Điện Biên không chỉ biết đến với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1945 chấn động địa cầu, nơi đây còn được biết đến với những cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.

Bài viết “Kinh nghiệm du lịch Điện Biên” chi tiết nhất năm 2019 đã được NếmTV tổng hợp lại, hy vọng sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.

Tổng quan về Điện Biên

Vị trí

Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Việt Nam. Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp CHDCND Lào, cách thủ đô Hà Nội hơn 500 km về phía Tây.

Du lịch Điện Biên
Con đèo huyền thoại Pha Đin nối 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La

Tuyến biên giới Việt – Lào có 2 cửa khẩu đã được mở là Huổi Puốc và Tây Trang. Trên tuyến biên giới Việt – Trung có cặp cửa khẩu A Pa Chải – Long Phú.

Khí hậu ở Điện Biên

Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao. Mùa hạ nóng, mưa nhiều. Các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8, 9; các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6, 7.

Mùa Đông tương đối lạnh và ít mưa, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Dân tộc

Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em: Thái; Mông; Kinh; Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xi Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác.

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng tạo nên một bức tranh đầy sắc màu cho nền văn hóa của Điện Biên.

Tiềm năng du lịch của Điện Biên

Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là trong lĩnh vực văn hoá – lịch sử. Điện Biên có  hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Mường Phăng, Bản kéo, Độc lập, các cứ điểm Him Lam, Khu hầm Đờ cát.

Có nhất nhiều hang động, hồ nước khoáng tạo nên các khu du lịch thiên nhiên như: hẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông; Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm.

Lịch sử hình thành Điện Biên

Điện Biên là vùng đất ngay từ thời tiền sử xa xưa đã có người sinh sống và cư ngụ. Qua các bằng chứng về khả cổ học từ thời kỳ đồ đá, qua sự hiện diện của các di tích như hang Thẩm Khương, Thẩm Púa (ở Tuần Giáo) đã chứng minh con người từ thời thượng cổ đã có mặt rất sớm và biến nơi đây thành một trung tâm của người Việt cổ.

Vào khoảng thế kỷ thứ  6, thứ 7 ở vùng Vân Nam (Trung Quốc), Quốc gia Nam Chiếu ra đời. Những cuộc tranh chấp giữa Nam Chiếu và các tộc người khác thường diễn ra sau đó, đã làm cho cả vùng Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương bất ổn định. Thời kỳ này đất Mường Thanh cũng trải qua nhiều biến động lớn.

Đến thế kỷ 9 – 10, người Lự ở Mường Thanh đã phát triển khá mạnh, từ phía Bắc họ phát triển thế lực khắp lòng chảo Mường Thanh và ảnh hưởng mạnh sang các khu vực: Sìn Hồ, Mường Lay, Tuần Giáo…

Thế kỷ 11-12, người Tày Đăm (Thái đen) theo từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) và từ Mường Lò thời gian sau đó, những cư dân này theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng để tràn qua Than Uyên, Văn Bàn… và cuối cùng làm chủ cả một vùng từ Mường Lò (Nghĩa Lộ) qua Mường La (Sơn La), tới Mường Thanh (Điện Biên).

Khi Lạng Chượng đưa một bộ phận người Thái Đen từ Mường Lò (Nghĩa Lộ ngày nay) đến Mường Thanh thì vùng đất này còn gọi là Song Thanh vì có hai mường: Thanh Nưa (Thanh trên) từ bản Noong Hét ngược về đầu nguồn sông Nậm Rốm và Thanh Tẩu (Thanh dưới) từ bản Noong Hẹt đến cuối sông Nậm Rốm.

Tại đây có Viềng Xam Mứn (thành Tam Vạn) cổ kính của người Thái. Các mường thuộc Mường Thanh xưa gồm: Mường Phăng, Mường Nha, Mường Luân, Mường Lèo, Mường Lói nay thuộc huyện Điện Biên; Mường U nay thuộc tỉnh Phong Xa Lỳ của Lào; Mường Và, Sốp Cộp nay thuộc tỉnh Sơn La.

Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là “Xứ Trời”, gắn với truyền thuyết thần thoại Quả bầu mẹ giải thích sự xuất hiện của loài người. Đây cũng là đất tổ của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Tên gọi Mường Thanh xuất hiện lần đầu trong sách Hưng Hóa xứ Phong Thổ lục của Hoàng Bình Chính.

Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại vua Lê chúa Trịnh; năm 1754 giải phóng đất Mường Thanh, xây đắp thành lũy gọi là Phủ Chiềng Lễ, phiên âm Hán -Việt là Trình Lệ. Ông đã ở đây từ năm 1754 đến năm 1769. Năm 1778 nhà Lê bình được Hoàng Công Toản (con trai Hoàng Công Chất) và đặt ra châu Ninh Biên thay cho tên gọi Mường Thanh, thuộc phủ An Tây. Ninh Biên có 12 mường nhỏ gộp lại.

Thời kỳ Bắc thuộc Điện Biên thuộc huyện Lâm Tây, quận Tân Hưng. Đời Lý đất Điện Biên nằm trong hạt châu Lâm Tây. Đời Trần Việt Nam có 15 lộ Điện Biên thuộc lộ Đà Giang, cuối Trần là trấn Thiên Hưng; thời Minh thuộc lại chia làm 2 châu Gia Hưng và Quy Hoá.

Sang tới thế kỷ 15 (năm 1463) trấn Hưng Hóa được thành lập (bao gồm ba phủ: Quý Hóa, Gia Hưng, An Tây). Mặc dù vậy, các thủ lĩnh người Lự cơ bản vẫn làm chủ Mường Thanh. Từ 1466 về sau, Lê Thánh Tông đặt làm 12 thừa thừa tuyên, trong đó Hưng Hóa bao gồm 3 phủ, 4 huyện và 17 châu.

Năm 1831, Minh Mạng đổi thành tỉnh Hưng Hóa, tỉnh lị đặt ở thị trấn Hưng Hoá huyện Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ). Thời Pháp thuộc, Hưng Hóa được chia thành các tỉnh Hoà Bình, Sơn La Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và tách một số huyện nhập vào Phú Thọ.

Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên Phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó. (Theo cổng thông tin điện tử Điện Biên).

Thời gian thích hợp để đi du lịch Điện Biên

Ở Điện Biên mưa lớn tập trung vào các tháng 6, 7, 8 nên bạn tránh đi du lịch đến Điện Biên trong khoảng thời gian này vì đường đi khá là trơn, hay sạt lở, gây nguy hiểm cho chuyến đi.

Đi Điện Biên vào dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, hòa mình vào trong lễ hội đặc sắc của người dân nơi đây. Theo kinh nghiệm du lịch Điện Biên của nhiều người chia sẻ thì vào khoảng thời gian này, lượng khách đổ về đây rất đông nên nhớ book phòng trước khoảng 1 tháng để tránh tình trạng hết phòng nhé.

Du lịch Điện Biên
Hoa ban nở rộ khắp vùng Tây Bắc vào khoảng tháng 3.

Đi vào mùa hoa ban nở rộ khắp trời Tây Bắc khoảng tháng 3 hay mùa hoa dã quỳ nở vàng rực vào tháng 12 dương lịch. Đi vào tháng 8 để ngắm những ruộng lúa bậc thang vàng chín.

Du lịch Điện Biên – di chuyển như thế nào

Hà Nội – Điện Biên

Điện Biên cách thành phố Hà Nội khoảng 500 km, đó là một quãng đường di chuyển dài nên bạn có thể di chuyển bằng xe ô tô, xe máy hoặc máy bay.

Di chuyển bằng máy bay: Từ Hà Nội đi Điện Biên chỉ có duy nhất hãng hàng không Vietnam Airlines khai thác với mỗi ngày khoảng 2 chuyến, máy bay sử dụng cho đường bay này là ATR 72. Giá vé máy bay Hà Nội – Điện Biên khoảng 900k/lượt bay trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ.

Di chuyển bằng xe khách: Các bạn có thể ra bến xe Mỹ Đình và bến xe Giáp Bát ở Hà Nội để bắt các chuyến xe khách đi Điện Biên cói mức giá khoảng 300k – 375k/lượt. Theo kinh nghiệm du lịch Điện Biên, một số hãng xe chạy Hà Nội – Điện Biên như: xe Hạnh Hồng (0912 394 682), xe Khánh An (04 3864 1467), xe Lê Dũng (0915 055 694), xe Hòa Quân (0974 522 256)…

Xe máy: Rất nhiều các bạn trẻ thích trải nghiệm, muốn được rong ruổi trên những con đường ngắm cảnh núi non hùng vĩ nên đã lựa chọn phương tiện xe máy để di chuyển. Các bạn có thể di chuyển theo cung đường: QL6 qua Sơn La – đèo Pha Đin – Tuần Giáo – QL 279 – Điện Biên.

