Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam – Hành trình tìm về quá khứ dân tộc

0
438

Bảo tàng lịch sử Việt Nam được xem như “một cuốn sử sống giữa lòng Hà Nội” để minh chứng cho quá khứ vẻ vang của cả dân tộc.

Nếu bỏ qua cơ hội khám phá nơi đây, bạn sẽ không thể biết được những điều tồn tại trong quá khứ là những hồi ức tuyệt vời đến thế nào. Hãy cùng khám phá về địa điểm tưởng như “khô khan” nhưng lại cực kỳ thú vị này ngay bây giờ nhé!

Lịch sử hình thành và địa chỉ Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Trong hệ thống các Bảo tàng quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập sớm nhất trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finotdo trường Viễn Đông Bác Cổ. Bảo tàng do người Pháp xây dựng và được thành lập ngày 3 tháng 9 năm 1958.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam cổng vào
Cổng vào Bảo tàng lịch sử Việt Nam

“Cuốn sử sống giữ lòng Hà Nội” này nằm ở số 1 ngay góc đường Tràng Tiền, Phạm Ngũ Lão. Với diện tích khoảng trên 4000mđể trưng bày hơn 10.000 hiện vật ở khu trưng bày chính, cùng với phần trưng bày ngoài trời, nơi đây ngày đêm lưu giữ những trang lịch sử dân tộc qua hình ảnh các hiện vật xưa cũ.

Chi phí vào tham quan bảo tàng: 30.000VNĐ cho một vé (Nếu có thẻ học sinh/sinh viên giá vé là 15.000VNĐ)

Chú ý: Vào ngày Thứ Hai đầu tiên hàng tháng, bảo tàng không mở cửa.

Kiến trúc và thiết kế khuôn viên bảo tàng lịch sử Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam bao gồm 2 khuôn viên đối diện song song nhau là khu A tọa lạc tại số 1 phố Tràng Tiền và khu B nằm trên số 25 phố Tông Đản.

Hình ảnh khu A nổi bật ngay đầu phố Tràng Tiền với mặt tiền màu cam kết hợp kiến trúc cột – vòm điển hình kiểu Pháp với mái cong và tháp hình lục giác thường thấy ở chùa chiền Trung Quốc. Cả nội thất và ngoại thất của tòa nhà đều được trang trí bằng tượng thần của các vương quốc Khơ-me và Chăm-pa.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam Hà Nội
Hình ảnh Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Những ký ức hiện hữu bên trong những hiện vật tại bảo tàng

Bước vào bên trong khu A bảo tàng mở ra trước mắt du khách một không gian rộng và đầy chiều sâu.

Bên trong Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Bên trong Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng theo nguyên tắc trưng bày niên biểu, biểu đạt chính qua sự phong phú của sưu tập hiện vật, cùng với đó là sự kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn và sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, tạo cho người xem cái nhìn tổng thể về lịch sử Việt Nam.

Trong không gian trưng bày tầng 1 là hệ thống các hiện vật chủ đề Việt Nam thời Tiền sử (cách đây 30 -40 vạn năm) và Việt Nam từ thời dựng nước đến triều Trần.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam 04
Những bức tượng mô tả con người qua nhiều giai đoạn
Bảo tàng lịch sử Việt Nam tiền cổ
Những đồng tiền đầu tiên của Việt Nam

Người tham quan bảo tàng sẽ đặc biệt bị thu hút bởi hình ảnh 7 chiếc trống đồng: trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Nông Cống, trống đồng Thành Vinh… xếp quanh một cột trụ lớn có khắc hình chim hạc và người Việt cổ, những biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Việt Nam.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam trống đồng
Hình ảnh trống đồng ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Tại không gian trưng bày tầng 2 trưng bày mô hình rùa đội bia đá, quan sát sang 2 bên du khách sẽ thấy chân dung danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng những cuốn sách cổ được xếp vuông vắn ngay tại vị trí trung tâm.

Đi từ bên phải vào, có một khoảng không ở giữa cho du khách tham quan dọc 2 bên không gian trưng bày Tại đây người xem có thể ngược dòng thời gian, hình dung lại toàn bộ quá trình lịch sử Việt Nam dưới thời nhà Hồ, triều Lê sơ – Mạc – Lê Trung Hưng, triều đại Tây Sơn, đến triều Nguyễn.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam có gì
Bên trong Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Cũng tại tầng 2 của khu A bảo tàng còn có 2 phòng trưng bày chuyên đề cố định: điêu khắc nghệ thuật đá Chămpa và văn hóa Óc eo – Phù Nam.

Một điều cũng khá mới lạ và đặc sắc khi bộ sưu tập đá Chămpa được trình bày trong không gian mở ngay tại hàng lang tầng 2 phòng bát giác nhìn xuống dưới tiền sảnh bảo tàng. Qua từng niên đại trải dài từ thế kỷ thứ 7 đến 13, với hơn 50 tiêu bản được sưu tầm từ các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định,… bộ sưu tập thu hút rất nhiều người đến quan sát và tìm hiểu.

Đá Chăm ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Nghệ thuật điêu khắc Chăm ở bảo tàng lịch sử Việt Nam

Song song với đó, tại khu B Bảo tàng ở phố Tông Đản, du khách sẽ đi thăm từ tầng 2 sau đó mới đến tầng 1. Không gian nơi đây bao gồm 29 gian phòng nhỏ, là nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật, tranh ảnh của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ năm 1858 – 1945 và giai đoạn đất nước ta trải qua 30 năm kháng chiến, bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước (1945 – 1975).

Khu B Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Bên trong khu B Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Tưởng như tham quan bảo tàng là một điều gì đó khô khan và kém phần thú vị, nhưng biết đâu sẽ cảm nhận được những điều khác biệt và thay đổi suy nghĩ của mình?

Từng bước chân bước đi bên cạnh những trang lịch sử dân tộc, tận mắt mình chứng kiến và tìm hiểu về cội nguồn của mình là một cách để chúng ta yêu và trân trọng hơn những gì đang có ở hiện tại. Đến với bảo tàng lịch sử Việt Nam không chỉ là một cách để trau dồi kiến thức lịch sử cho bản thân mà qua đó, bạn sẽ có một chuyến đi chơi cuối tuần vui vẻ và bổ ích.

Ngoài ra, Nếm TV cũng cấp thêm thông tin cho bạn là chỉ với 15.000VNĐ, bạn có thể được phép chụp ảnh trong bảo tàng. Hãy cố gắng lưu lại thật nhiều tấm hình và chia sẻ cùng Nếm nha. Chúc các bạn có một chuyến tham quan vui vẻ và nhiều niềm vui!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here