Khám phá nét đẹp kiến trúc quần thể di tích lịch sử Đền Đô

Đền Đô Bắc Ninh
Đền Đô - Bắc Ninh

Đền Đô cảnh cũ gốc thần tiên.
Muôn thuở vinh danh mảnh đất thiêng.

Trong “tam cổ” nổi tiếng lịch sử, đất Cổ Pháp ngày nay với tên gọi Đền Đô là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc. Đến với mảnh đất Bắc Ninh trong bài viết hôm nay, mình sẽ giới thiệu tới các bạn địa điểm khắc đậm hào khí Thăng Long và là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý này nhé!

Một thoáng lịch sử Đền Đô

Bắc Ninh không chỉ là mảnh đất khiến người ta nhớ thương bởi những làn điệu dân ca quan họ thấm đượm tình người mà còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt” để người ta tìm về với cội nguồn lịch sử của mình.

Khi đặt chân đến đền Đô Bắc Ninh, bạn sẽ cảm nhận được một phần hơi thở của quá khứ ẩn hiện sau những dấu tích còn được lưu giữ và bảo tồn.

Đền Đô
Một phần cảnh sắc tại ngôi đền linh thiêng

Vị trí của đền Đô nằm ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi đền này được xây dựng từ thế kỉ thứ 11 và còn có tên gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế. Tại đây có 8 vị vua nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.

Với diện tích rộng lớn hơn 31,000m2, 21 công trình lớn nhỏ tại đền Đô được chia làm 2 khu: nội và ngoại thành, trung tâm là đền thờ chính.

Đền Đô 01
Cổng dẫn vào đền Đô

Huyền thoại “Bát Đế Vân Du” tại đền Đô Bắc Ninh

“Bát Đế Vân Du” dường như đã trở thành một điều bí hiểm khiến người ta tò mò mỗi khi nhắc đến đền Đô. Tám vầng mây được tương truyền là “Long vân hội tụ” này xuất hiện lần đầu tiên vào đúng 8 giờ sáng ngày 5/7 Mậu Dần (26/8/1998) khởi lễ giỗ Lý Anh Tông (vị vua thứ 6 của vương triều Lý và là vua cha của hoàng tử Lý Long Tường).

Lần thứ hai vào ngày Hà Nội tổ chức “Ngày hội non sông, hướng tới 1000 năm Thăng Long”, nhân dân Đình Bảng chuẩn bị rước linh bài Thái tổ Lý Công Uẩn và Chiếu dời đô của Người từ đền Đô ra Hà Nội. Đúng 4 giờ 45 rạng sáng ngày 1/9/1998, khi dân làng nổi trống chiêng chuẩn bị hành lễ, trên bầu trời xuất hiện một dải mây vàng đã bay từ Thăng Long – Hà Nội về đền Đô.

Đền Đô 02
Hình ảnh Bát Đế hiển linh trên khoảng trời đền Đô

 | Bạn có biết về “chùa Đại Bi – Bắc Ninh“.

Nét đẹp kiến trúc đền Đô

Khu nội thất

Nếu có dịp đến tham quan đền Đô, du khách có thể liên tưởng đến lối kiến trúc cung đình của các triều đình ngày trước. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, nơi đây vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính và nguyên bản.

Ngũ Long Môn là cổng vào nội thành đền Đô, hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng. Trung tâm của đền Đô là khu chính điện uy nghiêm nơi có điện thờ vua Lý Thái Tổ với hai con hạc trầu hai bên, quanh năm điện thờ đều nghi ngút khói hương.

Đền Đô 03
Ngũ Long Môn – Cửa chính vào Đền Đô với 5 cánh cửa được chạm khắc hình rồng
Đền Đô 04
Lối kiến trúc long đao quen thuộc tại đền Đô

Phía trái điện thờ chính có lưu lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải là bài thơ hào hùng nổi tiếng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” của Lý Thường Kiệt. Phía đằng sau ngôi chính điện là nhà hậu cung, nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.

Đền Đô 05
Chính điện đền Đô thờ vua Lý Thái Tổ
Đền Đô 6
Bức cuốn thư “Chiếu dời đô” bằng gốm Bát Tràng

Khu nội thất đền Đô Bắc Ninh có nhiều đặc điểm nổi bật của những gì được lưu lại ngày xưa cũ như nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ.

Phía Đông đền có nhà bia, nơi đặt Cổ Pháp Điện Tạo Bi (bia đền Cổ Pháp). Tấm bia đá này được khắc dựng năm 1605, do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn văn bia, ghi lại sự kiện lịch sử nhà Lê xây dựng lại đền Đô và công đức của các vị vua triều Lý.

Đền Đô 7
Nhà bia Cổ Pháp Điện Tạo Bi

Khu ngoại thất

Nếu là người yêu thích kiến trúc và lịch sử, bạn chắc hẳn sẽ khám phá được rất nhiều nét mới lạ xung quanh ngôi đền linh thiêng này.

Ngoài khu nội thất với nhiều đường nét kiến trúc độc đáo, khu ngoại thất đền Đô cũng chia ra thành nhiều khu vực, đặc điểm chung của mỗi khu là đều được kết hợp với thiên nhiên và không gian thoáng đãng, mang lại cho người ta sự bình yên cũng như thoải mái.

 | Cùng tham quan Chùa Bút Tháp Bắc Ninh – Du lịch tâm linh về miền Quan họ

Khung cảnh tuyệt đẹp tại nhà Thủy Đình thường là nơi giữ chân du khách nhiều nhất cũng như để lại trong lòng khách tham quan một ấn tượng đặc biệt.

Đền Đô 08
Hình ảnh Thủy Đình tại đền Đô

Một phát hiện mới mẻ đó là Nhà Thủy đình từng được Ngân hàng Đông Dương xưa chọn là hình ảnh in trên “giấy năm đồng vàng” và là hình in trên đồng tiền xu 1.000 đồng.

Đền Đô 10
Thủy đình trong đồng tiền giấy ngày xưa

Nhà Thủy đình được xây dựng bằng chất liệu gỗ lim. Nằm trên hồ bán nguyệt ngôi đình này được nối với quảng trường bằng chiếc cầu đá. Đây là nơi thường diễn ra nghệ thuật múa rối nước và cũng là nơi để các liền anh liền chị Bắc Ninh ca câu quan họ thắm thiết.

Đền Đô 09
Biểu diễn quan họ trên hồ Bán Nguyệt

Lễ hội đền Đô

Lễ hội đền Đô được tổ chức thường niên vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 Âm lịch nhân kỉ niệm ngày Lý Công Uẩn lên ngôi vua và ban “Chiếu dời đô”.

Đây là một lễ truyền thống có từ lâu đời và đã trở thành một phong tục ăn sâu vào đời sống văn hoá tinh thần của người dân Đình Bảng nói riêng và Bắc Ninh nói chung.

Đền Đô 11
Tưng bừng lễ hội đền Đô

Ngoài dịp về dự hội đền Đô mỗi năm 1 lần, bạn còn có thể vãn cảnh vùng đất Kinh Bắc với nhiều nét truyền thống cũng như thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ đặc sắc.

Hãy chuẩn bị hành trang và ghé thăm ngôi đền này trong dịp lễ tới nhé!

Chúc bạn nắm được những thông tin hữu ích mà Nếm TV đã cung cấp và có một chuyến tham quan đền Đô Bắc Ninh đầy trải nghiệm và thú vị! ^^

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here