Yên Bái là một tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ Quốc, là vùng đất với nhiều phong cảnh thiên nhiên đa dạng, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như cánh đồng Mường Lò, ruộng bậc thang Mù Căng Chải,… cùng với những địa điểm văn hóa tâm linh, là điểm đến tuyệt vời cho mỗi du khách.
Bài viết “Kinh nghiệm du lịch Yên Bái từ A-Z” đã được NếmTV tổng hợp lại, hy vọng sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.
Nội Dung Chính
Tổng quan về Yên Bái
Yên Bái là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc có diện tích 6.882,9 km2, cách thủ đô Hà Nội 180 km.
- Phía đông bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang
- Phía đông nam giáp tỉnh Phú Thọ
- Phía tây nam giáp tỉnh Sơn La
- Phía tây bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai.
Yên Bái có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng và mưa nhiều. Khí hậu Yên Bái có 2 mùa rõ rệt:
- Mùa lạnh: từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau,
- Mùa nóng: từ 4 đến tháng 10 là thời kỳ nóng ẩm, nhiệt độ trung bình ổn định trên 25 độ C.
Tiềm năng du lịch
Yên Bái là một tỉnh có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời cùng với nền văn hóa ẩm thực độc đáo tạo điều kiện cho phát triển du lịch.
Lịch sử hình thành Yên Bái
Từ rất xa xưa Yên Bái đã là một bộ phận của Tổ quốc. Thời các vua Hùng thuộc Tân Hưng, thời Lý thuộc Châu Đăng, thời Trần trong lộ Quy Hóa, thời Lê đến thời Nguyễn nằm trong phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.
Yên Bái cũng là vùng có nhiều dân tộc sinh sống lâu đời, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1258 nhân dân các vùng Văn Chấn, Trấn Yên đã tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng, trại chủ Quy Hóa chiến đấu chống giặc Mông- Nguyên khi chúng sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Năm 1285 nhân dân châu Thu Vật (Yên Bình) và các vùng xung quanh đã ủng hộ, giúp đỡ đạo quân của tướng Trần Nhật Duật chặn đánh quân Mông – Nguyên quyết liệt, làm chậm bước tiến của chúng về kinh thành Thăng Long.
Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX nhân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần không nhỏ bảo vệ triều Lê, chống họ Mạc cát cứ và sự cướp bóc của “giặc giã”.
Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành “bình định” nước ta, chúng đặt Yên Bái thuộc các Đạo quan binh (1891-1900). Ngày 11- 4 -1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái gồm có phủ Trấn Yên, 2 châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái. Từ năm 1910-1920, Pháp chuyển châu Lục Yên (tỉnh Tuyên Quang) và châu Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vào tỉnh Yên Bái. Từ đó cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, địa dư và các đơn vị hành chính tỉnh Yên Bái không thay đổi.
Tháng 5- 1955, các châu Văn Chấn, Than Uyên chuyển thuộc Khu tự trị Thái- Mèo; một phần huyện Than Uyên và các xã Nậm Có, Khau Phạ (Văn Chấn) được tách ra thành lập châu Mù Cang Chải. Tháng 6- 1956, huyện Yên Bình (tỉnh Tuyên Quang) sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Tháng 10-1962, Quốc hội quyết định đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành khu tự trị Tây Bắc và thành lập các tỉnh trực thuộc. Ngày 24-12-1962, tỉnh Nghĩa Lộ (thuộc Khu tự trị Tây Bắc) chính thức được thành lập gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Phù Yên. Năm 1964, một phần huyện Văn Chấn được tách ra thành lập huyện Trạm Tấu.
Đầu năm 1965 khu vực thượng huyện Lục Yên được tách ra thành lập huyện Bảo Yên; vùng hạ huyện Văn Bàn và thượng huyện Trấn Yên được tách ra thành lập huyện Văn Yên. Tháng 10-1971, Chính phủ thành lập thị xã Nghĩa Lộ. Ngày 3-1-1976, hợp nhất 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên chuyển thuộc tỉnh Sơn La) và Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Ngày 1-10-1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các huyện Than Uyên, Văn Bàn và Bảo Yên trước đây thuộc tỉnh Yên Bái chuyển thuộc tỉnh Lào Cai.
