Đền Hùng Phú Thọ – Cái nôi của dòng máu Lạc Hồng

Đền Hùng Phú Thọ cổng lên đền

Đền Hùng Phú Thọ – Một cái tên quá đỗi gần gũi đối với bất kể người con đất Việt nào. Nơi đây tồn tại như một lời nhắc nhở về sự khởi nguồn, về một trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Hãy cùng NếmTV tới khám phá vùng đất tổ linh thiêng này nhé!

Đền Hùng ở đâu?

Đền Hùng là một quần thể di tích lịch sử bao gồm các đền chùa thờ phụng các vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, ngày nay thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đường đi tới Đền Hùng Phú Thọ

Nằm ở thành phố Việt Trì, Đền Hùng Phú Thọ chỉ cách thành phố Hà Nội khoảng 90 km. Một khoảng cách hợp lí cho một chuyến đi trong ngày.

NếmTV sẽ giới thiệu cho bạn hai con đường đi tới khu di tích bằng phương tiện cá nhân sau đây:

Cách 1: Đi qua cầu Thăng Long theo đường ra sân bay Nội Bài. Tiếp tục đi dọc theo quốc lộ 2 tới cầu Việt Trì. Sau khi đi qua trung tâm thành phố Việt Trì, bạn nhớ rẽ trái và sau đó đi thêm khoảng 10 km nữa là tới Đền Hùng.

Cách 2: Đi theo quốc lộ 32 tới Ba Vì (Sơn Tây) qua hai con cầu Trung Hà và Phong Châu thì tiếp tục đi thẳng thêm một đoạn nữa là tới Đền Hùng.

Một vài nét về Đền Hùng Phú Thọ

Ý nghĩa vị trí của Đền Hùng Phú Thọ

Đền Hùng Phú Thọ được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh là trung tâm của kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang xưa. Toàn bộ khu di tích trải dài từ dưới chân núi tới đỉnh núi cao 175 m. Nơi đây có thế đất tốt, được rừng núi bao phủ dễ phòng thủ.

Đền Hùng Phú Thọ nơi nghỉ chân
Một trong những nơi nghỉ chân ở đền Hùng

Dựa vào bút tích còn lưu lại trong cuốn Ngọc phả Hùng Vương thì núi Nghĩa Lĩnh cũng chính là nơi Vua Hùng cho xây dựng điện Kính Thiên.

Lịch sử Đền Hùng Phú Thọ

Theo như nhiều công trình nghiên cứu và các tài liệu khoa học thì Đền Hùng Phú Thọ có nền móng kiến trúc từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Và quân thể được hoàn thiện xây dựng theo quy mô thời nay dưới triều đại nhà Hậu Lê (thế kỉ XV).

Năm 1962, Đền Hùng Phú Thọ đã được Bộ Văn học thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt quốc gia.

Ngày 8/2/1994, Thủ tướng phê duyệt dự án quy hoạc tổng thể khu di tích, biến Đền Hùng Phú Thọ thành một khu di tích được quy hoạch khoa học và bảo tồn trong điều kiện tốt nhất.

Đền Hùng Phú Thọ ngày giỗ tổ
Đền Hùng vào ngày giỗ tổ đông đúc du khách

Kể từ đó đã có thêm nhiều công trình được xây dựng trong khuôn viên của khu di tích như Đền thờ Lạc Long Quân, đường hành lễ vào dịp lễ hội tại trung tâm Đền Hùng Phú Thọ, các khu nhà tiếp đón khách, trụ sở làm việc và các đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ tổ quốc.

Ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại bởi những yếu tố tâm linh với lịch sử dài lâu tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Không chỉ vậy đây cũng chính là nền tảng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết của người Việt Nam.

Đây là một hiện tượng văn hóa hiếm có chỉ xuất hiện ở một số nước khi người dân Việt Nam chọn thờ Hùng Vương với tư cách là Quốc tổ – người khai sinh ra dân tộc Việt.

Đọc thêm: Lễ hội Đền Hùng

Các di tích nằm trong quần thể Đền Hùng Phú Thọ 

Đền Hạ

Đi qua Đại môn và trèo một quãng đường khoảng 225 bậc đá, bạn đã đặt chân tới đền Hạ.

