Lai Châu là một tỉnh nằm ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tuy chưa được mọi người biết đến rộng rãi nhưng Lai Châu luôn thu hút dân đam mê xê dịch bởi vẻ hoang sơ, đầy bí ẩn và thử thách.

Bài viết “Kinh nghiệm du lịch Lai Châu từ A – Z | Du Lịch Lai Châu 2019” đã được NếmTV tổng hợp lại, hy vọng sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.

Tổng quan về Lai Châu

Vị trí

Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 450 km về phía tây bắc.

  • Phía bắc giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc
  • Phía đông giáp với tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La
  • Phía tây và phía nam giáp với tỉnh Điện Biên

Du lịch Lai Châu

Địa hình

Địa hình Lai Châu được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc – Đông Nam, với nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m)

Tỉnh Lai Châu có 9.068,78 km2 diện tích tự nhiên; có 08 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị xã Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên.

Khí hậu

Lai Châu có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, ngày nóng, đêm lạnh. Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt:

  • Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, có nhiệt độ và độ ẩm cao
  • Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Tiềm năng du lịch

Lai Châu có địa hình đa dạng với nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp, tạo điều kiện cho DU LỊCH LAI CHÂU phát triển các loại hình như du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch mạo hiểm,…

Hệ thống giao thông thuận lợi, có cửa khẩu quốc gia đường bộ Ma Lù Thàng tiếp giáp với Trung Quốc, có quốc lộ 4D nối liền Lai Châu với Lào Cai, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trong nước và quốc tế.

Lai Châu là vùng đất sinh sống của 20 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự hấp dẫn cho du khách đến tìm hiểu và nghiên cứu.

Có nhiều lễ hội dân gian của các dân tộc truyền thống thu hút nhiều du khách như: Lễ Hạn Khuống (Hạn Khuống giao duyên), Lễ hội Then Kin Pang, Hội Hoa Ban,…

Lai Châu có nhiều ngọn núi cao trên 1.500m, mây mù bao phủ quanh năm như: đỉnh Fansipan (cao trên 3.000 m), dãy Pu Sam Cáp (cao trên 1.700 m).

Thời gian thích hợp để đi du lịch Lai Châu

Nằm trong vùng Tây Bắc, nên thời gian tham quan cũng như các tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái,…Tuy nhiên, bạn nên đi du lịch Lai Châu vào những khoảng thời gian sau để tận hưởng được hết vẻ đẹp nhé!

  • Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau: Đây là những ngày cuối đông, đầu xuân nên bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn muôn hoa đua nở và còn được trải nghiệm những lễ hội độc đáo của người đồng bào vùng cao trên đây.
  • Từ tháng 9 – tháng 10: Đây là mùa lúa chín, bạn có thể kết hợp đi ngắm lúa ở Mù Căng Chải (Yên Bái)  với cánh đồng Mường Than ở huyện Than Uyên.

Thời điểm thích hợp đi du lịch Lai Châu

Các bạn không nên đi du lịch Lai Châu vào những mùa mưa, vì đường đi lại khó khăn, dễ trơn trượt và sạt lở.

Cách di chuyển đến Lai Châu

Các bạn có thể di chuyển bằng phương xe máy hoặc đi bằng xe khách để du lịch Lai Châu.

Di chuyển bằng xe máy

Từ Hà Nội – Lai Châu có 2 cung đường chính:

  • Thứ nhất: Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa – Ô Quy Hồ – Lai Châu
  • Thứ hai: Hà Nội – Phú Thọ – Yên Bái – Mù Cang Chải – Lai Châu.
Đi theo cung đường nào cũng được, nó còn tùy thuộc vào sở thích của các bạn.

Nếu bạn muốn ghé qua Sapa, chinh phục đèo Ô Quy Hồ thì lựa chọn tuyến đường thứ nhất. Nếu muốn khám phá Nghĩa Lộ, ngắm lúa chín ở Mù Căng Chải thì bạn nên chọn cung đường thứ nhất.

