Cùng nhau về Tây Đô thăm Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện Trúc Lâm Cần Thơ

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là ngôi chùa rộng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thiền viện tọa lạc trong khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ.

Hãy cùng mình về miền Tây Đô khám phá ngôi chùa này nhé!

Cách để đến Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Để đến được đây, từ bến xe Cần Thơ trên đường Nguyễn Văn Linh, đi ngược hướng ra ngoại ô Cần Thơ, rẽ trái ra đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (con đường có trường Đại học Nam Cần Thơ).

Đi đến cuối đường, gặp một ngã tư nhỏ, hướng lên dốc, bạn sẽ thấy bảng đề Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam.

Nét kiến trúc độc đáo của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 7 năm 2013, trên một diện tích 38.016 m2. Sau nhiều tháng thi công, thiền viện đã được khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014.

Cổng Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Cổng chính của thiền viện là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu. Cửa làm bằng gỗ quý sơn màu nâu bóng loáng. Hai bên cổng đặt 2 bức tượng cao thếp vàng.

Bên trái là tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) bảo vệ ngôi Tam Bảo. Bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác) chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh.

Cổng chính Thiền viện trúc Lâm Phương Nam

Cảnh quan bên ngoài của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Cảnh quan ở đây được bài trí cân đối khiến du khách cảm nhận ngay được sự thoáng đãng của chốn thanh tịnh. Hai bên là hai nhà Thủy tạ nổi trên mặt hồ tròn với những bông hoa súng hồng thắm.

Chiếc cầu đỏ sẽ dẫn du khách vào nhà Thủy tạ để chiêm ngưỡng bức tượng đặt trong đó. Ở nhà Thủy tạ bên trái là tượng Phật Di Lặc bằng gỗ nâu. Nhà Thủy tạ bên phải là tượng thờ Phật Bà Quán Âm bằng đá trắng cao tới 2 m.

Thiền viện trúc Lâm Cần Thơ
Nhà thủy tạ bên trái có tượng Phật Quán Âm bằng đá trắng

Hai bên lối vào chính điện là hàng tượng bằng đá hoa cương xếp song song, mỗi bên 9 tượng được điêu khắc khéo léo. Tượng đá này tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian.

  • Bên phải chính điện là tháp chuông có mái cong cao vút với chuông đồng nặng đến 1,5 tấn.
  • Bên trái chính điện là tháp trống với giá gỗ đặt trống được chạm trổ công phu, tinh xảo, giàu tính nghệ thuật.

Hai công trình này đều mô phỏng theo lối kiến trúc tháp chuông Chùa Keo của tỉnh Thái Bình. Kế bên tháp trống còn có biểu tượng Chùa Một Cột cho du khách ngắm nhìn.

Cảnh quan Thiền viện trúc Lâm Phương Nam
Tháp chuông

Chính điện (hay còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện)

Sàn lót gạch tàu màu đỏ, khu chính điện lợp ngói tám mái theo phong cách nhà Trần, khung cột gỗ lim to nhẵn mịn phủ sơn bóng loáng.

Chisng điện của Thiền viện trúc Lâm Phương Nam

Tất cả 44 cột đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Tĩnh tọa nơi tòa sen uy nghi giữa chính điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng mạ vàng, cao khoảng 2 mét, nặng 3,5 tấn.

Phía phải chính điện là bệ thờ: tượng Bồ Tát Văn Thù, Đức Chúa Ông. Phía trái là bệ thờ tượng: Bồ Tát Phổ Hiền, Đức Thánh Hiền.

Tất cả đều làm bằng gỗ Du Sam 800 năm, chạm trổ tinh vi. Trên mỗi cột du khách còn được nhìn thấy những câu liễn đối chữ đen trên nền vàng toát lên sự trang nghiêm. Du khách khi đặt chân vào đây lòng cảm thấy lâng lâng, thanh tịnh…

Một số địa điểm du lịch quanh Thiền viện Trúc Lâm Cần Thơ

Ngồi ghe khám phá chợ nổi Cái Răng lúc 5h sáng

Chợ nổi Cái Răng thuộc huyện Phong Điền của quận Cái Răng. Các bạn nên tới từ sớm và ăn sáng tại chợ để cảm nhận sự thú vị khác lạ.

Một số địa điểm du lịch quanh Thiền viện Trúc Lâm Cần Thơ
Chợ nổi Cái Răng

Buổi sáng chợ diễn ra đông đúc sôi nổi, tiếng thuyền máy nổ inh ỏi. Những vị khách phương xa trầm trồ, chỉ trỏ nói chuyện nhau hòa trong cảnh mua bán tấp nập trên chợ khiến khung cảnh nơi đây hiện lên thật sinh động.

Tham quan xong chợ nổi, bạn có thể đi thuyền qua lò làm Hủ Tiếu gần đó quan sát người dân địa phương làm nghề. Tham quan không mất tiền vì đây là lò hủ tiếu địa phương nên thường khá đông khách du lịch.

Đi hết chợ nổi, nếu muốn bạn có thể tiếp tục đi tới các miệt vườn để thưởng thức trái cây, vừa đi dạo vừa nghe người nhà vườn nói về việc chăm sóc cây, thu hoạch vụ mùa.

Nhà cổ Bình Thủy

Trên con đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, ngôi nhà cổ của gia đình họ Dương xây dựng từ năm 1870. Mỗi năm ở đây tiếp đón hàng ngàn lượt khách tới tham quan. Tuy đã hơn 100 năm nhưng kiến trúc vẫn còn khá nguyên vẹn, là địa điểm lý tưởng cho những bạn đam mê lịch sử và kiến trúc.

Một số địa điểm du lịch quanh Thiền viện Trúc Lâm Cần Thơ
Đây là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch

Với phong cách Á-Âu độc đáo, nơi đây đã trở thành bối cảnh của rất nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng như bộ phim Người tình, Những nẻo đường phù sa hay Công tử Bạc Liêu…

Du khách đến đây nên ghé buổi sáng hoặc chiều, tránh giờ trưa nghỉ ngơi, phí tham quan 15.000 đồng/người.

Dạo quanh bến Ninh Kiều bên sông Hậu

Tọa lạc ở bờ phải sông Hậu, nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ. Bến Ninh Kiều giờ đây là công viên du lịch. Khuôn viên công viên được tô điểm bởi những thảm cỏ xanh mọc xen giữa những tấm xi măng trắng. Dọc phía bờ sông là hàng quán tụ tập chạy dài. Ban ngày bạn sẽ thấy cuộc sống mưu sinh tấp nập sông nước, đêm tới là sự lại là sự náo nhiệt phía bên trên ke bờ. Buổi tối nơi đây thường tập trung rất đông người đến đây tản bộ, ngắm cảnh, trẻ em vui chơi.

Một số địa điểm du lịch quanh Thiền viện Trúc Lâm Cần Thơ
Vẻ đẹp của Bến Ninh Kiều vào buổi tối

Dạo một vòng bến Ninh Kiều, lắng nghe những giai thoại về xứ Tây Đô hoặc chiêm ngưỡng những câu hò, điệu lý, vọng cổ vọng ra từ các bến du thuyền. Lặng người ngắm nhìn ánh đèn rực đỏ trên mặt sông từ xa phản lại của cầu Cần Thơ là một trong những trải nghiệm lý thú.

Vẻ đẹp bình yên của Thiền viện Trúc Lâm Phương Lam đang thu hút các Phật tử, du khách đến thăm. Nếu bạn có ghé đến Cần Thơ thì đừng bỏ lỡ địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng này nhé.

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here