Đền được xây dựng vào thế kỉ XV và theo như nhiều như tích sự để lại thì đây chính là nơi Quốc mẫu Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng.

Đền Hùng Phú Thọ đền Hạ
Ảnh chụp đền Hạ

Khi đến thăm đền Hạ bạn sẽ bắt gặp một cây thiên tuế lớn. Đây chính là nơi mà các chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong được nghe câu nói huyền thoại của chủ tịch Hồ Chí Minh “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chùa Thiên Quang

Bên cạnh đền Hạ chính là chùa Thiên Quang. Chùa được xây theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, gồm các tòa Tiền đường có 5 gian và Thiêu hương 2 gian cùng với Tam bảo 3 gian ở phía trước. Phía sau cùng của khuôn viên chính là nhà Tổ.

Chùa thờ Phật theo lối Đại thừa và đa phần kiến trúc của chùa mang đặc trưng của đình chùa cổ ở đồng bằng sông Hồng.

Đền Hùng Phú Thọ chùa Thiên Quang
Chùa Thiên Quang nằm cùng khuôn viên và ở phía bên trái của chùa Hạ
Chùa có một gác chuông được xây dựng thêm vào thế kỉ XVII. Gác chuông có treo một quả chuông không rõ niên đại có khắc trên thân chuông dòng chữ “Đại Việt quốc, Sơn Tây đạo, Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”.

Đền Trung

Từ đền Hạ bạn leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung.

Đền còn có tên khác là Hùng Vương tổ miếu. Đền có thiết kế hình chữ nhật với 3 gian nhà quay về hướng Nam.

Đền Hùng Phú Thọ đền Trung
Ảnh chụp đền Trung

Theo như tích xưa kể lại thì nơi đặt quán xá nhằm mục đích nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu của vua Hùng. Nơi đây cũng chính là cung điện nơi hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày lên cho vua cha trong sự tích Bánh chưng bánh dày.

Đền Thượng

Tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, đi thêm 102 bậc đá nữa là bạn sẽ đến trước cửa đền Thượng. Đây là nơi mà các vua Hùng làm lễ tế bái trời đất, Thần Núi và Thần Lửa. Sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi lại, Thục Phán cũng chọn nơi đây để dựng cột đá thề sẽ trông nom và giữ gìn cơ nghiệp của vua Hùng.

Đền Hùng Phú Thọ đền Thượng
Trước cổng đền Thượng

Các công trình của đền Thượng được xây dựng theo kiểu tam cấp. Phía trước là bức nghi môn lớn, nhà chuông, tiền tá, đại bái và sau cùng là hậu cung.

Bên trái đền là nơi đặt cột đá mà Thục Phán dựng nên. Có có hình trụ vuông cao 1,3 m và rộng 0,3 m

Lăng Hùng Vương

Đây theo tương truyền chính là nơi yên nghỉ của vua Hùng thứ 6. Lăng nằm ở phía Đông của đền Thượng và có vị trí phong thủy vô cùng đẹp. Phía trên là đỉnh Nghĩa Linh phía dưới có sông và quay mặt nhìn ra hướng Đông Nam.

Lăng có hình vuông, bốn góc dưới đắp bốn con rồng đang trong tư thế bò còn phía trên đắp hình rồng uốn ngược và trên dỉnh là một viên ngọc. Lối trang trí này là dựa trên tích “Cửu Long tranh ngọc” vốn xuất hiện nhiều ở các ngôi đền chùa cổ hay cung điện ngày xưa.

Đền Hùng Phú Thọ lăng Hùng Vương
Ảnh chụp Lăng Hùng Vương

Trong lăng có mộ vua Hùng được xây thành hình hộp chữ nhật. Trong lăng có bia đá khắc hai chữ “Biểu chính” (lăng chính).

Ngoài những di tích chính này thì trong khuôn viên Đền Hùng Phú Thọ còn rất nhiều các điểm di tích khác như Đền Giếng, Đền mẫu Âu Cơ, Đền thờ Lạc Long Quân, …

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here