Di chuyển bằng xe khách

Lai Châu cách Hà Nội gần 500km, bạn có thể bắt xe đi Lai Châu ở các bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát bao gồm các tuyến xe sau:

Lai Châu – Than Uyên

  • Giờ xuất bến: 6h30; 10h00; 12h30; 13h15; 14h30

Lai Châu – Mường Tè

  • Giờ xuất bến: 5h30; 6h15; 7h00

Lai Châu – Sìn H

  • Giờ xuất bến: 6h00; 13h30

Lai Châu – Pa Há

  • Giờ xuất bến : 6h30; 13h00

Lai Châu – Dào San

  • Giờ xuất bến: 5h15

Lai Châu – Mường So

  • Giờ xuất bến: 12h00.

Phương tiện di chuyển ở Lai Châu

Xe máy và taxi là hai phương tiện chính di chuyển khi du lịch Lai Châu.

Một số hãng taxi phổ biến ở đây là: Nguyệt Nga, Bằng An, Anh Huân, Thảo Linh,… thích hợp cho những team đông người.

Ở Lai Châu không có nhiều cửa hàng cho thuê xe máy, mà thuê xe máy ở đây rất phức tạp, giá thuê lại cao. Nếu muốn thoải mái hơn thì bạn nên thuê xe máy ở Sapa rồi di chuyển đến Lai Châu sẽ tiện hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn thuê xe ở Lai Châu thì ở đây có một địa chỉ thuê xe máy đó là:

Ngọc Minh

  • Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, Phường Đoàn Kết, Tp Lai Châu, Lai Châu
  • Điện thoại: 0394 816 947

Một số địa điểm nổi bật khi du lịch Lai Châu

Theo kinh nghiệm du lịch Lai Châu, dưới đây là một số địa điểm nổi bật mà bạn không nên bỏ lỡ.

Đèo Ô Quy Hồ

Đèo Ô Quy Hồ nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, có chiều dài khoảng gần 50 km.

Đèo còn có tên gọi khác là đèo Hoàng Liên Sơn do nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, cũng có người gọi là đèo Mây do đèo quanh năm có mây mù bao phủ.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Đèo Ô Qúy Hồ là đèo có quãng đường dài nhất Việt Nam, đèo có mất nhiều khúc cua tay áo đầy mạo hiểm.

Đỉnh đèo có độ cao 2.000m so với mực nước biển, người ta gọi đỉnh đèo này là Cổng Trời. Đứng ở trên đỉnh đèo sẽ nhìn thấy được toàn bộ con đường ngoằn ngoèo, chiêm ngưỡng toàn cảnh hùng vĩ của đỉnh núi Phan Xi Păng.

Hướng tầm mắt về phía xa xa, các bạn sẽ thấy được vẻ đẹp bất tận của núi rừng Tây Bắc. Phía dưới chân đèo là những thửa ruộng lúa xanh ngắt bao quanh những con đường mòn quanh co.

Nếu đến đây vào những ngày đông giá lạnh, đèo Ô Qúy Hồ mang một vẻ đẹp lạ thường. Nếu may mắn, bạn còn có thể được ngắm tuyết rơi nữa đó.

Một bên là vách đá, một bên là vực sâu, đã tạo nên thử thách lớn cho bất kì tay lái nào nhưng cũng chính sự nguy hiểm này đã hấp dẫn các dân phượt đến với Ô Quy Hồ.

Tả Liên Sơn

Đỉnh núi Tả Liên nằm trên đường ranh giới giữa 2 tỉnh Lai Châu & Lào Cai, cách thành Phố Lai Châu hơn 20km, thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Dân cư sinh sống ở đây chủ yếu gồm 3 dân tộc chính là Kinh, Mông và Dao.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Tả Liên Sơn là ngọn núi yêu thích của những ai đam mê trekking với độ cao 2.996m, đây là đỉnh núi cao thứ 6 của Việt Nam. Khu rừng Tả Liên rất rậm rạp với nhiều cây cổ thụ cao, to, rêu phong bám xung quanh.

