Kiên Giang là một điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ bởi những hòn đảo thơ mộng, thiên nhiên phong cảnh hữu tình mà còn bởi những món ăn đặc sản làm xao xuyến lòng người.
Sau đây, NếmTV sẽ giới thiệu cho bạn những món ăn đặc sản Kiên Giang nổi tiếng nhất mà bạn không thể bỏ qua khi đến thăm vùng đất này.
Nội Dung Chính
Gỏi cá trích
Gỏi cá trích chính là niềm tự hào của người dân Kiên Giang, đây là một món ăn mà du khách nào khi đến đây cũng phải thử qua. Người dân Hà Tiên mỗi khi xa quê hương đều nhớ về món gỏi cá trích này.
Cá trích có mình thuôn dài, vảy mịn, trắng bóng, được nhiều người ưa thích nhờ thịt ngon và giàu dinh dưỡng.
Một đĩa gỏi cá trích đầy đủ phải bao gồm những miếng thịt cá tươi rói, đậu phộng, hành tây, rau thơm, ớt tươi và cuối cùng là những miếng dừa nạo trắng muốt phủ lên phía trên.
Khi ăn, người ta thường ăn kèm với bánh tráng, rau thơm và tất nhiên không thể thiếu bát nước chấm được pha từ nước mắm Phú Quốc ngon tuyệt.
Bún kèn Hà Tiên
Bún kèn là món ăn đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này ở Châu Đốc hay Phú Quốc (khám phá đặc sản Phú Quốc). Thế nhưng, bún kèn Hà Tiên lại ghi dấu ấn trong lòng các thực khách bởi hương vị rất riêng, khiến người ta nhớ mãi không quên.
Đây là món ăn đặc sản của người Khmer ở Hà Tiên, việc chế biến này không quá phức tạp nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn.
Cá lóc sau khi được làm sạch sẽ được đem xào cùng với hành, tỏi, đinh hương, quế và bột nghệ. Nước dùng của bún kèn Hà Tiên được cho thêm nước cốt dừa để có vị thơm ngon, béo ngậy. Bún cho vào nửa tô, cho ít rau sống, giá sống, húng thơm, dưa chuột chẻ rồi chan nước dùng còn nóng, rắc thêm ít tôm khô đã được giã nhuyễn
Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu
Nhắc đến đặc sản Kiên Giang, không thể không kể đến món lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu. Cá nhám giàu là loại cá nhám (cá mập nhỏ) màu trắng, thường có ở vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang). Vì loại cá này khá hiếm nên không được bày bán tràn lan ngoài thị trường mà chỉ cung cấp đủ cho các nhà hàng lớn và khách hàng đã đặt trước.
Canh chua cá nhàm giàu phải có có sả băm nhuyễn, ướp chung với nghệ. Cách làm này giúp khử đi mùi tanh của cá. Sau khi bắc canh lên bếp đun khoảng 10 phút thì cho thêm bạc hà, giá, khóm, cà chua, đậu bắp, bắp cải, măng tươi và một chút đường.
Nếu không có măng tươi, me tươi hay me muối thì có thể dùng nước cốt chanh để thay thế. Lẩu canh chua sả nghệ cá nhám giàu thường ăn kèm với đĩa bún trắng tươi, rau muống và nước mắm ớt cay.
Tất cả các nguyên liệu như hòa quyện với nhau, tạo nên một hương vị khó quên trong lòng những người đã từng thử qua món ăn này.
Bánh canh chả ghẹ
Nếu đã đến Kiên Giang, chắc chắn bạn nên thử qua món ăn mang đậm hương vị của biển cả này. Bánh canh chả ghẹ ở Kiên Giang được làm từ những con ghẹ tươi ngon nhất, vừa mới được đánh bắt đem lên bờ.
Ghẹ sau khi rửa sạch và khử vị tanh bằng rượu sẽ được đem đi hấp chín rồi gỡ lấy thịt, đặt lên tô bánh canh.
Chả trong tô bánh canh được làm từ thịt cá thu xay nhuyễn, đã được hấp chín và cắt thành miếng. Để món ăn trở nên bắt mắt hơn, nhiều quán ăn Kiên Giang vẫn giữ nguyên con ghẹ hoặc cắt làm đôi để tô bánh canh trông hấp dẫn hơn với màu đỏ au của ghẹ chín.
Xôi xiêm Hà Tiên
Xôi xiêm Hà Tiên là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực đặc sắc ở tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long này. Xôi xiêm được làm từ nếp dẻo và đường thốt nốt truyền thống tại địa phương, có vị béo và mùi thơm đặc trưng.
Xôi xiêm Hà Tiên có hai loại là xôi mặn và xôi ngọt. Phần nhân bên trong của xôi ngọt gồm có trứng gà ta được đánh cho nổi lên rồi thêm nước dừa xiêm, ướp đường Thốt Nốt và đường cát Thái Lan.
Khi hấp xôi, người ta thường cho thêm lá dứa – một loại lá thơm. Chính vì vậy, ngoài vị ngọt, béo ngậy thì xôi xiêm còn có một mùi hương rất lạ và đặc trưng. Khi ăn, người ta thường xới xôi ra đĩa rồi rưới thêm nước cốt dừa lên trên.
Xôi mặn Hà Tiên không để nhiều gia vị, thịt như các nơi khác, tuy chỉ có lớp tôm khô giã sợi nhuyễn để trên bề mặt nhưng hương vị lại rất đậm đà.
Bánh ống lá dứa
Bánh ống lá dứa Hà Tiên vốn là món ăn vặt của người Khmer nhưng dường như đã tồn tại như một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân miền sông nước. Bánh ống được dùng làm bữa ăn sáng hoặc món ăn vặt vào buổi xế chiều.
Sở dĩ bánh ống có cái tên như vậy là do khuôn làm bánh có hình trụ, dài khoảng 10 – 15 cm. Nguyên liệu làm bánh ở mỗi tỉnh thường khác nhau, tuy nhiên thành phần chính vẫn là bột gạo nếp, dừa nạo, lá dứa và vừng.
Khi chín, bánh có màu xanh của lá dứa đặc trưng cùng với mùi thơm dịu phảng phất, chỉ cần thêm một chút dừa nạo và muối vừng vào là có thể thưởng thức được ngay.
Trên đây là một số món ăn đặc sản Kiên Giang mà bạn không nên bỏ lỡ. Nếu có cơ hội, đừng quên dành chút thời gian để ghé thăm và khám phá miền đất phương Nam này nhé!