Sài Gòn – Điện Biên

Các bạn sẽ phải bay máy bay ra ngoài Hà Nội, sau đó lựa chọn phương tiện để di chuyển đến Điện Biên bằng các phương tiện như xe khách, máy bay, xe máy mà chúng tôi đã giới thiệu ở phía trên.

Phương tiện di chuyển ở Điện Biên

Phương tiện di chuyển ở Điện Biên chủ yếu là taxi.

Có một số bạn đi xe khách và gửi luôn cả xe máy của mình gửi trên xe khách để làm phương tiện đi lại khi đến Điện Biên. Tuy là một địa điểm du lịch văn hóa nhưng dịch vụ cho thuê xe máy ở Điện Biên hiện nay không có nhiều, tìm được chỗ cho thuê xe rất khó.

Dưới đây là một số địa chỉ cho thuê xe máy mà các bạn có thể tham khảo:

Thuê xe máy Vương Khánh

  • Địa chỉ: Tp. Điện Biên Phủ, Điện Biên
  • Điện thoại: 0904 875 050

Thuê xe máy Điện Biên

  • Địa chỉ: Tp. Điện Biên Phủ, Điện Biên
  • Điện thoại: 0988179429

Cho thuê xe máy Hải Trang

  • Địa chỉ: Cổng sau Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Tp. Điện Biên Phủ, Điện Biên
  • Điện thoại: 0358 898 898 – 0941 306 999

Thuê xe máy anh Đức

  • Địa chỉ: Him Lam, Tp. Điện Biên Phủ, Điện Biên
  • Điện thoại: 0968 734 734 – 0869 190 190

Giá thuê xe máy rơi vào khoảng 80.000 nghìn – 200.000 nghìn/ ngày tùy thuộc vào từng loại xe.

Một số địa điểm nổi bật khi du lịch Điện Biên

Theo kinh nghiệm du lịch Điện Biên của mình, dưới đây là một số địa điểm nổi bật mà bạn không nên bỏ lỡ.

Đồi A1

Địa chỉ: phường Mường Thanh – thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Đồi A1 là cứ điểm quan trọng trong dãy đồi ở phía đông, bảo vệ Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nơi đây đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt, kéo dài mang tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ.

A1 là ký hiệu mà quân ta đặt tên cho quả đồi, đồi A1 cao hơn mặt đất 49m, dài 200m, rộng 80m có hình bầu dục.

A1 là một điểm cao, quan trọng nhất của dãy đồi phía đông. Đồi A1 có tác dụng che sườn cho phân khu đông và các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh.

Quân địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc tại đây.

Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt, hào hùng nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 39 ngày đêm chiến đấu ác liệt, sáng ngày 7-5-1954 quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. Với chiến thắng này đã mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm để giành thắng lợi toàn diện cuối cùng.

Đến với cứ điểm A1, du khách sẽ được nhìn thấy những dấu tích lịch sử còn sót lại như: đường hầm, chiếc xe tăng, hố bộc phá…

 du lịch Điện Biên
Khu di tích lịch sử đồi A1.

Để lên được đồi A1, các bạn sẽ phải leo mất khoảng 20 phút, trên đỉnh đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”. Bên cạnh đài kỷ niệm là xác của chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để đánh quân đội ta.

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ

Địa chỉ: quốc lộ 279, phố 3, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động vào 5/5/2014 sau 19 tháng thi công với diện tích 22.000 m2. Bảo tàng được thiết kế hình nón cụt, xung quanh được trang trí, tạo hình quả trám trông giống như tấm lưới ngụy trang của chiếc mũ anh bộ đội. Bảo tàng gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi.

Tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí. Tầng nổi là nơi trưng bày các chuyên đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cầu Mường Thanh

Cầu sắt Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm, nằm ở giữa TP Điện Biên Phủ. Đây là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cây cầu được sản xuất tại Pháp và mang sang Việt Nam lắp ráp ở Điện Biên.

 du lịch Điện Biên
Cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm

Đây là điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách khi đến du lịch Điện Biên.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Địa chỉ: xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía đông.