Tháng 11 năm 2003, Quốc hội ra Nghị quyết trong đó chia tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên đồng thời chuyển huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai về tỉnh Lai Châu mới.
Du lịch Yên Bái vào thời gian nào?
Mỗi một mùa ở Yên Bái lại có những vẻ đẹp đặc trưng riêng, nên bạn có thể đến du lịch Yên Bái vào bất cứ thời điểm nào cũng được.
- Du lịch Yên Bái vào tháng 5 – 6 và tháng 9 – 10: đây là khoảng thời gian đẹp nhất của Yên Bái, địa danh nổi tiếng nhất của Yên Bái đó chính là Mù Cang Chải. Nếu đến Mù Cang Chải vào khoảng thời gian này, các bạn bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của ruộng bậc thang mùa nước đổ và ruộng bậc thang mùa lúa chín.
- Nếu bạn muốn hòa mình vào dòng suối nóng trong thời tiết mùa đông thì hãy đến du lịch Yên Bái vào khoảng tháng 11 – 12.
- Nếu bạn muốn trải nghiệm các lễ hội đặc sắc ở Yên bái thì hãy đến vào mùa xuân. Các bạn sẽ được tham gia các trò chơi hấp dẫn ở đây như: Ném pao, tung còn, chơi đu, đẩy gậy, đua mảng, kéo co, đua ngựa,…chắc chắn sẽ để lại những kỉ niệm rất khó quên.
Du lịch Yên Bái – cách di chuyển
Di chuyển bằng phương tiện cá nhân
Đi bằng ô tô cá nhân
Từ Hà Nội, các bạn đi qua cầu Thăng Long, sau đó chạy thẳng theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Trên đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai.
Đoạn Hà Nội – Yên Bái bạn chú ý như sau: bạn chạy thẳng từ Hà Nội đến Km121 + 300 thì sẽ có một lối rẽ xuống cầu Yên Bái. Xuống cầu các bạn đi thêm khoảng 3km nữa là tới thành phố Yên Bái.
Đi bằng xe máy
Bạn xuất phát từ Hà Nội đến Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), sau đó qua thành phố Việt Trì, đi tiếp đến Ngã ba Đoan Hùng (Phú Thọ), đi tiếp khoảng 40km nữa là tới thành phố Yên Bái.
Di chuyển bằng phương tiện công cộng
Đi bằng tàu hỏa
Các bạn có thể đi Yên Bái bằng tàu hỏa từ Hà Nội. Có một chuyến tàu YB3 đi trực tiếp tới Yên Bái và 2 chuyến tàu SP1 – SP3 đi Lào Cai có dừng trả khách ở ga Yên Bái.
- Tàu YB3 thời gian đi lúc 18h10 và tới Yên Bái lúc 22h50.
- 2 chuyến tàu đi Lào Cai sẽ khởi hành muộn hơn và tới Yên Bái vào khoảng 1-2 h sáng.
Đi bằng xe khách
Ở Hà Nội có rất nhiều chuyến xe di chuyển đến Yên Bái xuất phát từ bến xe Mỹ Đình. Tuy nhiên, các chuyến xe này chỉ dừng ở điểm cuối cùng là bến xe Yên Bái. Nếu các bạn muốn đi Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải các bạn hãy sử dụng các tuyến xe khách Lai Châu.
