BẮC KẠN là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam. Nơi đây có phong cảnh tự nhiên đẹp, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn có những di tích lịch sử rất quan trọng và đang trở thành ĐIỂM DU LỊCH HẤP DẪN đối với các du khách trong và ngoài nước.

du lịch Bắc Kạn

Bài viết “Kinh nghiệm du lịch Bắc Kạn” từ A-Z được NếmTV tổng hợp lại, hy vọng sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.

Tổng quan về Bắc Kạn

Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 160 km. Bắc Kạn có diện tích 4.859 km2, gồm 7 dân tộc sinh sống là: Tày, Nùng, Kinh, Dao, H’Mông, Hoa và Sán Chay.

  • Phía Bắc giáp với tỉnh Cao Bằng
  • Phía đông giáp với tỉnh Lạng Sơn
  • Phía nam giáp với tỉnh Thái Nguyên
  • Phía tây giáp với tỉnh Tuyên Quang.

Du lịch Bắc Kạn vào thời gian nào?

Bắc Kạn có khí hậu tương đối mát mẻ nên các bạn có thể đi DU LỊCH BẮC KẠN vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

  • Từ tháng 5 – 9: đây là thời điểm miền Bắc bước vào giai đoạn nắng nóng, nhưng đến với Bắc Kạn, các bạn có thể nghỉ dưỡng ở Vườn quốc gia Ba Bể. Vườn quốc gia Ba Bể lúc nào cũng mát mẻ, khí hậu trong lành do được bao bọc bởi các dãy núi.
  • Vào tháng 1 (Âm lịch): Đây là thời điểm diễn ra các lễ hội vùng cao, các bạn có thể đi du lịch Bắc Kạn vào thời điểm này để tìm hiểu những phong tục, nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao.

du lịch Bắc Kạn

Phương tiện di chuyển đến Bắc Kạn

Bắc Kạn cách thủ đô Hà Nội khoảng 160 km nên các bạn có thể đi du lịch Bắc Kạn bằng xe máy, ô tô hoặc xe khách.

Di chuyển bằng xe máy

Có 2 tuyến đường cho bạn lựa chọn:

  • Tuyến đường 1: Từ Hà Nội, đi theo hướng cầu Nhật Tân vào quốc lộ 3, đi thẳng là sẽ đến được tỉnh Bắc Kạn.
  • Tuyến đường 2: Từ Hà Nội, chạy ra đường vành đai 3, lên cầu Thanh Trì, đi theo hướng cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đến Thái Nguyên rẽ sang quốc lộ 3, đi tiếp khoảng 70 km nữa là đến được tỉnh Bắc Kạn.

Di chuyển bằng xe khách

Xe khách đi Bắc Kạn hầu như xuất phát ở bến xe Mỹ Đình. Dưới đây là một số thông tin các nhà xe, bạn có thể tham khảo cho chuyến du lịch Bắc Kạn của mình:

Thưởng Nga

  • Lịch trình: Chợ Đồn – Bắc Kạn – Chợ Mới – Thái Nguyên – Mỹ Đình
  • Giờ xuất bến: Chợ Đồn 4h50; Mỹ Đình 11h50
  • Điện thoại: 0209 3844207 – 0973 136668

Sơn Ngọc

  • Lịch trình: Hà Nội – Phủ Thông
  • Giờ xuất bến: Hà Nội 14h00
  • Điện thoại: 0912343568

Xuân Hùng

  • Lịch trình: Hà Nội – Phủ Thông
  • Giờ xuất bến: Hà Nội 14h00
  • Điện thoại: 0988 403007

Xuân Hùng

  • Lịch trình: Mỹ Đình – Bắc Kạn
  • Giờ xuất bến: Mỹ Đình 12h30; Bắc Kạn 6h30
  • Điện thoại: 0983 976969

Chiến Viên

  • Lịch trình: Mỹ Đình – Na Rì
  • Giờ xuất bến: Mỹ Đình 11h 00; Na Rì 4h20
  • Điện thoại: 0915 204806