Sở chỉ huy bao gồm:

  • Hầm Đại tướng Võ Nguyên Giá: Hầm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nằm dưới tán rừng già, căn lán lá 18 mét vuông dưới chân núi Pú Đồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp với đội quân trang đã giành chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với những vũ khí thô sơ. Lán được bộ đội dựng lên bằng những vật liệu lấy trực tiếp từ cánh rừng Mường Phăng bằng các vật liệu như: tre, lá móc, lá gối. Nơi đây là cơ quan đầu não quan trọng nhất của chiến dịch lịch sử Điện Biện Phủ. Cạnh nơi làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng là hầm trú ẩn được đào bởi 50 người trong suốt 58 ngày đêm xuyên qua lòng núi. Đường hầm dài 69 m, cao 1,8 m, rộng 2 m.
  • Chòi canh gác số 1
  • Hầm thông tin liên lạc 
  • Đài quan sát
  • Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
  • Đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
  • Hầm của ban cố vấn Trung Quốc
  • Nhà hội trường
  • Hầm ban chính trị

Cầu Hang Tôm

Cầu Hang Tôm là cây cầu dây văng đẹp nhất ở Tây Bắc lúc bấy giờ, nối liền Mường Lay (Điện Biên) và Phong Thổ, Sìn Hồ của Lai Châu.

Cầu hang tôm được xây dựng vào cuối năm 1960, đến năm 1973 thì cầu Hang Tôm mới được khánh thành. Dù đã được xây dựng cách nay 40 năm, nhưng công nghệ xây cầu Hang Tôm cũ được đánh giá không kém gì công nghệ xây dựng nhiều cầu hiện đại bây giờ.

Tháng 11/2012 thủy điện Sơn La hoàn thành, toàn bộ Thị xã Mường Lay cũ trong đó bao gồm cả cây cầu Hang Tôm đã bị nhấn chìm dưới lòng hồ Sông Đà, chấm dứt 40 năm hoạt động của cây cầu lịch sử. Cầu Hang Tôm cũ bị nhấn chìm thì đã có một cây cầu Hang Tôm mới mọc lên, được xây dựng cách vị trí cầu cũ chừng 600m.

Cánh đồng Mường Thanh

Đến du lịch Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh là một địa điểm không thể bỏ lỡ.

Cánh đồng với diện tích hơn 142 km2 là cánh đồng rộng nhất Tây Bắc.

Người dân ở đây có câu câu  “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” với ý là xếp hạng các cánh đồng. Với các cánh đồng nổi tiếng ở Mường Than, Lai Châu; cánh đồng Mường Lò, Yên Bái; cánh đồng Mường Tấc, Sơn La thì cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên là cánh đồng rộng lớn nhất.

 du lịch Điện Biên
Vẻ đẹp của cánh đồng Mường Thanh vào mùa lúa chín

Cánh đồng nằm ở độ cao 400m so với mực nước biển. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh trông như bông hoa ban nở ôm lấy các di tích lịch sử.

Vào cuối tháng 9, cánh đồng Mường Thanh trông như một bức tranh dát vàng với đồng lúa chín vàng ruộm. Cảm giác bình yên như những cánh đồng quê Bắc Bộ nhưng cũng không kém phần hùng vĩ với núi đồi hùng vĩ bao quanh.

Mường Thanh còn được biết đến với thương hiệu gạo Điện Biên. Hạt gạo nhỏ, hương thơm tự nhiên, khi đem nấu cơm dẻo và rất là thơm. Từ những hạt gạo, người dân chế biến thành các món bánh dày, xôi nếp nương vô cùng hấp dẫn.

Hồ Pá Khoang

Địa chỉ: thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 35 km.

Hồ nằm trên độ cao 1.000m so với mực nước biển, rộng hơn 600ha, chiều dài 12km, rộng 3km.

du lịch Điện Biên
Hồ Pá Khoang – lá phổi giữa lòng Điện Biên

Đường đến Hồ Pá Khoang, bạn sẽ được đi trên những con đường đèo quanh co, ngắm những ngôi nhà sàn của người Thái ẩn hiện sau những tán rừng.

Hồ Pá Khoang có thẩm thực vật vô cùng phong phú, mặt nước hồ trong xanh, yên tĩnh giữa thung lũng có nhiều ngọn núi bao quanh.

