Chùa Đại Bi còn có tên là chùa Tổ hay chùa Tẩy tọa lạc trên bãi bồi cách bờ nam sông Đuống khoảng gần 1km, cách chân đê Đuống phía ngoài khoảng 100m, nay thuộc thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài thờ Phật, chùa Đại Bi còn là nơi lưu giữ sâu sắc về Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang, một nhà sư và cũng là một nhà thơ lớn thời Trần, người đã cùng với vua Trần Nhân Tôn, thiền sư Pháp Loa sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái Phật giáo mang đậm sắc thái Việt Nam.
Nội Dung Chính
Lịch sử ngôi chùa Đại Bi
Theo các thư tịch cổ, ngôi chùa vốn được Huyền Quang cho xây dựng vào năm Quý Mão (1305) trên khu đất đẹp phía tây nhà nhân dịp về quê thăm cha mẹ và đặt tên là “Đại Bi tự” với ý nghĩa: đức Phật đại từ đại bi, Quan Thế Âm Bồ Tát cứu được cha mẹ về với đạo Phật.
Chùa Đại Bi đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, dấu ấn sớm nhất trên kiến trúc hiện nay là của thời Lê và Nguyễn. Ở trong khuôn viên của chùa còn có “đền thờ Tam Tổ” – nơi thờ tam vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm là “Trần Nhân Tôn, Pháp Loa và Huyền Quang”.
Sau chùa, năm 2005 nhân dân mới phục dựng ngôi đình để thờ tam vị thành hoàng, những danh tướng có công dẹp giặc Thục vào thời Hùng Vương thứ 18.
Kiến trúc độc đáo của chùa Đại Bi
Tam bảo
Tam bảo chùa kết cấu kiến trúc kiểu chuôi vồ gồm tiền đường thượng điện, hướng nam nhìn lên đê sông Đuống. Đây là công trình kiến trúc được trùng tu vào thời Nguyễn còn bảo tồn khá nguyên vẹn tới ngày nay.
Tiền đường
Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, 4 mái đao cong, bờ nóc đắp ba chữ Hán “Đại Bi tự”, phía trước mở cửa bức bàn ở cả 5 gian.
Bộ khung tiền đường được làm bằng gỗ lim, các bộ vì làm theo lối “con chồng giá chiêng” ăn mộng với 8 hàng cột ngang 4 hàng cột dọc.
Tại các bức cốn, con chồng được trang trí chạm khắc văn hoa lá cách điệu. Gian giữa tiền đường thông với thượng điện, các gian bên đặt tượng Hộ pháp, Đức Ông và Thánh Hiền.
Hậu cung
Hậu cung nối với gian giữa tiền đường gồm 3 gian, ở đây được xây các kệ gạch thấp dần từ trong ra ngoài để đặt hệ thống tượng thờ.
Hệ thống tượng ở đây một số pho mới được nhân dân tạc mới, còn lại là tượng thời Nguyễn. Việc sắp đặt tượng cũng giống như nhiều ngôi chùa ở vùng đồng bằng bắc bộ, tuy nhiên một số pho tượng đặt chưa đúng vị trí với tinh thần của Phật pháp.
| Tìm hiểu về ngôi chùa nổi tiếng tại Bắc Ninh – Chùa Phật Tích.
Đền thờ Tổ
Nằm phía bên hồi phải tam bảo, cách một khoảng sân khá rộng là đền thờ Tổ. Đây là nơi tôn thờ tam vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Đền hướng tây, kết cấu kiến trúc kiểu chuôi vồ gồm 3 gian tiền đền và 1 gian hậu cung.
Bộ khung được làm bằng gỗ lim, trên các cột còn nguyên những dòng chữ Hán ghi khắc tên tuổi những người hưng công để tu bổ đền. Vì nóc làm theo lối con chồng giá chiêng, quá giang gác tường, chủ yếu bào trơn đóng bén.
Tại đền, trong hậu cung là một khám thờ lớn, trong đặt tượng Tam tổ, khám được chạm khắc tỉ mỉ, sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Trong khám, ở giữa là tượng đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tôn, bên trái là tượng Huyền Quang, bên phải là tượng Pháp Loa. Tượng được tạc trong tư thế ngồi thiền, mình mặc áo nhà Phật, khuôn mặt mỗi người một vẻ nhưng đều toát lên sự thông minh dĩnh ngộ với vẻ mặt thanh tú siêu thoát.
Trước khám là bức cửa võng chạm khắc cầu kỳ đề tài tứ linh, tứ quý, tiếp đến là án gian, trên bày đặt các đồ thờ tự tôn nghiêm.
Phía sau nhà Tổ còn có nhà khách, nhà sư ở và nhà mẫu; sau tam bảo là nhà bia, ghi chép về thân thế sự nghiệp của đệ tam tổ Huyền Quang.
Sau nhà bia là ngôi đình mới được nhân dân phục dựng năm 200 gồm 5 gian 2 chái. Đây là nơi thờ phụng tam vị thành hoàng làng, có công dẹp giặc Thục vào đời Hùng vương thứ 18.
Lễ hội chùa Đại Bi
Lễ hội chùa Đại Bi được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn từng nổi tiếng trong dân gian thu hút đông đảo khách thập phương đến dâng hương. Với nghi thức tế rước long trọng và nhiều tục trò độc đáo, được 4 làng thuộc tổng Vạn Ty cũ cùng tổ chức. Đó là các làng: Đạo Viện (Viền), Hương Trạch (Chằm), Phúc Lộc (Tẩy) và Châu Lỗ (làng Dù).
Hiện nay, chùa Đại Bi ở quê hương của nhà khoa bảng nổi danh thần đồng, bậc thiền sư tài năng đức độ Lý Đạo Tái – Huyên Quang vẫn đứng uy nghiêm trầm mặc giữa mênh mông sông nước của dòng sông Đuống.
Ngôi chùa vẫn luôn được chính quyền quan tâm, nhân dân hết lòng ngưỡng mộ.
Chùa Đại Bi hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật có giá trị như: chuông đồng, đại tự, câu đối; hệ thống tượng phật trong đó tiêu biểu là tượng Thiền Sư Huyền Quang và hai vị của thiền phái Trúc Lâm; hệ thống bia đá trong đó đặc biệt quý giá là tấm bia dựng đặt trước nhà tổ, nơi mộ tháp của thiền sư, ghi khắc ca ngợi tài năng đức độ của người.
| Bạn có thể cần: Kinh nghiệm đi Đền Bà Chúa Kho vào những ngày đầu năm mới