Ngày nay các khu du lịch “tâm linh” ngày càng được biết đến rộng rãi và chắc hẳn người ta không thể không nhắc đến chùa Hương Hà NộiĐến với một mảnh đất linh thiêng để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn đồng thời có cơ hội hòa mình với tự nhiên non nước hữu tình là một trải nghiệm độc đáo và mới lạ.

Chùa Hương Hà Nội (chùa Hương Tích) là một quần thể văn hóa-tôn giáo lâu đời của Việt Nam ngụ tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Ngôi chùa linh thiêng này không chỉ là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt mà còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thiên tạo – nơi lưu lại dấu tích văn hóa của nhiều giai đoạn lịch sử.

Phương tiện di chuyển đến chùa Hương Hà Nội

Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 65km, các bạn có thể lựa chọn cho mình các phương tiện di chuyển như xe máy, xe bus hoặc ô tô,..

Di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân

Đây là hình thức vô cùng tuyệt vời để có thể chiêm ngưỡng hết được những nét đẹp của chùa Hương. Bạn chỉ cần đi theo đường Nguyễn Trãi xuống khu vực Hà Đông, tới ngã ba Ba La thì rẽ trái sang Vân Đình, khoảng 40km nữa đến Tế Tiêu thì rẽ trái là tới địa phận chùa Hương.

Nếu lựa chọn ô tô cá nhân làm phương tiện di chuyển, bạn có thể đi theo Quốc lộ 1A(Pháp Vân – Cầu Giẽ). Tới nút giao Đồng Văn, rẽ phải vào Quốc lộ 38, đi thêm 15km hướng chợ Dầu là đến chùa Hương.

Di chuyển bằng xe bus

Điểm đón xe bus chùa Hương có 3 bến: Yên Nghĩa – Hà Đông, bến xe Mỹ Đình và bến Giáp Bát. Bạn có thể chọn bến gần nhất để tiện di chuyển.

Bản đồ đi chùa Hương

Quần thể chùa gồm có 4 tuyến thắng cảnh bao gồm: Hương Tích, Thanh Sơn, Long Vân và Tuyết Sơn. Hương Tích chính là tuyến mà mọi người ghé qua nhiều nhất và vì tổng quan chùa rất rộng nên một ngày là không thể cho việc khám phá hết chốn linh thiêng này.

Nếu đi trong ngày bạn có thể lựa chọn tuyến Hương Tích, còn nếu có điều kiện về thời gian bạn có thể đi thêm các tuyến còn lại.

bản đồ du lịch chùa Hương
Bản đồ toàn khu di tích chùa Hương
toàn cảnh chùa Hương Hà Nội
Chùa Hương Hà Nội nhìn từ trên cao

Xuyên suốt hành trình tuyến Hương Tích, đầu tiên bạn sẽ mất 1 tiếng ngồi đò tới bến Trình, sau đó đi bộ tới chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Trần Song, động Hương Tích và chùa Hinh Bồng.

đi đò chùa Hương Hà Nội
Hình ảnh du khách ngồi đò tới Bến Trình

Nếu không lựa chọn leo bộ từ chùa Thiên Trù đến động Hương Tích bạn có thể lựa chọn đi cáp treo.

Đi cáp treo chùa Hương Hà Nội
Di chuyển bằng cáp treo từ chùa Thiên Trù đến động Hương Tích

Ngoài ra bạn có thể liên hệ với các mối đò để có thể tham quan 3 tuyến còn lại trong điều kiện thời gian cho phép.

Chùa Hương Hà Nội – nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt

Cùng với lễ hội chùa Yên Tử ở Quảng Ninh, lễ hội chùa Bái Đính ở Ninh Bình,.. thì hằng năm, mỗi dịp tết đến xuân về lễ hội ở chùa Hương Hà Nội đón hàng triệu lượt khách về đây du xuân vãn cảnh chùa và dâng tấm lòng thành cầu cho người thân, gia đình một năm mới bình yên và hạnh phúc.

lễ hội đầu xuân ở chùa Hương Hà Nội
Lễ hội đầu xuân ở chùa Hương

Ngôi chùa này vốn dĩ rất nổi tiếng về độ linh thiêng và chính vì thế, du khách tới đây phần lớn để thư giãn tâm hồn, cầu bình an, nhân duyên, may mắn hay sự nghiệp, công danh và tài lộc.

Tuy nhiên, chùa Hương nổi tiếng nhất vẫn là cầu con, cầu tự, ai mong muốn có con đều đến đây dâng tỏ lòng mình.

Lễ hội chùa Hương Hà Nội được coi là lễ hội dài nhất nước ta, thông thường sẽ kéo dài từ mùng 6 tháng riêng cho đến hết tháng 3.

Trong những ngày này, khung cảnh sương khói nghi ngút quyện lẫn với hương vị tươi mới của mùa xuân và sự đông vui, tấp nập như trẩy hội mang đến một hình ảnh ồn ào, náo nhiệt.

hội chùa Hương đầu năm
Hình ảnh náo nhiệt người dân đi chùa đầu năm

Ngoài yếu tố tâm linh thì du khách thập phương có thể tìm hiểu và tham quan những kiến trúc và dấu tích văn hóa lịch sử lâu đời.

Đền Trình

Hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ là một ngôi đền cổ nằm bên dòng Yến Vĩ, dưới chân núi Ngũ Nhạc, cách bến đò Yến Vĩ 500m. Muốn đến được đền Trình du khách phải đi đò hơn 10 phút.

