Thác Pongour – Thác nước đẹp nhất của núi rừng Tây Nguyên

Thác Pongour 1

Đà Lạt nổi tiếng với những thác nước mang vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ. Nổi tiếng nhất trong số đó chính là thác Pongour với danh hiệu “Thác nước đẹp nhất của núi rừng Tây Nguyên”.

Hãy cùng NếmTV đến khám phá vẻ đẹp của thác nước tự nhiên này nhé!

Thác Pongour ở đâu?

Thác Pongour thuộc địa phận của xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Thác nước nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 50 km về hướng Nam.

Thác Pongour 2

Thác còn có tên khác là Thác Bảy Tầng bởi dòng nước đổ xuống thác phải trải qua hệ thống bậc thang cao tới 40 m được chia thành 7 tầng.

Giá vé thăm quan thác Pongour là 20.000đ/người. Ngoài ra bạn sẽ phải trả thêm phí trông giữ xe với mức giá 5.000đ/xe nếu đi xe máy tới đây.

Thời điểm lí tưởng để đi thác Pongour

Khí hậu nơi đây được chia thành 2 mùa chính là mùa mưa và mùa khô. Mỗi mùa thác Pongour đều khoác lên mình một vẻ đẹp khác nhau.

Vào mùa mưa, dòng nước thác đổ xuống vô cùng mạnh mẽ và dữ dội. Dòng nước đập xuống các tầng đá tung bọt trắng xóa như màn sương dày. Tiếng nước đổ vang vọng khắp không gian như một bản hùng ca hào sảng của núi rừng Tây Nguyên. Ngay từ đằng xa nhìn lại, du khách cũng có thể cảm nhận được sự mát mẻ dễ chịu mà thác nước đem lại.

Mùa khô đến dường như xoa dịu bớt đi sự dữ dội của dòng nước. Thác Pongour trở nên hiền hòa tĩnh lặng bởi vậy mà cũng giàu chất thơ hơn. Dòng nước từ từ đổ xuống các tầng đá mềm mại như một dải lụa mượt mà trôi giữa những hòn đá tảng rêu phong. Một phong cảnh khiến bất kể tâm hồn mộng mơ nào cũng phải rung động.

Hướng dẫn đường đi thác Pongour

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 50 km nên nếu có ý định vi vu tới thác Pongour bạn sẽ phải đi 1 hành trình kéo dài khoảng 90 phút. Tuy nhiên để có thể ngắm nhìn và tận hưởng vẻ đẹp nguyên sơ của nơi đây thì đó không phải là một chuyến đi khó khăn chút nào!

Thác Pongour 6

NếmTV mách bạn đường đi tới thác Pongour từ trung tâm thành phố Đà Lạt như sau:

Xuất phát từ trung tâm thành phố, bạn đi theo quốc lộ 20 hướng Đà Lạt về thành phố Hồ Chí Minh. Khi tới địa phận của xóm Trung (núi Chai) thì rẽ phải và đi thêm khoảng 8 km nữa là bạn đã đặt chân tới thác Pongour rồi!

Vài nét về thác Pongour

Nguồn gốc tên gọi của thác Pongour 

Pongour là tên mà người Pháp đặt cho tháp và được phiên âm từ tiếng K’Ho của người dân tộc bản địa. Pongour có nghĩa là “Ông chủ của vùng đất sét trắng”. Sở dĩ tháp được đặt tên như vậy là bởi theo một số tài liệu nghiên cứu về địa chất thì người Pháp cho rằng nơi đây có rất nhiều kaolin.

Truyền thuyết thác Pongour

Theo như truyền thuyết kể lại thì vùng đất Phú Hội – Tân Hội – Tân Thành xa xưa vốn được cai quản bởi một nữ tù trường người dân tộc K’Ho tên Kanai.

Nàng nổi tiếng là xinh đẹp là có tài thuần dưỡng thú dữ, khiến chúng phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Trong những con thú rừng nàng nuôi phải kể đến bốn con tê giác vô cùng to lớn thường được Kanai đưa đi khai phá nương rẫy, dời núi ngăn suối và thậm chí là xung trận bảo vệ buôn làng.

Thác Pongour 3

Kanai yên nghỉ ngàn thu vào một ngày rằm tháng Giêng nọ. Bốn con tê giác nàng nuôi nằm thủ phục bên linh cữu nàng không ăn không uống mà chết. Rồi một ngày kia, khi bình minh vừa hé rạng nơi chân trời, nơi nàng yên nghỉ xuất hiện một thác nước sừng sững.

Người dân tin rằng dòng thác chính là hiện thân của suối tóc nàng Kanai hóa thành. Cặp sừng của bốn con tê giác chính là bảy tầng thang đá nâng đỡ dòng nước trong xanh. Thác Pongour hiện lên giữa núi rừng Tây Nguyên như một biểu tượng của sức mạnh đoàn kết và mối liên kết keo sơn vĩnh cửu giữa con người và mẹ thiên nhiên.

 | Bạn đã đến “Hồ Than Thở” chưa?

Vẻ đẹp của thác Pongour – Thác nước đẹp nhất núi rừng Tây Nguyên

Thác Pongour bắt nguồn từ dòng sông Đa Nhim hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên. Bạn có thể lựa chọn 2 lối đi để xuống tới chân thác.

  • Lối đầu tiên là con đường được đa phần du khách lựa chọn. Đường này có độ dốc vừa phải, khá dễ đi và không tốn sức.
  • Lối còn lại có phần cheo leo và mất sức hơn. Tuy độ dài quãng đường ngắn hơn nhưng lại cí rất nhiều bậc thang. Lối đi này thường chỉ được những khách du lịch ưa khám phá vận động và thích mạo hiểm lựa chọn.

Đặt chân tới khu vực chân thác bạn sẽ vô cùng bất ngờ và thậm chí là choáng ngợp trước sự hùng vĩ của thác Pongour. Thác cao khoảng 30 m với chiều rộng lên tới 120 m. Dòng nước độ xuống từng bậc thang đá tung bọt trắng xóa tạo nên khúc tráng ca vang vọng cả núi rừng.

Thác Pongour 4

Thời điểm đẹp nhất để tới ngắm cảnh thác Pongour chính là vào lúc bình minh, mặt trời vừa ló rạng đằng chân trời. Khung cảnh khi ấy tuyệt đẹp và thật thơ mộng. Bạn sẽ được đắm chìm vào một không gian bao trùm bởi ánh ban mai dịu nhẹ tỏa từ vầng dương nằm lơ lửng ngay trên đỉnh thác.

Đâu đó ríu rít tiếng chim rừng hòa vào với tiếng thác đổ khiến tâm hồn trở nên yên bình và tĩnh lặng đến bất ngờ.

Lễ hội ở thác Pongour 

Hàng năm cứ vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch là thác Pongour lại trở nên nhộn nhịp với những hoạt động văn hóa truyền thống của Lễ hội mùa xuân. Đây là khoảng thời gian rất nhiều du khách thập phương đến thăm thác.

Thác Pongour 5

Khi đến với thác Pongour thời điểm này, bạn sẽ được tham gia nhiều trò chơi dân gian, các nghi lễ văn hóa sinh hoạt của người K’Ho. Những vũ điệu đẹp mắt của người dân bản địa hay những giai điệu cồng chiêng của đất Tây Nguyên cũng là một sự kiện vô cùng thu hút người xem.

Nếu có dịp du lịch Đà Lạt bạn nhớ đừng bỏ qua thách Pongour nhé!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here