Hà Giang – Mảnh đất địa đầu của Tổ quốc với những cao nguyên đá mê hoặc lòng người, là địa điểm mà các bạn đam mê xê dịch vô cùng thích thú. Nhiều người còn nói vui rằng: “Ai chưa có người yêu, đi Hà Giang về sẽ có”.
Bài viết “Kinh nghiệm du lịch Hà Giang” từ A đến Z đã được NếmTV tổng hợp lại, hy vọng sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.
Nội Dung Chính
Giới thiệu về Hà Giang
Đặc điểm địa lý
Hà Giang là một tỉnh miền núi ở Đông Bắc của Việt Nam, có diện tích tự nhiên là 7.884,37 km2, cách Hà Nội khoảng 300 km.
- Phía đông giáp tỉnh Cao Bằng,
- Phía tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai,
- Phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang,
- Phía bắc giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).
Hà Giang có nhiều ngọn núi cao hùng vĩ, trong đó, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2.419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2.402m) là 2 đỉnh cao nhất.
Lịch sử hình thành
Xưa, đất Hà Giang thuộc bộ Tân Hưng là một trong 15 bộ lạc Văn Lang ở nước ta. Vào thời kỳ Minh thuộc (đầu thế kỷ 15), được gọi là huyện Bình Nguyên, năm 1473 đổi thành châu Bình Nguyên, sau đó lại đổi tên thành châu Vị Xuyên.
Cuối thế kỷ 17, tộc trưởng người Thái dâng đất cho Trung Hoa. Đến năm 1728, Trung Hoa trả lại cho Đại Việt một phần đất từ vùng mỏ Tụ Long đến sông Lô. Năm 1895, ranh giới đất Hà Giang được mặc định lại như trên bản đồ ngày nay.
Sau năm 1954, tỉnh Hà Giang có tỉnh lị là thị xã Hà Giang và 4 huyện: Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên. Ngày 15 tháng 12 năm 1962, chính quyền chia huyện Đồng Văn thành 3 huyện: Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc; chia huyện Vị Xuyên thành 2 huyện: Quản Bạ và Vị Xuyên.
Tháng 4/1976, tỉnh Hà Tuyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Tháng 12 tháng 8 năm 1991, tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngày 27 tháng 9 năm 2010, chuyển thị xã Hà Giang thành thành phố Hà Giang.
Du lịch Hà Giang vào thời gian nào?
Đối với mảnh đất Hà Giang, các bạn có thể đến bất cứ thời điểm nào trong năm. Mỗi một mùa, Hà Giang lại đốn tim du khách bởi những vẻ đẹp khác nhau. Các bạn có thể đi DU LỊCH HÀ GIANG vào những thời điểm sau:
- Tháng 1 – 2: Đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc ở Hà Giang như lễ hội mừng thọ của người Tày, lễ hội lồng tồng, lễ hội chọi trâu, lễ hội đấu ngựa,…
- Tháng 3: theo nhiều người thì đây là thời điểm đẹp nhất của Hà Giang với những cây hoa đào, hoa mận nở rực rỡ.
- Tháng 4: ở Hà Giang diễn lễ hội lớn, đó là chợ Tình Khâu Vai.
- Tháng 5 – 6: Đây là mùa nước đổ, các bạn có thể đến Hoàng Su Phù để chiêm ngưỡng những ruộng bậc thang đầy mê hoặc.
- Tháng 8 – 9: Mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang vàng óng ở Hoàng Su Phì, Xín Mần, các bạn như được lạc vào thế giới thần tiên nào đó, đắm chìm trong không gian bao la của những thửa ruộng trải dài tới chân trời.
- Tháng 10 – 11: Là mùa của hoa tam giác mạch – loài hoa nổi tiếng ở Hà Giang được trồng trên những sườn núi hay thung lũng tạo nên một bức tranh hữu tình, thơ mộng.
Du lịch Hà Giang – phương tiện di chuyển
Du lịch Hà Giang bằng xe máy
Nếu đủ sức khỏe, tự tin tay lái, thích khám phá, trải nghiệm, không ngại nắng, mưa thì có thể lựa chọn du lịch Hà Giang bằng xe máy.