Đến với Hồ Pá Khoang, các bạn sẽ được hòa mình vào bầu không khí trong lành với núi non hùng vĩ. Được chèo thuyền khám phá tự nhiên, được câu cá và thưởng thức những món ăn đặc sản ở nơi đây. Các bạn còn được tham gia liên hoan văn nghệ với những người dân ở nơi đây, thưởng thức những điệu múa xòe đặc trưng.

Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc địa phận xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc địa phận xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

 du lịch Điện Biên
Vẻ đẹp hùng vĩ của đèo Pha Đin

Đèo có độ dài 32km với đường dốc quanh co uốn lượn, được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc gồm đèo Khau Phạ (Yên Bái), Mã Pí Lèng (Hà Giang), Ô Qúy Hồ (Lào Cai).

Đến với đèo Pha Đin, các bạn sẽ được trải nghiệm những con đường quanh co, uốn lượn, ngắm những thung lũng hoa dã quỳ ở hai bên đường. Nếu may mắn, các bạn sẽ bắt gặp những biển mây bồng bềnh, trắng xóa trải khắp thung lũng Ẳng Nưa.

Đỉnh đèo Pha Đin nằm ở độ cao hơn 1.000 m, từ trên đỉnh các bạn sẽ cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, nhìn xuống bên dưới là những thung lũng thấp thoáng vài ngôi nhà sàn, tất cả tạo nên một bức tranh huyền ảo.

Trên đỉnh đèo Pha Đin có khu du lịch “Pha Đin Pass” do Hợp tác xã Pha Đin Pass với diện tích khoảng 50 ha. Các bạn sẽ được vui chơi thỏa thích cùng với ngọn đồi chong chóng rực rỡ sắc màu. Nếu có dịp đến Điện Biên, các bạn đừng quên đi chinh phục đèo Pha Đin nhé.

Đền thờ Hoàng Công Chất

Địa chỉ: thuộc xã Nọong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 12km về phía Nam.

du lịch Điện Biên
Thành Bản Phủ nơi thờ danh tướng Hoàng Công Chất

Đền thờ Hoàng Công Chất được xây ở trung tâm thành Chiềng Lê để thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân. Đây là di tích lịch sử quan trọng ghi lại công lao to lớn của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất đã có công lớn trong cuộc chiến tranh giải phóng Mường Thanh (Mường Then) – Điện Biên khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ.

Bản Phiêng Lơi

Địa chỉ: bản Phiêng Lơi nằm ở xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 7km về phía bắc.

Bản Phiêng Lơi có diện tích tự nhiên là 112,4ha, là nơi cư trú của  220 đồng bào dân tộc Thái. Bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi được nhiều du khách biết đến với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Thái đen.

Người dân ở bản Phiêng Lơi làm nhà sàn theo hướng lưng tựa vào núi, mặt tiền hướng ra sông, suối hoặc cánh đồng theo nguyên lý “sơn chầu thủy tụ”.

Bản Phiêng Lơi nằm san sát bên dòng sông Nậm Rốm, quanh quanh là rừng núi tạo nên một bức tranh hùng vĩ.

 du lịch Điện Biên
Mùa hoa mận trắng của người dân ở bản Phiêng Lơi.

Người dân Phiêng Lơi chủ yếu sống bằng nghề làm nương, trồng lúa, đan lát và thêu dệt. Trong những năm qua, nhờ có định hướng của chính quyền Điện Biên, bản Phiêng Lơi đã biết tận dụng những thứ vốn có để phát triển loại hình du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan.

Với hình thức du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân Phiêng Lơi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc như: văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực, lễ hội, nghề thủ công,…

Suối nước nóng U Va

Địa chỉ: nằm ở xã Noọng Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15km về phía Tây Nam.

Đến với suối nướng nóng U Va, các bạn sẽ được hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ, đắm chìm trong dòng nước khoáng nóng. Ngoài ra, còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa – lịch sử của mảnh đất Mường Thanh.

 du lịch Điện Biên
Suối khoáng nóng U Va

Suối nướng nóng U Va có diện tích trên 73.000m2 với dòng suối khoáng nóng tự nhiên, nhiệt độ trung bình từ 76- 84 độ C. Tắm suối khoáng nóng U Va có thể chữa được các bệnh ngoài da, tiêu hóa và làm cho khí huyết lưu thông, rất tốt cho sức khỏe.

