Được biết đến như một nét văn hóa trong lòng mỗi người dân Việt, du lịch làng lụa Vạn Phúc ngày càng thu hút đông đảo du khách gần xa.
Nhắc tới quê lụa thì có lẽ chẳng tìm được nơi nào có thể dệt những sợi tơ tằm một cách tinh sảo và đẹp mắt như quê lụa Hà Đông. Các bạn hãy cùng dành một ngày để cùng mình ghé thăm quê hương đất lụa có gì đặc biệt không nào?
Nội Dung Chính
KINH NGHIỆM ĐI LÀNG LỤA VẠN PHÚC
Làng Lụa Vạn Phúc hay mọi người vẫn thường gọi là làng lụa Hà Đông nằm ven con sông Nhuệ nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Một làng nghề truyền thống chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10km được xem như điểm đến du lịch của đông đảo các du khách gần xa khi tới Hà Nội.
Vốn đã được đi vào thơ ca, đôi khi còn qua những thước phim điện ảnh, lụa Vạn Phúc là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ thời xa xưa tới ngày nay.
Những nét cổ kính, truyền thống nơi đây dù qua bao tháng năm vẫn còn được lưu giữ lại như một biểu tượng cho làng quê. Cây đa cổ thụ, giếng nước và những phiên chợ chiều họp ở sân Đình.
Theo thời gian, làng lụa cũng đổi dần cùng năm tháng, chẳng còn là ngôi làng thưa thớt, cũ kĩ của những ngày xa xưa mà nay là một chiếc cổng chào to với dòng chữ “Làng Vạn Phúc” như thay mặt người dân nơi đây chào đón du khách tới tham quan.
Ấn tượng đầu tiên của mình khi tới đây là những hàng quán mọc lên san sát nhau, những mảnh lụa dài thướt tha được trưng bày trên khắp con phố. Dòng người qua lại tấp nập, người làm, người tham quan đâu đó lại là những người thợ buôn tới mua lụa.
Đặc biệt vào những ngày hội thì nơi đây quả là một thiên đường tuyệt cảnh. Cảm tưởng như mình đang được lạc sang một đất nước Trung Hoa cổ kính với những bộ phim truyền nói về lụa vậy.
Sẽ chẳng có gì khó khăn khi bạn muốn chọn một món quà cho bạn bè hay những người thân yêu của mình. Lụa Hà Đông vừa mịn màng, đường nét tinh xảo tới từng sợi dệt, hoa văn mang nét cổ xưa, truyền thông lại kết hợp với phong cách hiện đại. Tất cả như một tổng thể thống nhất được phối hợp hài hòa, đẹp mắt qua từng sản phẩm.
LỄ HỘI LÀNG LỤA VẠN PHÚC
Tuần lễ văn hóa – du lịch – thương mại của làng lụa nổi tiếng đất Hà Thành này là hoạt động tổ chức thường niên diễn ra từ ngày mùng 8/11 đến ngày 17/11 hằng năm.
Được triển khai thực hiện từ tháng 11/2018, tuần lễ diễn ra với thông điệp “Vạn Phúc – Sắc lụa nghìn năm” đã thu hút đông đảo du khách tham quan tới đây.
Lễ hội gồm 3 phần chính: phần lễ, phần hội và phần cuối là quảng bá làng nghề truyền thống. Phần lễ cùng chủ đề “Vạn Phúc dấu xưa” là phần mở màn cho hội, tiếp đó là tiệc rước tâm linh của những người dân quê lụa.
Hòa vào không khí lễ hội là một cảnh sắc trang trí vô cùng lộng lẫy của làng lụa Vạn Phúc, du khách tới đây như được lạc vào phố cổ Hội An với những chiếc ô đầy đủ sắc màu trên nền trời cao.
Một không gian trang trí vô cùng ấn tượng, không những được chiêm ngưỡng nét độc đáo từ làng nghề truyền thống mà du khách còn phần nào hiểu thêm về nền văn hóa nước ta.
Những tấm ảnh sống ảo tại lễ hội là phần không thể thiếu của du khách tới nơi đây, một không gian trang trí đặc sắc cùng với bức tranh khổ lớn được vẽ bởi các cô giáo mầm non trong làng. Tất cả những mô phỏng lại một làng quê cổ xưa với nghề dệt lụa truyền thống.
Sau màn khai hội thì tiếp đến là phần hội. Phần hội gồm những tiết mục văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian diễn ra xuyên suốt trong những ngày lễ hội, kết hợp cùng những món ẩm thực truyền thống, phố đồ cổ, … khiến lễ hội trở nên đông đúc và náo nhiệt hơn rất nhiều.
Nhiều làng nghề truyền thống đông đảo trên cả nước cũng được mời tới tham dự hội để giao lưu và quảng bá cho hình ảnh, nét đẹp truyền thống của quê lụa Hà Đông.
Đến với quê lụa, du khách được trải nghiệm quá trình dệt lụa của từ những bước đầu tiên. Từ những sợi tơ tằm được lấy từ đâu, rồi tiếp đó là quá trình lấy tơ, chọn tơ, hồ sợi, dệt,… tất cả các công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo của người dân quê lụa.
Không những đòi hỏi tay nghề cao mà để tạo nên một sản phẩm đặc sắc, thì những người thợ còn phải thật sáng tạo trong cách thêu hoa văn. Kết hợp từ những nét đẹp truyền thống mộc mạc giản dị nhưng đâu đó lại phần nào hiện đại, tinh tế.
Tiếp đến là đi tham quan những xưởng dệt từ lâu đời vẫn còn sót lại ở làng lụa cổ này, từ những khung tơ, khung cửi, máy dệt, … nét cổ kính còn lưu giữ trong thời hiện đại. Một thời kì mà có lẽ những thứ xưa cũ như vậy chẳng còn mấy nơi gìn giữ, thay vào đó là những chiếc máy móc hiện đại, tân tiến.
Như một hoạt động nhằm tôn vinh giá trị văn hóa Việt, tuần lễ văn hóa – du lịch – thương mại của Làng lụa Vạn Phúc phần nào giúp người dân Việt Nam cũng như những du khách quốc tế biết tới một nền văn hóa truyền thống của đất nước.
Mong rằng sau bài viết này, bạn sẽ có dịp một lần ghé thăm quê lụa Hà Đông để trải nghiệm những nét đẹp được lưu giữ ở nơi này mà chẳng thể nào diễn tả hết bằng lời được.