Theo truyền thuyết kể lại, đền Trình từ xưa là nơi thờ một thần tướng có công đánh đuổi giặc Ân phò vua Hùng Huy Vương.

Đền Trình chùa Hương
Đền Trình

Chùa Thiên Trù

Chùa Thiên Trù được xây dựng gồm 4 cấp: cấp thứ nhất có 1 cổng lớn đề dòng chữ Nam Thiên Môn, cấp thứ hai có một đỉnh to xây bằng gạch, cấp thứ ba là tam quan (gồm gác chuông, gác khánh và gác trống), cấp thứ tư là chùa chính với kiến trúc nguy nga tráng lệ.

Chùa Thiên Trù tại chùa Hương Hà Nội
Chùa Thiên Trù

Chùa Hương Hà Nội – Vẻ đẹp thiên tạo chốn linh thiêng

Vẻ đẹp của nơi đây tựa như một bức tranh thủy mặc, không chỉ là nơi để cầu tụng mà còn là địa điểm lý tưởng để bạn dành ra những phút giây thư giãn trong lòng mình.

Cái cảm giác ngồi trên thuyền xuôi theo dòng suối Yến xanh một màu như ngọc, nắng nhẹ, gió nhẹ, chim muông hót ca bên phía 2 bên triền núi đủ để khiến mỗi người quên đi mọi muộn phiền và lo âu trong lòng.

Bức tranh chùa Hương đẹp nhất có lẽ là đầu hạ hoặc mùa thu – thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10. Đó không còn là khung cảnh người người kéo nhau đi lễ chùa, đi dạo hội mà thay vào đó là bức tranh thiên nhiên yên tĩnh hữu tình và trầm mặc, điểm xuyết thêm vài chiếc thuyền lãng đãng trôi trên mặt nước, cảnh tượng thanh tịnh đến lạ kỳ.

suối Yến chùa Hương Hà Nội
Hình ảnh hùa Hương vào tầm tháng 9

Những cảm nhận về chùa Hương có thể nói là đẹp cả trong 4 mùa – đầu hạ hoa gạo đỏ rực một góc trời, thu về phủ dòng suối Yên một sắc tím bạt ngàn của hoa súng, mùa xuân thì hoa ban, hoa mận nở trắng khắp các triền núi.

hoa gạo chùa Hương Hà Nội
Hoa gạo đầu hạ tại chùa Hương
Hoa súng chùa Hương Hà Nội
Sắc tím của hoa súng ngày thu ở chùa Hương
suối Yến chùa Hương Hà Nôji các mùa
Một sớm mùa đông

Vẻ đẹp thiên tạo đầu tiên có lẽ phải kể đến suối Yến, con suối có nét đặc thù riêng ở một địa danh hấp dẫn, dòng suối Yến như tà áo dài của người phụ nữ Việt buông nhẹ giữa hai bên núi.

Hình ảnh suối Yến chùa Hương Hà Nội
Hình ảnh suối Yến đẹp nên thơ

Độ hè và thu đi đò trên suối Yến sẽ khiến người ta muốn ngồi lâu hơn nữa, để ôm trọn cảnh sắc vào trong tiềm thức.

Hoa súng, hoa lau đua nhau khoe sắc, lấp ló hai bên bờ những ngọn núi trùng điệp mà thiên nhiên ban tặng vô tình được con người đặt cho cái tên gọi: Núi Ngũ Nhạc, Núi Voi Phục, Núi Mâm Xôi,…

Động Hương Tích chùa Hương Hà Nội
Động Hương Tích cận cảnh mùa lễ hội

Ngoài ra, người ta cũng không quên nhắc đến động Hương Tích, đã từng được chúa Trịnh Sâm tôn vinh làm “Nam Thiên Đệ Nhất Động”.

Cửa động Hương Tích có lối Lên Trời, lối Xuống Âm Phủ. Nơi đây là điểm hội tụ nhiều cảnh đẹp của chùa Giải Oan, chùa Cửa Võng, am Phật Tích, động Tuyết Kình với chim ca, vượn hót, tiếng suối róc rách như bản hòa tấu muôn màu sắc và thanh âm của thiên nhiên.

Động Hương Tích chùa Hương Hà Nội
Không gian tĩnh lặng trong động Hương Tích những ngày thường

Trong động, nhũ đá có các hình thù đa dạng, những “dòng sữa mẹ” tinh khiết chảy giọt từ trên khe đá xuống hòa vào không gian tĩnh lặng mùa thu cũng là một trải nghiệm thú vị.

Tổng Kết và Lưu Ý

Như vậy với một vài chia sẻ về địa điểm du lịch “tâm linh” chùa Hương Hà Nội, Nếm TV mong muốn bạn có thể tìm về chùa Hương vào dịp đầu xuân năm mới đang cận kề hoặc trải nghiệm cho mình một chuyến đi nho nhỏ khi tiết trời chuyển hè hoặc thu.

Những trải nghiệm mới lạ chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng và các bạn có thể tham khảo các loại hình giá vé cũng như chuẩn bị cho mình những tư trang cần thiết như mũ, nón, giày thể thao, dép quai hậu để tiện di chuyển. Và vì là một địa điểm tâm linh nên bạn cũng nên chuẩn bị một ít đồ lễ và thành tâm cầu nguyện.

Nếm TV chúc bạn sẽ có một chuyến hành hương về Hương Sơn ý nghĩa, yên bình và khoan khoái hết mình nhé!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here