Dưới đây là một số tuyến xe khách chạy từ Hà Nội đến Yên Bái, các bạn có thể tham khảo cho chuyến du lịch Yên Bái của mình:
- Xe khách đi Yên Bái
Thảo Nguyên
- Lịch trình: Hà Nội – Mù Cang Chải
- Giờ xuất bến: Mỹ Đình 10h, Mù Cang Chải 21h
- Điện thoại: 0978991992
Dũng Thảo
- Lịch trình: Hà Nội – Nghĩa Lộ
- Giờ xuất bến: Nghĩa Lộ 7h15, Hà Nội 13h20
- Điện thoại: 0216 3871055 – 0979 704288 – 0912 016756
Hùng Liên
- Lịch trình: Hà Nội – Yên Bái
- Giờ xuất bến: Mỹ Đình 16h – 16h45, Yên Bái 8h45 – 10h45
- Điện thoại: 0216 3863656 – 0915 914407
2. Xe khách Lai Châu
Hưng Thành
- Lịch trình: Mỹ Đình – Lai Châu (có qua Mù Cang Chải)
- Giờ xuất bến: Mỹ Đình 18h15, Lai Châu 17h30
- Điện thoại: 0985 694910 – 0985 694901
Hải Vân
- Lịch trình: Mỹ Đình – Mù Cang Chải – Lai Châu
- Giờ xuất bến: Mỹ Đình 19h15, Lai Châu 19h30
- Điện thoại: 0213 6277287 / 0944 828282 / 024 37223588 / 0169 2232323.
Hoàng Anh
- Lịch trình: Giáp Bát – Mỹ Đình – Vĩnh Yên – Việt Trì – Thanh Sơn – Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải – Than Uyên – Lai Châu (có qua Mù Cang Chải)
- Giờ xuất bến: Giáp Bát 17h00, Bến xe Lai Châu 17h00
- Điện thoại: 0984 971999 / 0912 317515 / 0912 524066 / 0912 212418.
Các địa điểm du lịch nổi bật ở Yên Bái
Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái. Huyện nằm ở dưới chân có dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao 1.000m. Muốn đến được Mù Cang Chải, các bạn phải chinh phục thành công được đèo Khau Phạ – một trong “tứ đại đỉnh đèo” cùa miền Bắc.
Mù Cang Chải là một địa điểm phượt yêu thích của các bạn trẻ với đặc sản nổi tiếng là ruộng bậc thang với hơn 700 ha ruộng. Những thửa ruộng bậc thang tập trung chủ yếu ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình.
Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia. Mù Cang Chải còn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Đồi mâm xôi ở La Pán Tẩn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng trong mùa vàng Mù Cang Chải. Vào mùa lúa chín, nơi đây thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của những thửa ruộng bậc thang vàng óng.
| Tham khảo thêm: Mù Cang Chải Yên Bái có gì?
Nghĩa Lộ
Cánh đồng Mường Lò
Nếu Mù Cang Chải là một địa điểm nổi tiếng thì địa danh Mường Lò được rất ít người biết đến.
Nằm cách thành phố Yên Bái khoảng 80 km, Mường Lò nằm ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Cánh đồng Mường Lò là cánh đồng lúa lớn thứ 2 Tây Bắc: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Trong đó Mường Thanh (Điện Biên) là lớn nhất, Mường Lò là cánh đồng lúa lớn thứ hai, sau đó đến Mường Than (Lai Châu) và cuối cùng là Mường Tấc (Sơn La).
Mường Lò là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em: Thái, Kinh, Mông, Mường,… trong đó người Thái chiếm đa số.
Theo câu chuyện sử thi của người Thái kể rằng: Hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái đen ở khắp vùng Tây Bắc vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào.
Hàng năm, vào khoảng tháng 9 – 10 là thời gian đẹp nhất để tham quan cánh đồng Mường Lò. Những cánh đồng vàng rực kéo dài đến tận chân núi Hoàng Liên Sơn.
Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ
Di tích nằm trên trục chính đường Điện Biên (Quốc lộ 32), đây là điểm trung tâm của thị xã Nghĩa Lộ và vùng lòng chảo cánh đồng Mường Lò.
Nhắc tới di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới địa danh Văn Chấn và nhắc tới lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX.
Với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng, Thực dân Pháp lập các trại “lao động đặc biệt” tập trung những người yêu nước. Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, Thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ.
Mùa hè năm 1944 chi phủ Văn Chấn đã huy động các tổng, xã bắt phu nộp vật liệu để xây dựng Căng. Thực dân Pháp còn cử tên Đinh Văn Dung và tên Lăm – Be sở mật thám huyện đến kiểm tra đôn đốc khẩn trương ngày đêm.