Ở đây có rất nhiều cây phong, đến mùa phong thay lá thì ở đây rất là rực rỡ. Đỗ quyên mọc rất nhiều trên đỉnh, nếu đến đây vào khoảng tháng 2, tháng 3 các bạn sẽ được ngắm cả một rừng đỗ quyên nở bạt ngàn.

Pu Ta Leng

Pu Ta Leng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đỉnh Pu Ta Leng có độ cao 3.049 m, là đỉnh núi cao thứ 2 của Việt Nam sau Fansipan.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Đây là khu rừng già đầy huyền bí, cảnh đồi núi hiểm trở với các dốc cao dựng đứng thách thức lòng dũng cảm của những ai muốn chinh phục nó.

Bản Nà Luồng

Bản Nà Luồng – xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đây là điểm du lịch cộng đồng không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Lai Châu.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Bản nằm bên dòng Nậm Mu với 90 hộ dân thuộc dân tộc Lào. Nhờ cảnh đẹp và các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc mà nơi đây trở thành điểm du lịch thu hút du khách tham quan.

Đến với nơi này, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn có kiểu kiến trúc 4 mái đặc trưng vô cùng độc đáo và cổ kính. Người Lào có điệu xòe và lăm vông rất nổi tiếng. Người Lào ở Nà Luồng rất thân thiện, chân thật và mến khách.

Đường đi đến bản Nà Luồng còn nhiều khó khăn, nhưng những cảnh đẹp ở đây đã làm nao lòng các du khách.

Pu Sam Cap

Pu Sam Cáp có độ cao từ 1.300m đến 1.700m so với mực nước biển. Nằm ở tỉnh lộ 129 nối TP. Lai Châu với huyện Sìn Hồ, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km.

Quần thể hang động Pu Sam Cáp là một điểm đến thú vị trong chuyến du lịch Lai Châu của bạn.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

“Sam” theo tiếng Thái có nghĩa là “ba” nên nơi đây còn được gọi là “núi ba hòn”. Địa danh được nhiều người biết đến không chỉ cảnh núi non hùng vĩ, nơi đây còn gắn với những câu truyện huyền thoại từ thủa khai sơn lập địa.

Truyền thuyết kể rằng: “Ải Sái Hịa là người nhà trời, được Then sai xuống để khai khẩn đất hoang. Ải mang theo bò chín ngàn bướu, trâu chín ngàn vai. Ải khai phá đất hoang thành ruộng lúa. Mỗi cánh đồng cách nhau mấy chục ngày đường. Buổi sáng Ải nhổ mạ ở Mường Thanh, trưa về ăn com ở Mường Lò, chiều đi cấy ở Mường Tấc, Mường Than, đến tối lại bắc bếp đồ cơm ở vùng 99 ngọn núi này. Dãy Pu sam cap chính là dấu tích của ba hòn đầu rau Ải làm ngày ấy.

Quần thể thắng cảnh Pu sam cap là một sản phẩm kì vĩ của tạo hoá, với cảnh sắc vừa thơ mộng quyến rũ, vừa kì bí huyền ảo nhưng cũng không kém phần tráng lệ nguy nga. Nhưng không chỉ có vậy, Pu sam cap có sức lôi cuốn lòng người bởi một chuyện tình buồn được người dân nơi đây truyền miệng qua bao đời.

Câu chuyện kể về một người con gái đẹp tên là Thị Lài. Thị Lài vừa đến tuổi trăng tròn. Khuôn mặt nàng đẹp lắm, đẹp như bông Ban rừng đầu xuân khi còn e ấp. Tóc nàng dài, sóng sánh như thác nước mùa xuân, giọng nàng trong như tiếng chim rừng tinh nghịch, ríu rít gọi bạn trên cành cây cổ thụ.

