Tự bao giờ, đền Mẫu Hưng Yên đã trở thành chốn nguyện ước linh thiêng của người dân nơi đây và du khách thập phương đến từ khắp các tỉnh thành!
Ngôi đền cổ kính nổi tiếng linh thiêng này như một bức tranh đại diện cho tín ngưỡng thờ mẫu và những nét đẹp tâm linh trong văn hóa thờ cúng của người dân Việt Nam.
Nội Dung Chính
Vị trí và cảnh quan đền Mẫu Hưng Yên
Đây là ngôi đền độc nhất vô nhị nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến.
Đền Mẫu, hay còn gọi là Hoa Dương Linh Từ hoặc đền Mậu Dương hiện tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên.
Nằm ven hồ Bán Nguyệt non nước hữu tình, bốn bề cây xanh râm mát, di tích Đền Mẫu không chỉ thuận về địa thế, đẹp về kiến trúc, cảnh quan mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của Phố Hiến xưa.
Tuy được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông và dần được tu sửa qua các thời kỳ nhưng những nét lâu đời, cổ kính vốn có của ngôi đền vẫn còn vương lại trên từng cảnh sắc linh thiêng đang được lưu giữ và bảo tồn.
Khoảng không gian mở ra tại đây chủ yếu là những cây cổ thụ lâu năm với những tán lá cao và rộng, hòa quyện với hương khói nghi ngút nơi cửa đền khiến người ta thấy lòng yên bình như lạc vào cõi Phật.
Đền Mẫu Hưng Yên thờ ai?
Vậy bạn có biết đền Mẫu Hưng Yên thờ ai?
Quý Phi họ Dương chính là nhân vật được thờ tự tại đây, bà được tán xưng là Dương Thiên Hậu – người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thuỷ với vua và trung thành với Tổ Quốc.
Theo sử sách và Ngọc Phả truyền lại, bà là vợ vua Tống Đế Bính. Năm 1279, quân Nguyên ồ ạt sang xâm lược nước Tống, vua và hoàng tộc buộc phải xuống thuyền chạy về phương Nam. Họ đã bị tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm bắt được trong khi đang chạy trốn.
Vua Tống cùng một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tuẫn tiết, xác của Dương Quý Phi trôi dạt tới bờ cát, sau đó được nhân dân chôn cất chu đáo sau đó lập đền thờ.
Tổng quan kiến trúc của ngôi đền
Đền được xây trên thế đất “Ngọa Long” nhìn ra hồ Bán Nguyệt với không gian rộng rãi, tạo nên thế “Sơn Diễu Thủy”. Cổng Nghi môn của đền khá bề thế, kiến trúc tại đây thiết kế theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, với các đầu đao uốn cong. Cửa xây vòm cuốn gồm một cửa chính và hai cửa phụ, hai cột trụ trên đỉnh có đắp 2 con sấu chầu. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ Triện “Dương Thiên Hậu – Tống Triều” và bức chữ Hán “Thiên Hạ mẫu nghi”.
Qua Nghi môn là sân đền, tiếp tới là toà tiền tế với 3 gian, kiến trúc 2 tầng 8 mái; mái uốn cong mềm mại kiểu rồng chầu, chính diện đắp lưỡng long chầu nguyệt, mang đậm nét kiến trúc thuần Việt.
Đi qua tòa tiền tế là khu vực Hậu cung, nơi đặt tượng thờ Dương Quý Phi cùng 2 người hầu là Kim Thị và Liễu Thị. Tất cả đều được sơn son thếp vàng. Tại gian thờ này, điện luôn sáng đèn và hương khói nghi ngút. Du khách tới chiêm bái có thể cảm nhận như đang đi lạc vào chốn thâm cung xưa cũ.
Hậu cung gồm 5 gian, kiến trúc theo kiểu chồng rường con nhị với 12 cột cái, 6 cột quân, các bức cốn chạm hoa lá mềm mại, bộ cửa bức bàn chạm lộng mai cúc
Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ nhiều di vật quý như long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18-19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, ca ngợi tấm gương trung tiết của Dương Quý Phi.
Lễ hội Đền Mẫu Hưng Yên
Hàng năm, lễ hội Đền Mẫu tại Hưng Yên bắt đầu tổ chức từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, người dân tới đây cầu tự và vãn cảnh rất đông làm cho không khí ngôi đền trở nên rộn ràng và đầy ắp hương khói.
Đến đền Mẫu Hưng Yên cầu gì?
Du khách khi đến thăm ngôi chùa này hầu như đều xin duyên, cầu an, sức khỏe và công việc. Với cái tâm và chữ thiện trong lòng, khả năng cầu được ước thấy là rất cao vì ngôi chùa này nổi tiếng xa gần về độ linh thiêng.
Đền Mẫu Hưng Yên là một công trình kiến trúc thuần Việt, một di tích lịch sử văn hóa đáng tư hào của nhân dân. Điểm du lịch văn hoá tâm linh này không chỉ có giá trị với riêng người dân Hưng Yên, mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương và cầu tự.