Hà Giang cách Hà Nội khoảng 300 km, sẽ có hai cung đường để bạn lựa chọn để du lịch Hà Giang:
- Cung đường 1: Hà Nội – Cầu Nhật Tân – Quốc lộ 2 – Thị xã Phúc Yên – Tp Vĩnh Yên – Quốc lộ 2C – Tp Tuyên Quang – Thị trấn Việt Quang – Hà Giang (292km).
- Cung đường 2: Hà Nội – Quốc lộ 32 – Cầu Trung Hà – Thị xã Phú Thọ – Quốc lộ 2 – Tp Tuyên Quang – Thị trấn Việt Quang – Hà Giang (297km).
Du lịch Hà Giang bằng xe khách
Để tiết kiệm thời gian và thể lực, các bạn nên di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội lên Hà Giang bằng xe khách rồi sau đó thuê xe máy để di chuyển sẽ dễ dàng hơn.
Dưới đây là tổng hợp một số xe khách đi Hà Giang, các bạn có thể tham khảo cho chuyến du lịch Hà Giang:
Hưng Thành
- Lịch trình: Hà Nội – Tp Hà Giang
- Giờ xuất bến: Mỹ Đình 08h30 – 10h05 – 10h15 – 14h30 – 19h30; Gia Lâm 09h00 – 19h00
- Điện thoại: Hà Nội: 0988 287741; Hà Giang : 0989 416416
Cầu Mè
- Lịch trình: Hà Nội – Tp Hà Giang
- Giờ xuất bến: Hà Giang: 8h20 – 10h30 – 21h00; Mỹ Đình: 7h30 – 9h30 – 21h00
- Điện thoại: Hà Giang: 0946 445099 – 0912 848216 – 0948 773033; Mỹ Đình : 0946 445369 – 0983 823780 – 0946 509479
Ngọc Cường
- Lịch trình: Hà Nội – Tp Hà Giang
- Giờ xuất bến: Hà Nội 7h00 – 11h00 – 13h00 – 16h00 – 20h00 – 21h00; Hà Giang 7h00-8h00 – 11h30 – 16h00 – 20h30 – 21h00
- Địa chỉ: 419 Nguyễn Thái Học, phường Trần Phú, Tp. Hà Giang, tỉnh Hà Giang
- Điện thoại: 0904 366279 – 0936 788279 – 0982 295279 – 0913 366279
Hiền Hương
- Lịch trình: Hà Nội – Tp Hà Giang
- Điện thoại: 0972 423636
Bằng Phấn
- Lịch trình: Hà Nội – Tp Hà Giang
- Giờ xuất bến: Hà Nội 21h00; Hà Giang 21h00
- Điện thoại: 0219 3887867 – 0915 223171
Hải Vân
- Lịch trình: Hà Nội – Tp Hà Giang
- Giờ xuất bến: Hà Nội 21h00; Hà Giang 20h35
- Điện thoại: Hà Nội: 0944 962323 – 04 37222588; Hà Giang: 0946 692323
Thuê xe máy tại Hà Giang
Giang Sơn
- Dịch vụ: Có mũ bảo hiểm, bản đồ du lịch và cung cấp dây buộc đồ
- Địa chỉ: Km 3 Cầu Mè, Tp Hà Giang, tỉnh Hà Giang (ngay bến xe khách Hà Giang)
- Điện thoại: 094 171 9955 – 0988 470863
Hằng Thường
- Dịch vụ: Bản đồ du lịch, cho mượn đồ sửa xe, tặng 2 chai nước mỗi xe và cung cấp mũ bảo hiểm 1/2 và 3/4
- Địa chỉ: 15B Phạm Hồng Thái, Tổ 17, Phường Minh Khai, Tp Hà Giang, Hà Giang
- Điện thoại: 083 6399 888 – 0942 50 8448 (Mr Thường)
Hà Giang 1 hostel and motorbike rental
- Dịch vụ: Có mũ bảo hiểm, bản đồ du lịch, cho mượn đồ sửa xe, có sẵn áo mưa, cung cấp dây buộc đồ
- Địa chỉ: 54A Trần Phú, Tp Hà Giang (Cạnh ATM Ngân hàng Minh Khai)
- Điện thoại: 0366 166 968 – 0986 846 110 (Mr Tac).
