào, họ tắm rửa, giặt giũ, chơi đùa trên sông tất cả bị ảnh hưởng của cơn lốc du lịch hóa tràn đến thị trấn bé nhỏ này

Ai mà tin được khung cảnh bình yên lãng mạn này mà đêm tối ở hai bên triền sông người ta chả thấy người Lào, chỉ toàn những gã khách vãng lai mang lối sống Âu hóa tràn về với rượu, gái gú rồi mọi thứ tệ nạn đang từng bước tha hóa những con người nơi đây. Không biết nên vui hay nên buồn khi một thành phố vốn yên tĩnh giờ đây trở nên phát triển ồn ào đến khó chịu.Thú vui ở Vang Viêng mà ai đến đây cũng thích và bản thân tôi cũng thích nữa là. Thuê một chiếc xuống lốp cao su,năm trôi theo dòng Nam Song dừng chân ở bất cứ quán nước nào bên sông để tận hưởng những tháng năm tuổi trẻ đầy kiêu hãnh. Hay đu mình qua Zipline qua những cánh rừng Lào đẹp thênh thang bát ngát, hoặc hòa mình vào dòng nước xanh trong vắt ở những Blue Lagoon đẹp đến siêu lòng mà đông cũng đến điên đảo. Vang Viêng đúng là nơi lý tưởng cho ai đi qua Lào mà thấy nhàm chán muốn đổi gió nhưng có khi Vang Viêng cũng có những khoảng lặng đẹp đến nao lòng, đó là hoàng hông trên dòng Nam Song

Tôi lang thang chiều hoàng hôn xứ lạ
Thơ thẩn nhìn chút nắng chiều sắp qua
Vang Viêng ơi xin đừng vội vã xa,
Cũng chỉ vì tôi yêu em đấy mà

Viên Chăn – Cuộc dạo chơi 2 tiếng của vị khách lữ hành

Viên Chăn không nổi bật nhưng ấn tượng với câu nói của người Lào: “Muốn nhanh cũng phải từ từ”. Giữa một thủ đô ồn ào đông đúc, nhưng người Lào biết cách nhường nhịn nhau, sao cứ phải tranh giành làm gì, ai cũng sẽ trở về nhà thôi mà. Tôi hỏi đường ra Patuxay dù nó cách có vài bước chân, một chị gái bán hàng người Lào dù không biết tiếng Anh nhưng lại dịu dàng chỉ đường một cách nhiệt tình băng google map tra trên điện thoại hết sức đáng yêu

Ở Viên chăn, cũng như mọi nơi trên đất nước Lào, việc nghe thấy tiếng còi xe như một điều xa xỉ. Đi qua vài địa phương ở Lào, dù nhìn thấy cuộc sống bề ngoài có thể không giàu có, nhưng sự trong sạch của người Lào thật đáng quý. Ở Lào không có nạn trộm cắp nên không cần cửa đóng then cài chắc chắn, xe ô tô đậu ngoài sân, hoặc có garage nhưng mọi người không lo bị mất cắp. Quanh các trục giao thông, nơi được phép dừng và đậu xe ô tô, chúng tôi thấy có đến cả trăm chiếc xe để qua đêm và không hề có người trông coi.

Bia Lào khá nổi tiếng nhưng người dân ở đây không uống bia khắp mọi nơi như ở xứ ta. Trên đường phố, vỉa hè hầu như không thấy quán xá, đa số khách đều vào nhà hàng để ăn uống, nên đường phố sạch sẽ và không có rác thải. Thắng cảnh ở Lào không nhiều, tập trung vào các di tích tâm linh và luôn hướng con người đến cái thiện. Du lịch đến Lào để tìm thấy một cuộc sống an lạc, không bon chen. Đến đây bạn sẽ cảm thấy gần gũi vì người dân bản xứ luôn thân thiện, hiền hòa.

Lào không xinh đẹp xuất sắc nhưng là nàng thơ dịu dàng của Đông Nam Á. Người ta đến Lào để sống chậm, để tận hưởng trân trọng từng phút giây hưởng thụ cuốc sống. Và xin gửi lại hình ảnh của một anh chàng người Lào dễ thương gần gũi như chính những người dân lương thiện nơi đây

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here