A Pa Chải – Cực tây của Tổ quốc

Địa chỉ: mốc giao điểm đường biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên.

 du lịch Điện Biên
Cột mốc biên giới trên đỉnh cao A Pa Chải

A Pa Chải – Nơi được nhắc tới là địa danh một tiếng gà gáy cả 3 nước nghe thấy, là nơi tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì hiền lành, chất phác.

Nằm ở độ cao trên 1.800m, rất nhiều các bạn trẻ đã vượt qua những con dốc cao trơn trượt, để đến được điểm check – in này. Từ đồn biên phòng A Pa Chải đến cột mốc, các bạn sẽ phải vượt qua 10 km đường rừng.

Cột mốc biên giới được xây bằng đá hoa cương có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Trung Quốc.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

Địa chỉ: Nằm ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Đây là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng về sinh học được đánh giá vào loại lớn nhất ở Việt Nam, là địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên. Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích 45.581 ha vùng lõi, nằm trên địa bàn 5 xã biên giới của huyện, cùng với sự cư trú của một số dân tộc như: Hà Nhì, Thái, Mông, Si La, Cống,..

Từ trên cao nhìn xuống, Mường Nhé hiện lên với phong cảnh rừng núi như một bức tranh kỳ ảo. Ở phía xa xa thấp thoáng những ngọn núi nhấp nhô cùng với nếp nhà sàn nối tiếp nhau.

  • Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm như: rùa đá, tê tê, sói đỏ, cầy hương,…và một số loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam.
  • Hệ thực vật cũng rất đa dạng và phong phú với  308 loài mang giá trị về mặt khoa học, giá trị sử dụng như: chò đãi, dổi xương, lát hoa, trầm hương.

Chợ phiên ở vùng cao Điện Biên

Đến với Điện Biên, các bạn chắc chắn sẽ phải ghé đến hai phiên chợ Điện Biên đặc sắc đó là Xá Nhè và Tả Sìn Thàng, hai phiên chợ này là nơi hội tụ được rất nhiều nét văn hóa đặc sắc mà chỉ cần ghé 1 lần sẽ khiến nhớ mãi không quên.

Tham gia vào hai phiên chợ này, các bạn  sẽ được tìm hiểu về phong tục tập quán, nét sinh hoạt, trang phục và đặc biệt là nét tình của phiên chợ.

 du lịch Điện Biên

Điều ấn tượng đi đến chợ phiên, đó là một bức tranh đầy màu sắc được tạo nên từ chính trang phục của những người dân ở nơi đây. Màu đỏ của người dân tộc Mông đỏ, màu trắng của dân tộc Mông trắng, bộ khăn áo ngũ sắc của người dân tộc Dao hay là sự độc đáo của người Xà Phang với áo màu xanh lá cây, giày màu đỏ đi kèm với thắt lưng vô cùng điệu đà.

Phiên chợ bày bán rất nhiều đặc sản của núi rừng Tây Bắc như lợn, gà, mộc nhĩ, măng, nấm hương, mật ong,…

Phải đến đây, bạn mới cảm nhận được hết những thú vui, nét độc đáo của hai phiên chợ này. Đảm bảo đến một lần, bạn sẽ muốn được trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa.

Thị xã Mường Lay

Mường Lay là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Điện Biên nối với tỉnh Lai Châu. Bao quanh là núi non hùng vĩ, phía dưới là dòng sông Đà. Hên bờ sông những ngôi nhà sàn lợp ngói đá, những cô gái Thái dịu dàng, duyên dáng, tất cả đã tạo nên một Mường Lay thật thơ mộng.

Từ khi công trình thủy điện Sơn La được hoàn thành, Mường Lay trở thành một nơi du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn. Phía trên là núi, đồi bao quanh dưới là hồ, nơi đây được ví như một Hạ Long trên cạn.

Đến với Mường Lay, các bạn sẽ có cơ hội du ngoạn bằng thuyền trên lòng hồ, được đắm mình với thiên nhiên mênh, núi non trùng điệp, được nghe những câu chuyện đậm sắc màu huyền sử kể về con sông Đà hung dữ năm kia.

du lịch Điện Biên
Những ngôi nhà sàn của người Thái ở Mường Lay

Mường lay còn thu hút du khách bởi nét văn hóa đa dạng và độc đáo của 9 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi một dân tộc đều có những phong tục tập quán khác nhau, tất cả đã tạo nên một bức tranh văn hóa đặc sắc. Mường Lay chủ yếu là người Thái trắng sinh sống, đây chính là cái nôi của điệu múa nón, múa chai, múa quạt độc đáo.