Các tuyến bus chạy nội tỉnh Bắc Kạn

Tuyến xe buýt số: 01

  • Lộ trình: Thị trấn Phủ Thông – đường QL3- đường Chiến Thắng Phủ Thông- đường Nguyễn Thị Minh Khai – đường Võ Nguyên Giáp (ngã tư đèn xanh, đỏ) – đường Hùng Vương – đường Kon Tum (bến xe khách Bắc Kạn) – đường Trần Hưng Đạo (khách sạn Bắc Kạn) – đường Trường Chinh (hướng Bắc Kạn – Thái Nguyên) – đường Thái Nguyên – đường QL3 (Xuất Hóa – Thác Giềng – Hòa Mục – Cao Kỳ – Thanh Bình) – thị trấn Chợ Mới – Tân Long (Tp Thái Nguyên) và ngược lại.

Một số địa điểm du lịch Bắc Kạn

Hồ Ba Bể

Hồ Ba Bể nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

 du lịch Bắc Kạn

Hồ Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc, nơi đây còn được UNESCO xếp vào top 20 hồ nước ngọt đẹp nhất trên thế giới cần được bảo vệ và phát triển.

Hồ Ba Bể nằm ở độ cao 150m so với mực nước biển, hồ rộng 650 ha với độ sâu trung bình từ 20 – 25m, dài hơn 8 km. Hồ là nơi tụ lưu của 3 nhánh sông Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm.

Trên mặt hồ có những hòn đảo nhỏ, trong hồ có hơn trăm loài cá nước ngọt sinh sống. Năm 2012, hồ Ba Bể được công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt.

Thác Nà Khoang

Thác Nà Khoang nằm ở bản Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Thác nằm ở QL3, dưới chân Đèo Gió nên rất thuận lợi cho việc tham quan.

Thác có độ cao 5 m, chiều rộng là 15 m, được hợp thành từ 2 con suối lớn, đó là suối Nà Đengsuối nhỏ bắt nguồn từ đỉnh núi Phia Sliểng. Phía trên thác có một hồ nhỏ, nước trong xanh thích hợp cho việc bơi lội và câu cá.

Hồ Bản Chang

Hồ Bản Chang nằm ở xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là một hồ nước tự nhiên có hình bán nguyệt, nằm trong thung lũng. Hồ có diện tích khoảng 5 ha với xung quanh là những cánh rừng thông bạt ngàn.

Hồ có khí hậu trong lành, mát mẻ, thích hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, dã ngoại, picnic,…

Động Nàng Tiên

Động Nàng Tiên nằm ở xã Lương Hạ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Động Nàng tiên gắn liền với truyền thuyết: “Thủa xưa có 7 nàng tiên trên trời bay xuống tắm mát, vãn cảnh ở Khuổi Hai vui cảnh đẹp trần gian. Trời tối lúc nào không hay, các cô tiên không kịp bay về trời. Lúc đó có một người trần thế đến suối này mò cua, bắt ốc, các cô tiên nhìn thấy đều chạy lánh lên bìa rừng. Vì là con trời nên trời đã tạo ra một cái động để các cô trú ngụ qua đêm. Sau này, con suối đó gọi là Khuổi Hai (suối trăng) và động đó là động Nàng Tiên”.

Động Nàng Tiên là một danh lam thắng cảnh đẹp, du khách đến đây vào những ngày cuối tuần sẽ được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.

Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã ở nơi đây như: thịt lợn quay, cơm lam, bánh ngô, bánh khảo, bánh quẩy, chè lam, miến dong Côn Minh.

Động Puông

Động Puông cách Hồ Ba Bể khoảng 7 km, đây là một hang động đá vôi tự nhiên nằm trong dãy núi Phja Puông. Cửa động hình vòm cao hơn 60m, rộng trung bình 277m. Động Puông là nơi cư trú của nhiều chim nhạn, dơi.