Hồng Hào
- Dịch vụ: Có mũ bảo hiểm, bản đồ du lịch, cho mượn áo phản quang, giáp tay chân, mũ bảo hiểm 1/2 hoặc 3/4, tặng kèm 2 chai nước, tặng kèm 2 khẩu trang, dây buộc đồ
- Địa chỉ: 10 Phạm Hồng Thái, Tp Hà Giang, Hà Giang
- Điện thoại: 0915 842019 – 035 3982928
Thuê xe máy Hà Giang
- Địa chỉ: 237 Lý Tự Trọng, phường Trần Phú, Tp Hà Giang, Hà Giang
- Điện thoại: 0972 853818 – 0972 278991
Các địa điểm du lịch Hà Giang
Dưới đây là một số địa điểm du lịch Hà Giang, các bạn có thể tham khảo các địa đểm cho chuyến hành trình của mình.
Núi đôi Quản Bạ
Núi đôi Quản Bạ nằm ở thị trấn Tam Sơn huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang, trên quốc lộ 4C, cách thành phố Hà Giang 40 km.
Giữa những núi đá và ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp, mọc lên 2 quả núi trông như 2 quả đào tiên khiến cho khách du lịch không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hóa.
Núi đôi này gắn với câu chuyện truyền thuyết Núi Cô Tiên vô cùng thú vị.
“Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người Mông đẹp trai có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Có một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần, da trắng như tuyết, đôi môi như nụ đào xuân chúm chím, hai má ửng hồng như trái đào chín.
Một hôm nọ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi mà phải lòng chàng và đã trốn ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn. Lúc này Ngọc Hoàng đã phát hiện ra chuyện nàng bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ sai người đi bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin cho nàng được ở lại nuôi con nhưng không ai mủi lòng. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ cứ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường mà ngày nay vẫn gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên ở Tam Sơn, Quản Bạ.
Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như Đào, Mận, Lê, Hồng thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô luôn tươi tốt trở thành vùng đất trù phú. Con gái ở đây xinh đẹp có tiếng, hai má lúc nào cùng ửng hồng, mịn màng như trái đào tiên. Và nước mắt của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng, khảm trôi trên biển đá tai mèo phún sắc, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại”.
Rừng thông Yên Minh
Đi theo quốc lộ 4C từ Thành phố Hà Giang lên Đồng Văn, khi đi qua đèo Tam Sơn và thị trấn Quản Bạ, các bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một rừng thông đẹp như “Đà Lạt”.
Rừng thông Yên Minh được trải dài trên những ngọn đồi, khi bước vào bên trong, du khách sẽ cảm nhận được sự thoáng đãng mà khung cảnh ở đây mang lại. Đây là một địa điểm bạn nên ghé đến trong chuyến du lịch Hà Giang của mình.
Dốc Thẩm Mã
Dốc Thẩm Mã là một con đèo đẹp và nổi tiếng của các tỉnh miền núi phía Bắc. Con đèo nối thị trấn Yên Minh đến Phố Cáo với những khúc cua tay áo liên tiếp, hiểm trở.
Tuy nhiên, khi đã chinh phục được nó, đứng từ trên đỉnh dốc nhìn xuống sẽ thấy rất đẹp và cuốn hút. Con dốc này được rất nhiều các bạn trẻ muốn chinh phục, check – in để lưu giữ lại những hình ảnh đẹp đẽ của tuổi tuổi trẻ.
Dốc Thẩm Mã theo nghĩa đen là con dốc dùng để thẩm định sức của con ngựa. Tương truyền rằng, ngày xưa ở chính con dốc này, người ta cho ngựa đèo hàng từ dưới chân dốc lên đỉnh dốc.