Tháng 1/1945 thì việc xây dựng hoàn thành. Nhìn toàn cảnh lúc này Căng Nghĩa Lộ như một cái tủ dựng đứng có 3 dãy nhà dài “hai dãy là nơi giam giữ chính phạm nam giới, phía trong giam chính trị phạm nữ giới, phía ngoài là nơi thường trực và bên cạnh là trạm gác của lính khố xanh”. Bao bọc toàn bộ khu Căng Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài hàng rào là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững ngày đêm canh giữ cẩn mật.
Suối Giàng
Xã Suối Giàng nằm ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Xã nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, sâu bên trong dãy núi Fansipan, nơi đây được ví như Sapa của Yên Bái.
Đường từ trung tâm huyện Văn Chấn lên xã Suối Giàng chỉ có 13km, nhưng đường đi cũng rất nhiều thử thách cho những người thích leo đèo, lội suối. Càng lên cao, cảnh càng đẹp hơn, màu xanh của mây trời hòa vào màu xanh của núi rừng với bạt ngạt nương chè trải dài tít tắp.
Suối Giàng nổi tiếng với những cây chè tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Chè cổ thụ tuy không cao, nhưng cành lá sum sê, thân xù xì, trong đó có cây chè người ta tính được vòng đời 300-400 tuổi.
Ở Suối Giàng là nơi sinh sống chủ yếu của người H’Mông. Từ trên đỉnh của Suối Giàng, phóng tầm mắt xa xa, các bạn sẽ nhìn thấy bản của người H’Mông lọt thỏm những nương chè xanh.
Nhà máy thủy điện Thác Bà
Nhà máy thủy điện Thác Bà do Liên Xô giúp đỡ xây dựng trong thời kì chiến tranh còn ác liệt. Công trình được khởi công xây dựng ngày 19/8/1964, sau hơn 10 năm xây dựng, ngày 5 tháng 10 năm 1971, nhà máy đã được vận hành.
Hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình (Yên Bái), đây là hồ nước nhân tạo lớn nhất ở Việt Nam. Hồ Thác Bà được xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1970, hồ được xây dựng với mục đích làm nghẽn dòng sông Chảy tạo ra hồ nước phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Thác Bà.
Hồ có diện tích vùng hồ hơn 23.000 ha, với cảnh quan thiên nhiện hùng vĩ, hồ Thác Bà được ví như Vịnh Hạ Long của vùng núi Tây Bắc. Trong lòng hồ có đến 1.334 đồi đảo lớn, nhỏ tạo thành nhiều hang động và cảnh đẹp. Ở hồ Thác Bà còn có núi Cao Biền, đây là ngọn núi lớn và dài nhất ở Thác Bà.
Dọc hồ là nơi sinh sống của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan,..tạo nên những bản sắc văn hóa độc đáo.
Hồ Thác Bà còn là một di tích lịch sử quan trọng, vào năm 1285 đã diễn ra trận Thu Vật do Trần Nhật Duật chỉ huy đánh tan một đạo quân Nguyên – Mông. Ở vùng thượng hồ còn có một số nơi là cơ sở hoạt động của các cơ quan trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Giữa hồ Thác Bà có động Mông Sơn là nơi Tỉnh ủy Yên Bái làm việc trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trạm Tấu
Bản Cu Vai
Nằm trên một đỉnh núi cao, bản Cu Vai thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, với hơn 80% người dân là đồng bào dân tộc H’Mông, cách trung tâm xã gần 20km đường đồi núi, trên bản có 46 hộ dân sinh sống.
Bản Cu Vai hoàn toàn sống tách biệt với thế giới bên ngoài, đây là nơi mà hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh thực hiện dự án ”Cõng điện lên bản”.
Suối khoáng nóng
Suối nước nóng Trạm Tấu nằm ở khu 5 thị trấn Trạm Tấu, cách thị trấn khoảng 2 km. Suối có diện tích khoảng 600 m2, nhiệt độ trung bình của dòng nước là 43-45 độ C.
Suối nước nóng ở Trạm Tấu nằm ngay giữa những thửa ruộng bậc thang tạo nên một khung cảnh rất trữ tình, nên thơ.
Thời điểm tắm lí tưởng nhất là vào buổi sáng sớm, khi đó làn hơi khói bốc lên hòa quyện vào với làn sương tạo nên một phong cảnh đẹp như chốn thần tiên.