Động Puông gắn liền với sự tích về ông Tài Ngào được người dân địa phương lưu truyền cho đến bây giờ: “Thủa ấy con sông Năng bắt nguồn từ Phja En chảy về ồ ạt tới bản Vài thì bị dãy núi Puông chặn đứng lại, dòng nước ứ lại làm ngập úng hết cả bản làng. Ngọc Hoàng đã sai ông Tài Ngào (người khổng lồ) xuống đục núi, giải phóng dòng nước dữ để cứu dân. Từ đó, hình thành nên Động Puông, những hòn đá do ông Tài Ngào khoét núi ném về phía sau đã tạo thành thác Đầu Đẳng ngày nay”.

du lịch Bắc Kạn

Khách đến tham quan Động Puông, được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên kì thú, sinh động của tạo hóa đem lại, kết hợp với các yếu tố của sông núi, nước non.

Đảo Bà Góa

Đảo Bà Góa nằm giữa Hồ Ba Bể, được tạo thành từ những phiến đá to nhỏ, xếp chồng lên nhau. Cây cối trên đảo quanh năm xanh tốt, từ xa nhìn vào giống như hòn non bộ giữa hồ.

Tương truyền, đây là nơi sinh sống của hai mẹ con bà góa tốt bụng đã dùng vỏ trấu lấy từ hạt thóc bà Tiên cho tách làm đôi biến thành hai chiếc thuyền độc mộc đi cứu giúp dân lành trong trận đại hồng thuỷ hình thành hồ Ba Bể.

 du lịch Bắc Kạn

Bản Pác Ngòi

Bản Pác Ngòi thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Bản nằm trên một khu đất khá bằng phẳng với những cánh đồng ngô xanh ngắt. Bản nằm trọn trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể, tạo nên một khung cảnh non nước hữu tình.

Thôn Pác Ngòi có hơn 80 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Tày sinh sống bằng nghề đánh bắt, trồng ngô, lúa ở bãi bồi ven sông Hồ Ba Bể.

 du lịch Bắc Kạn

Bản Pác Ngòi có một số ngôi nhà sàn cổ với kiến trúc độc đáo. Hiện nay, đa số người dân ở đây đều tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Đến với Bản Pác Ngòi, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người dân trong bản, được sinh hoạt chung với họ như ăn cơm chung mâm, trao đổi, trò chuyện với các thành viên trong gia đình. Có cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp, nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Động Hua Mạ

Động Hua Mạ nằm bên bờ sông Lèng, giữa lưng chừng ngọn núi Cô Đơn thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Được mệnh danh là “Kỳ quan đệ nhất động”, Hua Mạ là một động lớn với vẻ đẹp cuốn hút, mang những huyền sử kỳ bí.

 du lịch Bắc Kạn

Động Hua Mạ gắn liền với một truyền thuyết dân gian vô cùng kỳ thú: “Truyện kể rằng ở khu vực “Lèo Pèn” (tiếng Tày có nghĩa là “Rừng Ma” ), nơi ma quỷ ngự trị, tại lưng núi có một sơn động lạ. Ngày ngày, cứ chiều tà, tiếng kêu hú từ phía động vọng ra khiến dân chúng trong vùng không ai dám đến gần.

Một ngày cuối năm, có một vị tướng đi tuần qua, khi đến bờ sông Lèng trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay khi qua sông, cứ xuống đến nước ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó. Cùng lúc đó từ phía “Lèo Pèn,” tiếng hú vọng ra. Thấy sự việc lạ, vị tướng cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc, vì cố thủ trong hang, bị giặc bít cửa hang nên đã chết mà không được siêu thoát.

Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay, khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn.Từ đó người ta gọi sơn động “Lèo Pèn” là động Hua Mạ (hay còn gọi là Đầu Ngựa), để ghi nhớ một sự tích kỳ bí và huyền thoại của hang động này”.