Con ngựa nào lên đến đỉnh mà vẫn khỏe thì đó là con ngựa tốt, sẽ giữ lại để nuôi, con nào yếu thì sẽ được đem đi nấu thắng cố.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn là cao nguyên đá hiểm trở và hùng vĩ trải dài trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình là khoảng 1.400 – 1.600 m với diện tích 2356,8 m2. Khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của 25.000 nghìn người với 17 các dân tộc thiểu số khác nhau.
Cao nguyên đá Đồng Văn được đệ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào tháng 4 năm 2010. Đây là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam và thứ 2 của Đông Nam Á.
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm nằm ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Nơi đây có nhiều cảnh quan hoang sơ hùng vĩ với 63 hộ dân tộc Mông và Hán sinh sống lâu đời. Trong thôn có nhà dân tộc Mông truyền thống được xây dựng cách đây 80 năm đã trở thành bối cảnh chính của bộ phim nhựa “Chuyện của Pao”.
Năm 2006 bộ phim này đã đoạt giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006.
Nhà của Pao đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang. Ngôi nhà của ông Mua Súa Páo được đạo diễn Ngô Quang Hải chọn làm địa điểm quay phim nhựa “Chuyện của Pao”, chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thuỷ.
Dinh thự họ Vương
Dinh thự họ Vương nằm ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đây là dinh thự của vua Mèo được xây dựng vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm 1928.
Dinh thự vua Mèo có diện tích 3.000 m2, công trình này đã tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 150 tỷ đồng ngày nay.
Trước khi xây dựng, vua Mèo đã đi sang Trung Quốc để tìm thầy phong thủy sang Việt Nam. Sau khi đi qua 4 khu vực huyện, cuối cùng Vương Chính Đức và thầy quyết định chọn thôn Sà Phìn, địa thế đất nằm giữa thung lũng Sà Phìn.
Vương Chính Đức là người đứng đầu dòng họ Vương của người Mông ở Hà Giang. Ông giàu có là nhờ trồng, chế biến và buôn bán thuốc phiện với Trung Quốc, Myanmar. Ông đã thống lĩnh và xưng vương tại mảnh đất cao nguyên đá này.
Vua Mèo chịu ảnh hưởng của 3 nền kiến trúc: Trung Quốc, Pháp và Mông. Ngôi nhà có thành 4 nhà dọc, 6 nhà ngang chi thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh.
Đến du lịch Hà Giang, chắc chắn bạn không nên bỏ qua địa điểm tham quan, khám phá dinh thự và khu chợ phiên trước dinh nổi tiếng với “em gái bán lê” xinh đẹp.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú – Nơi địa đầu của Tổ quốc nằm ở đỉnh Lũng Cú, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển. Đây là một điểm nhỏ trên đường biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng với 839 bậc đá để cho du khách đi lên và xuống. Dưới chân cột cờ là nhà lưu niệm trưng bày các trang phục, dụng cụ lao động, sản phẩm văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Phố cổ nằm giữa thung lũng bốn bề cao nguyên đá với 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá.
Phố cổ được hình thành từ thế kỉ 20 mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo trên cao. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 “đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15, 16 (âm lịch).
Đèo Mã Pí Lèng
Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc, nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là con đèo hiểm trở, là một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc. Đèo Mã Pí Lèng dài 20 km, đỉnh đèo nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển. Để lên được đỉnh đèo, bạn sẽ phải vượt qua những đoạn dốc quanh co, uốn khúc ôm lấy những ngọn núi tai mèo kỳ vĩ.
Dưới chân đèo là vực sâu sông Nho Quế, một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là đường đi Săm Pun, nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Trung Quốc.
Đèo Mã Pí Lèng được nhiều người ví như “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam hay “Kim Tự Tháp” của người Mông cao nguyên Đồng Văn.
Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực đèo Mã Pì Lèng là danh lam thắng cảnh quốc gia.
Hẻm Tu Sản
Hẻm Tu Sản nằm trên sông Quế Nho, là một trong những hẻm sâu nhất Đông Nam Á. Hẻm Tu Sản nằm giữa Đồng Văn và Mèo Vạc, mang một vẻ đẹp nên thơ như dải lụa xanh ngọc bích uốn lượn giữa núi rừng Đông Bắc hiểm trở.