Trai bản say đắm nàng, ngây ngất nàng nhưng trái tim nhỏ bé, nóng bỏng của nàng đã tìm được nơi trú ngụ. Chàng là một người con trai khôi ngô, khoẻ mạnh và dũng mãnh. Nhà chàng nghèo nhưng chàng có một trái tim giàu yêu thương và hai người yêu nhau tha thiết. Họ như con nai, con hoẵng non, cứ mải mê vui đùa quên ngày tháng. Quên ngày trăng mọc rồi trăng lại lặn. Quên mất ngày con nước độc ác từ đầu nguồn đã tràn xuống cuốn trôi hết nương ngô, ruộng lúa của dân bản. Những ngôi nhà vốn đã xác sơ không thể đứng vững được trước con nước dữ. Cha mẹ nàng vì cái nhà rách, cái bụng đói mà đã nhận con trâu, gùi thóc của tên trưởng bản tham lam, độc ác. Hắn vốn đã để ý nàng từ lâu nhưng không đeo bám được, nay có vẻ như hắn đã được thoả lòng tham ấy.

Thị Lài buồn lắm. Nàng khóc nhiều, đến nỗi khuôn mặt đẹp kia phải héo hon, đôi mắt đẹp kia khô không còn giọt lệ. Thương người yêu, chàng trai đã liều lĩnh dẫn nàng cùng chốn. Bạt ngàn rừng núi thế này không lẽ không có chỗ cho hai người nương náu? Cảm thông cho cuộc tình đẹp nhưng ngang trái thần rừng, thần núi cũng thương họ. Tạo hoá đã đặt giữa núi rừng Tây Bắc một ngôi nhà bằng đá được cánh rừng Móc che chở. Trong ngôi nhà đá ấy có cả thác nước cho họ uống, giường cho họ nằm, cái trống, cái nôi có lọng che để cho những đứa con trong tương lai, có cả chày, cối cho họ giã những hạt thóc, hạt ngô thành tấm bánh. Họ còn tìm được cả nơi thiêng liêng nhất để tỏ lòng cảm tạ thần núi thần cây.

Cuộc sống cứ thế trôi qua êm ả trong hạnh phúc. Hàng ngày Thị Lài ở lại động để chăm sóc con cái, nấu cơm chờ chồng đi săn về. Chồng nàng săn bắn rất giỏi, sự khéo léo, dũng mãnh của chàng khiến cho con voi rừng, con sư tử dữ cũng phải thuần phục chàng, chúng kéo tới đây ngay nơi cửa động để ngày ngày canh giữ, bảo vệ nơi tổ ấm của họ.

Nhưng một ngày kia, lúc người chồng yêu thương của Thị Lài đang mải mê theo con thú hoang. Không biết con rắn độc đưa đường hay con cáo gian ác chỉ lối mà tên trưởng bản xấu xa kia tìm được đến đây. Hắn mang theo rất nhiều quân lính. Bọn chúng đông và dữ tợn đến nỗi con voi lớn, con sư tử hung dữ cũng bị chúng giết chết.

Thị Lài vô cùng sợ hãi, những đứa con khóc thét lên ôm chầm lấy mẹ trong nức nở. Không biết phải làm sao, nàng đứng chết lặng hướng về nơi ban thờ mà cầu nguyện. Nỗi lòng nàng thấu đến trời xanh. Ngay lúc ấy, mây đen kéo đến, trời đất tối đen như mực, sấm chớp vang trời. Tên trưởng bản và đám tùy tùng của hắn vô cùng sợ hãi. Đứa trốn dưới gốc cây, đứa chui vào hang đá. Chỉ giây lát rồi mọi thứ bình yên trở lại. Nhưng than ôi chỉ có mẹ con Thị Lài và tổ ấm của họ thì đều hóa thành đá cả, cả con voi, con sư tử, cả thác nước cũng hóa đá. cuộc sống của nàng đã trở thành vĩnh cửu. Không ai bắt được nàng, không ai hại được Thị Lài nữa.

