Hội đền Đô là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và đã trở thành phong tục được nhân dân Đình Bảng lưu giữ như một nét đẹp sinh hoạt văn hóa không thể nào thiếu.

Hàng năm vào mỗi dịp hội diễn ra, du khách thập phương kéo về đây trẩy hội và hòa chung không khí linh thiêng của những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống.

Hội đền Đô 01
Du khách tấp nập trẩy hội đền Đô

Đền Đô ở đâu và thời gian diễn ra hội đền Đô

Đền Đô là ngôi đền được xây dựng tại phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh vào thế kỷ XI, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20km.

Hội đền Đô 02
Hình ảnh Thủy Đình tại đền Đô
Hội đền Đô 03
Chính điện đền Đô thờ vua Lý Thái Tổ

Trong những năm về trước cổ lệ tổ chức lễ hội đền Đô thường vào ngày 15-3 (âm lịch) và diễn ra trong 4 ngày 14,15,16,17/3. Những năm gần đây hội chỉ được gộp lại trong 3 ngày 14,15,16/3 và chính hội là ngày 15/3.

Lễ hội đền Đô mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, như thanh âm tiếng gọi cội nguồn đánh dấu ngày Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở cho một vương triều hưng thịnh, tạo nên một nền văn hoá Đại Việt rực rỡ.

Các nghi thức diễn ra trong hội đền Đô

Lễ khai hội

Lễ khai hội là một phần vô cùng quan trọng nên được chuẩn bị một cách vô cùng kỹ lưỡng và thực hiện nghiêm trang.

Trong nghi thức tế lễ có lễ “Túc Yết” tức nghi thức rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu Phạm Thịvới mục đích nhớ ơn người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ. Nghi thức này cũng có ý nghĩa là lễ báo hiếu, lễ rước Thánh Mẫu về dự đại lễ của con.

Hội đền Đô khai hội
Nghi thức rước Thánh Mẫu Phạm Thị ở Đền Đô

Hội chính và nghi thức Đại tế

Lễ rước Lý Bát Đế sẽ lên đường tới chùa Cổ Pháp vào ngàu 14/3 để đêm 14 tụng kinh nhà Phật và chuẩn bị mọi nghi thức để sáng 15 rước linh bài về đền Đô. Người ta có thể nhìn thấy khung cảnh “Tám cỗ kiệu trang hoàng lộng lẫy được rước từ đền Đô lên chùa Cổ Pháp để nghe tăng ni tụng kinh, rồi lại rước về chỗ. Đặc biệt kiệu của Lý Chiêu Hoàng không được rước, phải khiêng ra tọa trước điện thờ để bà nghênh đón kiệu của tám vua”.

Hội đền Đô múa rồng
Múa rồng ở hội đền Đô

Đại tế

Tế lễ là một hoạt động nhằm biểu hiện sự tôn kính và luôn luôn ghi nhớ đến công lao to lớn của các vị Vua Lý. Trong không khí linh thiêng ngay tại buổi tế lễ, đám tế thay mặt cho dân làng cầu an, cầu may mắn và ban niềm tin cho tất cả người dân để họ có thêm sức mạnh và ý chí vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Lễ hội đền Đô xưa kia thường được rước đủ tám kiệu, nhưng ngày qua ngày để giảm thiểu chi phí và đảm bảo sức khỏe nên ngày nay chỉ tổ chức rước hai kiệu có ý nghĩa tượng trưng.

Hội đền Đô đại tế
Đại tế tại hội đền Đô

Đám rước ngày chính hội thu hút hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến đền Ðô. Bước đi tiên phong gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố như phong cách ngày xưa, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ theo sau. Ngoài ra còn có thêm 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau được rước phía đầu rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Không chỉ vậy, sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng góp mặt, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.

Các hoạt động vui chơi tại hội đền Đô

Nếu phần lễ mang ý nghĩa tín ngưỡng thì phần hội là tổng hợp các hoạt động vui chơi phác họa đời sống văn hóa thường nhật của người dân. Có lẽ chỉ nhân những dịp này, người dân mới có điều kiện thể hiện bản thân mình và cùng nhau giao lưu, vui chơi các hoạt động dân gian.

Ở lễ hội đền Đô các hoạt động như đấu vật, chơi cờ người, hát quan họ, hội thơ, chơi đu, thả chim bồ câu, chơi chọi gà, thi nấu cơm niêu đất… diễn ra rất sôi nổi và vui vẻ.

Đấu vật là một trò chơi thượng võ phổ biến trong lễ hội. Hội thi vật thường khuấy động không khí của hội và thu hút sự chú ý của mọi người. Tiếng chiêng, trống, tiếng hò reo cổ vũ của mọi người rộn ràng cả một vùng thật sự rất đáng để bạn một lần hòa mình vào và cảm nhận.

Hội đền Đô đấu vật
Thi đấu vật tại đền Đô

Trong các lễ hội ở xứ Bắc, cờ tướng luôn là một trò chơi trí tuệ xuất hiện khá phổ biến.  đền Đô cũng không ngoại lệ và người ta gọi nó bằng cái tên đặc biệt là cờ người. Cờ người có gốc từ cờ tướng, thể thức trò chơi giống nhau nhưng khác nhau ở chỗ quân cờ do con người đóng, thay thế quân cờ gỗ, những người đóng làm quân cờ mặc quần áo, đội mũ, đi hia được may bằng vải đẹp. Các bậc lão nhân thường rất thích thú với cuộc đấu cờ. Cờ tướng trong lễ hội đền Đô có nhiều nét độc đáo vì không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, mà còn tôn vinh vẻ đẹp của trí tuệ của con người.

Hội đền Đô CỜ NGƯỜI
Cờ người tại hội đền Đô

Lễ hội Đền Đô là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục được nhân dân Đình Bảng lưu giữ thường niên, ăn sâu trong tiềm thức và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, lễ hội Đền Đô như tiếng gọi cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau hãy luôn biết trân trọng quá khứ và đời đời nhớ ơn công sức của các thế hệ đi trước.

Các bạn đã sẵn sàng cho ngày hội đền Đô sắp tới chưa nhỉ? Lên kế hoạch và đi ngay thôi nào!

© Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet (Google Image, Instagram, Facebook,…). Bản quyền những hình ảnh này thuộc về chính tác giả của bức ảnh. Xem chính sách bản quyền, TẠI ĐÂY!

Gửi phản hồi

Please enter your comment!
Please enter your name here