Bạn có biết có một “Vịnh Hạ Long trên cạn” mang tên khu du lịch Tam Chúc đang hot rần rần trên cộng đồng mạng những ngày gần đây hay chưa?
Vậy thì xách balo lên và đi luôn nhé vì ngày 16/2 (tức ngày 12 Âm lịch), Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức lễ khai hội chùa Tam Chúc tại chùa tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam.
Cùng Nếm TV tìm hiểu về địa điểm này làm hành trang cho mình trước khi lên đường thôi nào các bạn ơi!
Nội Dung Chính
Khu du lịch Tam Chúc – Bức tranh cảnh tiên “Vịnh Hạ Long trên cạn”
Quần thể khu du lịch Tam Chúc tọa lạc trên mảnh đất Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam. Tuy hiện tại quá trình xây dựng vẫn chưa hoàn thiện nhưng vẫn thu hút rất đông du khách tìm đến tham quan và vãn cảnh chùa.
Từ trên cao nhìn xuống, bạn có thể thu vào tầm mắt một bức tranh sơn thủy hữu tình nơi mảnh đất đắc địa có sự kết hợp giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi và hồ nước.
Đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng.
Nơi đây còn được rất nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi ở thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ. Bởi thế, Tam Chúc được ví như “Vịnh Hạ Long” trên cạn.
Chùa Tam Chúc – điểm thu hút khách du lịch bậc nhất trong quần thể
Chùa Tam Chúc là một trong những công trình toạ lạc trên diện tích gần 5.000ha của Khu Du lịch Tam Chúc, dựa vào núi hướng ra hồ nước được đánh giá là ngôi chùa rất đặc biệt, “tiền lục nhạc, hậu thất tinh”.
Mặt trước chùa Tam Chúc là hồ nước ngọt tự nhiên, nằm trong số những hồ nước tự nhiên rộng nhất nước ta, với dãy núi đá vôi bao bọc quanh khu hồ. Giữa lòng hồ thấp thoáng 6 quả núi nhỏ nhô lên, tạo thành những hình thế kỳ vĩ.
Dân gian lưu truyền sự tích 6 quả núi gọi là lục nhạc, địa thế đẹp của một vùng địa linh sơn thủy hữu tình, có núi có hồ. Mặt sau, hậu thất tinh nghĩa là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về ban đêm.
Một điều đặc biệt nữa, Chùa Tam Chúc được xây dựng với hàng nghìn bức tranh bằng đá được ghép tỉ mỉ bởi đôi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công lành nghề.
12.000 bức tranh đá tại đây miêu tả các sự tích của Đức Phật được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam.
Trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Những ngôi điện, các pho tượng Phật tại chùa Tam Chúc có diện tích và kích thước rất lớn.
Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc.
Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh ở độ cao 468m với 299 bậc lên xuống là tâm điểm thu hút du khách trong thời điểm này.
Chùa Ngọc được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau thành một khối nặng 2.000 tấn do các nghệ nhân Ấn Độ thực hiện. Đây được coi là kiệt tác về kiến trúc đá.
Xem video Nếm lang thanh tại chùa Tam Chúc nhé!
Hội chùa Tam Chúc 2019 có gì?
Chùa Tam Chúc cách chùa Bái Đính 30km và cách chùa Hương 4,5km tạo thành một quần thể ”Tam giác vàng” du lịch tâm linh, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách thập phương đến từ khắp mọi nơi.
Các hoạt động diễn ra trong lễ hội
Lễ hội chùa Tam Chúc được phục dựng lại cách đây 1000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối di sản: Chùa Vàng – Tràng An – Cố đô Hoa Lư – Chùa Bái Đính – Vân Long (Ninh Bình) – Chùa Đồng Tâm (Hòa Bình) – Chùa Tam Chúc (Hà Nam) – Chùa Hương Sơn – Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Sau chương trình văn nghệ chào mừng, Lễ hội Chùa Tam Chúc xuân Kỷ Hợi sẽ tổ chức nghi lễ Niệm Phật cầu gia hộ, nghe phát biểu khai mạc Lễ hội của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch thường trực Hội Phật Giáo Việt Nam, trụ trì chùa Tam Chúc.
Tiếp đó sẽ tới nghi lễ thỉnh chuông, đánh trống khai hội, tổ chức lễ dâng hương cầu Quốc thái dân an, tổ chức lễ rước nước ở hồ Tam Chúc, rước chuông bình an, rước nước lên chùa Ngọc và tổ chức tiệc chay cho các Phật tử góp mặt.
Đây là sự kiện mở đầu cho Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc (Vesak) 2019 sắp diễn ra vào tháng 5 tại Chùa Tam Chúc.
Cơ hội để du khách chiêm ngưỡng Bồ đề hơn 2 nghìn năm tuổi
Không chỉ được xây dựng nơi non nước hữu tình, Chùa Tam Chúc còn đang trồng cây bồ đề có tuổi thọ lớn nhất thế giới do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Việt Nam.
Cây bồ đề này được chiết ra từ “Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi), ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Báu vật của quốc đảo này hiện là cây có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay.
Cảnh sắc tuyệt vời để lưu giữ khoảnh khắc tại chốn linh thiêng
Khi đến với lễ hội khu du lịch Tam Chúc, bạn không chỉ được tìm về với chốn yên bình của miền đất Phật mà còn được tận hưởng cảnh sắc giữa chốn thủy mặc phong cảnh hữu tình.
Bạn có thể tận dụng chuyến hành hương này để ghi lại cho mình những tấm hình đẹp nhất ngày đầu xuân năm mới.
Quần thể khu du lịch Tam Chúc, Ba Sao thực sự là một điểm đến tâm linh mới lạ và hấp dẫn, bởi nơi đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi với vẻ hùng vĩ của thiên nhiên bao la đất trời.
Hãy lên ngay kế hoạch cho mình và có một chuyến du xuân về khu du lịch Tam Chúc để hòa mình vào lễ hội mùa xuân 2019 các bạn nhé!