Không ai biết được thực hư câu chuyện thế nào, nhưng ngày hôm nay, khi đến với Pu Sam Cap ai cũng như nhìn thấy bóng dáng Thị Lài bồng con đứng chết lặng, nghe thấy tiếng nàng khóc trong trong nỗi bất lực trước những thế lực của một thời phong kiến, nô bộc.

Cánh đồng Mường Than

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, đây là cánh đồng lúa lớn thứ 3 trong các tỉnh miền núi phía Bắc với diện tích lên đến 2.000 ha.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Cánh đồng Mường Than nằm ở huyện Than Uyên, trong một thung lũng rộng mênh mông. Đến đây, các bạn sẽ được hòa vào cuộc sống bản địa mộc mạc của người dân.

Cửa khẩu Ma Lù Thàng

Cửa khẩu Ma Lù Thàng nằm ở xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây được coi là mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế của huyện đi lên.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Cửa khẩu có diện tích 43 ha với các dịch vụ: Thương mại, du lịch, khu vui chơi giải trí,… Cửa khẩu này là đầu mối kết nối với Khu kinh tế mở Huổi Luông, Khu kinh tế – thương mại – du lịch Mường So, Khu công nghiệp Pa So, Khu nông – lâm kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Phong Thổ.

Thác trái tim

Thác Trái Tim nằm ở xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Thác nằm trong khu rừng già, bao quanh là những vách núi dựng đứng. Thác trái tim còn được gắn với câu chuyện tình của cặp đôi trai gái người Mông, du khách nào đến đây cũng được người dân kể lại.

Truyện kể rằng:  

“Tại một bản người dân tộc Mông dưới chân thác có một chàng trai khôi ngô, dũng mãnh giỏi săn bắt đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp giỏi thêu thùa may vá, cả hai quấn quýt và thương yêu nhau tha thiết như con hươu, con nai trên rừng ngày ngày bên nhau. Cả bản ai cũng ngưỡng mộ tình yêu của đôi trai tài gái sắc.

Cả hai say sưa trong chén men tình không được bao lâu thì chàng trai phải lên đường đi đánh giặc, nàng chờ chàng không biết bao mùa trăng mọc rồi trăng lặn mà vẫn chưa thấy chàng về. Rồi nàng hay tin chàng đã tử trận tại chiến trường xa xôi. Quá đau buồn, nàng tìm đến nơi ngày xưa họ thường hay hẹn ước khóc thương chàng rồi nàng hóa thành thác nước.

Thấm thoát thời gian qua đi, cả bản ngỡ ngàng khi thấy chàng thắng trận trở về, hóa ra tin chàng chết nơi chiến trận chỉ là lời đồn ác miệng của quân giặc. Biết chuyện đau buồn về người yêu, chàng trai lên đỉnh ngọn thác kêu gào thét thảm thiết, tiếng gào thét như xé rách núi rừng, cầu xin núi rừng hãy để họ mãi bên nhau muôn đời, muôn kiếp.

Cảm động trước tình yêu đôi lứa, đất trời đã biến chàng thành tảng đá hình trái tim nằm ngay giữa thác nước, để đôi tình nhân được ở bên nhau mãi mãi.”

Đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử

Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử thuộc địa phận xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là ngọn núi cao thứ 4 của Việt Nam với độ cao 3.045m so với mực nước biển.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Đây là một đỉnh núi đẹp, để chinh phục được nó thì không quá khó nhưng cũng chẳng phải là điều dễ dàng.

Bạch Mộc Lương Tử nay đổi tên là Ky Quan San

Hiện nay, ngọn núi này đang thu hút rất nhiều dân trek đến trải nghiệm, chinh phục đỉnh núi đầy mạo hiểm và hấp dẫn này.

