Tháp Bình Sơn – Một đại diện cho nền kiến trúc nhà Lý – Trần

Tháp Bình Sơn ảnh chụp

Tháp Bình Sơn là một công trình mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa sâu sắc từ hai thời đại Lý – Trần. Hãy đọc bài giới thiệu của NếmTV biết thêm nhiều hơn về nơi đây nhé!

Tháp Bình Sơn ở đâu?

Tháp Bình Sơn nằm trong khuôn viên của chùa Vĩnh Khánh nằm trên một gò đất cao bên sông Lô, thuộc địa phận của thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Một vài nét về Tháp Bình Sơn

Tháp Bình Sơn còn được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như tháp Then, tháp chùa Then hay tháp chùa Vĩnh Khánh. Đã có nhiều tranh cãi về niên đại của tháp, tuy nhiên không ai phủ nhận được dấu ấn rõ nét của kiến trúc Phật giáo thời kì nhà Lý – Trần (khoảng thế kỷ XIV với XVI) của tháp.

Tháp Bình Sơn từ xa

Theo như ghi chép và những lời truyền miệng thì tháp cao 15 tầng. Trên đỉnh tháp có đặt một khối đất nung được tạo hình bông sen e ấp chưa nở. Hiện tại tháp chỉ bao gồm 11 tầng và một tầng bệ ở dưới cùng. Phần chóp đã không còn bông sen do bị vỡ.

Chiều cao hiện tại của Tháp Bình Sơn là 16,5 m. Tháp được xây theo cấu trúc của một hình trụ vuông thon dần lên đỉnh. Chiều dài cạnh tầng trụ là 4,45 m và cạnh của tầng cao nhất là 1,55 m.

Truyền thuyết Tháp Bình Sơn

Tháp Bình Sơn gắn liền với khá nhiều truyền thuyết khác nhau. Có truyền thuyết kể rằng tháp vốn nằm ở giữa cánh đồng Nẫu, xã Tứ Yên nhưng qua một đêm mưa bão đã trôi về đây và giữ nguyên vị trí tới tận bây giờ.

Tháp Bình Sơn Tháp Then

Cũng có những truyền thuyết khác như chiếc giếng chứa con vịt bằng vàng nằm ngay cạnh tháp hay dấu tích của một ngọn tháp khác từng đứng song hành với Tháp Bình sơn những nay đã bay về trời hay truyền thuyết về ông Ngụy Đồ Chiêm, một thủ lĩnh địa phương đã biến mất khi chạy vào tháp trốn sự truy đuổi của binh sĩ triều đình, …

Tất cả đều cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa tâm linh sâu sắc của tháp Bình Sơn đối với văn hóa và đời sống của người dân bản địa.

Kiến trúc Tháp Bình Sơn

Toàn bộ phần tháp còn lại tới hiện nay được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung. Lòng tháp rỗng.

Tháp Bình Sơn được gia cố bằng 2 lớp gạch. Những viên gạch chịu lực có kích cỡ khác nhau được sử dụng cho phần bệ đỡ và lớp trong của tháp. Phần bên ngoài của tháp được ốp gạch vuông trang trí với những hoa văn phong phú. Sự đa dạng và tỉ mỉ trong các hoa văn trang trí đã thể hiện tay nghề tinh xảo của các nghệ nhận thời bấy giờ.

Tháp Bình Sơn kiến trúc tầng dưới
Phần dưới của tháp được trang trí bằng nhiều hoa văn cầu kì

Phần được trang trí cầu kì nhất của tháp chính là phần bệ và hai tầng dưới cùng. Toàn bộ phần này được phủ kín bằng những họa tiết phức tạp đẹp mắt như hoa cúc, cánh sen, rồng chạm khắc, … Tầng càng cao thì số lượng hoa văn càng thưa và cũng trở nên đơn giản hơn với những họa tiết hoa chanh, lá sòi, …

Tháp Bình Sơn kiến trúc tầng cao
Ở các tầng cao hơn thì họa tiết trở nên thưa thớt và cũng đơn giản hơn

Vào năm 1969, tháp Bình Sơn đã từng bị ngập nặng khiến tỉnh Vĩnh Phúc phải cho dựng khung sắt cùng vành đai thép để giai cố tránh tháp bị sụp đổ. Năm 1972, tháp Bình Sơn được phục dựng lại bởi tay nghề của nhiều nghệ nhân, kĩ thuật viên, … nhằm trở về với dáng vẻ nguyên bản nhất.

Một số di tích khác bên cạnh tháp Bình Sơn

Toà Tam bảo cũ

Công trình đã được đại trùng tu vào năm 1976, dịch chuyển lùi về sau so với vị trí cũ 20 m. Tòa Tam bảo có diện tích 131,5 m bao gồm một Tiền đường 5 gian và Hậu cung 3 gian. Nơi đây có đặt 2 cột đồng trụ ở sân phía trước. Các tượng thờ ở đây đều được đắp bằng đất sau đó phủ sơn lên có niên đại khoảng 100 – 200 năm.

Tòa Tam bảo mới

Công trình được khởi công xây dựng vào năm 2012 ngay trên nền đất của tòa Tam bảo cũ. Tòa Tam bảo mới mang nét kiến trúc của một thiền viên được xây toàn bộ bằng bê tông cốt thép. Mái tòa nhà được chia thành nhiều lớp theo kiểu chồng diêm giống như lối lợp mái truyền thống của các đình chùa xưa của miền Bắc.

Giếng Mực

Theo như những truyền thuyết truyền miệng qua nhiều đời của người dân địa phương thì nơi đây chính là vị trí nền đất cũ của ngôi tháp cổ màu xanh từng đứng song hành với Tháp Bình Sơn. Khi tháp bay về trời đã để lại một hố sâu hình tròn nhìn xuống chỉ thấy tối đen. Có lẽ bởi vậy mà giếng được đặt tên là giếng Mực. Trải qua sự bào mòn của thời gian thì hiện nay giếng không còn giữ được hình dáng tròn nguyên vẹn như xưa nữa.

Nhà khách

Đây là một công trình mới được xây dựng vào năm 2012 cùng với tòa Tam bảo mới. Nhà khách có diện tích 283,5 m2 với hình dạng hình chữ nhật được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống cổ với đao mái.

Hồ sen

Hồ sen nằm ở ngay trước mặt tháp Bình Sơn. Hồ chưa được kè nên bạn hãy chú ý khi đến gần ngắm sen bởi bờ hồ dễ sạt lở.

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here