Đền Quán Thánh – một trong “Thăng Long tứ trấn” mỗi dịp xuân về thường đón tới hàng nghìn lượt du khách đến cầu may cầu bình an mỗi ngày. Hãy cùng Nếm TV khám phá xem điều gì đã làm nên sự linh thiêng của nơi đây nhé!
Nội Dung Chính
Đền Quán Thánh – Một trong Thăng Long tứ trấn
Đền Quán Thánh có tên chữ là Trấn Vũ Quán. Đền có từ thời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một trong bốn vị thần trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long xưa.
“Thăng Long tứ trấn” bao gồm 4 ngôi đền: Đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành) nay nằm ở 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm; Đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành) nay nằm trên phố Kim Mã cạnh công viên Thủ Lệ; Đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành) nay nằm ở 87 Đào Duy Anh, quận Đống Đa và cuối cùng là Đền Quán Thánh (trấn giữ phía Bắc kinh thành).
Đền Quán Thánh nằm trên đường Thanh Niên bên cạnh Hồ Tây. Cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh đã tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hóa tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội.
Lịch sử Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh được xây dựng vào thời nhà Lý và như được ghi chép lại trên văn bia thì đã trải qua nhiều đợt trùng tu vào các năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941.
Trong lần trùng tu năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 tứ đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc đã ủy thác cho con là Trịnh Căn chủ trì việc xuất kho để di tạo Trấn Vũ Quán và pho tượng Thánh Trấn Vũ. Nghệ nhân trực tiếp chỉ huy đúc tượng Thánh Huyền thiên Trấn Vũ là Vũ Công Chấn.
Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng hun thế chỗ cho pho tượng gỗ được thờ phụng trước đó. Năm Cảnh Thịnh 2 (tức năm 1794) đời vua Quang Toản, có viên Đô đốc Tây Sơn là Lê Văn Ngữ cho đúc thêm một chiếc khánh đồng lớn đặt trong chính điện.
Đến khi Vua Minh Mạng nhà Nguyễn tuần thú ra Bắc Thành Thăng Long đã quyết định đổi tên nơi đây thành Chân Vũ Quán. Ba chữ Hán này được tạc lại trên nóc cổng tam quan. Tuy nhiên, trên bức hoành trong Bái đường thì không bị sửa sang gì tên vẫn đề là Trấn Vũ Quán.
Năm 1842, khi vua Thiệu Trị đến thăm đền và ông đã cho ban tiền để đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ.
Ngay đợt đầu xét duyệt năm 1962 thì Đền Quán Thánh đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Sự tích về Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ trong Đền Quán Thánh
Theo tương truyền kể lại rằng, Huyền Thiên Trấn Vũ vốn là vị thần. Ông được giao nhiệm vụ bảo vệ, trông coi trấn cửa Bắc môn Thiên phủ vào thời nhà Tủy những năm 589 – 600. Sau này ông được hạ thế đầu thai vào làm con của vua nước Tĩnh Lạc (Trung Quốc).
Tuy nhiên sau khi trưởng thành, Huyền Thiên Trấn Vũ lại từ bỏ mọi tiền tài, quyền lực của vị hoàng tự để tu hành trong núi Vũ Dương. Sau 42 năm tu hành khổ luyện, Huyền Thiên Trấn Vũ đã đắc đạo và du ngoạn tới nước ta.
Khi đi tới làng Long Đỗ, vùng sông Nhị Hà tức Hà Nội ngày này, ông quyết định dừng chân lại và tu đạo tại một ngôi đền bên Hồ Tây. Nhờ đạo pháp được tu luyện cao siêu của ông, các loại yêu ma quỷ quái đều bị trừ khử hết. Nhân dân để bày tỏ công ơn trước sự bảo vệ của Huyền Thiên Trấn Vũ nên đã lập nên đền thờ ông tại chính nơi ông ngồi lại tu hành.
Ngôi đền được đặt tên theo tên Huyền Thiên Trấn Vũ là Trấn Vũ Quán.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều sự tích khác nhau về đền Quán Thánh xoay quanh vị thần được thờ trong đền. Có tích truyền rằng Huyền Thiên Trấn Vũ chính là sứ giả được Ngọc Hoàng điều xuống diệt trừ Yêu hồ 9 đuôi quẫy nhiễu cuộc sống nhân dân làng Long Đỗ.
Bởi vậy mà sau khi rời đô về kinh thành Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho người lập đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ ở phía Bắc nhằm trấn yểm yêu ma quỷ quái làm hại dân.
Kiến trúc Đền Quán Thánh
Trước khi bước vào đền bạn sẽ nhìn thấy trước tiên là bốn cây cột phía trước lối vào. Những cây cột này được trang trí bằng những hình phượng hổ chạm khác mang dấu ấn kiến trúc thế kỉ XI. Đi qua vòm cửa giữa, du khách sẽ quan sát thấy những con rồng đá và tháp chuông tròn ngay phía trên đầu.
Khi đặt chân vào đền Quán Thánh, du khách sẽ không khỏi sững sờ trước lối vào ấn tượng của đền, nơi có những cánh cửa gỗ chạm khắc cầu kì bên dưới tháp chuông đá màu trắng và những họa tiết rồng được điêu khắc tỉ mỉ.
Bước vào trong khuôn viên đền, bạn sẽ bắt gặp những tấm biển được khắc chữ tinh xảo và bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được tạc bằng đồng nằm ngay vị trí trung tâm.
Khoảng sân nhỏ phía trong đền có cây đa già tỏa bóng mát và xung quanh được đặt nhưng bể cá nhiều màu cùng những hòn non bộ nhỏ nhắn tinh tế.
Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ
Bước vào chín điện, bạn sẽ đi qua những tấm biển đồng khắc chữ và một chiếc khánh đồng có họa tiết tinh xảo. Bạn sẽ không thể bỏ qua bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đặt phía sau chính điện. Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m.
Khuôn mặt Huyền Thiên Trấn Vũ được điêu khắc vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản. Tượng mang lại cảm giác hiền hậu với đôi mắt nhìn thẳng, râu dài. Mái tóc buông xoã chứ không đội mũ.
Ông mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với hai bàn chân để trần. Bàn tay trái của Huyền Thiên Trấn Vũ đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp còn bàn tay phải thì úp lên đốc kiếm. Mũi kiếm chống trên lưng rùa đang nằm giữa hai bàn chân. Dọc lưỡi kiếm có con rắn uốn lượn từ dưới lên trên.
Rùa, rắn và kiếm vốn là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ.
Hội Đền Quán Thánh
Lễ hội Đền Quán Thánh được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên hàng tháng vào dịp rằm, lễ mùng mọt hay dịp đầu năm, lễ hội,… đền có đón tiếp hàng nghìn lượt du khách thập phương dâng hương cầu bình an, tài lộc.
Bên cạnh Đền Quán Thánh nổi tiếng cầu gì được nấy thì Hà Nội còn một ngôi chùa khác cũng “linh” không kém là Chùa Hà chuyên cầu duyên. Xuân này còn ngại ngùng gì nữa mà không đến thăm thú hai ngôi đền và chùa này cho một năm mới tốt đẹp thôi nào!