Sìn Hồ

Sìn Hồ là huyện vùng cao nằm giữa tỉnh Lai Châu, khí hậu quanh năm mát mẻ và được ví như “Sapa thứ hai” của Việt Nam.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Đến với Sìn Hồ, du khách sẽ được được trải nghiệm, khám phá phong cảnh nước non tuyệt đẹp. Đèo, dốc quanh co uốn lượn với một bên là vực thẳm, một bên là vách đá cao sừng sững.

Sìn Hồ còn là điểm giao lưu văn hóa chợ phiên rất đặc sắc. Ở đây còn có dịch vụ tắm lá thuốc trong thùng gỗ của người Dao. Trong cái lành lạnh của Tây Bắc, được ngâm mình trong bồn tắm với hương thơm của lá thuốc tỏa ra thật ấm áp đến lạ.

Đỉnh núi Pu Si Lung

Đỉnh Pu Si Lung nằm sát đường biên giới Việt – Trung, gần với mốc biên giới số 42 thuộc địa phận xã Pa Vệ Sử – huyện Mường Tè – tỉnh Lai Châu.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Đây là ngọn núi cao thứ 3 của Việt Nam (3.083m so với mực nước biển). Đây là đỉnh núi khó chinh phục nhất vì hành trình dài, các bạn sẽ phải mất 100 km vượt rừng cả đi lẫn về.

Tuy khó khăn nhưng đỉnh Pu Si Lung vẫn thu hút rất nhiều các bạn trẻ yêu thích trekking đến để chinh phục.

Dinh thự vua Thái Đèo Văn Long

Dinh thự nằm ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, nằm ở ngã tư nơi gặp nhau của con sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Di tích vua Thái Đèo Văn Long là khu tham quan du lịch Lai Châu vô cùng nổi tiếng và hấp dẫn thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

Di tích được xây dựng vô cùng cầu kì theo phong cách xưa, phía trước mặt là con sông, phía sau là những dãy núi cao tạo nên một bức tranh phong thủy tuyệt vời.

Bản Bo

Bản Bo nằm ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Với vẻ đẹp đơn sơ, giản dị của những guồng nước đã trở thành điểm du lịch độc đáo của núi rừng Tây Bắc, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Các lễ hội đặc sắc trải nghiệm khi du lịch Lai Châu

Lễ hội hoa ban

Được tổ chức vào dịp 13 tháng 2 âm lịch, đây cũng là thời điểm hoa bạn nở rộ báo hiệu một mùa xuân về. Lễ hội là sự tưởng nhớ đến câu chuyện của đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau, cô gái chết hóa thành những bông hoa ban nở trắng rừng.

Lễ hội Hạn Khuống

Lễ hội thường tổ chức vào tháng 11 hàng năm, là lễ hội được các chàng trai, cô gái mong đợi nhất. Đây là thời điểm mà các đôi trai gái người Thái hẹn hò, giao duyên bằng những lời ca, tiếng hát.

Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái. Rất nhiều khách du lịch đã lựa chọn du lịch Lai Châu vào khoảng thời gian này để được tham gia vào lễ hội đặc sắc này.

Lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu của người Thái Trắng

Lễ hội còn có tên gọi khác là lễ hội cốm mới của người Thái trắng, được tổ chức ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Lễ hội được tổ chức vào rằm tháng 9 âm lịch hàng năm, mùa này cũng chính là thời điểm lúa non thích hợp nhất để chọn về làm cốm.

Vào trước ngày diễn ra lễ hội ,người dân trong bản chọn ra một người trong bản có kinh nghiệm khấn vái và làm cốm, thường sẽ là cụ bà thực hiện nghi lễ này. Người ta sẽ đi hái những bó lúa non để về làm cốm.

Người hái phải là những cô gái còn trinh tiết, hoặc những phụ nữ có gia đình yên ấm, con cái khỏe mạnh. Theo tín ngưỡng của người dân, chỉ có những người đó đi hái lúa mang về thì mới thể hiện được sự thành tâm và sự nguyên vẹn với thần linh.