Để khám phá hẻm Tu Sản, các bạn có thể đi xe máy theo lối mòn chạy song song với dòng sông Nho Quế. Đường đi xuống hiểm trở, bạn phải thật vững tay lái mới có thể đi qua những đoạn dốc, hay những khúc cua tay áo.
Sau khi đến nơi, bạn sẽ thuê thuyền của người dân để ra được hẻm Tu Sản, bạn sẽ cảm nhận được vẻ hùng vĩ của thiên nhiên. Hai bên là vách đá dựng đứng, cao vút, nước sông xanh ngắt, chảy xiết.
Hẻm Tu Sản – Đệ nhất hùng quan đã góp phần tạo nên một cảnh quan hoành tráng của cao nguyên đá Đồng Văn.
Chợ tình Khâu Vai
Chợ tình Khâu Vai diễn ra tại Thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang từ ngày 25 đến hết 27/3 âm lịch.
Đây là chợ tình nổi tiếng của mảnh đất Cao nguyên đá của những đôi trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau. Họ đến đây để tìm lại bóng dáng người xưa, tìm về bên nhau để cùng tâm sự và chia sẻ với rất nhiều cung bậc cảm xúc.
“Chợ tình bắt nguồn từ câu chuyện của chàng Ba và nàng Út yêu nhau nhưng bị gia đình nàng Út ngăn cản vì gia cảnh và khác dân tộc. Chàng Ba gia cảnh nghèo khó là người dân tộc Nùng còn nàng Út là con tộc trưởng người dân tộc Giáy. Vì không được gia đình chấp nhận nên chàng Ba và nàng Út đã cùng nhau trốn lên núi Khau Vai sinh sống.
Sau đó, 2 gia đình chàng Ba và nàng Út đã xảy ra xô xát. Từ trên núi nhìn xuống thấy cảnh chém giết đẫm máu, thương cha, thương mẹ, thương dân bản vì tình yêu của hai người mà trở lên thù hằn nhau nên chàng và này đã chia tay nhau và trở về bản, hẹn kiếp sau sẽ nên duyên vợ chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27/3, người dân đã lấy ngày đấy để họp chợ.
Dù không đến được với nhau, nhưng 2 người đã cắt máu ăn thề, cứ đến ngày 27/3 là ngày họ sẽ lên Khau Vai hát cho nhau nghe, tâm sự với nhau những điều ấp ủ trong suốt 1 năm. Ngày cuối cùng trong cuộc đời họ, 2 người lại tìm đến với nhau, ôm chặt nhau và cùng đi vào cõi vĩnh hằng vào đúng ngày 27/3. Dân làng đã dựng miếu Ông và miếu Bà ngay chỗ 2 người họ mất để tưởng nhớ về mối tình trai gái đầy đau khổ”.
Chợ Khâu Vai mỗi năm chỉ họp một lần duy nhất, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Lưu trú khi du lịch Hà Giang
Đi du lịch Hà Giang, các bạn có thể chọn cho mình chỗ nghỉ ngơi phù hợp, có thể là nhà nghỉ, khách sạn hoặc homestay. Dưới đây là tổng hợp 9 homestay cực chất mà bạn nên thử khi đến du lịch Hà Giang nhé.
