Nhà thờ đá Sapa từ bao lâu nay đã trở thành biểu tượng sống nổi tiếng giữa lòng trung tâm thị trấn mỗi khi người ta nhắc về Sapa.
Thánh đường cổ này không chỉ được xem là một dấu ấn cổ của thành phố sương mờ mà còn là điểm du lịch thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách.
Nội Dung Chính
Đôi nét về nhà thờ đá Sapa
Vị trí
Nhà thờ đá Sapa còn có tên là nhà thờ Đức Mẹ Mân côi tọa lạc ngay giữa trung tâm thị trấn Sapa. Tòa thánh đường này vô cùng nổi bật giữa phố núi và cũng được xem là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình ghé thăm mảnh đất Sapa.
Lịch sử xây dựng
Công trình này được thiết kế và xây dựng vào năm 1935 (đầu thế kỉ 20) bởi những kiến trúc sư người Pháp. Đồng thời cũng là công trình duy nhất còn sót lại như một dấu ấn trọn vẹn của người Pháp trên mảnh đất Sapa.
Địa thế của nhà thờ được lựa chọn rất kỹ trước khi bắt tay vào xây dựng, phía sau nhà thờ được che chắn bởi núi Hàm Rồng và phía trước là khoảng đất rộng, có thể phát triển được nhiều hoạt động buôn bán, xã hội.
Bên cạnh nhà thờ cũng còn 2 công trình kiến trúc khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu – nay là khách sạn Hoàng Liên và khu huyện ủy cũ – hiện trở thành trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai. Vị trí của 3 công trình này tạo thành một hình tam giác cân mang đặc trưng kiến trúc Pháp.
ĐỌC THÊM: KINH NGHIỆM DU LỊCH SAPA TỪ A-Z
Không chỉ được xem xét kỹ lưỡng về vị trí của nhà thờ mà ngay cả hướng của nhà thờ cũng mang ý nghĩa tâm linh nét đẹp công giáo. Hướng Đông là hướng chính của di tích mang biểu tượng đón nguồn sáng của thiên chúa. Đằng sau nhà thờ ngả về hướng Tây, cũng là nơi sinh thành của Chúa Kitô.
Kiến trúc độc đáo của nhà thờ đá Sapa
Sau nhiều lần trải qua những biến cố lịch sử và được trùng tu nhưng nhà thờ vẫn giữ được những nét kiến trúc nguyên sơ như ban đầu.
Hình dạng của tòa thánh đường cổ được xây theo hình thập giá với lối kiến trúc Gotic La Mã được thể hiện vô cùng cụ thể qua: mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn,… Tất cả đều có thiết kế hình chóp tạo sự thoáng đãng và thanh thoát cho nhà thờ.
Đá đẽo là vật liệu xây dựng chính nên nhà thờ và liên kết với nhau bằng hỗn hợp cát, vôi và mật mía. Phần mái di tích được lợp ngói, trần nhà làm bằng vôi rơm nhưng nay đã được làm mới. Riêng trần của gác chuông vẫn còn nguyên bản và chưa qua sửa chữa.
Tổng diện tích nhà thờ lên tới 6.000m2 và gồm 7 gian cùng 1 tháp chuông cao 20m.
Một số hình ảnh bên trong nhà thờ:
Bên trong nhà thờ có 32 ô cửa kính vẽ hình các mầu nhiệm mân côi và các Thánh.
Phía khoảng sân nhà thờ rất rộng và ngày nay phục vụ nhiều cho việc kinh doanh buôn bán của người dân tộc.
Nhà thờ đá – nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của Sapa
Đây được xem là địa điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số. Tối thứ 7 tại đây thường diễn ra “phiên chợ tình” để giao lưu buôn bán hàng hóa và đồng thời trao đổi nét văn hóa thú vị giữa khách du lịch từ miền xuôi với người dân miền ngược.
Những lời hát thánh ca tiếng H’Mon cũng được ngân lên trong nhà thờ vào các buổi tối cuối tuần.
Nhà thờ đá Sapa – địa điểm sống ảo cho tất cả mọi người
Đã đi Sapa là chắc chắn sẽ có ảnh đẹp, bạn tin không? Đứng trước khung cảnh cổ kính mà huyền bí của nhà thờ đá, đằng sau sự tò mò về nó bạn cũng có thể tranh thủ lưu giữ một vài tấm ảnh tại đây.
Khung cảnh của nhà thờ thật sự tuyệt vời để cho ra những bức ảnh để đời, dù là theo bất kỳ phong cách nào – cổ xưa cũng có, hiện đại cũng có – mơ mộng cũng có – cool ngầu lại càng dễ dàng hơn.
Dù thế nào đi chăng nữa, đến Sapa và lạc lối ở thị trấn là đừng bỏ lỡ công cuộc sống ảo tại Nhà thờ đá Sapa các bạn nha! Cùng ngắm nhìn một số hình ảnh đẹp mà Nếm TV sưu tầm được về thánh đường cổ này nhé!
Tuổi thanh xuân chưa đi Sapa, chưa đặt chân đến Nhà thờ đá Sapa sao có thể gọi là tuổi trẻ trọn vẹn? Hãy lên lịch khám phá và check-in địa điểm này ngay rồi khoe cho chúng mình những tấm hình xinh đẹp nhất nhé!