Động đã được đưa vào khai thác du lịch năm 2007, cho đến nay, động đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn các du khách xa, gần.

Thác Bạc Bản Vàng

Thác Bạc nằm ở xã Hoàng Trĩ thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể, nơi đây là một địa điểm du lịch lý tưởng cho những ngày hè oi bức.

 du lịch Bắc Kạn

Thác Bạc có chiều cao khoảng 40 m, vách đá thẳng đứng, phía dưới có những hòn đá to nhỏ với những vũng nước trong vắt, du khách có thể bơi lội thỏa thích ở nơi đây.

Thác Bạc mang vẻ đẹp hoang sơ, dòng nước chảy hiền hòa mà cuồn cuộn đổ từ trên xuống đập mạnh vào những phiến đá làm tung bọt trắng xóa.

Đứng ở dưới thác nhìn lên, các bạn sẽ thấy tháp như một bức tranh sinh động nhiều màu sắc với những tán cây của rừng xanh. Các bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ, bình yên mà hoang sơ, không khí trong lành khiến cho ai đến đây cũng muốn quay trở lại thêm nhiều lần nữa.

Khu ATK – Chợ Đồn

ATK – Chợ Đồn nằm trong quần thể di tích lịch sử vùng chiến khu Việt Bắc. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện Đại Từ, Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm an toàn khu cho cuộc kháng chiến.

Ngày 8/12/1947 Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã về huyện Chợ Đồn để lãnh đạo và chỉ đạo cuộc kháng chiến. Từ 1947 – 1952, hầu hết các cơ quan Trung ương đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Cơ quan Vô tuyến điện, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trạm phẫu thuật quân y, Nha kỹ thuật quân sự, Xưởng quân giới, Trường Quân chính,Xưởng in báo Cứu Quốc, Trạm phẫu thuật quân y,…

Quần thể di tích ATK – Chợ Đồn gồm 6 di tích lịch sử quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Ngoài tham quan các di tích chợ Đồn, du khách còn có cơ hội tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của người dân ở nơi đây.

Lưu trú khi du lịch Bắc Kạn

Homestay Minh Quang 

  • Địa chỉ: xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
  • Điện thoại: 0169 542 0267

Homestay Huyền Hào

  • Địa chỉ: Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
  • Điện thoại: 0167 6496504

Homestay Duy Thơ 

  • Địa chỉ: thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
  • Điện thoại: 0165 2022985

Khách Sạn Paradise

  • Địa chỉ: Nông Thượng, Tp. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
  • Điện thoại: 0209 3885 885

Khách sạn Green Hotel & Coffee

  • Địa chỉ: Phùng Chí Kiên, Tp. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
  • Điện thoại: 097 105 8258

Du lịch Bắc Kạn – các lễ hội độc đáo

Lễ hội lồng tồng Ba Bể

Lễ hội được tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng hằng năm, tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đây là lễ hội truyền thống cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Năm 2014  “Lễ hội lồng tồng Ba Bể” được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

các lễ hội độc đáo

Có rất nhiều các hoạt động đặc sắc diễn ra trong lễ hội như: chương trình văn nghệ dân gian hát then đàn tính, múa khèn, kéo co, đẩy gậy, tung còn,…

Lễ hội chợ tình Xuân Dương

Đây là lễ hội đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng của huyện Na Rì, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

các lễ hội độc đáo

“Chợ tình Xuân Dương bắt nguồn từ câu chuyện cảm động của đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Tày yêu thương nhau hết mực, ở thôn Pác Sen, xã Xuân Dương, huyện Na Rì. Họ nên duyên vợ chồng từ những câu sli, điệu lượn tại các lễ hội lồng tồng được tổ chức ở địa phương. Một ngày nọ, để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới, hai vợ chồng cùng nhau đi làm đồng, chồng thì cuốc đất ở đầu ruộng, còn vợ phát cỏ nơi cuối đồng.

