Làng cổ Đường Lâm là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn ngay gần Hà Nội, các bạn có thể đi lại trong ngày rất dễ dàng.
Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp lại đầy đủ thông tin về Làng cổ Đường Lâm, các bạn có thể tham khảo nhé!
Nội Dung Chính
Làng cổ Đường Lâm nằm ở đâu?
Đường Lâm là một xã thuộc Sơn Tây – Hà Nội, nằm bên bờ phía Nam sông Hồng, nằm cạnh quốc lộ 32. Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50km.
Có thể nói, về quy mô và giá trị nghệ thuật thì Làng cổ Đường Lâm khá nổi tiếng và chỉ đứng sau Phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội.
Cách đi đến Làng cổ Đường Lâm
Là một địa điểm gần Hà Nội nên bạn có thể chọn bất cứ loại hình phương tiện nào cũng được: xe máy, ô tô, xe buýt,..
Nếu đi bằng xe buýt, các bạn có thể tham khảo các tuyến buýt sau:
- Từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Sơn Tây các bạn đi xe bus tuyến số 71.
- Từ bến xe Kim Mã đến bến xe Sơn Tây, tuyến số 70.
- Từ bến xe Hà Đông đến bến xe Sơn Tây: tuyến số 77.
Sau đó bạn có thể đi bộ hoặc thuê xe ôm để và Làng cổ Đường Lâm
Nếu đi bằng ô tô, xe máy thì có 2 tuyến đường cho bạn lựa chọn:
- Xuất phát từ Hà Nội – theo Đại lộ Thăng Long rẽ phải ở ngã ba Hòa Lạc – đi qua Sơn Lộc theo đường 21 – tiếp tục đi theo bảng chỉ dẫn trên đường từ ngã tư đường 32.
- Hoặc các bạn đi theo đường 32 lên thị xã Sơn Tây – trên đường 21 có một ngã 4 giao nhau phía bên tay trái đường sẽ nhìn thấy cổng làng Cổ Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm có gì?
Đình làng Mông Phụ
Đình Mông Phụ là hình ảnh tiêu biểu cho lối kiến trúc cổ đặc sắc xưa của mái đình làng Việt. Trong nội thất của đình hiện còn bảo lưu được rất nhiều hiện vật quý báu có giá trị.
Đặc biệt là bức hoành phi với 4 chữ Hán: “Dũng cảm cả tưởng” do vua Thành Thái ban tặng cho làng sau trận săn bắt cướp.
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh
Nằm trong trung tâm của quần thể di tích Làng cổ Đường Lâm, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh đang trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhà thờ được xây dựng từ đời Tự Đức để thờ Thám hoa Giang Văn Minh (1573 – 1637), người được vua Lê Thần Tông cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông đã dũng cảm đối đáp để bảo vệ danh dự dân tộc trước sự xúc phạm của vua Minh.
Giếng cổ Đường Lâm
Giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi. Giếng thường rộng từ 3m-5m, sâu trên 10m. Mỗi cái giếng đều gắn với những giai thoại rất thú vị.
Ngày xưa cả làng dùng chung một cái gầu múc nước, các đôi trai gái hẹn hò với nhau qua một mối dây gầu. Người con trai thắt một nút trên sợi dây gầu, một mối dây gầu thắt lại thì đó là tín hiệu hẹn hò.
Đền thờ Phùng Hưng
Đền thờ Phùng Hưng nằm khép mình dưới những tán cây cổ thụ. Chưa biết rõ niên đại xây dựng ngôi đình, nhưng khi ghé thăm du khách đều ấn tượng bởi vẻ thanh tịnh với mái ngói rêu phong, trầm mặc theo thời gian.
Đền thờ Phùng Hưng có phần tiền đường và hậu cung, trong đó hậu cung có tạc tượng ngài uy nghiêm. Nét kiến trúc ở đền Phùng Hưng theo thời gian vẫn vẹn nguyên giá trị với những hoa văn tinh xảo được trang trí như: bờ nóc, đầu xà, điểm nối giữa các bộ vì, kèo, cột.
