Văn miếu Xích Đằng – một thoáng tinh hoa trí tuệ người Hưng Yên

Văn miếu Xích Đằng

Hưng Yên không chỉ nổi danh với nhãn lồng tiến vua, với phố Hiến cổ kính mà còn được biết đến bởi văn miếu Xích Đằng – nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của người Phố Hiến xưa và nay.

Ngôi đền nằm trên mảnh đất “Nhất Kinh kỳ, Nhì Phố Hiến” này với hơn 400 năm tồn tại là một trong sáu văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay của đất nước và cũng là một trong hai văn miếu lâu đời nhất (đứng sau văn miếu Quốc Tử Giám).

Đôi nét về văn miếu Xích Đằng

Vị trí và thời điểm văn miếu được xây dựng

Nằm cạnh con sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, văn miếu Xích Đằng được biết đến là một di tích quan trọng nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Hình ảnh Văn miếu Xích Đằng
Hình ảnh Văn miếu Xích Đằng

Cái tên Xích Đằng có nguồn gốc từ việc được khởi xây trên làng Xích Đằng.

Ngôi đền này được xây dựng từ cuối thời Lê thế kỷ 17 (khoảng năm 1701), được trùng tu lớn vào năm 1839 (năm Minh Mệnh thế 20) Văn miếu Xích Đằng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ.

Địa điểm Văn miếu Xích Đằng
Lối vào văn miếu Xích Đằng

Nguồn gốc xây dựng văn miếu

Thế kỷ 17 dưới thời vua Lê Thánh Tông, để chấn hưng lại đạo Nho, triều đình đã cho thành lập nhiều trường học bên ngoài trường Quốc Tử Giám ở các trấn. Văn miếu Xích Đằng ở trấn Sơn Nam được xây dựng vừa làm nơi để thờ tự các bậc hiền nho, vừa là nơi tổ chức các kỳ thi của trấn.

Sau nhiều biến chuyển trong việc chia tách lại địa lý các trấn dưới các triều Hậu Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn, văn miếu Xích Đằng trở thành văn miếu của trấn Sơn Nam thượng và sau này là của tỉnh Hưng Yên.

Tham quan kiến trúc văn miếu Xích Đằng

Dù được trùng tu nhưng những nét kiến trúc cổ tại văn miếu vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Khuôn viên của Văn Miếu rộng 6000 m2 bao gồm các công trình kiến trúc: Tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dải vũ, khu chính của Văn miếu và khu tháp thờ. Tam quan Văn miếu được xây dựng theo kiến trúc “chồng diêm hai tầng tám mái”.

Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ được nguyên vẹn từ khi xây dựng và tam quan được lấy làm biểu tượng của tỉnh Hưng Yên.

Cổng Nghi Môn Văn miếu Xích Đằng
Tam quan (hay còn gọi là cổng Nghi môn)

Từ tam quan đi vào là sân Văn miếu và tòa chính. Sân Văn miếu trước kia đây là nơi diễn ra các kì thi hương.

Sân Văn miếu Xích Đằng
Sân Văn miếu và tòa chính

Như ở tại các văn miếu Quốc tử giám, văn miếu Mao Điền với lầu trống thì lầu văn miếu Xích Đằng được thay vào bằng lầu chuông. Trong lầu có treo quả chuông đồng đúc năm Gia Long tam niên (tức 1804).

Chuông cổ ở Văn miếu Xích Đằng
Chuông đồng cổ được đúc từ năm 1804

Bên còn lại là lầu khánh bên trong treo một chiếc khánh đá được dựng năm Gia Long nhị niên (1803).

Khánh cổ ở Văn miếu Xích Đằng
Khánh cổ, được đúc từ năm 1803

Tiếp đến là khu nội tự kết cấu theo kiểu chữ Tam: gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung.

Hệ thống mái được kết cấu theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”. Mặt chính quay về hướng nam,  bên trong khu nội tự trang hoàng hệ thống các đại tự, cấu đối, cửa võng và một hệ thống các trụ, kèo được sơn son thếp vàng phủ kim hoàn toàn. Khổng Tử, nhà giáo Chu Văn An, các vị thánh hiền nho giáo được thờ chính tại khu nhà chính, 9 tấm bia ghi danh các vị học sĩ đỗ đạt cao cũng được bày trí tại đây.

Tòa chính Văn miếu Xích Đằng
Tòa chính Văn miếu Xích Đằng
Bàn thờ Khổng Tử Văn miếu Xích Đằng
Bàn thờ Không Tử, người sáng lập ra đạo Nho, cùng các học trò giỏi của ông là: Mạnh Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Nhan Tử.
Bàn thờ Chu Văn An Văn miếu Xích Đằng
Bàn thờ Chu Văn An – ông tổ đạo Nho của nước Nam ta”

9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa được lưu giữ đến ngày nay là những hiện vật quý giá nhất trong văn miếu. Bao gồm 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình.

Bia đá Văn miếu Xích Đằng
9 tấm bia đá trong Văn miếu

Mùa lễ hội văn miếu Xích Đằng

Văn miếu Xích Đằng xưa có hai mùa lễ hội, trọng hội là ngày 10 tháng 2 và 10 tháng 8. Vào các ngày trọng hội, các vị nho học và quan đầu tỉnh phải đến Văn miếu tế lễ để thể hiện nề nếp nho phong, tôn sư trọng đạo đồng thời còn là cầu mong cho sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ.

Ngày nay, hàng năm vào dịp mùng 4, mùng 5 Tết Văn miếu lại tổ chức lễ hội với các hoạt động như hát ca trù, cho chữ đầu xuân.

Lễ hội Văn miếu Xích Đằng
Biểu diễn ca trù trong lễ hội văn Miếu

Ngoài ra vào mùa thi, thanh thiếu niên, học sinh về văn miếu tìm hiểu truyền thống hiếu học của cha ông và thắp nhang cầu khấn mong cho nghiệp học hành ngày càng phát triển.

Xin chữ tại Văn miếu Xích Đằng
Dòng người nô nức đến xin chữ đầu năm tại Văn Miếu Xích Đằng

Văn miếu Xích Đằng và quần thể di tích Phố Hiến đã trở thành điểm ghé thăm quen thuộc của khách thăm quan gần xa khi đến thăm Phố Hiến.

Văn miếu Xích Đằng – biểu tượng của tinh thần hiếu học và nền văn hiến không chỉ là niềm tự hào của người dân Hưng Yên nói riêng mà sẽ mãi là nét đẹp văn hóa chung của toàn dân tộc Việt Nam.

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here