Đến trưa, mặt trời đứng bóng, người chồng đã thấm mệt, gọi vợ về nghỉ thì chỉ nghe tiếng núi rừng vọng lại. Chạy mãi mới tới đầu ruộng nơi vợ làm việc, người chồng chỉ thấy cán dao gẫy, cỏ cây nát trơ, là chứng tích của một cuộc vật lộn, xô đẩy còn xót lại. Mãi sau, chàng mới hay người vợ của mình đã bị đám người xấu bắt đi, chàng hiểu rằng nàng đã chống trả quyết liệt, kêu cứu trong sự vô vọng, bởi thửa ruộng quá dài, khoảng cách giữa hai người quá xa, nên chàng không thể nghe thấy để đến cứu vợ mình.

Biết chuyện, dân bản ai cũng tỏ lòng thương xót cho đôi vợ chồng trẻ. Từ đó, thửa ruộng ấy được người dân trong bản đặt tên là Nà Rỳ(ruộng dài) để nhớ về câu chuyện đầy cảm động của đôi vợ chồng trẻ ngoan hiền, đảm đang việc đồng áng nhất trong bản(địa danh Nà Rỳ cũng được đặt làm tên của huyện, trải qua nhiều thế hệ người dân trong huyện dần đọc chệch đi thành huyện Na Rì như ngày nay). Sau này, gặp lại chồng cũ tại một phiên chợ, nàng mừng mừng, tủi tủi, nhưng cũng chỉ biết ôm nhau mà khóc chứ không thể hàn gắn lại tình xưa, vì mỗi người đều đã có gia đình riêng. Dân bản cảm động trước tình cảm ấy, nên đồng ý để hai vợ chồng cũ có một ngày ôn lại chuyện xưa”.

Từ đó, ngày 25/3 âm lịch hằng năm trở thành ngày hội của những đôi nam và nữ trong vùng gặp nhau, trò chuyện.

Ăn gì khi du lịch Bắc Kạn?

Cá nướng Pắc Ngòi

Cá được người dân bắt thủ công từ trong hồ Ba Bể. Thịt cá chắc, trắng và có vị ngọt, người ta chọn những con cá to bằng ngón tay cái để làm món cá nướng. Chỉ cần nướng sơ trên bếp than là đã có một món cá ngon tuyệt rồi.

 du lịch Bắc Kạn

Rượu men lá Bằng Phúc

Rượu có vị ngọt mát, rất dịu, dù có uống say đến đâu cũng không cảm thấy đau đầu. Nấu rượu men lá rất công phu, cầu kì và tốn nhiều công sức.

Để làm ra men rượu, người ta phải lên rừng hái lá cây, hầu hết đều là những loại lá tốt cho sức khỏe và tạo ra hương thơm. Rượu men lá cũng trở lên quý vì cách làm công phu như vậy.

du lịch Bắc Kạn

Bánh Coóc Mò

Bánh coóc mò giống như bánh tro của miền xuôi. Bánh được gói theo kiểu hình chóp và được gói bằng lá chuối.

 du lịch Bắc Kạn

Bánh được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ. Nếu có dịp ghé đến Bắc Kạn, các bạn đừng quên thưởng thức món ăn này nhé.

Bánh Khẩu Thuy

Đây là món bánh không thể thiếu trong lễ hội Lồng Tồng để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà.

 du lịch Bắc Kạn

Bánh được làm qua rất nhiều công đoạn và khá cầu kì. Bánh tròn như quả trứng chim cút, có màu vàng của mật mía, ăn vào có vị ngọt, thơm, mang hương vị đặc trưng của người Tày.

Hy vọng, với bài “Kinh nghiệm – Cẩm nang du lịch Bắc Kạn năm 2019″ sẽ giúp ích trong hành trình khám phá Bắc Kạn của các bạn. Chúc các bạn có một chuyến đi thuận lợi và nhiều vui vẻ nhé!

 

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here