Đến với suối khoáng nóng, các bạn còn được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo với những nếp nhà sàn cùng với những món ăn dân tộc độc đáo.
Các bạn có thể liên hệ Anh Cường: 0943 208 704 để đặt ăn ngủ nghỉ, anh cũng chính là chủ nhân của suối khoáng này.
Còn rất nhiều địa điểm du lịch Yên Bái nữa, các bạn hãy từ từ mà khám phá nhé.
Đền Mẫu Đông Cuông
Đền mẫu Đông Cuông nằm ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Đền Chính, Miếu Cô, Miếu Cậu và Miến Đức Ông.
Năm 2000, đền được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh. Năm 2009, đền được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia.
Du lịch Yên Bái – các lễ hội đặc sắc
Lễ hội đền Mẫu Thác Bà
Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Theo dân gian tương truyền: Từ thời các các vua Hùng, có nàng công chúa tên gọi Minh Đạt được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Khi bà mất được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà.
Lễ hội “Bung Lổ” của người Dao Họ
Lễ hội “Bung Lổ” còn ược gọi là lễ hội Cầu Mưa của người Dao Họ ở xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Thông thường lễ hội “Bung Lổ” được tổ chức từ ngày 5 đến 15 tháng 5 (Âm lịch) hàng năm.
Dân tộc người Dao từ xưa chủ yếu sống dựa vào ruộng nương, tự cung tự cấp dựa vào tự nhiên là chính. Trước kia, thời tiết hạn hán kéo dài, mùa màng thất thu từ 3 – 5 năm nên người Dao họp nhau lại tổ chức lễ hội “Bung Lổ”. Họ cầu trời đất, tổ tiên, ông bà phù hộ cho bản làng một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lợn đầy nhà, gà lợn đầy sân.
Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Kiến Thành
Lễ hội Lồng Tồng (lễ hội cầu mùa) là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và vui nhất của người Tày ở xã Kiến Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Lễ hội được tổ chức trong dịp đầu xuân năm mới vào đúng ngày rằm tháng Giêng nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, người người ấm no và hạnh phúc.
Ngoài ra, ở Yên Bái còn rất nhiều lễ hội đặc sắc khác như: Lễ hội đền Nhược Sơn, Lễ hội Xên Mường, Lễ hội Xên Lẩu Nó,…
Lưu trú khi du lịch Yên Bái
Nếm đã tổng hợp một số khách sạn, homestay trong chuyến du lịch Yên Bái, các bạn có thể tham khảo nhé:
Hong Minh Guest house
- Địa chỉ: Ngã Ba Kim, Mù Cang Chải, Yên Bái
- Giá phòng: 200k – 300k/đêm
Do Gu Homestay
- Địa chỉ: Bản La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái
- Giá phòng: 200k – 500k/đêm
Bình Nga Homestay
- Địa chỉ: Đường Ao Sen, Tổ Ao Sen 3, Phường Tân An, Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái
- Giá phòng: 185k – 400k/đêm
Khách sạn Hồng Nhung
- Địa chỉ: 4 Trần Phú, TP Yên Bái
- Điện thoại: 0216 3852 054 hoặc 0919956172
Khách sạn Mường Lò
- Địa chỉ: QL32, Tân An, Nghĩa Lộ, Yên Bái
- Giá phòng: 500k – 800k/đêm
- Điện thoại: 0216 3879 66
Ecolodge Mù Cang Chải
- Địa chỉ: Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái
- Giá phòng: khoảng 1 triệu/đêm
- Điện thoại: 098 909 09 08
Các món ăn ngon ở Yên Bái
Nếp Tú Lệ
Đặc sản gạo nếp Tú Lệ nổi tiếng thơm ngon nhất vùng Tây Bắc. Đây là một đặc sản của đồng bào Thái dưới chân đèo Khau Phạ.
Đầu mùa gặt, người Thái rủ nhau ra bờ suối, cắt những chùm lúa nếp còn non để về giã cốm, làm thành những hạt cốm xanh ngắt mà dẻo thơm.