Nếu đi du lịch Lai Châu, các bạn đừng quên ghé xem lễ hội độc đáo này nhé.

Dịch vụ lưu trú khi du lịch Lai Châu

Giá nhà nghỉ, khách sạn ở Lai Châu khá là mềm nhưng không có nhiều. Các bạn có thể tham khảo một số khách sạn khi du lịch Lai Châu ở dưới đây:

Khách sạn Thủy Tiên

  • Địa chỉ: 87 Trần Quốc Mạnh, Phường Đoàn Kết, Lai Châu, Tỉnh Lai Châu, Việt Nam
  • Giá: 280k – 350k/phòng/ đêm.

Khách sạn Putaleng

  • Địa chỉ: thị trấn Tam Đường, Tam Dương, Tam Đường, Tỉnh Lai Châu
  • Giá: từ 550k/phòng/ đêm.

Khách sạn Mường Thanh

  • Địa chỉ: No 113, Lê Duẩn St., Tân Phong Ward, Phường Tân Phong, Lai Châu, Tỉnh Lai Châu.
  • Giá: từ 1.400k trở lên

Khách sạn Minh Sơn

  • Địa chỉ: 33 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Tân Phong, Tp. Lai Châu, Tỉnh Lai Châu.
  • Giá: từ 300k – 420k/phòng/đêm.

Nhà nghỉ Thanh Hưng

  • Địa chỉ: Pá Kéo, Nậm Nhùn, Lai Châu
  • Điện thoại: 038 425 7883

Khách sạn Ngọc Hưng

  • Địa chỉ: Thị trấn Than Uyên, Than Uyên, Lai Châu
  • Điện thoại: 0213 3784334

Nhà Nghỉ Tân Sinh

  • Địa chỉ: Thị trấn Tam Đường, Tam Đường, Lai Châu
  • Điện thoại: 0213 6272 668

Nhà nghỉ Hoa Hồng

  • Địa chỉ: Khu 3 Thị trấn Sìn Hồ, Sìn Hồ, Lai Châu
  • Điện thoại: 038 7271123

Nhà nghỉ Bưu điện

  • Địa chỉ: Khu phố 8, thị trấn Mường Tè, Mường Tè, Lai Châu
  • Điện thoại: 0213 3881181

Nhà Nghỉ Thành Hiên

  • Địa chỉ: Thị trấn Tân Uyên, Tân Uyên, Lai Châu
  • Điện thoại: 098 834 05 18

Một số đặc sản nên thưởng thức khi đi du lịch Lai Châu

Món Rêu đá

Đây là món ăn truyền thống của người đồng bào Thái ở Tây Bắc. Rêu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như rêu nướng, rêu nấu canh, rêu xào, rêu hấp,…

Các địa điểm du lịch Lai Châu

Người ta đi lấy rêu mọc trên đá, ở các dòng suối nước trong và xiết. Sau đó chọn một hòn đá phẳng, đổ rêu ra để đập rồi cho rêu vào “sạ”, rửa sạch rêu dưới dòng suối trong veo cho rêu rụng hết đất cát.

Món Rêu nộm thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng bột canh, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, mắc khén.

Còn để chế biến món Rêu nướng, sau khi sơ chế và vắt hết nước, rêu được ướp các gia vị như sả, gừng,ớt , hạt dổi, quả muối, hạt sẻn,… Rồi được gói vào lá dong và vùi trong tro nóng. Khi nào lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta sẽ lấy ra để ăn.

Trứng kiến

Trứng kiến chỉ có vào mùa xuân hoặc những mùa mưa, đến với các bản làng ở Lai Châu, các bạn sẽ có cơ hội thưởng thức các món chế biến từ trứng kiến như: Trứng kiến ướp gia vị trong lá dong, lá chuối và nướng trên bếp than hồng, món trứng kiến đồ cùng xôi nếp nương,… Món trứng kiến đã trở thành món ăn không thể thiếu của các bản làng vùng cao.