Để tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây, bạn có thể ghé đến các làng truyền thống như sản xuất và chế biến đồ gỗ ở phường Sông Đà,  nghề đan lát đồ gia dụng ở xã Lay Nưa hay dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc ở phường Na Lay.

Động Xá Nhè

Địa chỉ: nằm giữa thung lũng trên cao nguyên Tủa Chùa, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cách thị trấn Tủa Chùa gần 20km.

Theo các già làng trong xã, 2 hang động này được phát hiện cách đây hàng trăm năm.

Hang Xá Nhè đã được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

du lịch Điện Biên

Động dài 700m, gồm 5 khoang lớn nhỏ khác nhau, mỗi khoang đều có một vẻ kỳ bí riêng. Hang động Xá Nhè 3 có kiểu hệ sinh thái bao gồm hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái dưới nước.

Nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách.

Các lễ hội đặc sắc ở Điện Biên

Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao

Lễ Tủ Cải của người Dao Quần chẹt thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Lễ Tủ Cải là một nghi thức có vai trò và dấu mốc quan trọng trong lễ tục vòng đời người con trai Dao, bắt buộc người con trai nào cũng phải trải qua, bởi nó có ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên.

 du lịch Điện Biên

Đồng bào ở đây quan niệm rằng: ai trải qua Lễ Tủ Cải mới được coi là người trưởng thành, là người lớn, biết phân biệt phải trái, có tâm đức, có đủ tư cách làm các công việc trong cộng đồng, khi chết hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên.

Thời gian tổ chức Lễ Tủ Cải kéo dài từ 3 đến 7 ngày tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình. Thường thì lễ Tủ Cải được diễn ra khi công việc nương rẫy đã xong, thường là vào dịp cuối năm từ mùng 4 – 7/12 (dương lịch), đây đều là những ngày tốt theo quan niệm của người Dao.

Lễ hội Thành Bản Phủ

Địa điểm tổ chức: xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Lễ hội Thành Bản Phủ gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm trong 2 ngày 24 -25/2 âm lịch để tưởng nhớ thủ lĩnh tướng quân Hoàng Công Chất.

 du lịch Điện Biên

Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La

Người Si La sống chủ yếu ở xã Cung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La thường được tổ chức từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9  vào ngày hợi, ngọ, tỵ, thân hoặc thìn.

 du lịch Điện Biên

Khi lúa trên nương chín, trưởng dòng họ đi hái một nắm lúa đem về phơi khô rồi giã lấy gạo nấu một bát xôi làm lễ vật cúng chính.  Lễ vật bắt buộc phải có là một gói cơm mới (được lấy từ nương lúa của gia đình đem về phơi rồi đồ lên), hai con sóc, hai con cua, hai con cá.

Lễ cúng thường làm vào buổi chiều, sau khi cúng xong, các gia đình sẽ cùng nhau ăn mừng lúa mới.

Ngoài ra, còn rất nhiều những lễ hội hấp dẫn khác như: Lễ hội hoa ban, Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú, Lễ hội Hạn Khuống, Lễ hội ném còn,…

Nhà nghỉ, khách sạn giá tốt khi du lịch ở Điện Biên

Với kinh nghiệm du lịch Điện Biên, nhà nghỉ ở đây có nhưng không nhiều nếu bạn muốn một nơi nghỉ ngơi tốt thì hãy đặt phòng trước để tránh tình trạng tới nơi không còn phòng nữa.