Đền thờ và Lăng Ngô Quyền
Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía đông. Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m. Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa 2 sườn đồi.
Đền được xây bằng gạch, lợp ngói mũi hài, có tường bao quanh. Đại Bái đền thờ là một nếp nhà 5 gian, bộ khung bằng gỗ, được thể hiện chủ yếu thiên về sự bền chắc, tôn nghiêm; gian giữa có treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán “Tiền vương bất vong” (Vua Ngô Quyền sống mãi).
Hiện nay, Đại Bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Hậu Cung là một ngôi nhà dọc 3 gian, bộ khung nhà bằng gỗ được trang trí hình rồng, hoa, lá… Gian giữa có đặt tượng thờ Ngô Quyền .
Lăng mộ Vua Ngô Quyền được xây kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5m. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá ghi bốn chữ Hán “Tiền Ngô Vương Lăng” (Lăng mộ Vua Ngô Quyền). Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền có 18 cây duối cổ – tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa đã được công nhận là “Cây di sản” cấp quốc gia.
Các ngôi nhà cổ
Những ngôi nhà ấy được xây dựng bằng các vật liệu đặc trưng của vùng Xứ Đoài xưa từ các loại gỗ quý như: đinh, lim, sến, táu,..đến các loại gỗ dân dụng như: xoan, mít, keo, tre, mía, vầu, luồng,.. gạch bát tràng , gạch chỉ, thẻ,…kèm theo là rơm, rạ, bùn non, mùn cưa, trấu, đất sét mịn.
Các nhà cổ thường được xây cất bằng gạch đá ong 1 loại vật liệu sẵn có, bền ở ngay trong lòng đất cổ, nó được khai thác đơn giản, dễ kiếm, chịu được khí hậu thay đổi (mưa, nắng) đá ong luôn đảm bảo không khí trong nhà mát về mùa Hạ, ấm áp về mùa Đông, thế nên ngôi làng cổ này còn được gọi với cái tên Làng cổ đá ong Đường Lâm.
Chùa Mía
Chùa Mía không rộng và đông đúc khách thập phương đến viếng như chùa Tây Phương, chùa Hương hay những ngôi chùa nổi tiếng khác. Ngôi chùa luôn mang một nét cổ kính, tĩnh mịch.
Đặc sản ở Làng cổ Đường Lâm
Tương làng Mông Phụ
Khi vào thăm những ngôi nhà “cổ đá ong” mộc mạc được kết cấu bởi vật liệu đặc trưng của xứ Đoài, khách du lịch sẽ những chum, hũ tương ở khắp mọi nơi trong và ngoài nhà.
Chum vại ủ tương là loại gốm sành của vùng Thổ Hà (Bắc Ninh), Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội), với dung tích vừa phải, khi dùng tay vỗ vào thành có tiếng kêu thanh, vang.
Nước để dùng ngâm tương được lấy từ giếng Giang, một cái giếng nằm ở gần nhà thờ cụ Thám hoa Giang Văn Minh. Gồm có tương gạo, tương gỗ, tương ngô các bạn có thể mua một ít để dùng hoặc làm quà khi đến đây.
Gà Mía
Trước kia đây là một món ăn quý, chỉ dùng để tiến vua hoặc dùng trong những dịp hội làng. Gà mía có chân nhỏ, lông vàng, khi luộc chín có màu trắng, da vàng và giòn. Các bạn hãy thử món ăn này khi đến làng cổ Đường Lâm nhé.
Kẹo dồi
Loại kẹo truyền thống được làm bằng các nguyên liệu hết sức dân dã như lạc, đường, mạch nha, vừng, bột gạo. Khi ăn kẹo dậy mùi thơm ngọt và vị bùi của vừng và lạc. Bạn nên mua một ít về làm quà nhé.
Thịt quay đòn
Làng cổ Đường Lâm còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn với hương vị khác biệt. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi.
Hy vọng, với những chia sẻ về “Làng cổ Đường Lâm” bạn sẽ có một chuyến đi vui vẻ và thuận lợi nhé.