CáC Đặc sản ở Lai Châu

Khâu nhục

Khâu nhục là món ăn truyền thống của dân tộc Nùng. Khâu nhục được làm từ thịt lợn, hầm trong một thời gian dài, cách chế biến rất phức tạp và cầu kỳ. Nếu có dịp ghé thăm bản người Nùng ở Tam Đường, bạn đừng quên thưởng thức món ăn này nhé.

CáC Đặc sản ở Lai Châu

Canh tiết đắng

Đây là món ăn độc đáo ở Lai Châu, nguyên liệu làm nên món ăn này rất đơn giản. Chỉ cần một nắm lá đắng, ít phổi lợn băm nhỏ, một miếng tiết là bạn đã có một bát canh tiết đắng rồi.

Nếu ai lần đầu ăn thử món này sẽ rất khó ăn bởi có vị đắng đắng, nhưng nếu đã ăn quen rồi thì sẽ cảm thấy vị ngọt, bùi, thơm ngậy của canh. Canh lá đắng còn có tác dụng giải rượu và chữa được bệnh về đường tiêu hóa.

Măng nộm hoa ban

Đây là món ăn truyền thống của người Thái ở Lai Châu. Nếu chế biến bằng măng đắng sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo nước, còn măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ.

CáC Đặc sản ở Lai Châu

Hoa ban cần chọn những bông hoa tươi, lấy cánh. Cá bắt ở dưới suối, đem về sơ chế rồi nướng trên bếp than, khi chín thì gỡ lấy thịt.

Sau đó pha nước trộn bao gồm chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Đem trộn đều với măng, hoa ban, cá, tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng.

Cá nướng người Thái

Đây là món cá nướng gắp. Những con đá được bắt từ dưới suối đem về  mổ đằng lưng bỏ ruột, để ráo nước. Người ta đem ướp vào bụng cá hỗn hợp mắc khén, ớt tươi nướng, nghiền nát, hành tỏi, rau thơm rau ngò thái nhỏ.

CáC Đặc sản ở Lai Châu

Sau khi cá ngấm gia vị, dùng kẹp kẹp chặt cá rồi nướng trên than hồng. Cá chín có mùi rất thơm cùng với các hương vị đi kèm của núi rừng.

Với kinh nghiệm đi du lịch Lai Châu của mình thì bạn không nên bỏ qua món này, ^^ vì sao ư? mình nghĩ ít nhất là nên thử, sau đó dễ nghiện :D.

Đặc sản mua về làm quà khi du lịch Lai Châu

Hạt dổi

Đây là loại hạt đặc sản của vùng cao Tây Bắc, là một trong những gia vị đặc biệt của người vùng cao. Nếu có cơ hội du lịch Lai Châu, các bạn hãy mua một ít về làm quà nhé.

Quả óc chó Sín Hồ

Quả óc chó rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là cho não và những người mang bầu. Các bạn hãy ghé những chợ ở Lai Châu để mua về làm quà cho người thân và bạn bè nhé.

Rượu ngô Sùng Phài

Rượu ngô Sùng Phài còn được gọi là rượu Mông Kê là một đặc sản của người Mông ở Lai Châu. Rượu Mông kê rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng kích thích tiêu hóa ăn ngon miệng, bồi bổ xương khớp và lưu thông khí huyết.

Mật ong Mường Tè

Là sản vật hiếm có ở Lai Châu được khai thác trong khu rừng bảo tồn thiên nhiên Mường Tè. Mật ong Mường Tè có mùi thơm rất đặc trưng so với các loại mật ong khác.

Hy vọng, với bài “Kinh nghiệm du lịch Lai Châu 2019” sẽ giúp ích trong hành trình khám phá Lai Châu của các bạn. Chúc các bạn có một chuyến đi thuận lợi và vui vẻ nhé!

 

 

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here