Đến thăm Cột cờ Hà Nội và những điều thú vị ít ai biết

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội nay là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ trước đến nay nơi đây vẫn luôn được coi là một trong những biểu tượng cho thủ đô Hà Nội bên cạnh Tháp Rùa Hồ Gươm, Văn Miếu, …

Hãy để Nếm TV đem đến cho bạn những thông tin bổ ích mà không phải ai cũng biết về Cột cờ Hà Nội nhé!

Cột cờ Hà Nội ở đâu?

Cột cờ Hà Nội nằm trên con đường Điện Biên Phủ đối diện với Vườn hoa Lenin, thuộc địa phận quận Ba Đình. Công trình được xây dựng vào năm 1812 dưới đời vua Gia Long triều Nguyễn.

Cột cờ được dựng trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long nơi có nền đất cũ của tòa thành Tam Môn được xây dựng dưới thời nhà Lê.

Cột cờ Hà Nội nhìn từ trên cao
Cột cờ nhìn từ trên cao

Lịch sử Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội là một trong số ít những công trình kiến trúc cổ nằm trong khu vực nổi thành Hà Nội mà không bị chính quyền đô hộ Pháp phá hủy trong giai đoạn 1894-1897.

Khi người Pháp phá thành Hà Nội, họ định phá luôn cột cờ. Tuy nhiên sau đó họ đã quyết định biến nơi đây thành đài xem đua ngựa.

Ảnh cột cờ Hà Nội xưa

Hình ảnh cột cờ thế kỉ XXSau đó quân Pháp biến công trình này trở thành đài quan sát. Trong giai đoạn này, quân Pháp đã cho dựng doanh trại đóng quân bán kiên cố trên các vòng thành của Cột cờ để đóng quân.

Sau này trong cuộc chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ, Cột cờ Hà Nội trở thành đài quan sát của bộ đội phòng không Hà Nội. Lí do khiến Cột cờ được chọn làm đài quan sát là bởi từ trên đỉnh, chúng ta có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô.

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được cắm trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Đến năm 1954, chiến tranh chống Pháp hoàn toàn thắng lợi, một lần nữa lá quốc kì của Việt Nam lại tung bay trên đỉnh kỳ đài lịch sử.

Cột cờ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử vào năm 1989.

Phút giây cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội

Ngày 10/10/1954 ghi dấu một giây phút thiêng liêng trong lịch sử Việt Nam, thời điểm lá cờ Tổ Quốc phấp phới trong gió trên đỉnh Cột cờ Hà Nội đánh dấu chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trước thực dân Pháp.

Trong kí ức bao người dân Hà Nội thì đây chính là ngày Hội chiến thắng, giờ phút thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp. Cả thủ đô trở nên tưng bừng rạo rực. Hàng đoàn người đổ về tập trung xung quanh Cột cờ Hà Nội chờ đón giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ Quốc trên đỉnh cột cờ.

Cột cờ Hà Nội năm 1954
Hình ảnh lá cớ Tổ quốc tung bay trên nóc cột cờ Hà Nội ngày 10/10/1954

Đúng 3 giờ chiều ngày 10/10/1954, tiếng còi từ nhà hát Thành phố vang lên một hồi dài. Quốc ca vang lên theo sự điều khiển của đồng chí Đinh Ngọc Liên, trong tiếng nhạc và hò reo của hàng nghìn người dân, lá cờ Tổ Quốc được từ từ kéo lên.

Công trình này đã có gần hai trăm năm tuổi đời.

Là một di tích lịch sử, một biểu tượng cho nền độc lập nên khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột cờ Hà Nội với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới đã được in trang trọng trên những đồng tiền đầu tiên được phát hành của Việt Nam.

Kiến trúc của Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội được xây dựng theo cấu trúc gồm ba tầng đế và một tòa tháp cao. Các tầng đế có hình chóp vuông cụt có diện tích nhỏ dần và được xếp chồng lên nhau theo thứ tự.

 | Khám phá: Kiến trúc lịch sử chùa Một Cột

Tầng một có chiều dài mỗi cạnh là 42,5m và cao 3,1m. Hai mặt có cầu thang gạch dẫn lên tầng hai.

Bên trong cột cờ Hà Nội
Cầu thang gạch dẫn lên tầng 2

Tầng hai có chiều dài mỗi cạnh là 27m và cao 3,7m. Tầng hai có 4 cửa được đắp tên khác nhau. Cửa Đông đắp hai chữ “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai), cửa Tây với hai chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với hai chữ “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng). Chỉ có cửa Bắc không có chữ đề.

Kiến trúc cột cờ Hà Nội
Một trong bốn cổng của tầng 2

Tầng ba có chiều dài mỗi canh dài 12,8m và cao 5,1m. Tầng ba có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc.

Trên tầng này là thân Cột Cờ cao 18,2m. Thân cột cờ mang hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy rộng chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy tròn trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng (và thông hơi) bằng 39 lỗ hình dẻ quạt.

Cột cờ Hà Nội nhìn từ xa
Hình ảnh cột cờ nhìn từ xa

Đỉnh Cột Cờ là một cái lầu hình bát giác có độ cao 3,3m và 8 cửa sổ tương ứng với tám cạnh. Giữa lầu là một hình trụ tròn, đường kính 40cm cao đến đỉnh, là chỗ để cắm cán cờ (cán cờ cao 8m). Toàn bộ Cột Cờ cao 33,4m tính thêm cán cờ thì là 41,4m.

Lá cờ Tổ quốc trên nóc Cột cờ Hà Nội

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió trên đỉnh Cột cờ Hà Nội không biết từ lúc nào đã trở thành một biểu tượng in sâu vào kí ức của những người con Hà Nội và cả những du khách đã từng đặt chân tới thủ đô. Thế nhưng câu chuyện ẩn sau lá cờ Tổ Quốc này thì không phải ai cũng đã từng được nghe.

Kể từ năm 1986, lá cờ Tổ Quốc luôn phải được thường trực tung bay trên nóc cột cờ. Trước đấy thì cờ đỏ sao vàng chỉ xuất hiện ở đây vào dịp lễ tết mà thôi.

Cột cờ Hà Nội ban đêm
Lá cờ Tổ Quốc tung bay trong đêm ở cột cờ

Lá cờ có kích thước 4m x 6m, diện tích 24m2 và được may bởi cơ sở chuyên thêu may cờ 67 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Cờ được may bay vải phi bóng sản xuất trong nước. Để có thể để chịu được những trận gió to, các đường may cần dùng đến tận 3 lần chỉ, góc cờ chần hình quả trám. Vì diện tích lá cờ quá lớn, công nhân xong khi may xong nền đỏ phải trải cờ ra một sàn nhà rộng đến khoét hình sao vàng trước khi tiếp tục hoàn thiện lá cờ.

Bất kể lúc nào cờ bị bạc màu, rách là các nhân viên phụ trách phải lập tức thay ngay bất kể sáng tối. Trung bình cứ khoảng 2 – 3 tuần là phải thay một lá cá mới vậy nên cứ mỗi năm có khoảng gần 20 lá cờ được thay nhau bay phấp phới trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.

Trên đỉnh tháp gạch là một cột thép cao 12m nữa vậy nên khi thay cờ, nhân viên phụ trạng phải sử dụng dây cáp làm ròng rọc mới có thể đưa được lá cờ mới lên đỉnh cột.

Sau khi thăm thú khám phá Cột cờ Hà Nội bạn có thể tiếp tục tham quan thêm Ga Hà Nội để hiểu hơn về Thủ đô ngàn năm văn hiến nhé!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here