Khu du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc từ lâu nay đã trở thành một trong những di tích nổi danh của nước ta nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Giữ một vai trò quan trọng làm nên bao chiến công hiển hách của dân tộc, nơi đây không chỉ đẹp về cảnh vật như cõi tiên giữa trần thế, mà còn mang trong mình một bề dày lịch sử được biết bao nhà thơ, thi sĩ lấy cảm hứng với nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Khí thiêng sông núi vút trời cao
Suối lượn bao quanh nước ngập sào
Kiếp Bạc non xanh phô ánh nắng
Côn Sơn suối mát chiếu ngàn sao
Ức Trai vang tiếng Bình Ngô cáo
Hưng Đạo lừng danh Sát Thát đao
Di tích hào hùng còn sống mãi
Mặc cho gió dữ với mưa rào

CÔN SƠN KIẾP BẠC Ở ĐÂU?

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 80km, cụm di tích nổi tiếng này ngày nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Nơi hội tụ của quần thể di tích nổi tiếng khắp cả nước, thu hút đông đảo du khách tham quan mỗi năm, đặc biệt nhất là vào mùa xuân – mùa của lễ hội tưởng nhớ về công ơn của những bậc anh hùng đã có công dựng nước, mang đến nền hòa bình dân tộc.

Sẽ chẳng khó khăn gì nếu bạn muốn tham quan cả 2 khu di tích này trong một ngày về Hải Dương, với một vị trí khá gần Hà Nội, du khách có nhiều lựa chọn để ghé thăm nơi này.

DI CHUYỂN BẰNG PHƯƠNG TIỆN NÀO?

Thông thường mọi người sẽ chọn hình thức phù hợp nhất với mình để tiện lợi cho việc di chuyển tới khu di tích. Tới đây, để tham quan được trọn vẹn cả 2 nơi thì mọi người nên có một lịch trình hợp lý cho chuyến đi của mình.

Về phương tiện đi lại, những chuyến xe khách tại bến xe Mỹ Đình với các hãng xe như Kumho Việt Thanh, Đức Phúc, Kalong đều có chuyến đi qua Hải Dương, khi lên xe bạn nhớ dặn nhà xe cho xuống ở ngã ba Sao Đỏ. Từ ngã ba Sao Đỏ, bạn đi xe ôm hoặc xe taxi ra Côn Sơn.

Với những bạn đi phương tiện riêng (ô tô, xe máy) thì có thể tham khảo những cung đường gần nhất để tới khu du lịch Côn Sơn.

DU LỊCH CÔN SƠN KIẾP BẠC

Nổi danh đã lâu với vẻ đẹp hiếm có mà tạo hóa ban tặng, cùng đó lại thêm phần uy nghi của những đền thờ, chùa chiền. Du khách tới đây sẽ không khỏi tò mò mà muốn nhanh chóng khám phá những điều kì thú tại đây.

Côn Sơn Kiếp Bạc - hải dương

Như một bài ca đi cùng năm tháng, qua những câu thơ, bài văn mà nhiều bậc thi sĩ nổi tiếng từ thời xa xưa đã hết lời ngợi khen, núi Côn Sơn với tiếng suối róc rách chảy rì rầm, đền Kiếp Bạc linh thiêng cùng bao vị anh hùng của dân tộc Việt.

“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như như ngồi chiếu êm…”

CHÙA CÔN SƠN

Chùa Côn Sơn được xây dựng vào thế kỷ XIII, với 83 gian nhà, cùng 385 pho tượng sinh động và tinh xảo. Trải qua hàng nghìn năm tuổi, hiện diện như một phần không thể thiếu của đất nước, nhưng mấy ai đã hiểu hết về ý nghĩa còn ẩn sâu trong đó.

Với tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, nghĩa là trời ban cho phước lành. Xưa kia, chùa nằm ở dưới chân núi Côn Sơn, hay gọi là Kỳ Lân (núi Hun).

Tương truyền nơi đây ngày trước đã từng là nơi diễn ra trận hỏa công hun giặc, dẹp loạn 12 xứ quân của tướng Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X nên nhân gian vẫn thường gọi là chùa Hun.

Côn Sơn Kiếp Bạc - chùa côn sơn

Nếu như Kiếp Bạc là một trong những trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần lừng danh của Việt Nam thì tới Côn Sơn cùng bề dày lịch sử với những trung tâm Phật Giáo thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông xây dựng từ thế kỉ XIV.

Cùng với những địa danh nổi tiếng về thiền phái Trúc Lâm như chùa Yên Tử, Thanh Mai, Quỳnh Lâm thì nay Côn Sơn lại càng nổi bật hơn cả với kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3m.

Côn Sơn Kiếp Bạc - cổ kính

Ở đây hội tụ đầy đủ nền văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo cùng tồn tại và phát triển trong suốt những thế kỷ qua. Tất cả vẫn còn sót lại qua từng bia đá, tượng Phật, hoành phi, câu đối,…. mà cho tới ngày nay nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc này vẫn được nhân dân ta gìn giữ và bảo tồn.