Dưới đây là một số nhà nghỉ, khách sạn ở Điện Biên, các bạn có thể tham khảo:

Khách sạn Mường Thanh

  • Địa chỉ: số 514 Him Lam, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
  • Giá thuê phòng từ 48 USD – 80 USD/đêm.
  • Điện thoại: 0215 3810 043

Khách sạn Ruby

  • Địa chỉ: 43 Nguyễn Chí Thanh, Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0215 3835 568
  • Giá thuê phòng từ 15 USD – 35 USD/đêm

Phuong Nam Hotel

  • Địa chỉ: Số nhà 211, Tổ 3 Phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0215 6256 256
  • Giá thuê phòng 16 USD – 44 USD/đêm

Hong Ky Boutique Hotel

  • Địa chỉ: 60 Hoàng Công Chất, Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Bi
  • Điện thoại: 091 225 91 79

Resort Him Lam

  • Địa chỉ: Tổ 6, Phường Him Lam, Phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0215 3811 666

Một số đặc sản nên thử khi đi du lịch Điện Biên

Chẩm chéo

Là một loại gia vị đặc trưng của người Tây Bắc được làm từ quả Mắc Khén. Mắc Khén là một loài cây thuộc họ hồi,quả mắc khén là những quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu. Nếu có dịp lên Tây Bắc, bạn hãy nhớ mua một ít về dùng hoặc làm quà nhé.

Cá nướng

Để làm món cá nướng, người đồng bào ở đây họ dùng các loại cá như cá chép, trôi, mè trắm, khoảng hơn 1kg được mổ ở dọc phía lưng. Các gia vị gồm mắc khén, ớt tươi nghiền nát, hành tươi, rau thơm, rau mùi thái nhỏ,… Trộn đều rồi nhồi vào bụng cá. Bên ngoài con cá, được xoa thêm một ít bộ giềng trước khi nướng.

Cá được nướng trên củi than rất là thơm ngon.

Bắp cải cuốn nhót xanh

Người miền xuôi ai cũng ấn tượng với nhót xanh chấm chẩm chéo cuốn bắp cải, rau mùi. Đây là món ăn đặc trưng của người Điện Biên. Nhót xanh được ngắt từ trên cây xuống, rửa sạch; bắp cải không già cũng không quá non, chọn vừa tầm; thêm một ít lá tỏi, mùi hoặc gừng thái lát.

Quan trọng nhất là nước chấm với tên gọi là chẩm chéo: một ít tỏi khô Tây Bắc, gừng, ớt, rau mùi, mắc khén, xả,… Tất cả đều giã nhuyễn, trộn vào chút nước mắm hoặc muối.

Lấy bắp cải cho nhót, gừng, mùi, lá tỏi vào cuốn rồi chấm với chẳm chéo tạo nên một hương vị đặc trưng Tây Bắc.

Xôi nếp nương

Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc, nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là nếp nương ở Điện Biên. Xôi nếp nương được nấu khá công phu. Gạo nếp phải được ngâm trong nhiều giờ, Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc. Xôi phải qua hai lần đồ mới dẻo, thơm và ngon.

Người ta thường dùng xôi nếp nương chung với cá nướng, thịt lợn nướng.

Măng đắng

Măng đắng là một đặc sản của núi rừng Điện Biên. Măng đắng được chế biến thành nhiều món khác nhau như xào, luộc, nướng, hầm xương. Hay đơn giản chỉ là món măng luộc chấm với chẩm chéo cũng đã khiến biết bao người mê mẩn.

Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị hơi đăng đắng của măng, vị cay của tỏi, ớt, mắc khén, vị thơm của rau mùi, tất cả tạo nên một ẩm thực đặc biệt của người Tây Bắc.

Rau hoa ban

Rau hoa bạn là món ăn truyền thống của người Thái ở Tây Bắc. Người Thái ở đây thường sử dụng hoa và ngọn búp còn non của cây ban để chế biến thành những món ăn như hoa ban xào thịt lợn rừng, nộm hoa ban củ riềng, hoa ban nộm vừng…

Gạo tám Điện Biên

Gạo tám Mường Thanh đã trở thành một đặc sản của người Điện Biên. Người ta vẫn thắc mắc rằng có phải do rừng, do đất, do nước sông Nậm ngấm vào mà giống lúa nào gieo xuống cũng trở thành hạt gạo trắng tròn, thơm dẻo, đậm đà khác thường.

Gạo tám vừa thơm vừa dẻo nên đồng bào thường dùng nấu cơm lam hay làm khẩu cắm (như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng), khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp).

Hy vọng, với bài “Kinh nghiệm du lịch Điện Biên” chi tiết nhất 2019 sẽ giúp ích trong hành trình khám phá Điện Biên của các bạn. Chúc các bạn có một chuyến đi thuận lợi và có nhiều ảnh đẹp mang về nhé.

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here