Mắc khén
Mắc khén là gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Mắc có nghĩa là quả, còn Khén là một loại cây thân gỗ lớn mọc trong rừng đại ngàn. Mắc khén được dùng để chấm xôi nếp và được làm gia vị để tẩm ướp của người Thái.
Bánh chưng đen Mường Lò
Bánh chưng đen là món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Thái Mường Lò. Người Thái làm bánh chưng đen vào mỗi dịp tết đến, xuân về để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và đất trời.
Nguyên liệu làm bánh của đồng bào được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp phải là nếp Tú Lệ, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ.
Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.
Bánh chưng được gói thủ công bằng tay, luộc bánh trong khoảng thời gian từ 6 – 7 tiếng. Bánh chưng đen của người Thái được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ trở thành đặc sản của miền tây Yên Bái.
Rau dớn Mường Lò
Rau dớn chỉ có ở vùng núi mọc ở bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi có độ ẩm ướt cao. Đây là món ăn hàng ngày và là đặc sản để đãi khách trong các dịp lễ hội của người Thái. Rau dớn cơ thể dùng để có thể xào, luộc, nấu canh, muối chua, làm nộm,..
Thịt mắm cơm đỏ người Tày
Nguyên liệu để làm thịt mắm cơm đỏ gồm có rượu nếp cái, củ giềng thái chỉ và một ít rau răm. Ngày tết, khi mổ một con lợn, dù to hay bé, người Tày ở Lục Yên thường dành riêng phần thịt ba chỉ (thịt bụng) để làm thịt mắm cơm đỏ.
Món Moọc
Món ăn này là đặc trưng của người Tày, thường có trong các cỗ lớn: ngày tết, ngày giỗ, ngày cưới,…
Pà Mắm
Pà mẳm gọi theo tiếng của đồng bào Thái có nghĩa là mắm cá. Pà Mắm được làm từ cá chép, cá rô hoặc cá riếc. Pà mẳm cá tép chỉ dùng để chấm rau, chấm thịt.
Đặc sản mua về làm quà khi du lịch Yên Bái
Táo mèo Mù Cang Chải
Táo mèo là một loài cây rất khỏe, phát triển tự nhiên trên những cánh rừng, cũng có thể sống ở khe núi, nơi khô hạn, thiếu đất, cành có nhiều gai sắc, chiều cao trung bình 7 – 10m, thân gỗ, tán lá rộng.
Quả táo mèo ngon là những quả nhỏ, có màu hồng trắng hoặc vàng trong, hơi dẹt, khi ăn táo có vị ngọt, giòn, hơi chua và chan chát.
Quế Văn Yên
Quế Bắc Yên ở Yên Bái được hình thành từ lâu đời, gắn với đồng bào Dao. Đây là giống quế tốt nhất ở Việt Nam, có hàm lượng tinh dầu cao thứ 2 ở Việt Nam (sau quế Trà My).
Rượu thóc La Pán Tẩn
Đây đặc sản của người Mông ở La Pán Tẩn được nấu theo phương pháp cổ truyền. Thóc nương sau khi được làm sạch sẽ không xát mà để nguyên vỏ trấu cho vào chảo gang luộc trên bếp lửa từ 2 đến 3 giờ đồng hồ.
Khi thóc đã chín sẽ được múc ra cho nguội hẳn rồi rắc men lá trộn đều bỏ vào các thùng. Khoảng hai ba ngày sau, khi các thứ trong thùng chứa bắt đầu lên men thì lại tiếp tục công đoạn ủ từ 7 đến 8 ngày rồi mới cho vào chưng cất thành rượu.
Chè Shan Tuyết Suối Giàng
Đây là loại chè được xem là ngon nhất so với các sản phẩm chè ở vùng khác. Chè shan tuyết hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, nước xanh, vị đậm. Điều đặc biệt hơn, từ khi thu hoạch đến khi chế biến đều phương pháp thủ công của người dân ở nơi đây.
Trên đây là toàn bộ “Kinh nghiệm du lịch Yên Bái” mà chúng tôi đã tổng hợp lại. Hy vọng, những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn có một chuyến du lịch Yên Bái hoàn hảo và trọn vẹn nhé!