Hiện nay chùa gồm hồ bán nguyệt, tam quan, sân trước, tiền đường (5 gian, 2 trái), thiêu hương (3 gian), thượng điện (3 gian), nhà Tổ, điện Mẫu, vườn tháp, nhà bia,…..

Côn Sơn Kiếp Bạc - lễ hội

Đặc biệt vào mỗi dịp lễ hội mùa xuân và mùa thu, nơi đây lại càng đông đúc hơn bởi những du khách thập phương về đây tham quan, du lịch tưởng nhớ về những vị anh hùng của dân tộc, tổ tiên.

Giếng Ngọc

Nằm ngay dưới sườn núi Côn Sơn, tương truyền giếng là nơi mà Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý.

Côn Sơn Kiếp Bạc - giếng ngọc

Như một báu vật được tạo hóa ban tặng, nước giếng trong vắt và xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Từ đó dân gian vẫn hay gọi giếng với cái tên thân thương là “Giếng Ngọc”.

Suối Côn Sơn

Một địa danh không thể thiếu trong những bài thơ của cụ Nguyễn Trãi, nơi đây thu hút du khách với vẻ đẹp nhẹ nhàng, hoang sơ mà chẳng kém phần thơ mộng.

Côn Sơn Kiếp Bạc - suối côn sơn

Bắt nguồn từ 2 dãy núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc, con suối nhỏ với dòng nước chảy rì rầm như chính cuộc sống nơi đây vậy, thanh tịnh mà yên bình.

Bàn Cờ Tiên

Từ chùa Côn Sơn, du khách leo khoảng 600 bậc lên trên đỉnh núi Côn Sơn hiện ra trước mắt là một khoảng đất rộng, với phiến đá nằm giữa được gọi là bàn cờ tiên. Ở một vị trí cao nhất trên đỉnh núi, các bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố dưới một góc cạnh khác.

Hồ Côn Sơn

Sẽ chẳng thể bỏ lỡ Hồ Côn Sơn với dòng nước xanh ngắt bốn mùa, rộng mênh mông bao tưởng chừng như bao trọn cả ngôi chùa. Nơi sơn thủy hữu tình, mỗi mùa hội về nơi đây lại diễn ra nhiều hoạt động như đua thuyền, câu cá,…. thu hút nhiều du khách.

Ngoài ra, khi tới đây du khách còn được tham quan thêm những nét cổ kính của đền thờ Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán với một nền kiến trúc cổ từ mái vòm đến những bức hoành phi, câu đối từ thời xa xưa.

ĐỀN KIẾP BẠC

Một tên ghép giữa 2 làng Kiếp và làng Bạc hay còn gọi là Vạn Yên và Dược Sơn thời ấy, nơi đây nổi tiếng với thung lũng rộng, trù phú được bao bọc bởi những dãy núi cao. Xưa kia, nơi đây là một căn cứ quan trọng, nơi đóng quân của Trần Hưng Đạo.

Côn Sơn Kiếp Bạc - đền kiếp bạc

Ngay này, đền Kiếp Bạc là nơi thờ cúng người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến của Ngài. Đền được xây dựng ở khu trung tâm thung lũng Kiếp Bạc từ đầu thế kỷ XV.

Sinh Từ

Nhắm tưởng nhớ công ơn lớn lao của Ngài, dưới thời vua Trần đã cho xây dựng đền khi Ngài còn sống, cho tới ngày nay qua những năm tháng chiến tranh, bị tàn phá vẫn lưu giữ lại những nét đẹp vốn có của nơi đây.

Côn Sơn Kiếp Bạc - tượng Trần Hưng Đạo

Hang Tiền

Là nơi cất giấu ngân khố của phủ đệ Trần Hưng Đạo nhằm phục vụ cho thời kháng chiến, hang nằm dưới chân núi Bắc Đẩu, cách Kiếp Bạc 500m.

Đền Kiếp Bạc cùng hai ngôi đền trên ngọc núi Nam Tào – Bắc Đẩu như một tiên cảnh giữa chốn hạ giới. Tại nơi uy nghi nhất, trang trọng nhất tượng đài Trần Quốc Tuấn được đặt tại đền Kiếp Bạc, mỗi năm vào dịp ngày giỗ của Đại Vương cũng là ngày mà lễ hội được mở ra.

Du khách khắp nơi trên cả nước về đây trẩy hội, thắp nhanh tưởng nhớ về Ngài vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hằng năm. Như một tục lệ của người dân Hải Dương, mỗi mùa lễ hội lại diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc cùng nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo du khách tới đây.

Côn Sơn – Kiếp Bạc quần thể di tích tâm linh tồn tại vĩnh hằng cùng đất nước.

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here