Dao Lodge
- Địa chỉ: Nặm Đăn – Quản Bạ – Hà Giang
- Điện thoại: 097 571 9605
- Giá trung bình: 250.000 – 300.000VNĐ/phòng
Homestay Hạ Thành
- Địa chỉ: Thôn Hạ Thành – Phương Do – Hà Giang
- Điện thoại: 1800 32 30
- Giá trung bình: 400.000- 450.000VNĐ/phòng
Auberge de MeoVac
- Địa chỉ: Thị trấn Mèo Vạc – Hà Giang
- Điện thoại: 0167 351 4399
- Giá trung bình: 230.000 – 300.000VNĐ/phòng
Homestay Bản Tha
- Địa chỉ: Bản Tha – Lũng Cú – Hà Giang
- Điện thoại: 0167 227 7655
- Giá trung bình: 150.000đ – 350.000VND/người
Homestay Bản Tùy
- Địa chỉ: Bản Tùy – Ngọc Đường – Hà Giang
- Điện thoại: 0912 849 915
- Giá trung bình: 350.000VND/ người
Kiki’s House
- Địa chỉ: 134B Lý Tự Trọng, thành phố Hà Giang
- Điện thoại: 098 890 39 90
- Giá trung bình: 200.000đ – 500.000VND/người
Thon Tha Tay Stilt House
- Địa chỉ: Phương Độ, tp. Hà Giang, tỉnh Hà Giang
- Giá trung bình: 500.000đ – 1.000.000VND/người
Thổ Homestay
- Địa chỉ: Bản Nà Ràng, xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang
- Giá trung bình: 80.000 – 150.000VND/người
10Am’s House Homestay
- Địa chỉ: 85 Minh Khai, tp. Hà Giang, Hà Giang
- Điện thoại: 0916040991
- Giá trung bình: 50.000đ – 120.000VND/người
Ăn gì khi du lịch Hà Giang?
Dưới đây là một số món ăn mà bạn không nên bỏ qua khi đi du lịch Hà Giang. Hãy nếm thử và cảm nhận nhé.
Thắng cố Đồng Văn
Thắng cố là món ăn truyền thống của đồng bào Mông. Thắng cố có nghĩa là canh thịt, được chế biến từ các loại thịt: thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa và thịt lợn.
Tất cả các bộ phận từ lòng, tim, gan, phổi, tiết, thịt… đến xương của con vật đều được cho vào chảo nước đun nhừ cùng các loại gia vị như thảo quả, quế, hồi… công thức truyền thống của đồng bào Mông. Đàn ông Mông đi chợ đều ăn thắng cố và uống rượu với bạn bè. Người nào say khi về chợ là người tốt phúc bởi có nhiều bạn.
Ăn thắng cố theo phong tục đồng bào Mông là ngồi xổm, đặt bát thắng cố lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muôi gỗ. Ăn thắng cố là phải uống rượu ngô ủ bằng men lá. Con trai hay con gái đều có thể say bên bàn thắng cố.
Cháo ấu tẩu
Món cháo ấu tẩu là thức ăn bổ dưỡng và thường ngày của người dân Hà Giang. Cháo ấu tẩu có màu nâu đậm, nhìn giống bát cháo lòng ở dưới xuôi, có vị bùi, béo và rất thơm.
Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn giản mà nó còn là thuốc bổ. Cháo ấu tẩu chỉ bán vào buổi đêm, cháo ấu tẩu có tác dụng bồi bổ xương cốt, xua tan mệt mỏi và tạo nên những giấc ngủ ngon.
Bánh tam giác mạch
Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân sẽ thu hoạch hạt cây để làm ra bánh tam giác mạch. Lên các phiên chợ ở Hà Giang, các bạn sẽ bắt gặp những người phụ nữ vùng cao ngồi bên bếp than cùng với chồng bánh tam giác mạch.
Bánh tam giác mạch có giá giao động từ 10k – 15k/ chiếc. Bánh có vị hăng đặc trưng của tam giác mạch cùng với vị bùi béo, mềm, xốp.
Thắng dền
Lên Hà Giang, ngồi bên bếp lửa làm bát thắng dền thì thật là tuyệt. Thắng dền giống bánh trôi tàu của Hà Nội được làm từ gạo nếp.
Bánh có 2 loại nhân là: nhân chay và nhân đỗ. Nước dùng được pha với nước cốt dừa, đường, gừng đun nóng, có thể rắc thêm ít lạc lên cho có vị bùi.
| Đọc thêm: 11+ đặc sản Hà Giang hấp dẫn làm say lòng dân du lịch bụi
Hy vọng, với bài “Kinh nghiệm – Cẩm nang du lịch Hà Giang” sẽ giúp ích trong hành trình khám phá Hà Giang của các bạn. Chúc các bạn có một chuyến đi thuận lợi và nhiều vui vẻ nhé!